Vaccine và khẩu trang: Đời này cần “song kiếm hợp bích”

HỒNG VÂN 01/12/2021 02:30 GMT+7

TTCT - Sắp hết năm COVID thứ 2 rồi mà thế giới vẫn còn loay hoay trong vòng lặp đóng - mở - đóng gần như bất tận để phòng chống dịch, và vẫn còn tranh cãi về khẩu trang. Các nước Âu, Mỹ sắp bước vào mùa đông với một bài học lớn khi nghĩ rằng phủ vaccine là đủ để trở lại bình thường.


 
 Ảnh: WPTV

Ỷ lại vào vaccine và lơ là với khẩu trang có thể khiến COVID-19 tiếp tục phủ bóng u ám lên mùa đông sắp tới. Giới chuyên gia một lần nữa liên tục nhắc, phải để vaccine  và khẩu trang “song kiếm hợp bích” để có sự bảo vệ tốt hơn trước virus corona. 

Họ nhấn mạnh: bỏ khẩu trang lúc này là quá sớm, đặc biệt khi mùa đông cũng là mùa bệnh cúm lên ngôi đang đến gần. Mùa đông người ta cũng ở trong nhà nhiều hơn, không gian kín khiến nguy cơ hít phải virus cao hơn. Các dịp lễ lớn cuối năm - cơ hội tụ tập gia đình cũng sẽ là môi trường để virus phát tán.

Từ mở cửa quay lại đóng cửa

Ireland, với tỉ lệ tiêm chủng tốt nhất châu Âu - 89,1%, vừa buộc các ngành dịch vụ giải trí đóng cửa từ nửa đêm 18-11 do số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Ở Hà Lan, chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang trở lại ở hầu hết các không gian trong nhà, nhà hàng phải đóng cửa vào 20h, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối. 

“Châu Âu đang học được một bài học quan trọng: vắc xin hiệu quả, nhưng một mình chúng sẽ không ngăn cản được COVID lúc này” - CNN ngày 20-11 giật tít. Nhiều quốc gia đã nhận ra rằng tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao không thể đơn phương giúp ngăn sự lây lan của COVID-19. 

Ở những nước như Đức và Áo, các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trong những tuần gần đây, là tín hiệu cảnh báo cho thấy có sự “tự mãn” khi đã phủ vaccine tương đối rộng.

Sự tự mãn đó rất nguy hiểm vì nó đảo ngược tiến trình mở cửa. Chẳng hạn, từ ngày 22-11, Áo bắt đầu phong tỏa toàn quốc để bảo vệ các khoa hồi sức tích cực đang bị quá tải. Đây là quốc gia đầu tiên trong khối 27 nước Liên minh châu Âu cho áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa toàn quốc dù 65,3% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ.

David Heymann, cựu giám đốc điều hành phụ trách chương trình bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giáo sư tại Trường Vệ sinh & y học nhiệt đới London, nhận xét: “Vaccine hạn chế các ca tử vong. Nhưng ở một số quốc gia, virus lây lan rộng hơn vì các biện pháp kiểm soát ở đó ít chặt chẽ hơn”. 

Điều này có nghĩa là nơi có tỉ lệ tiêm vaccine cao như Ireland - 89,1% cũng có thể bị dịch tồi tệ hơn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nơi tỉ lệ tiêm vaccine đầy đủ lần lượt là 80% và 87%.

Các chuyên gia chỉ ra ở Ireland, người dân ưa ăn uống trong nhà hàng đông đúc, trong khi tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, họ có thói quen ăn tối ngoài trời. Ở hai nước này, người dân chủ động đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác. Mặc dù khẩu trang chỉ bắt buộc trong môi trường kín, nhiều người vẫn đeo cả khi ở ngoài trời.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu củng cố nhận định rằng đeo khẩu trang chỉnh tề và rửa tay sạch sẽ thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa đáng kể COVID-19. Các biện pháp này quan trọng không kém tiêm vaccine. 

Mới đây nhất, nghiên cứu phân tích và tổng hợp 8 nghiên cứu khác nhau được công bố trên Tạp chí Y khoa Vương quốc Anh ngày 18-11 đánh giá các biện pháp can thiệp không dùng thuốc cho thấy đeo khẩu trang làm giảm 53% nguy cơ nhiễm COVID-19. Khẩu trang là “biện pháp sức khỏe cộng đồng đơn lẻ hiệu quả nhất để chống COVID”, bên cạnh rửa tay và giữ khoảng cách an toàn.

Các tác giả cho biết: “Đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát hơn nữa, không phải chỉ bằng tỉ lệ tiêm vaccine cao mà còn ở việc tuân thủ liên tục các biện pháp sức khỏe cộng đồng hiệu quả và bền vững. Các lớp bảo vệ cá nhân và các biện pháp xã hội như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác đều có liên quan đến việc giảm số tỉ lệ mắc COVID-19”.

Dĩ nhiên, nhiều người đã chán đến tận cổ việc đeo khẩu trang. Tưởng chỉ phải đeo tạm thời, họ đã gắn với nó hai năm. Trước đây, người ta tưởng khi có vaccine hoặc khi có tỉ lệ cao dân số được tiêm, họ có thể bỏ khẩu trang. Bây giờ thì dường như ngay cả khi có tỉ lệ tiêm vaccine cao, việc bỏ đeo khẩu trang vẫn là không ổn.

“Quan điểm giờ đã thay đổi. Chúng ta không đeo khẩu trang để bảo vệ người khác khỏi các dịch bắn của chính chúng ta mà đeo khẩu trang để bảo vệ mình trước hành động vô tâm và liều lĩnh của người khác” - Colin Furness, nhà dịch tễ học về kiểm soát lây nhiễm tại Đại học Toronto, nói với báo The Star (Canada).

Chưa đến lúc bỏ khẩu trang

Không như ở một số nước châu Á, nơi khẩu trang từ lâu đã là vật bất ly thân của nhiều người dù có hay không có COVID-19, tại các nước phương Tây, chiếc khẩu trang vẫn là biểu tượng đáng ghét, là lời nhắc nhở đầy ám ảnh rằng cuộc sống chưa bao giờ trở lại bình thường.

 “Rốt cuộc khi nào mới có thể gỡ bỏ khẩu trang?” - The New York Times ngày 20-11 đặt câu hỏi. Nói ngắn gọn thì sẽ đến lúc đó thôi, nhưng chưa phải lúc này, ít nhất hãy cứ đeo khẩu trang cho hết mùa lễ hội cuối năm - cũng là mùa cao điểm đi lại - và chờ sang năm, khi nhiều trẻ em đã được tiêm vaccine đầy đủ, rồi hẵng tính.

“Tôi nghĩ khẩu trang nên là biện pháp được nới lỏng cuối cùng. Đeo khẩu trang rất ít tốn chi phí so với hầu hết các biện pháp khác” - Richard Stutt, chuyên gia lập mô hình bệnh truyền nhiễm của Đại học Cambridge, Anh, nói với The New York Times. 

Thực tế thì tại Mỹ, một số nơi như thủ đô Washington, D.C. đã nới lỏng quy định đeo khẩu trang trong không gian kín. Tại Florida, các nhà lập pháp còn ra luật cấm các trường học buộc học sinh đeo khẩu trang. Canada cũng ghi nhận việc bỏ khẩu trang hoặc đeo khẩu trang cho có (không đúng cách) nhan nhản khắp nơi, theo The Star.

Trong khi nhiều người xem khẩu trang không còn cần thiết do tỉ lệ tiêm vaccine đã cao, việc bỏ khẩu trang cũng giống như chúng ta bỏ phòng tuyến với quân thù. Ở thời điểm này, hành động này dường như là quá sớm.

“Các ca bệnh đang bắt đầu tăng trở lại và chúng ta vẫn chưa đánh bại được virus này. Có thể đã mệt mỏi với các lệnh hạn chế liên quan đến COVID-19 và các biện pháp y tế công cộng, nhưng virus chắc chắn chưa mệt mỏi với chúng ta” - Anne Rimoin, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, cảnh báo.

Tương phản với tình hình dịch bệnh tại châu Âu, những gì quan sát được ở châu Á là “Thêm nhiều quốc gia châu Á dần mở cửa lại biên giới và chào đón những du khách đã được tiêm chủng”, như tít báo ngày 21-11 của tờ The New York Times, hay chuyện số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày ở Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng hôm 22-11 (8.488 ca thấp hơn con số cùng ngày của Việt Nam là 10.321 trường hợp). 

Indonesia, quốc gia Đông Nam Á từng trải rơi vào tình huống dịch bệnh thê thảm, quá tải cả bệnh viện lẫn nghĩa trang, chỉ có 186 nhiễm mới và 5 ca tử vong trong ngày 22-11, trong khi virus corona gần như “biến mất” ở Nhật Bản (ngày 22-11 chỉ ghi nhận 143 ca nhiễm).

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm biến đổi tình hình ở các quốc gia vừa kể? Nhà dịch tễ học Citra Indriani của Đại học Gadjah Mada (UGM) cho rằng 80% dân số Indonesia (tương đương 216 triệu người) có thể đã nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 nên đã có miễn dịch tự nhiên.

 Điều này lý giải cho xu hướng sụt giảm mạnh các ca lây nhiễm trong 3 - 4 tháng qua. Tương tự, điều tra huyết thanh học cho thấy tỉ lệ rất cao người Ấn Độ có kháng thể. Do mới chỉ có 26,9% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ và 54,9% đã tiêm ít nhất một liều, tỉ lệ có kháng thể cao chỉ có thể giải thích là do nhiều người Ấn Độ đã dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đây.

Còn với Nhật Bản, có chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa tiêm ngừa và đảm bảo các biện pháp chống dịch như giãn cách, đeo khẩu trang, xét nghiệm hiệu quả đã giúp COVID-19 đột ngột biến mất ở nước này. Tuy nhiên, vaccine chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất do vẫn còn khoảng 30% của 125 triệu dân Nhật chưa tiêm. Báo Japan Times cho biết một nghiên cứu gần đây ở Nhật đưa giả thuyết biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, đã tích lũy nhiều đột biến trên "protein vá lỗi" có tên nsp14. và trở thành virus lỗi và không thể tự nhân lên.

Bài viết về chuyện các quốc gia châu Á mở cửa một phần biên giới trên The New York Times nhận xét mặc dù một số nước đã tiêm phòng cho phần lớn dân số của họ từ nhiều tháng trước, phải đến thời điểm này họ mới mở cửa trở lại du lịch quốc tế, điều này cho thấy sự thận trọng cần thiết và cũng là để kịp đón khách vào kỳ nghỉ đông. 

Bài viết liệt kê Ấn Độ và các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Myanmar.

 Đáng chú ý nhất là Singapore. Nước này từ ngày 22-11 sẽ nới lỏng thêm một số biện pháp giãn cách, tăng số người tham gia các sự kiện, mở cửa biên giới hơn nữa. Nếu thuận lợi, Singapore sẽ bước vào giai đoạn 3 và giai đoạn cuối cùng để trở thành “Quốc gia kiên cường trước dịch COVID-19”. Hiện nay, Singapore đã có hành lang du lịch an toàn với nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc, Thụy Sĩ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận