TPHCM - Một lần nữa tiên phong và dẫn dắt?

HUỲNH THẾ DU 14/10/2015 18:10 GMT+7

TTCT - Tháng 8-1982, một phiên họp “về công tác của TP.HCM” diễn ra ngay tại TP.HCM từ ngày 10 đến 19-8-1982. Gần một tháng sau đó, ngày 14-9-1982, một nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành.

Hình 1: Lực lượng lao động, GDP và xuất khẩu của các địa phương năm 2011 (Nguồn: Tổng hợp của các tác giả và các đồng nghiệp từ số liệu của các địa phương)
Hình 1: Lực lượng lao động, GDP và xuất khẩu của các địa phương năm 2011 (Nguồn: Tổng hợp của các tác giả và các đồng nghiệp từ số liệu của các địa phương)

Kể từ đó đến nay, Bộ Chính trị đã có ba lần ban hành nghị quyết về TP.HCM (nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14-9-1982, nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18-11-2002 và nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-8-2012), tất cả đều nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế và đặc biệt là vị trí chính trị (chỉ sau thủ đô Hà Nội).

Người tiên phong trong đêm trước đổi mới

Trong lời mở đầu nghị quyết 01-NQ/TW năm 1982, Bộ Chính trị đã khẳng định TP.HCM “rất năng động và giàu sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh”. Ngôn ngữ trong văn bản vốn có rất nhiều đoạn phê bình thành phố lúc đó đang chệch hướng XHCN chỉ viết vậy, nhưng đã nói lên một cách chân phương về tài sản quý giá của TP.HCM. Đó chính là khả năng đi tiên phong để tạo ra những cái mới.

Một trong những lý do thành phố bị phê bình gay gắt là do nhiều nơi khác đã bắt chước “xé rào”. Nói theo ngôn ngữ đời thường thì “tội” của thành phố là “đầu têu” đi chệch hướng. Tuy nhiên, điều thú vị là việc “xé rào” đã giúp TP.HCM giảm được một số khó khăn và trở thành một trong những nơi tiên phong dẫn đến ĐỔI MỚI I năm 1986.

Có lẽ vì vậy mà nghị quyết nhìn nhận: “Phải từ tình hình thực tế và những kinh nghiệm cụ thể, sinh động của TP. Hồ - Chí - Minh, cũng như của các tỉnh, thành khác, mà rút kinh nghiệm để mau chóng cải tiến cơ chế quản lý kinh tế trong cả nước, rà soát lại và kịp thời sửa đổi những chế độ, thể lệ quản lý quan liêu bao cấp đang gây trở ngại cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh...”. Đồng thời, TP.HCM cũng được yêu cầu “cần tiếp tục phát huy tính năng động, chủ động...”.

Trong hơn chục điển hình được giáo sư Đặng Phong nêu trong cuốn Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới thì có đến bảy là của TP.HCM. Những gì thành phố góp phần cho Đổi mới cũng được phân tích rất rõ trong cuốn Mười năm thành phố Hồ Chí Minh của bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh xuất bản năm 1985.

Điều thú vị là cho dù bị ngăn sông cấm chợ, nhưng những chuyển động ở TP.HCM đã tạo ra sự gắn kết hay cách làm mới cho cả vùng. Thành phố cũng như những người đứng đầu thành phố là điểm hướng đến, nơi đặt niềm tin cho ít nhất cả miền Đông và Tây Nam bộ. Vai trò anh cả của TP.HCM trong giai đoạn này rất đậm nét.

Địa điểm, thời khắc và con người đóng vai trò then chốt. Nói cách khác, đột phá thường chỉ xảy ra ở những cái nôi của tiên phong, và vào thời điểm xuất hiện nhân tố hay cách tiếp cận mới.

Hong Kong, Singapore và Busan là những điển hình ở bên ngoài. Trước khi chuyển mình, đây đã là những trung tâm kinh tế quan trọng ở Trung Quốc, Malaysia (Malaysia và Singapore tách ra từ năm 1965) hay Hàn Quốc. Khi thời khắc xuất hiện, các thành phố này đã chuyển mình để có được vị trí như ngày nay.

Ở trong nước, những đột phá trong nông nghiệp đến từ những cái nôi của nó: Vĩnh Phúc, Hải Phòng hay An Giang khi những nhân tố như Kim Ngọc xuất hiện. Những đột phá về sản xuất và thương mại xuất hiện ở TP.HCM khi có vai trò nổi bật của các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ - những người vừa đứng mũi chịu sào, vừa là những mắt xích kết nối then chốt.

Điều cần lưu ý là đằng sau mỗi đột phá là một liên minh gắn kết gồm lãnh đạo chính quyền, những người ở khu vực sản xuất và các tổ chức xã hội hay hoạt động cộng đồng như báo chí và các nhà nghiên cứu, lý luận. Liên minh này giống như một cơ thể sống hay bộ não tập thể cùng tư duy để cho ra những quyết định sáng suốt.

Dư địa phát triển - Bức tranh tương phản

Nhìn trong nước, TP.HCM đang ở vị trí số 1 trong hầu hết các thước đo cơ bản, nhất là về quy mô, độ sâu của kinh tế và thị trường (hình 1) cũng như nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như nơi tập trung của các doanh nghiệp lớn, các hoạt động kinh tế tinh vi...

TP.HCM cũng có những điểm sáng được xem là những bài học hay kinh nghiệm tốt cho nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là việc cải tạo thành công hệ thống kênh rạch nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị trong hơn hai thập kỷ qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá: “Dự án [cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè] đóng vai trò như một điểm chuẩn thành công trong cách thức sử dụng các tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, để cải thiện đời sống của người dân đô thị”.

Thêm vào đó là TP.HCM có rất ít nhà lụp xụp (ổ chuột) và tình trạng giao thông chưa đến mức thành những “bãi đậu xe khổng lồ” như một số thành phố trong khu vực. Một đô thị vẫn có thể được coi là khá hài hòa với những hộ gia đình ở các mức thu nhập khác nhau cùng sống với nhau về mặt không gian.

Tình trạng phân cực và quá trình tái phát triển mà ở đó người giàu chiếm chỗ, đẩy người nghèo ra những nơi bất lợi hơn không quá nghiêm trọng so với nhiều đô thị cùng mức phát triển trên thế giới. Đây là những đặc trưng rất riêng và tích cực của thành phố này.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh cạnh tranh và môi trường sống thì TP.HCM xếp rất thấp so với 12 thành phố có thể xem là đối thủ cạnh tranh trong khu vực (hình 2). Đây là điều rất đáng quan tâm và cần phân tích kỹ.

Một vấn đề rất lớn kìm hãm khả năng phát huy của vùng kinh tế động lực này là cơ chế phân bổ ngân sách. Hiện tại, ngân sách thành phố chưa bằng 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) - một mức rất thấp so với các thành phố mà cách đây vài thập kỷ chỉ ngang ngửa so với TP.HCM, nhưng hiện tại đã vượt lên rất xa là Thượng Hải và Bắc Kinh với con số vào khoảng 21%.

So với các đô thị phát triển khác như Hong Kong hay Singapore, tỉ lệ ngân sách so với GRDP của TP.HCM cũng rất thấp.

Vị trí thấp của TP.HCM là điều không vui. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là dư địa và khả năng trở nên thịnh vượng hơn của thành phố đang còn rất lớn.

Hình 2: Xếp hạng cạnh tranh của một số thành phố trong khu vực (Nguồn: Tổng hợp và tính toán của các tác giả và các đồng nghiệp)
Hình 2: Xếp hạng cạnh tranh của một số thành phố trong khu vực (Nguồn: Tổng hợp và tính toán của các tác giả và các đồng nghiệp)

Nơi có thể tạo đột phá?

TP.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn và trục trặc mà dự thảo văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM thừa nhận: “Chưa tạo được đột phá trong chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố... chậm tổng kết thực tiễn và nhân rộng các mô hình hiệu quả”.

Tuy thế, những nền tảng cho nhân tố mới đang bám rễ rất chắc ở nơi được mệnh danh là “mảnh đất của cơ hội” này và giờ đây có thể là thời khắc cho những đột phá. Sự cạnh tranh tạo ra giá trị trong các hoạt động kinh doanh ở thành phố đang rất sôi động.

Thoạt nhìn người Sài Gòn có vẻ dễ tính, nhưng đây là sự dễ tính để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, yêu cầu về chất lượng ở thị trường TP.HCM là rất cao.

Thị trường của nhiều sản phẩm dịch vụ đang rất dày đặc với nhiều phân khúc yêu cầu rất cao. Đây là một trong những yếu tố then chốt trong việc tạo ra những hàng hóa hay sản phẩm có sức cạnh tranh như phân tích trong mô hình kim cương của Michael Porter - người được xem là một trong những cha đẻ của lý thuyết cạnh tranh và chiến lược.

Nhiều doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao hay mang các nhân tố mới đang trải trong một phổ rất rộng như: CII, HFIC, IPC, Saigon Co.op, Saigontourist, Vissan và Vinamilk mang yếu tố sở hữu công; Ba Huân, Tôn Hoa Sen và Thép Miền Nam thuộc sở hữu tư nhân; Intel, Samsung và Phú Mỹ Hưng... thuộc sở hữu nước ngoài.

Những doanh nghiệp này đã tập trung vào các mũi nhọn quan trọng và khai khác được lợi thế của mình.

Những trục trặc và bất cập thể hiện khá rõ trong giai đoạn đầu khi mà sau hơn 20 năm thống nhất, cây cầu bắc qua sông Sài Gòn đầu tiên được xây thêm - cầu Bình Triệu II - lại do một công ty ở Đà Nẵng xây dựng và một ngân hàng ở Bình Định tài trợ. Trục trặc đã xảy ra với dự án này và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đã phải tiếp quản lại.

Tuy nhiên, những thay đổi và sự phát triển trong hơn một thập kỷ qua để phát huy được một số năng lực và nền tảng của TP.HCM là rất ấn tượng với ví dụ điển hình là CII có thể đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn II với tiến độ rất nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và độ thẩm mỹ cao.

Nhìn từ phía chính quyền, thành phố đang có những mầm ươm hay nhân tố có khả năng tạo ra đột phá, đặc biệt nơi lực lượng trẻ. Nền báo chí với những tờ báo có sức hút hàng đầu, một số cơ sở nghiên cứu cũng như các hình thái tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm trong xã hội ở thành phố đang rất năng động. Đây là yếu tố quan trọng của một môi trường tạo ra sự thảo luận sôi nổi cũng như sức ép để mọi thứ trở nên hiệu quả và duy lý hơn.

Những nền tảng của liên minh: chính quyền - doanh nghiệp - các tổ chức và các hoạt động xã hội của TP.HCM là rất rõ. Nếu có những kích hoạt cần thiết, những nhân tố này hoàn toàn có thể hình thành một liên minh mạnh đưa TP.HCM cất cánh, tạo đột phá cho cả nước.

Một điều cực kỳ quan trọng nữa là tiềm năng và khả năng cạnh tranh của TP.HCM bao gồm cả vùng rộng lớn. Những trục trặc về kết nối giữa các địa phương đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến cả vùng. Do vậy, thay vì đối mặt, vai trò anh cả của TP.HCM cần được phát huy để chung lưng đấu cật với các tỉnh khác sẵn sàng cạnh tranh với các thành phố hàng đầu trong khu vực.

 Thời khắc đã điểm

Những kết quả đạt được sau ba thập niên đổi mới là hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cách thức phát triển theo chiều dàn hàng ngang cộng với việc phân bổ nguồn lực dàn trải và các trọng tâm theo mô hình quả mít (rất nhiều gai nhưng không thật sự có mũi nhọn) đã bộc lộ rất rõ.

Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn hẳn lao động ít kỹ năng hơn cho thấy trục trặc rất lớn của cách thức tiếp cận hiện nay. Nếu không có đột phá, không có tiên phong thì sẽ rất khó để Việt Nam có thể cất cánh, có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Và đây chính là thời điểm quan trọng hơn hết để TP.HCM phát huy khả năng tiên phong và dẫn dắt của mình, cũng là thời điểm quan trọng mà trung ương cần tạo dựng các cơ chế và điều chỉnh cách thức phân bổ nguồn lực để TP.HCM có thể phát huy được tiềm năng và lợi thế ấy. Một “Đổi mới II” có lẽ là mệnh lệnh quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận