Rời xa thành phố thì về đâu?

HỒNG VÂN 22/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến một làn sóng - không quá lớn nhưng rõ ràng của một bộ phận cư dân, đặc biệt là thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ năm 1981-1996) - “tản cư” khỏi các thành phố lớn.

Dọn đến New Jersey, những người từng sống ở New York được trải nghiệm cuộc sống yên tĩnh hơn. Ảnh: Công ty bất động sản JMF
Dọn đến New Jersey, những người từng sống ở New York được trải nghiệm cuộc sống yên tĩnh hơn. Ảnh: Công ty bất động sản JMF

Họ không đi thẳng về vùng ngoại ô xa xôi, mà dừng chân ngay rìa thành phố hay một thành phố vệ tinh - nơi không quá xa khu trung tâm, cũng không quá yên bình kiểu nông thôn với tiện ích, không gian rộng, thoáng và giá thuê rẻ hơn.

Tuy xa mà gần

Khi New York bị dịch COVID-19 hoành hành vào tháng 3-2020, nữ giáo viên Ali Iberraken đã đưa gia đình nhỏ của mình rời thành phố lớn nhất nước Mỹ đến một ngôi nhà thuê trong rừng ở bang Virginia.

Dù ban đầu dự định chỉ ở 3 tuần, nhưng cuối cùng họ ở đây 2 tháng vì yêu cuộc sống bình yên và sự bí ẩn của môi trường xung quanh. Giờ đây, Iberraken cảm thấy thật khó khăn khi phải quay lại “khu rừng bêtông cốt thép” ở New York, cô nói với tạp chí Fortune hồi tháng 7.

Trường hợp của Iberraken không phải là cá biệt. Trên thực tế, việc giới trẻ Mỹ rời bỏ thành phố lớn là một xu hướng đáng chú ý trong đại dịch. Cụ thể, số giao dịch bán nhà ở khu vực ven New York tăng lên vào tháng 3-2020. Từ tháng 6-2020 trở đi, xu hướng này càng rõ nét.

Theo báo New York Times, nhiều gia đình quyết định rời New York để tìm một ngôi nhà cho thuê ngắn hạn hoặc một căn hộ thứ hai rộng rãi hơn - nơi họ có thể làm việc tại nhà cùng lũ trẻ, đảm bảo khoảng cách an toàn với người khác và cả trong gia đình.

Nhóm đối tượng này có hai tiêu chí quan trọng là: giá thuê/mua nhà hợp lý hơn và môi trường sống năng động - có thể đi dạo, thể dục. Các bất động sản tương tự ở New York rất khó đáp ứng hai tiêu chí này.

Jeffrey Otteau - chủ tịch và là nhà sáng lập Tập đoàn Otteau Group, công ty chuyên phân tích và thẩm định bất động sản - cho biết xu hướng rời khỏi vùng nội thị thể hiện rất rõ ở khu vực phía đông bắc của New Jersey.

Trước dịch COVID-19, hạt Hudson, trong đó có thành phố Hoboken và Jersey, là những thị trường bất động sản sôi nổi nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu mua căn hộ, một sản phẩm bất động sản chính tại đây, đã giảm 13% từ tháng 1 đến tháng 8-2020. Thị trường nhà cho thuê cũng biến động do người thuê nhà dọn đi xa hơn.

Trong khi đó, thị trường nhà cho thuê ở ngoài khu vực Hudson lại sôi động hơn. Tại hơn 19 hạt ven đô của bang New Jersey, các tổ hợp căn hộ kèm tiện ích xung quanh sôi nổi chào đón những khách hàng mới.

Tại hạt Essex, Công ty PEEK chào 39 căn hộ cho thuê nhưng chỉ trong vòng 2 tuần có đến 50 khách hàng hỏi thăm, khoảng 60% trong số đó đến từ New York. Cuối tháng 8-2020, vợ chồng Sherri và LeRoy Lambert chuyển khỏi căn hộ 2 phòng ngủ ở Upper West Side (New York), nơi họ đã sống 28 năm, về một căn hộ cho thuê mới xây được ba năm tại Maplewood (New Jersey).

Người vợ cho biết đây là quyết định sáng suốt nhất của hai vợ chồng và họ dự định chuyển về ở hẳn ngôi nhà thứ hai trong 5 năm tới.

Benji và Arielle Klein, một đôi cũng nằm trong xu hướng về ngoại ô hiện nay ở Mỹ, tâm sự: “Thật lòng là tôi buồn khi rời New York, nhưng được an ủi là nhiều bạn bè cũng dọn tới New Jersey và tiền nhà thì rẻ hơn nhiều trong khi căn hộ lại rộng hơn gấp đôi”.

Ngoài khu vực vùng ngoại ô New Jersey, các tòa chung cư mới xây quanh New York ở Long Island, hạt Westchester và Rockland, những nơi trong bán kính khoảng hai giờ di chuyển tính từ trung tâm thành phố, cũng được nhiều người thuê nhà từ New York chú ý.

Ted Ferrarone, đồng chủ tịch của Công ty phát triển bất động sản Building and Land Technology, nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã dẫn dắt nhu cầu của giới trẻ, những người nay bỗng nhận ra sống và làm việc trong một căn hộ chật chội ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của họ”.

Erika Colon, sống tại một căn hộ một người khép kín ở New York trong 7 năm, nơi cô không có một cái bàn làm việc đúng nghĩa và thường phải gọi điện thoại trên giường của mình. Colon mới chuyển đến một căn hộ lớn hơn ở vùng ven đô New York, có phòng ngủ riêng, không gian rộng rãi và cả một cái bancông nhìn ra đài phun nước.

“Đôi khi bạn phải làm gì đó để mình cảm thấy thoải mái về tâm lý” - Colon chia sẻ và cho rằng việc ở vùng ven không làm cô lo lắng vì có việc gì “chỉ cần nhảy lên tàu là xong”.

Người dân ăn tại một nhà hàng gần như vắng tanh ở khu vực tài chính của Manhattan, New York ngày 9-9-2020. Ảnh: Reuters
Người dân ăn tại một nhà hàng gần như vắng tanh ở khu vực tài chính của Manhattan, New York ngày 9-9-2020. Ảnh: Reuters

Sự hòa trộn lý tưởng

Theo Fox Business ngày 4-9, Dunwoody, một thành phố vệ tinh của Atlanta (bang Georgia), là ví dụ hiếm về tăng trưởng kinh tế trong đại dịch. Dunwoody định vị thành phố này là một trung tâm đang phát triển, hứa hẹn nhiều việc làm.

Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ chuyển đến sống ở Dunwoody do bị hấp dẫn bởi yếu tố hòa trộn của một đô thị không quá sầm uất cũng không quá tĩnh lặng, cơ hội việc làm dồi dào, có chợ gần chợ xa, giá thuê hợp lý.

Michael Starling, giám đốc phát triển kinh tế của Dunwoody, tự hào khẳng định: “Dunwoody là nơi để mọi người đến sống và xây dựng một gia đình. Chúng tôi đang chuyển từ chú trọng xây các bất động sản bán lẻ và văn phòng cho thuê sang xây dựng khu dân cư để thành phố trở nên hài hòa hơn”.

Ngoài thị trường việc làm sôi động, môi trường thân thiện với doanh nghiệp, chi phí sinh hoạt chung vừa túi tiền và hệ thống phương tiện công cộng rộng khắp đã khiến Dunwoody trở thành vùng đất hứa cho cả thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z (sinh từ năm 1996-2015) sau đó. Khoảng 50% dân số ở Dunwoody là những người thuộc hai thế hệ này, tuổi trung bình của cư dân là 36.

Millionacres, một trang chuyên về đầu tư bất động sản, cảnh báo người cho thuê nhà ở thành phố lớn nên chuẩn bị tinh thần cho một làn sóng dọn đi ồ ạt của người thuê nhà về ngoại ô.

Điều này đặt ra thách thức với các chủ nhà ở thành phố, buộc họ phải tiếp thị căn hộ khác đi, quảng bá những giá trị khác như căn hộ có nhiều cửa sổ, thông thoáng, nhiều ngăn chứa đồ thay vì nhấn mạnh những tiện ích như gần nhà hàng, quán rượu mà nay đã không còn hấp dẫn.

Chủ nhà ở thành phố có thể cũng phải giảm giá trong ngắn hạn do nhu cầu của những người thuê nhà trẻ giảm đi.

Trong khi đó, chủ nhà ở vùng ven đô và ngoại ô lại có cơ hội thực sự để kiếm tiền trong hoàn cảnh mới. Chiến lược quảng bá sẽ nhắm vào các yếu tố như diện tích rộng, không gian bên ngoài thông thoáng. Ngoài ra, người trong độ tuổi 20, 30 cũng có xu hướng thích sống gần những người cùng độ tuổi hơn là với hàng xóm trong độ tuổi 40 đã có con cái đề huề, nên đây cũng là yếu tố hấp dẫn.■

Khảo sát công bố ngày 12-8 của Quicken, một phần mềm quản lý tài chính, với hơn 1.000 người thuộc thế hệ thiên niên kỷ thuê nhà ở nội đô cho thấy mặc dù 93% vẫn ở lại thành phố trong đại dịch, 37% trong số này cho biết họ cân nhắc chuyển nhà trong vòng một năm tới và 16% dự định chuyển nhà trong vòng 6 tháng tới.

Trong số những người muốn từ bỏ cuộc sống ở thành phố, 48% cho biết lý do là vì đại dịch COVID-19. Những biện pháp hạn chế chống dịch như giờ giới nghiêm, cấm tụ tập làm cho những thế mạnh của cuộc sống ở thành phố trở nên “có cũng như không”.

Họ cũng không còn muốn sử dụng phương tiện công cộng và do không còn phải đến cơ quan để làm việc mà có thể làm việc tại nhà, đa số đều cảm thấy không có lý do gì phải trả tiền thuê đắt đỏ ở thành phố.

Tất cả những điều này đều rất hợp lý. Đó là chưa kể đến thực tế nhà ở thành phố thường nhỏ hơn ở những vùng ven dù giá thuê cao. Sau nhiều tháng phải ở trong nhà, nhiều bạn trẻ cảm thấy tù túng, muốn có không gian sống rộng rãi hơn.

Suy cho cùng vẫn còn quá sớm để dự báo xu hướng rời thành phố của người trẻ có tồn tại lâu không và điều này xảy ra với thế hệ thiên niên kỷ, thế hệ Z hay cả những thế hệ lớn hơn. Rất có khả năng nhu cầu thuê nhà ở thành phố sẽ lại tăng lên khi đại dịch kết thúc. Jonathan Miller, cây bút về bất động sản ở New York, không cho rằng các thành phố ở Mỹ sẽ thưa vắng hơn.

“Có sự dịch chuyển ra ngoài thành phố, điều này đang xảy ra nhưng không phải là một xu hướng mạnh mẽ” - Miller nói với Fortune. Ông cũng cho rằng những gì đang xảy ra trong dịch COVID-19 khá giống sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 - châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Những sự kiện này khiến người thuê nhà rời khỏi New York, nhưng đó là một quyết định tạm thời. Nhiều người ra đi quay lại sau 1-2 năm.

Miller hi vọng một hiện tượng tương tự sẽ xảy ra với đại dịch COVID-19. Dù sao đi nữa, các thành phố lớn vẫn có sức hút của nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận