Âm nhạc phản chiến: Khi trẻ em chết, chúng có lớn nữa đâu...

DANH ĐỨC 15/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - 60 năm trước, khi đọc ké nhựt trình của cha, tôi đã hết hồn trước những cái tít “bom nguyên tử” ngày ngày xuất hiện trên các trang nhứt. Thật không ngờ, 60 năm sau lại nghe những đe dọa “Thế chiến thứ III sẽ là hạt nhân và hủy diệt” trên cái nền đầy tiếng còi báo động cùng tiếng tên lửa đạn đạo nổ ập xuống các thành thị, tiếng xích sắt xe tăng! Lại vẫn là hai “ông lớn” như 60 năm trước, lần này Ukraine thay vai cho Cuba và Berlin.

Mở ngoặc đơn một chút: Thời đó, những đứa trẻ Sài Gòn đầu thập niên 1960 dường như “lớn” sớm hơn một chút, tò mò đọc báo kể từ vụ lính nhảy dù đảo chính năm 1960 ở miền Nam Việt Nam, vụ thả bom dinh Độc Lập năm 1962, vụ khủng hoảng “bức tường Bá Linh” (Berlin) và “cầu không vận Bá Linh” năm 1961, rồi vụ khủng hoảng “hỏa tiễn Cuba” 1962 giữa hai ông “K” (Kennedy và Khrushchev)!

“Nhạc nhọt”, chính xác là nhạc “Mẽo”, cũng thế, bắt đầu cùng với làn sóng đài phát thanh quân đội Mỹ (AFRS) từ giữa tháng 8-1962. Đến năm 1965, đài này mới ngưng phát trên sóng AM, chuyển sang FM, âm thanh “chuẩn”.

 
 Marina Yatsko và bạn trai Fedor bên xác cậu con trai 18 tháng tuổi Kirill trong một bệnh viện ở Mariupo (Ukraine) vào ngày 4-3-2022. Ảnh: AP

Nguyền rủa các “ông trùm chiến tranh”

Những tháng ngày thế giới đang trên bờ vực thẳm chiến tranh hạt nhân đó, bằng ca khúc Masters of War, Bob Dylan đã giận dữ nhắn nhủ các “ông lớn” lúc đó rằng họ đã lòi bản mặt “trùm chiến tranh” ra sau những tấm mặt nạ nhân nghĩa. 

Dylan nói thẳng vào mặt những “ông trùm”: “Mấy người đã chế tạo những khẩu đại bác, những chiếc máy bay tử thần, song lại trốn sau những bức tường, sau bàn giấy văn phòng, tôi chỉ muốn mấy người biết tôi có thể nhìn thấu mặt nạ của mấy người” (“Come you masters of war, you that build the big guns, you that build the death planes, you that build all the bombs, you that hide behind walls, you that hide behind desks, I just want you to know, I can see through your masks”).

Dylan là Dylan chính vì tính bộc trực đó, nói thẳng với hai ông “K” rằng “các ông chưa từng làm được điều gì (đàng hoàng) mà chỉ xây những thứ để đi phá hoại” (“You that never done nothin’, but build to destroy”). 

Dylan cự họ: “Các ông đùa với thế giới của tôi giống như đó là món đồ chơi của các ông” (“You play with my world, like it’s your little toy”). Cụ thể, điều mà Dylan vào mùa đông 1962 “rủa xả” khi sáng tác Masters of the War chính là điều mà cả thế giới mới trải qua trong 1 tháng 4 ngày, từ 16-10 tới 20-11-1962. 

Dylan, năm đó mới 21 tuổi, cũng nói thay cho oán thán của nhiều người trẻ trong chiến tranh: “Các ông gí cho tôi một khẩu súng rồi các ông trốn mất, các ông quay đầu bỏ chạy, chạy thật xa khi những viên đạn bắt đầu bay” (“You put a gun in my hand, and you hide from my eyes, and you turn and run farther, when the fast bullets fly)! 

Chưa có ai mô tả chiến tranh “trần trụi” bằng Dylan, và hiện chưa thấy ai đang làm việc này: “Các ông cột chặt cò súng, để thiên hạ bắn giết. Sau đó, các ông lùi lại và nhìn ngó. Khi số người chết ngày càng nhiều, các ông trốn trong biệt phủ, khi máu của người trẻ tuôn ra khỏi cơ thể họ và bị vùi trong bùn đất” (“You fasten all the triggers, for the others to fire. Then you set back and watch. When the death count gets higher. You hide in your mansion, as young people’s blood flows out of their bodies, and is buried in the mud”).

Chưa một ai đã và sẽ nguyền rủa chiến tranh và những kẻ gây chiến như Dylan: “Tôi mong mấy ông chết quách, và các ông sẽ chết sớm thôi. Tôi sẽ đi theo quan tài các ông trong buổi chiều nhạt nắng. Và tôi sẽ đứng nhìn quan tài hạ xuống huyệt mộ, tôi sẽ đứng trên mộ tới khi nào chắc chắn mấy ông đã chết thiệt rồi” (“And I hope that you die, and your death’ll come soon. I will follow your casket in the pale afternoon. And I’ll watch while you’re lowered down to your deathbed. And I’ll stand over your grave ’til I’m sure that you’re dead”).

Làm thế nào mà Dylan, vốn có tâm hồn của một nhà thơ (Nobel văn chương 2016 vì “đã sáng tạo ra những cách diễn đạt mới trong truyền thống vĩ đại của ca khúc Mỹ”), lại có một ca khúc nguyền rủa nặng lời như vậy? 

Chính ông trả lời trong ghi chú của album có bài Masters of War (The Freewheeling Bob Dylan): “Tôi thực sự chưa bao giờ viết bất cứ điều gì như vậy. Tôi không hát những bài cầu cho người ta sẽ chết, nhưng tôi không thể ngăn mình được trong bài hát này”.

Mưa hạt nhân

Một bài hát khác của Dylan, cũng trong album The Freewheeling Bob Dylan, được nhiều người cho là ám chỉ nỗi sợ bom nguyên tử những năm đầu thập niên 1960. Bài hát đó, mà Dylan viết như một bài thơ thực sự rồi phổ nhạc sau, là những câu gặng hỏi của một bà mẹ: 

“Con đã ở đâu?... Con đã nhìn thấy những gì? Con dấu yêu?...” (“Where have you been, my darling young one... And what did you see, my darling young one?”). Người con trai lần lựa trả lời rằng cậu ta đã “lòng vòng quanh lối vào một nghĩa trang những 10.000 dặm và rồi thấy một cơn mưa lớn thiệt lớn sẽ rơi” ("I’ve been ten thousand miles in the mouth of a graveyard. And it’s a hard, it’s a hard, it’s a hard, and it’s a hard… It's a hard rain’s a-gonna fall”). 

Trong bài này, Dylan đã viết những gì ông linh cảm sẽ xảy ra nếu cuộc khủng hoảng kết thúc bằng chiến tranh hạt nhân khi mà “súng và gươm sắc trên tay đám nhóc tì” (“I saw guns and sharp swords in the hands of young children”). 

Ông linh cảm một tương lai hủy diệt thật gần qua câu trả lời của chàng trai: “Con nghe âm thanh tiếng sấm, tiếng gầm thét cảnh cáo. Con nghe tiếng sóng gầm có thể nhấn chìm cả thế giới” (“I heard the sound of a thunder, that roared out a warnin’. I heard the roar of a wave that could drown the whole world”). 

Và chàng trai quyết định quay về trước khi “cơn mưa” rơi xuống: “I’m a-goin’ back out ‘fore the rain starts a-fallin’”. 52 năm sau khi bài hát ra đời, tức năm 2016, nữ ca sĩ gạo cội Patti Smith đã hát bài này - một phiên bản cực kỳ xúc động có thể xem được dễ dàng trên YouTube. Rất nhiều ca sĩ và ban nhạc khác cũng đã trình bày lại ca khúc này, trong đó có Leon Russell gần gũi với giới trẻ ngày nay hơn.

“Em đến và đứng trước cửa mỗi nhà”

Cùng thời với Dylan, ra đời sau 1 - 2 năm, là ban nhạc The Byrds - nổi danh với Turn, Turn, Turn và He Was A Friend of Mine (nói đến Tổng thống Kennedy vừa bị ám sát) - mà thằng bé là tôi nghe trên một đĩa LP bằng nhựa màu đỏ, in lậu ở Hong Kong, theo máy bay qua bán ở Sài Gòn, cùng các cuốn Hit Parade khổ nhỏ. The Byrds và Bob Dylan rất “kết” nhau, bởi thế sau này, năm 1979, mới có CD The Byrds Play Dylan.

Năm 1966, The Byrds phát hành album thứ ba của mình là Fifth Dimension, trong đó nổi bật bài I Come and Stand at Every Door ở cuối mặt 1. 

Bài hát thể hiện một đứa trẻ 7 tuổi, đêm đêm gõ cửa từng nhà mà không ai nghe, không ai thấy. Chẳng qua do bé này đã chết rồi, chết từ năm lên 7, vì bom nguyên tử ở Hiroshima từ hồi nào. Bài hát nhức nhối tột độ ở câu “Em giờ vẫn 7 tuổi như hồi đó. Khi trẻ em chết, chúng có lớn nữa đâu” (“I’m seven now as I was then. When children die, they do not grow”).

Nếu dừng ở đó, The Byrds chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Thế cho nên mới có đoạn cuối, theo đó em bé bảo đại ý đừng cúng kiếng (trái cây, cơm nước) làm gì, rằng “em không xin gì cho bản thân, do lẽ em đã chết rồi, chết rồi mà!”. 

Điều em xin là hòa bình: “Mọi người giờ đây phải đấu tranh, phải đấu tranh để cho trẻ em thế giới này được sống và lớn lên, được cười và vui chơi” (“All that I ask is that for peace. You fight today, you fight today, so that the children of this world may live and grow and laugh and play”).

Tất nhiên, ngoài Dylan còn có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khác cất tiếng hát chống chiến tranh hạt nhân. Trong số đó, phải kể đến Peter Tosh với ca khúc và album cùng tên No Nuclear War năm 1987, được trao ngay giải Grammy năm sau. 

Ngoài ra, có thể nhắc ban nhạc rock nặng như quả tạ Iron Maiden và ca khúc Two Minutes to Midnight (Hai phút tới nửa đêm), New Politics với Nuclear War (Chiến tranh hạt nhân), Yo La Tengo, một ban nhạc Indie Mỹ ở New Jersey với Nuclear War (Chiến tranh hạt nhân)…

Năm 1987 đó và những năm trước nữa, châu Âu chìm trong bầu không khí căng thẳng chiến tranh lạnh cực độ do những đối đầu với Liên Xô, cụ thể là việc Tổng thống Mỹ lúc đó Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cùng NATO muốn đặt tên lửa Pershing 2 tại Tây Đức theo lời yêu cầu của Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt để đối phó với tên lửa SS-20 của Liên Xô - vốn là tên lửa đạn đạo tầm trung “đời mới”, có tầm bắn xa hơn, độ chính xác được cải thiện, mang được tới ba đầu đạn và nhất là được đặt trên bệ phóng di động khiến các lực lượng NATO gần như không thể nhắm mục tiêu.

"Nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ở châu Âu cao nhất trong 30 năm! Cách đây vài tuần, nếu bạn nói đến nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân vì chiến tranh, bạn sẽ bị coi là một kẻ hoang tưởng nguy hiểm. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine, những đe dọa trực tiếp từ Nga và cuộc giao tranh xung quanh Chernobyl và các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đã làm thay đổi tình hình".

Trích một thư ngỏ của tổ chức “Học tập, Chuẩn bị, Sống còn” (Apprendre Préparer Survivre)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận