Thị trường lao động hậu Covid-19: Thách thức cho lao động giản đơn

PHAN BẢO 29/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Những thay đổi trong hoạt động kinh doanh do đại dịch COVID-19 gây ra có thể thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng và cải tiến nhanh hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những lao động giản đơn, dễ bị tổn thương khi cơn khủng hoảng được kiểm soát.

 
 Ảnh: The America Prospect

“Một khi một công việc được tự động hóa, rất khó để mọi thứ trở lại như xưa” - Casey Warman, nhà kinh tế học tại Đại học Dalhousie (Canada) đã nghiên cứu về tự động hóa trong đại dịch, chia sẻ với The New York Times.

Đó cũng là mối lo của nhiều kinh tế gia, rằng làn sóng tự động hóa mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh vì COVID-19 về lâu dài có thể xóa sổ nhiều công việc và khiến người lao động mất đi vị thế thương lượng với nhà tuyển dụng, đặc biệt là những người vốn có mức lương thấp.

Lao động giản đơn gặp khó

Theo nghiên cứu “Điều gì xảy ra tiếp theo đối với người tiêu dùng, người lao động và các công ty trong quá trình khôi phục sau COVID-19” công bố hồi tháng 5 của Hãng tư vấn McKinsey, những thay đổi trong cách sống và làm việc của con người do COVID-19 sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đối với thị trường lao động sau khi đại dịch lắng xuống.

Qua khảo sát các xu hướng thay đổi của 8 nền kinh tế (Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh - chiếm 45% dân số và hơn 60% GDP toàn cầu), McKinsey nhận định: COVID-19 đã buộc con người chuyển mọi hoạt động có thể sang môi trường trực tuyến, từ đó thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật số hàng loạt vốn diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn rất nhiều trước đại dịch.

Các công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, hủy mọi lịch trình công tác, họp hành đều được đưa lên không gian mạng. Người tiêu dùng truy cập trực tuyến để từ mua hàng tạp hóa, học tập đến tập thể dục và khám bệnh.

Các doanh nghiệp cũng chuyển sang sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật số theo những cách mới để đảm bảo các yêu cầu về giãn cách và hạn chế tiếp xúc. Chẳng hạn, các đại lý bán ôtô thông qua email, tin nhắn, phần mềm Zoom và ứng dụng Facetime mà không cần thực hiện bất kỳ liên hệ vật lý nào với khách hàng.

Các công ty giảm mật độ nhân viên tại nơi làm việc bằng cách chuyển sang tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia kỹ thuật có thể xử lý vấn đề xảy ra ở nhà máy cách họ hàng nghìn cây số thông qua công nghệ thực tế ảo mà không cần phải bay đến tận nơi.

Những thay đổi này không những mang lại nhiều sự tiện lợi mà còn góp phần giúp công việc đạt hiệu quả và năng suất cao hơn. Nhưng sự tăng trưởng đó sẽ diễn ra không đồng đều giữa các đối tượng lao động khác nhau. Sự chênh lệch này sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn hậu COVID-19, khi cơ hội việc làm giữa các nhóm ngành nghề cũng sẽ khác nhau.

Cụ thể, theo báo cáo của McKinsey, tăng trưởng việc làm có thể sẽ chỉ xảy ra ở những ngành nghề có mức lương cao như chăm sóc sức khỏe và các ngành nghề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; việc làm trong lĩnh vực vận tải cũng có thể sẽ tăng lên nhờ sự phát triển của nền kinh tế giao hàng tận nơi, mặc dù trước dịch, cơ hội trong mảng này được dự báo là sẽ suy giảm.

Trong khi đó, tình trạng giảm nhu cầu có thể kéo dài đến năm 2030 đối với nhiều nghề khác như dịch vụ khách hàng, bán hàng, dịch vụ ăn uống và các vai trò hỗ trợ văn phòng, chẳng hạn trợ lý hành chính và kế toán. Sự gián đoạn nhu cầu này có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến các công việc có mức lương thấp, vốn từng là lựa chọn an toàn cho người lao động bị mất việc do công ty phá sản hay đóng cửa.

 

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Viễn cảnh kém lạc quan của McKinsey có vẻ hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở phương Tây khoảng đầu năm nay, khi nền kinh tế dần mở cửa lại. Theo The New York Times, các nước như Mỹ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với bồi bàn, người giúp việc khách sạn, nhân viên bán lẻ và những người làm các ngành dịch vụ đã cắt giảm nhân sự trong thời kỳ giãn cách xã hội. Đồng thời, các phúc lợi trong thời COVID-19 của chính phủ cho phép người lao động trở nên kén chọn hơn trong việc lựa chọn việc làm.

Kết hợp với nhau, các yếu tố đó đã mang lại cho những người lao động lương thấp một cơ hội hiếm hoi để san bằng vị thế thương lượng với nhà tuyển dụng, dẫn đến việc được trả lương cao hơn, hưởng lợi ích hào phóng hơn bên cạnh các đặc quyền khác. Tuy nhiên, những lợi ích kể trên của người lao động lương thấp chỉ tồn tại một cách ngắn ngủi khi các thành quả của tự động hóa nhanh chóng đẩy lợi thế về phía người sử dụng lao động.

Theo khảo sát trên gần 300 công ty toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm ngoái, 43% doanh nghiệp cho biết họ dự định sẽ cắt giảm lực lượng lao động thông qua việc sử dụng công nghệ mới. Marc Perrone - chủ tịch Liên hiệp Công nhân thương mại và thực phẩm Mỹ, một công đoàn đại diện cho công nhân ngành hàng tiêu dùng - chia sẻ: “Mọi người từng gọi họ [những lao động trong ngành hàng tiêu dùng] là những anh hùng. Giờ đây người ta chỉ tìm cách để loại bỏ họ”.

Tại nhiều doanh nghiệp Bắc Mỹ, tự động hóa đã ảnh hưởng đến số lượng và loại hình công việc sẵn có. Nhà hàng dùng lò nướng không cần sự giám sát của nhân viên, siêu thị lắp đặt làn cho khách hàng tự thanh toán, cửa hàng sử dụng robot để phát hiện những chỗ thức ăn bị rơi vãi và kiểm tra hàng tồn kho, các chuỗi bán lẻ dùng robot để đóng gói đơn hàng và thậm chí sử dụng thiết bị không người lái để giao hàng.

McKinsey dự báo hơn 100 triệu công nhân tại 8 quốc gia trong nghiên cứu có thể sẽ cần phải thay đổi nghề nghiệp vào năm 2030. Con số này cao hơn 12% so với ước tính của hãng tư vấn này trước đại dịch. Nhưng để có được công việc trong các ngành nghề được dự báo sẽ tăng cầu, người lao động sẽ phải trang bị những kỹ năng hoàn toàn khác biệt so với nhiều công việc có mức lương thấp và trung bình và có khả năng bị thay thế bởi tự động hóa.

Theo McKinsey, sự bất bình đẳng trong mức thu nhập và tiết kiệm giữa các đối tượng lao động sẽ tiếp tục khoét sâu trong giai đoạn hậu đại dịch.

COVID-19 khiến người tiêu dùng giảm mạnh các khoản chi cho các hoạt động du lịch, giải trí, ăn uống tại nhà hàng và các dịch vụ trực tiếp khác. Tình hình này khiến nhiều người lao động có thu nhập thấp trong mảng dịch vụ bị cho nghỉ việc tạm thời hoặc thậm chí bị sa thải. Mặc dù nhiều chính phủ tung ra các gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ, những khoản hỗ trợ đó chỉ đủ để giúp người lao động bù đắp lại phần thu nhập bị mất và giảm thiểu những hệ quả không mong đợi từ tình trạng thất nghiệp.

Trong khi đó, các hộ có thu nhập cao và có các thành viên trong gia đình được phép làm việc từ xa thì tăng tiết kiệm, bởi họ hầu như không có cơ hội chi tiêu cho du lịch, vui chơi, ăn uống và các hình thức giải trí khác. Các chuyên gia của McKinsey đánh giá khoản dành dụm rủng rỉnh sẽ tạo điều kiện để nhiều hộ gia đình chi tiêu mạnh mẽ khi đại dịch được kiểm soát. 

Một góc nhìn khác

Theo The New York Times, ở một góc nhìn khác, một số nhà kinh tế coi việc gia tăng đầu tư vào công nghệ là một điều đáng khích lệ. Tờ này dẫn lời Katy George, chuyên gia cao cấp của McKinsey, cho biết tự động hóa có thể gây hại cho những đối tượng lao động nhất định, nhưng nếu nó làm cho nền kinh tế trở nên năng suất hơn, điều đó có thể tốt cho cả người lao động.

Với cùng quan điểm, Rob Carpenter, giám đốc điều hành của Valyant AI - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Colorado chuyên tạo ra hệ thống nhận dạng giọng nói cho các nhà hàng - cho biết tại hầu hết các nhà hàng, việc nhận đơn đặt hàng chỉ là một phần trong công việc hằng ngày của nhân viên. Tự động hóa nhiệm vụ đó không loại bỏ hoàn toàn nghề của họ, mà chỉ làm cho công việc dễ quản lý hơn.

Theo kênh NBCnews, một số nhà kinh tế cho rằng việc ứng dụng máy móc tuy làm mất đi một số công việc nhưng cũng tạo ra những công việc mới. Họ lý giải: máy móc giúp giá thành thấp hơn, doanh số bán hàng tăng lên và cần nhiều nhân công để làm ra hàng hóa hơn. Nhân công có thể tham gia những khâu mới, phức tạp hơn mà máy móc không thể thay thế được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận