Văn hóa an toàn qua sự cố đập Sông Tranh 2

PHẠM DUY HIỂN 09/04/2012 19:04 GMT+7

TTCT - Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 có mẫu số chung với bao nhiêu sự cố khác ở các công trình xây dựng cầu cống, đường sá, nhà máy... xảy ra trên đất nước ta, nhất là những công trình sử dụng kinh phí nhà nước. Mẫu số chung ấy chính là văn hóa an toàn.

Khẩn trương khắc phục thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2
Đề nghị tổng kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2
Thủy điện Sông Tranh 2: xả nước tối đa khắc phục

Phóng to
Sau khi khoan sâu vào thân đập ở phía hạ lưu, các ống nhựa được bắt thẳng vào đây để thu gom nước và dẫn đi nơi khác (ảnh chụp ngày 21-3-2012) - Ảnh: Tấn Vũ

Trước ống kính truyền hình trên nền phông nước tuôn ra xối xả ở mái đập hạ lưu Sông Tranh 2, nhà quản lý đập vẫn khẳng định thủy điện này rất an toàn, lượng nước “thấm” dưới mức cho phép, 30 lít/giây. Hôm sau, cục trưởng giám định nhà nước sau chuyến thị sát cấp tốc hiện trường lại hối hả lên truyền hình trấn an dân chúng:

“...Đập an toàn... Việc thấm nước là không hề mong muốn và chúng ta cũng không dự báo là sẽ thấm, nhưng việc đó có thể xảy ra. Chúng ta không thể dự báo công trình này sẽ hỏng. Không ai dự báo như thế mà chỉ dự báo tốt. Để phát hiện liệu có thấm hay không, nếu chỉ cần rò một lỗ kim trên hệ thống 35.000m2 thì không ai dự báo được. Cũng giống như mái nhà, thi công xong mái nhà nếu như không ngấm nước thì ai dám khẳng định là mái nhà đó không ngấm nước...”. (1)

Lo cho sự an toàn phải là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, khi mà lợi ích kinh tế của các công trình luôn kèm theo, và thường tỉ lệ thuận, với nguy cơ xảy ra hiểm họa.

Công khai, minh bạch thông tin đối với người dân là một biểu hiện quan trọng nữa của văn hóa an toàn.

Nhưng người dân địa phương phản hồi những “triết lý” rối rắm trên đây bằng lời lẽ mộc mạc:

...“Hồi tối, thấy mấy ông ở Hà Nội nói trên tivi, có cả lãnh đạo tỉnh, huyện. Tui nghe rõ mồn một rằng cái đập thủy điện không có chi, bà con cứ yên tâm. Nhưng có chú nhà báo hỏi cắc cớ cái ông to nhất rằng có dám khẳng định cái đập ni an toàn? Ổng bảo trên đời ni không có chi an toàn tuyệt đối cả. Nghe ổng nói rứa bà con tui lại lo cái bụng”... (2)

...“Nhìn cái đập treo trên đầu, nước chảy như suối. Còn trong đường hầm nước chảy không khác gì mưa. Lại thêm động đất đùng đùng, chẳng khác chi quả bom hẹn giờ treo trên đầu, trên cổ... Vậy mà hô hào bà con tui yên tâm, không lo mới lạ”... (3)

Rồi các đoàn trung ương, tỉnh, huyện liên tiếp về thị sát càng làm bà con lo lắng:

...“Cứ nhìn cái cảnh “tay không bắt giặc” của mấy ổng bà con tui lại lo thêm. Nhưng biết làm răng chừ. Bây giờ chỉ có nước bỏ làng, bỏ xóm mà đi mới may yên thân”... (4)

Xem phóng sự trên truyền hình và các “triết lý” về an toàn trên đây mà thấy ù cả tai. Thảm họa vỡ đập thủy điện đã từng cuốn trôi 26.000 người dân Hồ Nam, Trung Quốc năm 1975 và sau đó cướp đi sinh mạng 145.000 người khác do chết đói và dịch bệnh. Vỡ đập thủy điện lớn còn xảy ra ngay ở những nước tiên tiến như Thụy Sĩ, Nga, Nhật.

Sự cố thường được “mồi” bằng các hiện tượng thiên nhiên như mưa lớn, động đất, nhưng sai sót thiết kế và thi công vẫn là nguyên nhân chính. Bởi vậy, làm thủy điện là đối diện với nguy cơ vỡ đập, và đây phải là mối lo thường trực ở những người trong cuộc, từ Chính phủ đến người công nhân bình thường, sao cho không xảy ra bất cứ sai sót nào trong thiết kế, thi công và vận hành.

Rất may là sự cố vỡ đập thường được cảnh báo trước bằng những “tín hiệu bất thường”. Nước tuôn ra trên mái hạ lưu từ các khe nứt ở đập Sông Tranh 2 là một thí dụ. Việc gì sẽ xảy ra nếu những tín hiệu bất thường này không được phát hiện, đưa ra công chúng và xử lý kịp thời? Các khe nứt sẽ phát triển nhanh dưới áp lực và dòng chảy của nước.

Đến một lúc nào đó, nhất là trong mùa mưa bão đang cận kề, đập sẽ vỡ. Cuối cùng các cấp có thẩm quyền cũng đã nghĩ đến kịch bản tồi tệ này và quyết định đúng đắn: tháo cạn nước hồ để bảo đảm an toàn và tạo điều kiện nghiên cứu xử lý, cho dù phải chịu thiệt hại lớn về kinh tế.

Phóng to
Nước trong đường hầm được thu gom trong ống nhựa cho chảy vào hành lang kỹ thuật chiều 1-4 - Ảnh: Tấn Vũ

Không cần phải đợi xem sai sót do ai gây ra, những gì xảy ra trong mấy ngày qua đã quá đủ để chúng ta nhận ra mình đang ở nấc thang nào về văn hóa an toàn trong công nghiệp. Lo cho sự an toàn phải là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, khi mà lợi ích kinh tế của các công trình luôn kèm theo, và thường tỉ lệ thuận với nguy cơ xảy ra hiểm họa.

Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 có mẫu số chung với bao nhiêu sự cố khác ở các công trình xây dựng cầu cống, đường sá, nhà máy... xảy ra trên đất nước ta, nhất là những công trình sử dụng kinh phí nhà nước. Mẫu số chung ấy chính là văn hóa an toàn. Nói rộng ra cũng chính cái văn hóa an toàn thấp kém ấy là nguyên nhân của tai nạn giao thông cao kỷ lục và chất lượng tồi tệ, chưa dùng đã hỏng ở nhiều công trình xây dựng sử dụng kinh phí nhà nước.

Văn hóa an toàn trước hết dựa trên vốn tri thức an toàn được tích lũy và kế thừa ở giới chuyên gia, từ đó lan tỏa ra giới quản lý rồi đến công nhân qua việc tuân thủ nghiêm ngặt và tự giác những quy phạm và tiêu chuẩn trong công nghiệp. Tri thức chỉ biến thành văn hóa khi trong cộng đồng tính nghiêm túc, toàn thiện, toàn mỹ được tôn vinh, ngược lại cái ẩu, sự cẩu thả và lạm dụng quyền lực phải bị lên án.

Tri thức an toàn công nghiệp tinh tế đến mức trở thành nhạy cảm ở những người có kinh nghiệm nghề nghiệp. Bởi đây là dạng tri thức khoa học tiềm ẩn. Người chuyên gia phải căn cứ trên những kết quả quan trắc có hệ thống, liên tục tại hiện trường để xét đoán những bất bình thường có thể khởi đầu cho chuỗi sự cố sắp xảy ra. Sau đó, trong khoảng bất định nằm giữa an toàn tuyệt đối và mất an toàn tuyệt đối (sự cố, thảm họa), những chuyên gia có kinh nghiệm biết tìm ra điểm tối ưu nhất dung hòa được hai yêu cầu đối kháng nhau vì an toàn càng cao tổn thất về kinh tế càng lớn.

Nước ta từng xây dựng những công trình thủy điện hàng nghìn mêgaoát bằng nội lực, qua đó hình thành đội ngũ chuyên gia của mình. Tuy nghỉ hưu, họ vẫn là vốn tri thức và vốn văn hóa an toàn mà đất nước phải biết trân trọng. Nhưng hầu như họ đứng ngoài cuộc trong sự cố Sông Tranh 2, họ không được sử dụng khi đất nước hữu sự. Lại dường như kinh nghiệm của họ không được kế thừa, thể hiện rõ nhất ở những tuyên bố ngây ngô của các quan chức. Chính Phó thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận xét như vậy khi phê bình EVN “xử lý lúng túng và thiếu chuyên nghiệp trong sự cố Sông Tranh 2”.

Trách làm sao được khi chính trong thiết chế của chúng ta, EVN vừa thi công, vừa giám sát, còn Cục Giám định nhà nước cũng nằm trong cùng hệ thống ấy lại đứng ra kết luận về những việc làm mất an toàn mà chính mình đã góp phần gây ra. Văn hóa an toàn đòi hỏi công tác giám định phải độc lập hoàn toàn với hệ thống quản lý và chủ đầu tư. Thảm họa hạt nhân Fukushima là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy hết sức nguy hiểm khi hai hệ thống trên không tách bạch trong thiết chế nhà nước.

Công khai, minh bạch thông tin đối với người dân là một biểu hiện quan trọng nữa của văn hóa an toàn. Giấu giếm thông tin có liên quan đến sự cố chẳng những là thiếu văn hóa mà phải được xem như tội phạm hình sự. Người dân có quyền đòi hỏi thông tin trung thực một khi sự cố đe dọa đến cuộc sống của họ.

__________

(1) http://dantri.com.vn/c728/s728-580008/su-co-thuy-dien-song-tranh-2-la-trach-nhiem-cua-evn.htm
(2), (3), (4) http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/66316/noi-am-anh-mang-ten-song-tranh-2.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận