Sau lương là nhà ở xã hội

DU LONG 09/09/2015 19:09 GMT+7

TTCT- Yêu cầu “lương phải đủ mức sống tối thiểu” mới chỉ là một trong những yêu cầu cần thiết cho cuộc sống tối thiểu của người lao động dù họ đang lao động hay đang thất nghiệp. Bên cạnh giới chủ vốn phải trả lương, tham gia đóng bảo hiểm xã hội, không thể quên vai trò chủ chốt của nhà nước, “ông chủ” lớn nhất của mọi xã hội, trong việc bảo đảm cho các công dân một cuộc sống tối thiểu.

Một khu nhà ở xã hội ở ngoại ô Paris

1 Thật ra, ngay tại các nước đang là kinh tế thị trường 100% tự bao đời như Mỹ, Pháp..., người lao động thu nhập thấp đâu chỉ sống được nhờ đồng lương. Lương là để chi trả những chi tiêu thường dùng, trong khi nhà ở, trường học cho con cái, bệnh viện đã có những hình thức bảo đảm của nhà nước, tùy xã hội mà có cách đáp ứng khác nhau song cùng mục đích là hỗ trợ người thu nhập thấp.

Tại Mỹ, người nghèo được hưởng chế độ mà người Việt bên đó gọi tắt là housing. Đây là một phần trong công việc của Bộ Nhà ở và phát triển đô thị (HUD). Có thể nêu thí dụ một gia đình người nhập cư hợp pháp từ Việt Nam, người chồng thất nghiệp, người vợ chỉ có một công việc bán thời gian và ba đứa trẻ dưới 18 tuổi còn đi học. Gia đình đó nộp đơn xin hỗ trợ housing và được nhà nước trả tiền thuê nhà hằng tháng hơn 2.000 USD, trong khi chỉ phải tự trả tiền túi ba, bốn trăm!

Số tiền housing đó là từ một chương trình lớn của chính phủ liên bang nhằm hỗ trợ các gia đình có thu nhập rất thấp, người già và người tàn tật, giúp họ có được nhà ở đàng hoàng, an toàn và vệ sinh.

Các gia đình, cá nhân tham gia chương trình này có thể tự do tìm nhà riêng của họ, bất kể là nhà phố, biệt thự hay căn hộ, miễn là chỗ ở đó nằm trong các dự án nhà ở được trợ cấp, do các cơ quan nhà ở công cộng (PHA) quản lý.

Các PHA nhận kinh phí liên bang từ HUD. Mỗi gia đình được cấp phiếu housing tự có trách nhiệm tìm một căn nhà phù hợp sự lựa chọn của mình, mà chủ sở hữu đồng ý cho thuê theo chương trình housing. Các đơn vị nhà ở cho thuê phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và an toàn, được xác định bởi PHA.

Tiền trợ cấp nhà ở được trực tiếp trả cho chủ nhà bởi PHA thay mặt cho các gia đình tham gia. Các gia đình sau đó trả tiền chênh lệch giữa tiền thuê thực tế tính của chủ nhà và số tiền trợ cấp của chương trình.

2 Ở nước Pháp, tình hình có khác, với hệ thống HLM - nhà ở giá thuê phải chăng dành cho những người có thu nhập khiêm tốn do các cơ sở công gọi là OPH (cơ quan nhà ở) hoặc cơ sở tư gọi là ESH (xí nghiệp nhà ở xã hội, nay đổi tên thành SA HLM) - công ty nặc danh nhà ở giá phải chăng - xây dựng, quản lý.

Các cơ sở công và tư này đang quản lý khoảng 4,5 triệu căn, với tên gọi chung là nhà ở xã hội (logement social), tức khoảng 17% nhà ở tại Pháp. Nhà nước miễn thuế cho các cơ sở này, đồng thời trợ cấp đặc biệt hầu giúp các cơ sở này đảm đương được công việc xây dựng, quản lý, cho thuê các căn hộ chúng cư, và đảm bảo việc bán lại các căn hộ này cho người thuê.

Đặc điểm của hệ thống nhà ở giá thuê phải chăng này là giá thuê nhà rẻ hẳn so với giá thị trường, thường thì rẻ hơn khoảng 46% giá thuê bình quân, theo cơ quan thống kê Pháp INSEE. Cũng theo INSEE, nhờ được thuê nhà ở xã hội, công chúng có thể tiết kiệm được hằng tháng bình quân 227 euro, tức khoảng 40% lương tối thiểu.

 Nhà ở xã hội còn được xem là một thành tố quan trọng của điều gọi là “đồng lương gián tiếp” (le salaire indirect).

Tất nhiên, chính sách nhà ở xã hội ở Pháp vẫn luôn trong tình trạng cung ít hơn cầu, phải “xếp hàng dài” năm này sang năm khác song hệ thống này vẫn hoạt động hữu hiệu.

Người viết bài trực tiếp biết trường hợp một phụ nữ một con, sau khi ly hôn đã được phân phối ngay lập tức một căn hộ HLM vì đây là trường hợp khẩn cấp. Trong thực tế của xã hội cùng chính trường Pháp, nhà ở xã hội không hề là một hệ thống ban phát “chính sách” theo kiểu xin/cho mà là một biểu hiện của sự dấn thân xã hội của từng đảng chính trị trong đơn vị bầu cử của mình.

Sự hoạt động trơn tru của các cơ quan nhà ở công cộng cũng như các công ty nhà ở tư nhân trong từng tỉnh thành gắn với uy tín của đảng đang nắm hoặc ghế thị trưởng hay các ghế đại biểu dân cử ở địa phương đó. Khi nói rằng thành phố này là cứ điểm của đảng này hay đảng kia, điều đó cũng đồng nghĩa rằng đảng đó đã và đang xem việc phục vụ tận tụy các cử tri của mình như là “gìn giữ con ngươi” của mình.

Nhà ở xã hội là một câu chuyện đã được Việt Nam lưu tâm, dù còn rất nhiều vấn đề trong vận hành chính sách liên quan. Vấn đề là cần nhìn nhận rằng tăng lương trực tiếp mới chỉ là một khía cạnh có phần hạn chế để cho người lao động sống qua ngày, và cần xem việc giúp người lao động an cư bằng cách này hay cách kia như là một đồng lương gián tiếp.

Từ đó phân bố ngân sách hướng đến số đông và sự an cư của người lao động như là thành tố tối quan trọng đảm bảo ổn định xã hội và cả chính trị. Và cũng từ đó cải tạo các “công ty dịch vụ công ích” thành những “cánh tay” của chế độ vừa phục vụ số đông quần chúng, vừa đảm bảo công ích cho chế độ. 

Từ góc nhìn đó, sẽ không băn khoăn lắm nữa khi bàn bạc chuyện tăng lương bao nhiêu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận