Triển khai năm học online ở TP.HCM: Học hỏi và cảm thông

TTCT - Những quốc gia đã dày dặn kinh nghiệm trong vấn đề học online do từng trải qua nhiều giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài vì dịch bệnh mang lại những bài học gì cho TP.HCM?

 
 Tranh: Adrienne Hedger

 Singapore được coi là quốc gia đã áp dụng dạy học từ xa sớm nhất, trong đợt dịch SARS 2005. Họ đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống dạy trực tuyến ứng phó với các trường hợp đặc biệt, và thực hành liên tục để giáo viên và học sinh làm quen với học trực tuyến hằng năm. Vì thế, khi COVID-19 diễn ra, nhà trường và học sinh của nước này không còn bỡ ngỡ trước việc dạy và học trực tuyến.

Hong Kong và Ba Lan đưa vào các khung chương trình chung và tuyển chọn nguồn học liệu kỹ lưỡng cho từng môn học và từng khối lớp. Do đó, họ có thể cung cấp kho học liệu số để hỗ trợ thiết kế và giảng dạy những bài học trực tuyến mang tính tương tác cao.

Phần Lan đã áp dụng chiến lược đầu tư phát triển kỹ năng của giáo viên để việc chuyển sang dạy trực tuyến thành công. Giáo viên được hướng dẫn và đào tạo cách sử dụng các công cụ kỹ thuật và nguồn học liệu có sẵn sao cho hiệu quả.

Tại Canada, các bang Alberta và Ontario đã ban hành hướng dẫn cho từng lớp về thời lượng học sinh học mỗi tuần và trọng tâm của các môn học. Bang British Columbia thiết kế bộ học liệu dạy và học để các gia đình có thể sử dụng cho việc dạy học tại nhà. Bộ học liệu này là một minh chứng cho nỗ lực của sở giáo dục bang này trong việc hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong quá trình học trực tuyến. Những hỗ trợ tương tự như vậy từ nhà trường là vô cùng cần thiết để đảm bảo mỗi học sinh đều được tiếp cận với những điều kiện thiết yếu phục vụ việc học tập trực tuyến tại nhà.

Tại Úc, sở giáo dục của từng bang thống nhất lịch dạy và học trực tuyến theo chỉ đạo của chính quyền bang về giãn cách xã hội. Một số trường xây dựng website học trực tuyến và phân công giáo viên thiết kế học liệu. Giáo viên mỗi khối phân công nhau làm các bài giảng video. Các lớp học được quản lý qua các nền tảng như Google Classroom hay Microsoft Teams. Học sinh tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn nộp bài trực tuyến trên những nền tảng này.

Với các khối bé hơn (ví dụ khối tiền tiểu học và lớp 1), vì học sinh chưa có kỹ năng sử dụng máy tính, nhà trường cho các bé sử dụng các ứng dụng học tập (ví dụ ứng dụng Seesaw) để nộp bài qua iPad hoặc điện thoại. Nhà trường luôn lấy ý kiến phản hồi của phụ huynh và học sinh về bài học để có những điều chỉnh kịp thời. Các gia đình có thể mượn laptop hoặc iPad từ nhà trường để cho các con học tập tại nhà, có thể liên lạc với bộ phận phụ trách kỹ thuật của nhà trường khi gặp khó khăn trong việc giúp đỡ con em mình sử dụng các thiết bị công nghệ học trực tuyến.

Dạy và học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời. Các quốc gia nên xác định đây là chiến lược lâu dài, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Dẫu có rất nhiều trở ngại, nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả dạy học trực tuyến nói riêng và áp dụng công nghệ trong giảng dạy nói chung mang lại. Vì thế, mô hình này nên được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai để đưa vào trường học ở phạm vi toàn phần hoặc bán phần.

TP.HCM đã trải qua một vài đợt giãn cách xã hội ngắn tính đến đợt dịch lần này. Khi khảo sát ý kiến phụ huynh và học sinh trên địa bàn TP, chúng tôi nhận được những phản hồi không mấy tích cực về việc dạy và học trực tuyến của khối phổ thông các trường công lập. So với các trường quốc tế và trường tư, khối các trường công lập gặp nhiều lúng túng trong việc xây dựng bài giảng trực tuyến và quản lý học sinh. Kỹ năng sử dụng công nghệ của cả giáo viên và học sinh ở nhiều trường công lập nhìn chung còn tương đối hạn chế. Trong những đợt giãn cách trước, dường như nhà trường và học sinh đều coi việc học trực tuyến là giải pháp tình thế, và theo lời một phụ huynh là “tạm chấp nhận được chứ chưa có chất lượng”.

Điều đáng mừng là ở khối đại học, giảng viên và sinh viên đã thích ứng rất nhanh với công nghệ và các hoạt động học trực tuyến. Các trường đại học đa số sử dụng lớp học trực tuyến có camera quay trực tiếp thầy cô giảng bài hay các phần mềm như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet... để giảng dạy. Các giảng viên tích cực áp dụng các tiện ích trực tuyến như giao và quản lý bài tập trên Google Classroom; sử dụng Google form, Google docs để cho sinh viên làm việc nhóm. Các tiện ích trò chơi (Kahoot, Quizizz, Membrite...) được lồng ghép vào việc giảng dạy để tăng tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Những kinh nghiệm tích cực này của khối đại học cần được chia sẻ để các trường phổ thông học hỏi áp dụng.

 
 Ảnh: Nguyễn Đức Lam

Chúng tôi cho rằng việc quan trọng nhất lúc này của Sở GD-ĐT TP.HCM là chuẩn bị tinh thần, con người và cơ sở vật chất để tiếp tục dạy và học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và học sinh cũng như cộng đồng. Chúng tôi khuyến nghị TP chú trọng những điểm sau để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến hiệu quả:

Một là, Sở GD-ĐT điều chỉnh thống nhất khung nội dung cho các chương trình/môn học trực tuyến. Có thể cân nhắc giữ lại những nội dung chính để đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình và giảm tải một số nội dung để tránh áp lực quá cao cho giáo viên và học sinh. Sở có thể hỗ trợ các trường phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho dạy học trực tuyến, ví dụ nâng cấp đường truyền Internet, tăng hệ thống máy tính, thiết bị ghi hình bài giảng...

Hai là, các trường thiết kế hệ thống học trực tuyến với những lớp học ảo, các phòng dạy trực tuyến có đầy đủ các phương tiện hỗ trợ dạy học đặc thù của từng môn học. Thiết kế lớp học sao cho sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh.

Ngoài ra, các trường cần khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên để họ kịp thời xây dựng những bài giảng trực tuyến có chất lượng. Giáo viên trong cùng tổ bộ môn có thể cùng góp sức xây dựng nội dung bài giảng, chia sẻ dữ liệu nguồn bài tập mang tính tương tác cao. Các bài giảng có thể được ghi sẵn và sử dụng chung cho toàn khối để giảm khối lượng công việc cho giáo viên. Các buổi dạy trực tiếp có thể được thực hiện qua các nền tảng Zoom, Microsoft Teams, Google Meet... áp dụng phong phú các hoạt động toàn lớp, đơn lẻ và theo nhóm để tránh nhàm chán và tăng tương tác của học sinh trong buổi học. Giáo viên nên khuyến khích học sinh liên lạc và trao đổi với giáo viên nếu gặp khó khăn trong việc hiểu bài hoặc làm bài tập. Các bài kiểm tra đánh giá cũng nên được thiết kế phù hợp với hình thức trực tuyến.

Một điều không thể thiếu là các trường nên thường xuyên đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, quan tâm tới sức khỏe tinh thần của cả giáo viên và học sinh, và tăng kết nối giữa nhà trường và học sinh.

Ba là, bộ phận công nghệ thông tin của các trường cần có thêm nhân lực để hỗ trợ giáo viên toàn trường, giúp huấn luyện, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên ghi hình các bài giảng trực tuyến. Đây là lực lượng rất quan trọng trong công cuộc số hóa nhà trường, đặc biệt khi có rất nhiều giáo viên chưa sử dụng công nghệ thành thạo trong giảng dạy.

Bốn là, các gia đình hỗ trợ nhà trường qua việc tạo môi trường không gian học tập yên tĩnh, không gây mất tập trung cho các con, cố gắng trang bị đầy đủ cho các con bàn học, máy tính, mạng Internet. Lý tưởng nhất là mỗi gia đình có ít nhất một người lớn giúp đỡ những lúc các con cần khi đang học trực tuyến. Quan trọng hơn cả là sự cảm thông và kiên nhẫn với các thầy cô và nhà trường, bởi họ đang và sẽ phải chịu rất nhiều áp lực mới với khối lượng công việc khổng lồ để việc dạy và học trực tuyến được diễn ra. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận