Vạn vật hữu thời

DANH ĐỨC 10/02/2018 15:02 GMT+7

TTCT - Những ngày cuối cùng của năm Dậu (tháng 2-2018) đã qua đi trong bom đạn gầm thét ở Syria. Song, ở Đông Bắc Á đã le lói những dấu hiệu hòa hoãn sau nhiều căng thẳng tưởng chừng như bên bờ vực chiến tranh.

Thời của chiến tranh, thời của hòa bình. Ảnh: bpopa.co
Thời của chiến tranh, thời của hòa bình. Ảnh: bpopa.co

 

Có nhiều cách giải thích kinh điển, từ quân sự, địa chính trị đến thuyết âm mưu, song có lẽ cách tiếp cận “vạn vật xoay vần” sẽ nhẹ nhàng hơn trong thời khắc năm hết Tết đến này.

Hơn nửa thế kỷ trước, giới trẻ thế giới mê mẩn với ca khúc Turn, Turn, Turn - To everything there is a season (tạm dịch: “Xoay vần, xoay vần, xoay vần - Vạn vật hữu thời”) - của The Byrds - một ban nhạc đầu đàn của làng nhạc rock Mỹ sau cuộc “xâm lược” của các ban nhạc rock Anh (the British invasion).

Turn, Turn, Turn làm rung động tâm can người nghe, không chì vì ngón đàn mơn trớn của Roger McGuinn, mà còn vì ca từ day dứt, bắt nguồn từ ca vịnh “Ecclesiastes” (Truyền Đạo), khiến người nghe thấm thía triết lý “mọi vật xoay vần”:

Mọi vật đều xoay vần. Có một mùa và một thời khắc cho mọi mục đích, dưới cõi trời này. Một thời để ra đời, một thời để chết... Một thời để giết chóc, một thời để hàn gắn. Một thời để xây dựng, một thời để phá tan... Một thời để được, một thời để mất, một thời để yêu, một thời để ghét...”.

Syria: Một thời hoan ca, một thời đau khổ!

Tình hình Syria nóng bỏng trở lại sau một thoáng êm ắng bởi điều mà Nga gọi là “chiến thắng” ở đây hồi tháng 12-2017. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó tự tin đến nỗi đã thân chinh sang Syria hôm 11-12-2017, tuyên bố rút quân Nga về nước “trong chiến thắng” và rằng “quân đội Syria nay có thể xử lý tình hình”.

Một sự đắc thắng không khác gì việc tổng thống Mỹ George W. Bush hạ cánh xuống tàu sân bay USS Abraham Lincoln hôm 1-5-2003 mừng chiến thắng lật đổ Saddam Hussein. Mặc cho ông Bush khi đó tỉnh táo cảnh báo: “Chúng ta còn nhiều việc khó khăn ở Iraq”, và trong thực tế, Mỹ vẫn sa lầy ở đó cho tới nay, còn chiến thắng thì đã trở thành điều gì đấy thật trừu tượng.

Đạn pháo lại nổ và chẳng biết ai sẽ chiến thắng ở Syria khi vào hạ tuần tháng 1 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào đây để tấn công phe người Kurd, vốn ly khai ở chính Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara vin cớ phe người Kurd, trải khắp lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq: (1) đòi tách ra thành lập “Cộng hòa Kurdestan”, tức đe dọa quyền toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ; và (2) từ lâu đã được Mỹ hà hơi tiếp sức, nên việc Ankara can thiệp là “chính đáng”.

Phía Nga đã bực dọc thấy rõ với cuộc can thiệp quân sự này, vốn làm chính phủ Bashar al-Assad mà họ ủng hộ thêm tai tiếng, nhất là khi hội nghị hòa bình Syria do Nga chủ xướng đang diễn ra ở Sochi. Với Nga, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là cái cớ để phe đối lập Syria thêm chính nghĩa. Ông Putin lại càng nộ khí xung thiên khi ngày 3-2, một máy bay ném bom Su-25 của Nga bị quân nổi dậy Syria bắn hạ, viên phi công đã tự sát để không bị bắt sống.

Nga ngay lập tức trả đũa ồ ạt với hơn 35 phi vụ không kích hôm 4-2, rồi 68 đợt nữa một ngày sau ở tỉnh Idlib, khiến ít nhất 21 thường dân thiệt mạng và hàng nghìn người khác mất nhà cửa, theo nhật báo Anh Express.

Thổ Nhĩ Kỳ: Một thời để yêu, một thời để ghét

Sự cố cuối tuần ở Syria không khỏi khiến người ta nhớ lại vụ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị một chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24-11-2015, khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lời qua tiếng lại gay gắt về thực chất của vụ việc, bao gồm địa điểm, thời gian, nguyên do... Tóm lại, cách mà câu chuyện diễn ra.

Thế nhưng, ngoài hai chiếc máy bay bị bắn rơi, sự giống nhau giữa hai câu chuyện năm 2015 và 2018 không nhiều.

Năm 2015, “hung thủ” là Thổ Nhĩ Kỳ, còn cuối tuần qua, Hãng tin Nga Sputnik đến chiều 5-2 vẫn còn đặt câu hỏi nghi vấn: “Vụ chiếc Su-25 của Nga bị hạ ở Syria: Ai có thể đứng đằng sau?”. Hãng tin này cũng loan báo rằng “nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Cham (nguyên là Mặt trận al-Nusra) và nhóm nổi loạn Jaych al-Nasr (Đoàn quân chiến thắng, một thành viên của Quân đội Syria tự do - nhóm này đã công bố clip ghi lại cảnh chiếc máy bay bị bắn cháy) đã đứng ra nhận trách nhiệm”, như mọi hãng tin khác.

Tuy nhiên, Sputnik còn đặt vấn đề: “Bọn khủng bố thừa nhận, một tên lửa đất đối không đã bắn hạ chiếc Su-25 của Nga tại Syria. Ai có thể tổ chức vụ tấn công này, trong khu vực “giảm leo thang chiến sự”, và để làm gì?” - một câu hỏi đương nhiên phải được đặt ra từ “khổ chủ”, và không thể vội vã trả lời.

Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 cũng đã khác hoàn toàn Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 để có thể tin chắc chắn rằng họ không liên quan gì đến vụ bắn hạ máy bay này. Sau làn sóng khủng bố “Hồi giáo” khắp Thổ Nhĩ Kỳ, rồi vụ đảo chính hụt ngày 15-6-2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối cùng đã xin lỗi Nga và nhờ Matxcơva hợp sức chống khủng bố - ông Putin vốn đã có kinh nghiệm chống khủng bố Chechnya thành công vào cuối thế kỷ trước.

Vụ đảo chính bất thành nói trên, mà sau đó cả trăm ngàn tướng tá, quân nhân, công chức do Mỹ huấn luyện trước kia lần lượt bị bắt giữ hoặc sa thải có thể cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ cánh thân Mỹ và NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ bị triệt hạ, càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn bao giờ hết, thậm chí trở thành đồng minh mới, quay lưng với Mỹ và NATO.

Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn với Nga cũng là quay lưng với đồng minh cũ. Từ giữa năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ, mà cho tới tháng 5-2015 luôn là “lá cờ đầu” trong kế hoạch lật đổ ông Assad và chống Nga, lại chuyển sang đóng một vai chính trong bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm giải pháp cho Syria.

Từ hơn tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria “giải quyết” luôn phe người Kurd vốn được Mỹ hậu thuẫn và vũ trang. Mọi quan hệ đồng minh với Mỹ và NATO bỗng chốc bị phá tan khi ông Erdogan hàn gắn với ông Putin và xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược! Càng chua chát cho Mỹ khi mà hôm 4-2, Thổ Nhĩ Kỷ cảnh cáo sẽ nổ súng cả vào binh lính Mỹ ở Syria nếu họ mặc quân phục của phe người Kurd!

Đông Bắc Á: Một thời chiến tranh, một thời hòa bình

Nhớ lại giai đoạn trước tháng 9-2017, người dân Đông Bắc Á không khỏi rùng mình, rồi lại thở phào khi nghĩ rằng dẫu sao họ cũng đã thoát khỏi nguy cơ chiến tranh, và nay biết đâu sẽ bắt đầu thời của hòa bình, cho dù mới chỉ xuất hiện vài chỉ dấu tích cực trong một bối cảnh vẫn còn nặng nề. Đó là chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Taro Kono vào cuối tháng 1, và những dấu hiệu hòa giải le lói ở bán đảo Triều Tiên nhân mùa Thế vận hội.

Trong cuộc họp báo hằng ngày hôm thứ sáu 26-1, Bộ trưởng Kono thông báo: “Tôi sắp thăm Bắc Kinh, Trung Quốc, để gặp Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị, và một số quan chức khác bên phía Trung Quốc. Tôi hi vọng sẽ trao đổi ý kiến về việc cải thiện hơn nữa quan hệ Nhật - Trung. Tôi hướng tới thảo luận về việc cùng đeo đuổi một số vấn đề toàn cầu trong cương vị cường quốc kinh tế thế giới thứ nhì và thứ ba”.

Trên thực tế, chuyến thăm của ông Kono đã khai thông (khai thông chứ chưa phải là giải quyết) được nhiều vấn đề. Rốt cuộc, ông Kono không chỉ gặp người đồng cấp Vương Nghị, mà còn hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.

Nếu nhớ rằng đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Nhật Bản trong gần hai năm qua, thì việc cả thủ tướng lẫn ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc lần lượt tiếp ông Kono cho thấy:

(1) Thông điệp mà ông Kono đem tới Bắc Kinh cũng như cách truyền đạt của ông là đủ thuyết phục. Ông Kono tuyên bố Trung Quốc và Nhật Bản có nghĩa vụ quan trọng trong đảm bảo ổn định và thịnh vượng cho châu Á lẫn toàn thế giới: “Chúng ta không chỉ phải quản lý tốt quan hệ song phương, mà còn phải cùng nhau xử lý những vấn đề toàn cầu, đặc biệt vấn đề của CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác giữa hai nước trong vấn đề này”.

(2) Về phần mình, Bắc Kinh cho thấy cũng đang muốn khai thông một số vấn đề song phương. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi gặp ông Kono đã nhận xét quan hệ Trung - Nhật “đã ấm lên, nhưng vẫn còn lạnh”.

(3) Hai bên đang có kế hoạch tổ chức vài chuyến thăm cấp cao trong năm 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm Trung Quốc, và ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Nhật Bản.

(4) Hai bên cũng hứa sẽ sớm đưa vào thực hiện cơ chế liên lạc trên biển và trên không ở biển Hoa Đông, nhằm ngăn ngừa những đụng độ ngoài ý muốn.

Còn trên bán đảo Triều Tiên, các cuộc đàm phán mới đã được nối lại, tương tự là chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán vì chiến tranh, và một kế hoạch chung cho Olympic mùa đông Pyeongchang sẽ diễn ra tháng 3 tới.

Chưa phải là lớn lao lắm, song cũng đã hứa hẹn thời của chiến tranh đe dọa đã qua, thời của hòa bình đang tới, đúng như tinh thần bài ca “Xoay vần, xoay vần, xoay vần. Mọi vật đều có thời khắc của mình...”, như một quy luật tự nhiên. Thế nhưng, loài người vẫn có thể vượt lên cái “tiền định” đó, bằng cách đặt ra câu hỏi cần làm gì để rút ngắn “thời của chiến tranh, của thù ghét”, kéo dài “thời của hòa bình, của yêu thương” hoặc chí ít cũng tháo gỡ được để cuối cùng “tiền hung hậu kiết”.■

Có thể nghe bài Turn, Turn, Turn (To everything there is a season) của The Byrds ở địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=eiprqeaydik

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận