​Vấn đề thiểu số: Kinh nghiệm Scotland

HỮU NGHỊ 28/09/2014 09:09 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì hôm thứ năm 18-9, 55,3% cử tri Scotland đã bỏ phiếu “không” tán thành việc tách khỏi Liên hiệp Anh, so với 44,7% số phiếu chọn “độc lập”.

Scotland vẫn ở lại trong Liên hiệp Anh, nhưng được trao thêm nhiều quyền lực nội vụ - Ảnh: Reuters
Scotland vẫn ở lại trong Liên hiệp Anh, nhưng được trao thêm nhiều quyền lực nội vụ - Ảnh: Reuters

Scotland sẽ “ở lại”, song không vì thế mà từ nay mọi việc sẽ vẫn như cũ. Một bài học sống về chính sách nội vụ cho mọi chính phủ.

Khoảng cách 10,6% số phiếu trong một cuộc bỏ phiếu mà tỉ lệ tham gia lên đến 84,59% của tổng số 4.283.392 cử tri cho thấy sự lo ngại phiêu lưu lấn át giấc mơ độc lập.

Tuy vui mừng, song Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã phải nhanh chóng đưa ra hứa hẹn thay đổi sâu sắc trong tuyên bố về cuộc “Trưng cầu ý dân Scotland” mà văn phòng Phủ thủ tướng Anh đưa ra sáng thứ sáu 19-9. 

Không xem thường thiểu số

Thủ tướng Cameron mở đầu bằng cách dốc hết cả tâm tình: “Người dân Scotland đã phát biểu (ý nguyện của mình)... Họ đã giữ đất nước chúng ta gồm bốn dân tộc gắn kết với nhau. Giống như hàng triệu người khác, tôi rất vui mừng. Như tôi đã từng nói, tim tôi sẽ tan nát nếu phải trông thấy Liên hiệp Vương quốc Anh của chúng ta đi đến chỗ kết thúc”.

Trong suốt tuyên bố này, ông Cameron đã luôn sử dụng thuộc từ “(của) chúng ta” để thể hiện tối đa sự gắn kết bốn dân tộc Anh, Xứ Wales, Ireland và Scotland làm một. 

Sau biến cố suýt chút nữa Scotland đã tách ra riêng và Liên hiệp Anh tan rã, Chính phủ Anh cho thấy họ không dại gì mà lộ ra vẻ rằng mình vẫn đang “vững như bàn thạch”, dù từ nay phe ly khai hiện nguyên hình là thiểu số trước cả bàn dân thiên hạ Scotland và sẽ phải “chịu khuôn chịu phép”, như thủ lĩnh của họ là Alex Salmond đã phát biểu rằng “cuộc tranh luận đã kết thúc có lẽ là cho đến suốt đời”. 

Khoa học chính trị và xã hội từ lâu chỉ ra rằng khi có thiểu số thì thiểu số đó đã là một sự khác biệt, và phải “đếm xỉa” chứ không thể “mặc nó” muốn làm gì thì làm! Bernard Voutat và René Knuesel trong La question des minorités: Une perspective de sociologie politique (Vấn đề các nhóm thiểu số: Một cái nhìn xã hội học chính trị) đã khuyến cáo rằng “sẽ là lầm lẫn nếu nghĩ rằng số lượng mà nói, các nhóm thiểu số thì ít quan trọng bằng đa số.

Quan niệm định lượng, số học, vốn đã ăn sâu trong tâm thức chung, sẽ tạo ra những khó khăn vô cùng nghiêm trọng…”. Trái lại, vấn đề cần đặt ra là: Làm gì với các nhóm thiểu số?

Thấm nhuần tinh thần “chớ coi thường thiểu số” của khoa học chính trị và xã hội, Thủ tướng Cameron đã không ngần ngại nhắc lại câu chuyện dẫn đến việc Scotland đòi độc lập: “Trước hết, chúng ta hãy nhớ lý do tại sao chúng ta đã có cuộc tranh luận này, và tại sao làm như thế (tức trưng cầu ý dân - PV) là đúng đắn?

Đảng Dân tộc Scotland (SNP) được bầu lên ở Scotland vào năm 2011 đã hứa hẹn trưng cầu ý dân về việc độc lập. Chúng tôi lẽ ra đã có thể chặn lại, đã có thể bác bỏ. Nhưng cũng giống như các vấn đề lớn khác, không thể xem thường.

Tôi là một người sùng bái Liên hiệp Vương quốc Anh, nhưng tôi cũng là một nhà dân chủ. Thế cho nên thật đúng đắn khi tôn trọng SNP và dành cho người dân Scotland quyền phát biểu ý muốn của họ”. 

Tuy nhiên, ông Cameron cũng dứt khoát nhắc lại “luật chơi” với cánh “độc lập” ở Scotland: “Nay cuộc tranh luận đã được giải quyết. Thành ra sẽ không thể tranh cãi lại, bỏ phiếu lại. Chúng ta đã nghe rõ ý nguyện của dân chúng Scotland rồi”.

Ở một số nơi, thiểu số chỉ là “con số 0”, càng là “con số 0” tuyệt đối sau một thất thế hay sơ suất hoặc sai lầm nào đó. Song ở Liên hiệp Anh, người ta đã biết rút ra kinh nghiệm phải làm gì với thiểu số.

Cho dù “thắng” với tỉ lệ hơn hẳn, song ông Cameron đã nhanh chóng đưa ra những hứa hẹn sửa đổi để giải quyết tận gốc những ta thán mà Chính phủ Scotland đã nại ra để đòi độc lập và được gần phân nửa dân chúng hậu thuẫn.

Ông Cameron long trọng hứa hẹn: “Bây giờ chúng ta có một cơ hội - một cơ hội tuyệt vời - để thay đổi cách người dân Anh được cai trị, và thay đổi điều đó cho tốt hơn”. 

Danh từ “người dân Anh” mà ông Cameron sử dụng chỉ định tất cả mọi người trong Liên hiệp Anh, kể cả Scotland: một ứng dụng tu từ nhằm gắn kết tất cả mọi người làm một.

Đến đây, ông kéo những đối thủ đòi độc lập nay đã thua cuộc vào cuộc với ông: “Các nhà lãnh đạo chính trị của tất cả các bên trong cuộc tranh luận giờ đây phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề là đến với nhau và làm việc với nhau một cách xây dựng nhằm thúc đẩy lợi ích của dân chúng ở Scotland, cũng như ở Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland, vì (lợi ích) mỗi và mọi công dân của Liên hiệp Vương quốc Anh của chúng ta”.

Có thể thấy rõ hàm ý của ông: sửa đổi, song là sửa đổi cho cả Liên hiệp Anh chứ không chỉ ở Scotland. 

Tôi là một người sùng bái Liên hiệp Vương quốc Anh, nhưng tôi cũng là một nhà dân chủ. Thế cho nên thật đúng đắn khi tôn trọng SNP (Đảng Dân tộc Scotland) và dành cho người dân Scotland quyền phát biểu ý muốn của họ 
Thủ tướng Anh David Cameron

Sửa đổi cho Scotland hay cho cả Liên hiệp Anh?

Tất nhiên, không có lửa sao có khói! Đã có những điều mà dân Scotland than phiền là bất công khiến họ bất mãn.

Nay là lúc ông Cameron hóa giải một cách sòng phẳng sau khi đã nhìn thấy tính hữu lý của các ta thán, khiếu nại, tức nhìn thấy sự vô lý của các chính sách hiện hành để mà sửa đổi ngay: “Đối với những ai ở Scotland đang hoài nghi về những hứa hẹn (sửa đổi) hiến pháp đã được đưa ra, hãy để tôi nói điều này: chúng tôi đã phân quyền cho Scotland ngay trong chính phủ này, và chúng tôi còn sẽ tiếp tục trong quốc hội khóa tới…

Chúng tôi đảm bảo rằng các cam kết đó sẽ được tôn trọng đầy đủ… Những quyền hạn đối với thuế khóa, chi tiêu ngân sách và an sinh xã hội sẽ được thỏa thuận vào tháng 11 tới và ban hành thành luật vào tháng 1 năm tới”.

Thái độ sửa sai của Chính phủ và Quốc hội Anh là một thái độ đúng đắn, khác với thái độ “hạ sách” có thể có là sẵn thời cơ thắng cuộc, xóa sổ luôn phe “độc lập”! 

Tất nhiên ông Cameron cũng đã tránh tạo cảm giác rằng ông phải “nhân nhượng” phe “độc lập” ở Scotland, trái lại chứng tỏ rằng chính ông đang cầm trịch mọi việc trong Liên hiệp Anh: “Sẵn dịp dân chúng Scotland sẽ có thêm nhiều quyền lực nội vụ, tiếp sau họ sẽ đến lượt người dân Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland cũng phải cất lên tiếng nói lớn hơn nữa về các vấn đề của họ.

Quyền lợi của các cử tri này cần phải được tôn trọng, bảo tồn và nâng cao y hệt. Thật thích đáng khi một giải pháp mới và công bằng cho Scotland được tiếp theo bởi một giải pháp mới và công bằng áp dụng cho tất cả các xứ trong Liên hiệp Vương quốc Anh của chúng ta.

Ở Xứ Wales cũng có những đề xuất trao cho Chính phủ và Quốc hội Xứ Wales nhiều quyền lực hơn. Ở Bắc Ireland, phải làm sao để đảm bảo rằng các định chế phân quyền hoạt động hiệu quả… Scotland sẽ bỏ phiếu riêng rẽ trong Quốc hội Scotland của họ về các vấn đề thuế khóa, chi tiêu và phúc lợi xã hội; các xứ Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland cũng cần có thể biểu quyết về những vấn đề này.

Mọi thay đổi này phải được thực hiện song song, cùng tốc độ như khi giải quyết cho Scotland”.

Ly khai chủ yếu từ bức xúc gì?

Như có thể thấy, một số phong trào ly khai, độc lập khác ở châu Âu và trên thế giới đã nhìn về Scotland. Một tuần trước trưng cầu ý dân ở Scotland, dân chúng Catalonia xuống đường giương cờ độc lập ở Barcelona vừa mừng “lễ quốc khánh” xứ mình, vừa cổ vũ dân Scotland tham gia trưng cầu mà họ đang xem như là một chiếc “xe ủi đường” hiệu Caterpillar khai thông con lộ “độc lập”.

Đây là lần thứ ba liên tiếp dân xứ Catalonia mừng ngày lễ riêng của họ ở thủ phủ Barcelona. Trước đó, hôm 8-8, 150.000 dân xứ này đã xuống đường nối tay tạo thành một chuỗi người dài 123km nhằm biểu thị mong muốn ly khai của họ.

Quốc hội Tây Ban Nha đã không chuẩn y việc tổ chức trưng cầu ý dân, song cuộc bầu cử sớm ngày 25-11 tới có thể sẽ đem đến cho cánh ly khai trong liên minh CIU cầm quyền một thế đa số. 

Trong khi đó, hôm chủ nhật tuần trước, thủ lĩnh Bart De Wever của Liên minh Flemish Mới, vốn chủ trương ly khai khỏi Bỉ, đã giành được ghế thị trưởng thành phố Anvers. Sự phân hóa giữa các cộng đồng gốc Pháp và gốc Flemish từng thể hiện qua cuộc khủng hoảng không có thủ tướng trong hơn một năm.

Ở Ý, Liên đoàn phương Bắc vẫn đòi ra khỏi “chiếc bốt Ý” (hình ảnh nước Ý như chiếc giày cao cổ)…

Việc các xứ trên đòi ly khai hoàn toàn đối nghịch với việc các nước châu Âu đang liên minh trong một EU với chính quyền trung ương là Ủy ban châu Âu có trụ sở tại Brussels. Trong khi có những nước như Ukraine đang khát khao gia nhập EU thì dân các xứ ấy đòi ra khỏi đất nước họ đang ở trong đó.

Nguyên nhân bổ sung cho nguyên nhân dị biệt sắc tộc, ngôn ngữ, chính là điều mà họ cho là sự bất công trong các chính sách thuế khóa và tài khóa: các xứ này đòi tách ra vì chán ngán cứ phải là “con bò sữa” cho chính phủ các nước đó “vắt” và đem đi “cứu tế” các xứ khác vất vả hơn (thường là những xứ nông nghiệp là chủ yếu).

Làn sóng ly khai này khác với làn sóng ly khai đầu tiên ngay sau khi Đông Âu và Liên Xô tan rã vào các năm 1989-1991, trong đó có lý do trở lại với tính quốc gia, dân tộc nguyên thủy (như trường hợp Estonia, Litva, Latvia…) và sau đó là Liên bang Nam Tư.

Nó khác ở chỗ không là những điểm tranh chấp địa chính trị như ở làn sóng đầu tiên, nên nhờ đó mà “hiền hòa”, không có người ngoài “thọc gậy”… 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận