Thu ngân sách đè nặng kinh tế trong nước

VŨ ĐÌNH ÁNH 24/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Đóng góp của dầu thô và xuất khẩu vào nguồn thu ngân sách đã sụt giảm và thu nội địa đang giữ vai trò thay thế. Trong khi đó, tình trạng chi vượt dự toán gần như chắc chắn sẽ tái diễn.

Nhờ thu nhập của một bộ phận dân cư cải thiện, thuế thu nhập cá nhân thu được 40,7 nghìn tỉ đồng-Hữu Khoa
Nhờ thu nhập của một bộ phận dân cư cải thiện, thuế thu nhập cá nhân thu được 40,7 nghìn tỉ đồng-Hữu Khoa

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm ngày 15-9 ước đạt 640,4 nghìn tỉ đồng, bằng 70,3% dự toán năm.

Nghịch lý những con số

Đáng chú ý là trong khi thu nội địa tăng lên thì thu từ dầu thô đến thời điểm đó chỉ bằng 53,3% dự toán do giá dầu thực tế giảm còn khoảng một nửa so với giá dự toán 100 USD/thùng từ cuối năm 2014. Thêm vào đó, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 9,6% và tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước song thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đến ngày 15-9 bằng 64,5% dự toán cả năm.

Rõ ràng cơ cấu thu NSNN năm 2015 đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng giảm tỉ trọng thu NSNN từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu, tăng tỉ trọng thu nội địa.

Do một số điều chỉnh trong chính sách thu đối với một số tài nguyên khoáng sản và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đi đôi với cải cách thủ tục hành chính thuế nên nhiều khoản thu nội địa đạt khá, thậm chí có khoản thu đã hoàn thành dự toán cả năm.

Chẳng hạn như thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước là 88,4 nghìn tỉ đồng, bằng 74%, bất chấp số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong chín tháng vẫn lên tới 47.604, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Do thu nhập của một bộ phận dân cư được cải thiện cùng với sự phục hồi kinh tế và quản lý thu chặt chẽ hơn nên thuế thu nhập cá nhân thu được 40,7 nghìn tỉ đồng, bằng 79,3%. Thêm vào đó, thị trường bất động sản ấm dần lên có tác dụng tích cực tới một số khoản thu như lệ phí trước bạ đạt 15,4 nghìn tỉ đồng, bằng 99,9% và thu tiền sử dụng đất 39,4 nghìn tỉ đồng, bằng 101%.

Thông qua việc tăng gấp ba lần mức thu từ xăng dầu, thu thuế bảo vệ môi trường được ngay 15,1 nghìn tỉ đồng, vượt 17,1% so với dự toán cả năm. Dường như gánh nặng tăng thu NSNN đang dồn lên vai nền kinh tế trong nước, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang vật lộn với khó khăn và đời sống của đại bộ phận người dân chưa được cải thiện nhiều.

Thu thấp do bất chấp cảnh báo?

Thu NSNN đã bộc lộ điểm yếu cốt tử ngay từ khâu xây dựng dự toán khi bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia vẫn xây dựng giá dầu thô dự toán tới 100 USD/thùng, khiến kết cấu thu NSNN bị phá vỡ ngay từ khi chưa thực hiện dự toán.

Đáng ngạc nhiên là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước lại đạt thấp, chỉ 145,1 nghìn tỉ đồng, bằng 65,7% dự toán năm, trong khi thu từ doanh nghiệp có vốn FDI (không kể dầu thô) cũng chỉ được 94,2 nghìn tỉ đồng, bằng 66,1% - hoàn toàn không tương xứng với tốc độ phát triển và vai trò ngày càng tăng cao của khu vực này trong nền kinh tế, lý do có thể là tình trạng quản lý thuế chậm được cải thiện và chuyển giá gia tăng.

Sự chuyển dịch thu NSNN từ phụ thuộc quá nhiều vào thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu hàng chục năm qua (ngay trong dự toán thu NSNN năm 2015, thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tới 29,4% tổng thu) sang dựa chủ yếu vào các nguồn thu bền vững từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước (tỉ trọng thu nội địa đã chiếm 74,1% tổng thu NSNN tính đến 15-9-2015) đáng ra cần được tiến hành chủ động với chiến lược rõ ràng thì lại diễn ra phần nhiều mang tính bị động, thậm chí lúng túng.

Ngay cả sự kiện điều chỉnh tăng sốc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cũng mang tính chất đối phó, tình thế và tác động không lớn tới diễn biến giá cả thị trường cũng chỉ do may mắn là lạm phát năm 2015 quá thấp, hầu như không thay đổi suốt chín tháng qua với CPI chỉ tăng vỏn vẹn 0,4% so với cuối năm 2014 và bình quân chín tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2014.

Kết quả là cả các khoản thu vượt dự toán lẫn các khoản thu thấp xa so với dự toán đều không phản ánh đúng diễn biến kinh tế của đất nước cũng như khả năng dự báo và chủ động điều hành chính sách tài khóa nói chung, chính sách thuế phí nói riêng.

Tỉ lệ thu NSNN chín tháng đầu năm 2015 đã lên đến xấp xỉ 22,5% GDP - cao hơn hẳn mức động viên hơn 20,3% GDP của dự toán NSNN cả năm 2015, trong khi GDP chín tháng theo giá hiện hành mới đạt 63,6% kế hoạch cả năm. Căn cứ nỗ lực tăng thu trong nước để bù đắp hụt thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tiến độ thu NSNN thường tăng nhanh những tháng cuối năm, tổng thu NSNN năm 2015 vẫn có khả năng vượt so với dự toán như thông lệ hàng thập kỷ qua, nhất là GDP dự kiến có thể tăng cao hơn so với kế hoạch tăng 6,2%.

Kỷ luật chi vẫn chưa nghiêm

Cũng theo TCTK, tổng chi NSNN từ đầu năm đến ngày 15-9 ước đạt 776,4 nghìn tỉ đồng, tuy mới bằng 67,7% dự toán năm, tương đương 27,2% GDP, nhưng cũng cao hơn hẳn tỉ lệ chi NSNN là 25,6% GDP trong dự toán.

Nếu tốc độ chi NSNN này được duy trì đến cuối năm thì hoàn toàn có khả năng truyền thống chi NSNN vượt dự toán sẽ tái hiện trong năm 2015. Trong khi chi đầu tư phát triển tiếp tục xu hướng sụt giảm với 116,6 nghìn tỉ đồng, chỉ bằng 59,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 113,2 nghìn tỉ đồng, bằng 59,4%) thì chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính vẫn đạt 542,8 nghìn tỉ đồng, bằng 70,8%, thậm chí chi trả nợ và viện trợ còn tới 110,4 nghìn tỉ đồng, bằng 73,6%.

Theo đó, vốn đầu tư thuộc NSNN chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2014 - chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỉ lệ chi thường xuyên từ NSNN sau chín tháng đã chiếm tới 85% tổng chi NSNN, riêng chi trả nợ và viện trợ chiếm 14,2% tổng chi NSNN.

Xu thế thiếu nguồn lực cho chi đầu tư phát triển (ngay cả nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ cũng chỉ tăng vỏn vẹn 2,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 43,5 nghìn tỉ đồng) do phần lớn NSNN phải dành cho chi thường xuyên trong khi cải cách hành chính thu được kết quả quá hạn chế.

Bên cạnh đó, hơn một thập kỷ qua chi trả nợ và viện trợ đều vượt dự toán, thậm chí vượt dự toán tới 31,7% như năm 2011 hay vượt trên 26% dự toán như năm 2009 và 2010.

Rõ ràng ngoài nguyên nhân biến động thị trường tài chính tiền tệ, chi NSNN liên tục vượt dự toán nói chung, chi trả nợ và viện trợ vượt xa dự toán nói riêng vừa chứng tỏ kỷ luật chi NSNN vẫn chưa được tuân thủ nghiêm túc, trong khi khả năng dự báo hạn chế tác động tiêu cực tới xây dựng dự toán NSNN hằng năm, chưa nói đến xây dựng NSNN trung hạn.

Mặc dù mức độ thu so với dự toán cao hơn chi so với dự toán, song thâm hụt NSNN chín tháng đã lên đến 136.000 tỉ đồng, chiếm hơn 60% dự toán bội chi NSNN cả năm và tương đương 4,8% GDP - thấp hơn so với mức bội chi 5% GDP theo dự toán, nguyên nhân chủ yếu là do GDP sau chín tháng đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, tuy không liên tục như chi trả nợ và viện trợ song chi trả nợ gốc - một yếu tố quan trọng gây nên bội chi NSNN - với quy mô hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm cũng thường xuyên vượt dự toán, thậm chí số chi vượt dự toán 38-65% giai đoạn 2009-2011.

Do đó, nhiệm vụ giữ bội chi NSNN năm 2015 không quá 5% GDP theo chuẩn Việt Nam và 3,6% theo chuẩn quốc tế không hề dễ dàng, khi chẳng những phần vượt thu NSNN so với dự toán không được dùng để giảm thâm hụt NSNN mà chi vượt dự toán còn làm bội chi NSNN vượt dự toán liên tiếp trong ba năm gần đây. Thậm chí quyết toán NSNN năm 2013 còn cho thấy bội chi NSNN tăng vọt lên 6,6% GDP - vượt xa mức bội chi theo dự toán chỉ có 4,8% GDP.

Rõ ràng, siết chặt kỷ luật tài khóa, đặc biệt kỷ luật chi NSNN, là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay.

Nguồn: Bộ Tài chính cập nhật đến ngày 30-9. Đồ họa: Tấn Đạt

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận