​Sinh viên và hội đồng trường 

PHẠM THỊ LY 13/01/2015 03:01 GMT+7

TTCT - Sự đa dạng thành phần của hội đồng trường không phải để bảo vệ những lợi ích khác nhau hay đối lập nhau của các bên, mà là để nhìn lợi ích của nhà trường như một tổng thể từ quan điểm của các bên khác nhau.

Phát biểu nổi tiếng của Ralph Waldo Emerson (1803-1882), nhà viết tiểu luận, triết gia danh tiếng người Mỹ: “Bí quyết của giáo dục nằm ở việc tôn trọng người học”

Điều lệ trường ĐH vừa ban hành đã cải thiện thẩm quyền của hội đồng trường (HĐT) theo hướng tiến đến gần hơn với thực tiễn quốc tế. Tuy vậy, điều lệ bỏ ngỏ sự tham gia của các cựu sinh viên và sinh viên.

 Về nguyên tắc, HĐT nên bao gồm các bên liên quan chủ yếu của trường ĐH, vì trong quản lý có một quy luật là những người chịu tác động trực tiếp nhất của quyết định sẽ là người tham gia tích cực và hiệu quả nhất vào quá trình ra quyết định.

 Trường ĐH là một tổ chức có liên quan tới rất nhiều bên: nhà nước, các doanh nghiệp và thị trường lao động, các tổ chức xã hội, giảng viên, nhân viên, sinh viên... Sinh viên vừa là “khách hàng”, vừa là “sản phẩm”, vừa là thành viên quan trọng nhất của trường ĐH. Không có sinh viên thì không có trường ĐH. 

Thế nhưng có rất nhiều chính sách và quyết định được đưa ra ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên, mà những người có thẩm quyền và trách nhiệm dường như chưa nghĩ đến việc tìm hiểu quan điểm của họ. Một quyết định càng dựa trên nhiều thông tin xác thực từ nhiều phía chừng nào thì càng có khả năng tránh được sai lầm chừng đó. 

Một số nước như Úc, Colombia, Philippines có quy định trong điều lệ hoặc quy chế tổ chức hoạt động của trường về những ai phải có trong thành phần của HĐT nhằm đảm bảo sự đa dạng. Ở Tanzania, HĐT phải có mặt của sinh viên, cựu sinh viên và nữ giới. University of Cape Town quy định thành phần HĐT có mặt của nhà tài trợ. Chile, Malaysia, Tây Ban Nha quy định có đại diện của cộng đồng ở địa phương. 

Hiện nay, nhiều trường muốn có cả học giả/nhà quản lý quốc tế trong thành phần HĐT nhằm giúp nhà trường bắt kịp những kinh nghiệm quốc tế trong giáo dục ĐH (như trường hợp University of Botswana, University of Nairobi (Kenya), University of Tokyo và các trường công của Thái Lan).

Ở Hoa Kỳ, sự có mặt của sinh viên trong HĐT chẳng những là một thực tế phổ biến, thậm chí họ còn là thành viên đương nhiên của HĐT, do hội đồng giảng viên bầu chọn. Có trường cựu sinh viên chiếm một nửa tổng số thành viên HĐT (1). 

Sở dĩ như vậy vì họ quan niệm sinh viên là thành phần quan trọng nhất của trường ĐH, là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất bởi các quyết định của nhà trường và HĐT cần lắng nghe quan điểm của họ. Cựu sinh viên nên có mặt trong HĐT vì họ chính là cầu nối giữa nhà trường và xã hội, là người mang lại sinh khí mới, sức sống, sự hỗ trợ và cả nguồn lực để xây dựng nhà trường.

Nhiều trường ĐH đã nhận ra rất rõ điều này và do vậy có hẳn một mục trên trang web giới thiệu những gương mặt cựu sinh viên có ảnh hưởng của họ, như một phần quan trọng tạo nên danh tiếng và chất lượng của trường.

Có ý kiến nghi ngờ tầm quan trọng về sự hiện diện của sinh viên trong HĐT, một phần vì cho rằng sinh viên chưa đủ trưởng thành để tham gia cơ chế ra quyết định của nhà trường. 

Có một quan niệm sai lầm cho rằng sinh viên có mặt trong HĐT để bảo vệ quyền lợi của sinh viên, cũng như giảng viên cần có mặt trong HĐT để lên tiếng bảo vệ quyền lợi của giới giảng viên.

Thật ra, sự đa dạng thành phần của HĐT không phải để bảo vệ những lợi ích khác nhau hay đối lập nhau của các bên, mà là để nhìn lợi ích của nhà trường như một tổng thể từ quan điểm của các bên khác nhau. Nhờ sự đa dạng về góc nhìn, HĐT có thể đạt đến những quyết định tốt nhất cho nhà trường. 

Có người cho rằng những cơ chế góp ý đang có trong trường đã quá đủ để phản ánh tiếng nói của sinh viên nếu lãnh đạo nhà trường thật sự muốn lắng nghe. Nhưng thật ra gửi thư góp ý và tham gia HĐT là hai việc rất khác nhau. Vấn đề là nhà trường đối xử với sinh viên như thế nào thì họ sẽ có một chiến lược đáp ứng như thế.

Nếu nhà trường cho phép sinh viên góp ý nhưng không thật sự lắng nghe họ, không có giải pháp cho những vấn đề được phản hồi thì họ sẽ không góp ý nữa mà tự tìm cách giải quyết, và không phải lúc nào cách giải quyết tự phát đó cũng tốt cho cá nhân họ và cho bầu không khí chung của trường. 

Trong khi đó, tham gia HĐT là trao cho họ thẩm quyền và trách nhiệm chia sẻ sự thành bại của nhà trường như một tổng thể, đòi hỏi họ phải suy nghĩ những vấn đề của nhà trường với một tầm nhìn thích đáng từ quan điểm của sinh viên. 

Hiển nhiên việc đó đòi hỏi ở họ những phẩm chất không phải ai cũng có sẵn, nhưng đó là một cơ hội quý giá để trưởng thành, và họ sẽ chia sẻ những trải nghiệm đó với các bạn đồng học, thúc đẩy các bạn khác đóng góp công sức để tạo nên một môi trường ĐH có ý nghĩa.

Cựu sinh viên, nếu là doanh nhân thành đạt công tác ở gần trường mà tham gia hội đồng trường cũng rất tốt. Nhưng cũng không nên quá gò ép. Chẳng hạn ĐH Thái Nguyên vừa thành lập hội đồng ĐH xong, có mời các thành phần bên ngoài, ví dụ một vị lãnh đạo của tỉnh - nơi mà Nhà nước và Bộ GD-ĐT có ủy quyền trực tiếp quản lý ĐH, hoặc chúng tôi mời giám đốc Sở GD-ĐT địa phương. Thật ra họ cũng toàn là cựu sinh viên ĐH Thái Nguyên, nhưng hiện nay họ tham gia hội đồng ĐH trong vai trò là lãnh đạo ngành GD-ĐT của địa phương.

Còn với sinh viên đang học, tôi nghĩ họ có thể tham gia được vì họ là những tiếng nói đại diện cho giới của họ. Đây là một tổ chức dân chủ phản biện các chính sách, các kế hoạch chiến lược của một ĐH. Nếu sinh viên có tiếng nói trong tổ chức này sẽ rất tốt. Tuy nhiên, một môi trường ĐH dân chủ thì thể hiện qua nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn chúng ta có hội sinh viên.

Hội đồng trường thường xem xét những chính sách lớn mà ban giám đốc ĐH đưa ra, từ đó họ phản biện, góp ý rồi nghị quyết. Trên cơ sở nghị quyết đó, giám đốc hoặc hiệu trưởng mới tiến hành thực hiện. Trong cuộc họp hội đồng trường có thể mời một số thành phần bên ngoài tham gia, giống như hội đồng nhân dân, tức là mời thành phần của Đoàn TNCS, của công đoàn, của hội sinh viên... Lúc đó các thành phần này có thể đóng góp thêm vào đường lối chính sách, chiến lược phát triển của ĐH. Vấn đề là phải quán triệt mục tiêu của hội đồng trường là tạo ra hoạt động dân chủ, những người tham gia phải thật sự có kinh nghiệm, năng lực, công tâm để suy xét về sự phát triển của ĐH. Còn vào cho đủ cơ cấu thì cũng chẳng để làm gì!

GS-NGND Đặng Kim Vui (giám đốc ĐH Thái Nguyên) 

Hội đồng trường rất quan trọng bởi đó là tổ chức giúp điều tiết toàn bộ hoạt động chiến lược tổng thể chứ không để một mình hiệu trưởng chi phối. Nếu hiệu trưởng là người hiểu biết sâu rộng và có triết lý giáo dục, quản lý giáo dục tốt thì an tâm. Nhưng không phải các lãnh đạo của ta đều được đào tạo, đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gánh vác chức danh hiệu trưởng. Chính vì thế càng cần hội đồng trường để điều tiết, mọi việc quan trọng phải thông qua hội đồng trường.

Sinh viên là kênh phản ảnh trực tiếp về những vấn đề mà trường có thể phải đưa ra mổ xẻ, ví dụ về chất lượng giáo dục, chương trình đào tạo, việc làm, đạo đức - tư cách giảng viên... Có những việc sinh viên có thể chưa tham gia nhưng đại diện cựu sinh viên thì nên.

Hiện nay có thể nói sinh viên của ta chưa đủ tầm, chưa đủ trình độ như sinh viên của nước ngoài. Tính tự lập, tự chủ chưa cao, còn rụt rè khi được tự nói lên chính kiến của bản thân. Nhưng nếu vì thế mà không làm thì chẳng bao giờ làm được cả. Thà rằng cứ làm nhưng chọn những người thật sự có quan điểm xây dựng, những người thật sự mong muốn nhà trường phát triển (nếu chọn những người ít nói, ít dám bày tỏ chính kiến thì không có còn hơn). Đại diện tiếng nói của sinh viên phải là những người được cộng đồng sinh viên tin tưởng, tôn vinh thì họ mới an tâm, và nên lấy sinh viên học những năm cuối.

Ngoài ra, tham gia hội đồng trường nên có đại diện cựu sinh viên. Tôi là chủ tịch Hội cựu sinh viên VN tại Nhật Bản gần 10 năm nay nên tôi biết rõ các trường ĐH Nhật cũng mời cựu sinh viên tham gia hội đồng trường. Việc này thật sự hữu ích trong quá trình xây dựng trường ĐH lớn mạnh chứ không phải để đủ mâm đủ bát.

Mỗi trường ĐH của họ thường có hội cựu sinh viên, chủ tịch hội cựu sinh viên đó thường được mời vào hội đồng trường. Những người được mời vào hội đồng trường đều có được một phiếu rất quan trọng trong quá trình bàn về các chính sách của nhà trường, đó là người thường có tính chất xây dựng, có tố chất thủ lĩnh.

Bản thân cựu sinh viên là sản phẩm của một trường ĐH, lại đã ra ngoài công tác nên biết rõ cái gì hay cái gì dở của trường. Tiếng nói của họ là những ý kiến phản biện rất quan trọng trong quá trình phân tích, mổ xẻ, tìm kiếm con đường phát triển của ĐH, mặc dù không phải bao giờ mổ xẻ xong cũng làm được như ý muốn vì nhiều khi lực bất tòng tâm (ví dụ muốn đào tạo đỉnh cao nhưng số giảng viên có trình độ tiến sĩ rất ít). Nhưng hiện nay chúng ta rất cần những ý kiến mang tính chất phản hồi từ người học.

PGS Nguyễn Ngọc Bình (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội)

________________________________________

(1): http://governingboards.rutgers.edu/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận