​70 năm và góc nhìn từ hai phía

MINH NHIÊN 09/05/2015 00:05 GMT+7

TTCT - 70 năm sau kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, các chuyên gia bảo tàng của hai đất nước cựu thù Đức - Nga đã ngồi lại trong những dự án hợp tác để cùng nhìn về cuộc đại chiến.

Xem trưng bày tại Bảo tàng Nga - Đức Berlin-Karlshorst - Ảnh: ota-berlin.de

Triển lãm “Sự đầu hàng của Đức - tháng 5-1945” của Bảo tàng Nga - Đức Berlin-Karlshorst (Liên bang Đức) đã được mang sang giới thiệu tại Saint Petersburg từ ngày 20-4-2015. Triển lãm mang tới cho người xem một chi tiết mới ít người biết đến trong những ngày cuối của cuộc chiến: vì sao nước Đức của quốc xã ký tới hai văn kiện đầu hàng: một ở Rheims (Pháp, vào ngày 7-5-1945) và một ở Berlin (Đức) một ngày sau đó.

Trên 11 banner là hình ảnh những nhân vật tham gia sự kiện lịch sử này cùng các tài liệu, văn bản liên quan đến cuộc đầu hàng. Theo chuyên gia lịch sử A. Smirnov, các nhà sử học Đức muốn chứng minh hai văn kiện đầu hàng ở Rheims lẫn ở Berlin có ý nghĩa ngang nhau, thay vì bị cho là đối kháng nhau như từng được diễn giải vào thập niên 1950 và 1970.

Triển lãm giới thiệu: tại lễ ký văn kiện đầu hàng ở Rheims, hai đại diện cho hai phía là tướng Ivan Susloparov (Liên Xô) và tổng tham mưu trưởng tác chiến của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức, thượng tướng Alfred Jodl. Tuy nhiên, đối với quân Đức, Alfred Jodl không phải là một nhân vật thật sự quan trọng nên Liên Xô, Mỹ và Anh đã đòi ký lại văn kiện đầu hàng này bởi một đại diện cao cấp khác. Tích cực nhất trong yêu cầu này là phía Pháp, nước vắng mặt trong lễ ký đầu tiên dù diễn ra ngay trên đất Pháp.

A. Smirnov giải thích thêm: Stalin muốn ký kết văn kiện đầu hàng ngay tại Berlin vì tại đây vào thời điểm đó tập trung một nhóm lớn chỉ huy cấp cao quân đội Liên Xô. Tướng chỉ huy quân đội Mỹ khi đó Dwight Eisenhower cũng đồng tình rằng văn kiện đầu hàng phải hàm ý chấm dứt chiến tranh trên tất cả các mặt trận, trong khi đô đốc Karl Donitz, chỉ huy quân đội Đức sau khi Hitler tự sát, chỉ tính đến việc đầu hàng trước các chỉ huy Mỹ và Anh.

***

Trong khi đó trên đất Đức, nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh, Bảo tàng Nga - Đức Berlin-Karlshorst đã bổ sung hiện vật và thiết kế lại các trưng bày.

Những chiếc nhẫn của binh lính Đức chết trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai được tìm thấy trong những nấm mộ chung - Ảnh: DW

Dưới thời Đông Đức, bảo tàng có tên “Bảo tàng đầu hàng”, được thành lập năm 1967 ngay ở tòa nhà Đức ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện. Sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Đông Đức năm 1990, bảo tàng đóng cửa, nhưng một thỏa thuận giữa Liên Xô và Đức đã được ký kết, theo đó nước Đức thống nhất có trách nhiệm bảo vệ và duy tu công trình này (bên cạnh các tượng đài quân đội Xô viết, những nghĩa trang binh sĩ cùng các đài tưởng niệm...).

Năm 1995, bảo tàng này dưới tên gọi mới: “Bảo tàng lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai Berlin-Karlshorst” đã được mở cửa trở lại. Chính phủ Đức đã chi cho việc tân trang bảo tàng 2 triệu euro, trong khi đại diện Chính phủ Đức về các vấn đề văn hóa Bernd Neumann cho biết sự đóng góp của phía Nga cũng rất “hậu hĩ” dù từ chối tiết lộ con số cụ thể.

Chủ tịch Hội đồng Nga - Đức bảo trợ bảo tàng, ông A.Nikonov, nói nét nổi bật của Bảo tàng Berlin-Karlshorst nằm ở chỗ các hiện vật trưng bày giới thiệu cuộc đại chiến 1941-1945 từ góc nhìn của cả hai phía: Nga và Đức. Nó chỉ ra toàn bộ thảm kịch chiến tranh và lịch sử quan hệ phức tạp của Nga và Đức. Từ phía Đức, ông Bernd Neumann nhấn mạnh mặc dù phía Đức có lỗi trong cuộc chiến này, nhưng tại bảo tàng cũng có chỗ cho câu chuyện về số phận tù binh Đức trong các trại tù Xô viết cũng như nỗi khổ của người dân Đức.

Theo giám đốc bảo tàng Jörg Morre, sau đợt sửa chữa và tân trang ngắn hạn mới đây, có thêm hai hiện vật mới trong bảo tàng: áo khoác tù binh Xô viết và ngọn hải đăng mà các chiến sĩ điều khiển trên băng của hồ Ladoga để chỉ “con đường sống” cho các tài xế xe tải. Những hiện vật bị cất đi gồm 120 quyển sách, phần trưng bày về “hình ảnh kẻ thù” của hai phía cũng được thu hẹp.

Tuy nhiên, những đề tài gay cấn nhất như Hiệp ước bất tương xâm và Hiệp ước về hữu nghị và biên giới giữa Hitler và Stalin, về cuộc thảm sát các sĩ quan Ba Lan ở Katyn... từng được giới thiệu năm 1995 đến nay vẫn không thay đổi. Ông A.Nikonov cho biết không ai có thể phủ nhận những sự kiện lịch sử, nhưng vấn đề ở chỗ giới thiệu chúng sao cho không làm tổn thương dù là người Đức, người Nga hay người Ukraine, Belarus...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận