Bảo tàng xứ người - những sân chơi kỳ thú

PHÚC TIẾN 04/09/2010 18:09 GMT+7

TTCT - Những ý tưởng độc đáo, bất ngờ và cách làm bảo tàng nghiêm cẩn, tinh tế của nhiều quốc gia khiến mỗi chuyến viếng thăm bảo tàng đều trở thành một hành trình du ngoạn kỳ thú của tri thức và khám phá. Tôi ước ao một ngày được thấy ở Việt Nam những sân chơi lịch lãm ấy...

Wikipedia gọi bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày những báu vật từ lịch sử đến văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật. Quả vậy, nhưng tôi cũng thích gọi bảo tàng là “sân chơi” - nơi thu hút những người thích tìm đến với chứng tích quá khứ mà gợi mở cả tương lai, tìm hiểu và rồi say mê một sưu tập được chọn lọc công phu.


Chiếc ghế tùng xẻo - Ảnh: Picasaweb

Bảo tàng tra tấn tại Cairo (Ai Cập)

Tọa lạc gần kim tự tháp Giza, đây là bảo tàng đầu tiên loại này trên thế giới, trưng bày các loại dụng cụ hành hạ thể xác và tinh thần con người có ở khắp nơi trên thế giới. Không chỉ nam giới, nữ giới cũng là nạn nhân của những trò tra tấn tàn bạo trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, cả ở các quốc gia được coi là văn minh. Hơn 1.000 dụng cụ tra tấn được trưng bày tại đây, nhiều thứ chỉ nhìn thấy cũng đủ khiến người ta rùng mình kinh sợ.

Hiếm có ngay từ vẻ ngoài

Một “sân chơi” phải bắt đầu ngay từ “cái sân” - không gian xung quanh bảo tàng và chính tòa nhà sử dụng làm bảo tàng - ấn tượng, hiếm có ngay từ phút giây trông thấy từ xa. Khi đến Bảo tàng Le Louvre (Paris, Pháp) - một cung điện có từ thế kỷ 12 - ai có thể quên được Kim tự tháp đồ sộ bằng kính của kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc Leoh Ming Pei. 

Kim tự tháp hiện đại ấy, dựng xong năm thứ 200 Cách mạng Pháp, cũng là cổng ngầm đi vào các gian trưng bày của Le Louvre, thể hiện ý tưởng bất ngờ về sự hội nhập của văn minh phương Tây và phương Đông. 

Vì thế, Kim tự tháp Le Louvre không những trở thành logo của bảo tàng nổi tiếng này mà còn được chọn là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho Paris, không kém gì tháp Eiffel hay Khải hoàn môn lừng lẫy.

Bên kia biển Manche, Viện bảo tàng Anh - niềm tự hào của người Anh - được đặt trong một cung điện uy nghi không kém. Hoàn thành năm 1852, Viện bảo tàng Anh gồm bốn tòa nhà lập thành một khối vuông khổng lồ, trông ra một sân chính rộng mênh mông.

Ai đến đây cũng sẽ nhớ ngay mặt chính của Viện bảo tàng Anh với hàng cột Hi Lạp cổ xưa khổng lồ, đỡ lấy mái nhà tam giác cân, gợi nhớ cung điện nghị viện Parthenon ở Athens. Đường nét điển hình của Parthenon - chiếc nôi của văn minh và dân chủ - đã được chọn làm logo cho Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Dáng dấp của Parthenon cũng ngự trị phần lớn hệ thống Bảo tàng quốc gia Smithsonian của Mỹ tại thủ đô Washington DC. Đúng 70 năm sau khi nước Mỹ lập quốc, Bảo tàng Smithsonian ra đời (năm 1846). Đây là một hệ thống gồm 19 bảo tàng và nhiều trung tâm nghiên cứu, đều là những lâu đài, cao ốc đồ sộ, tái hiện kiến trúc Hi Lạp. Chúng được đặt bên cạnh những đại lộ thênh thang, trở thành những cột mốc không thể thiếu trên bản đồ Washington DC.

 Ở thủ đô nước Mỹ còn có một nơi tuy không đề tên là bảo tàng nhưng lại lưu giữ nhiều báu vật quốc gia và thú vị hơn là luôn mở cửa cho công chúng vào xem. Đó là tòa nhà Lưu trữ Quốc gia, nơi khách xếp hàng đông nghịt để nhìn tận mắt văn bản gốc của tuyên ngôn độc lập 1776 và bản hiến pháp Mỹ.


Ký sinh trùng sống bám vào não cá heo - Ảnh: Picasaweb

Bảo tàng ký sinh trùng Meguro ở Tokyo (Nhật)

Được hình thành như một cơ quan nghiên cứu khoa học về ký sinh trùng, Bảo tàng Meguro là bảo tàng duy nhất trên thế giới trưng bày tất cả mẫu vật sống ký sinh trong cơ thể con người và các loài động vật. Có tất cả 45.000 mẫu vật trong sưu tập của bảo tàng này, rất nhiều trong số đó khiến khách tham quan dựng tóc gáy khi nhìn thấy, chẳng hạn con sán xơ mít dài hơn 8,5m sống ký sinh trong bụng người!

Cuộc chơi đa dạng và ngoạn mục

Cũng như một người đẹp, cả vẻ đẹp bên trong và bên ngoài của mỗi bảo tàng đều cần “trang điểm” sao cho không nhàm chán, đơn điệu.

Ở nhiều bảo tàng dù lớn hay nhỏ, hằng năm các triển lãm thường xuyên và chuyên đề đều được đổi mới để tạo nên sức sống riêng, thu hút người xem. Năm năm trở lại đây, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm lập quốc, Bảo tàng Lịch sử Singapore đã “lên đời” cả về không gian lẫn nội dung và phương thức trưng bày.

Đầu tiên, để lấy đất mở rộng không gian mới cho bảo tàng, Chính phủ Singapore “dám” cho di chuyển tòa nhà Thư viện Quốc gia phía sau sang chỗ khác và dựng cho thư viện này một tòa nhà 20 tầng, lớn hơn xưa gấp bội. 

Kế đến, tòa nhà cũ của bảo tàng vốn là một dinh thự kiểu Anh thế kỷ 19, được tôn tạo từ khung cửa đến mái vòm, từ nước sơn cho đến ánh đèn về đêm tạo nên vẻ lộng lẫy chưa từng có. Cùng lúc, ở không gian mở rộng, người ta dựng lên một tòa nhà kính lớn hơn tòa nhà cũ rất nhiều nhưng không che lấp nó vì diện tích tòa nhà mới chủ yếu là không gian ngầm.

Tại đây, người xem đi xuống một cầu thang xoáy vòng, có hình ảnh và âm thanh xoay quanh, tạo ra cảm giác kỳ thú như đang đi vào đường hầm của lịch sử. Kế đó, phần giới thiệu Singapore từ thuở sơ khai đến đương đại sẽ dẫn người xem “phiêu lưu” trong một cõi vừa thực vừa ảo. Ở đó, cùng với những hiện vật sống động là hình ảnh 3D và âm thanh, ánh sáng mang hiệu ứng đặc biệt, mang lại cho người xem cảm giác đang có mặt ngay trong thời khắc thực diễn ra sự kiện.

Bảo tàng lịch sử quốc gia và lịch sử địa phương là nơi không chỉ trình bày một vài giai đoạn, một vài lát cắt lịch sử mà công phu tái hiện toàn cảnh, toàn bộ câu chuyện quá khứ nhiều mặt của một đất nước hay một đô thị. Chính vì thế, nó không chỉ là địa chỉ “về nguồn” không thể thiếu cho người dân địa phương mà còn là một trong những nơi du khách nước ngoài tìm kiếm. 


Tại tòa nhà cũ, người ta tổ chức những gian triển lãm chuyên đề với phong cách trưng bày đa dạng và sáng tạo. Có những chuyên đề rất hoành tráng như triển lãm các xác ướp Ai Cập, mượn hiện vật từ Viện bảo tàng Anh và các nơi khác về.

Cũng có những chuyên đề rất đời thường và đầy bất ngờ như triển lãm các loại túi giấy đựng hàng ở Singapore cách đây hơn 50 năm, thời kỳ chưa có túi nilông. Tại bảo tàng này dĩ nhiên còn có cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán cà phê, kể cả chỗ vui chơi cho trẻ em, được đặt tại những vị trí chọn lọc và thiết kế lịch sự, không gây ra một sự “dị ứng” nào với khung cảnh bảo tàng.

Ở Macau, dù chỉ là một thành phố vài triệu dân nhưng Bảo tàng Lịch sử Macau được đặt ngay trong một pháo đài cổ rộng lớn ở khu trung tâm. Điều lý thú là bảo tàng này tái tạo nhiều ngôi nhà cổ mang đặc trưng Bồ Đào Nha hay Trung Hoa vốn có ở Macau. Nó cũng tái hiện cảnh sinh hoạt của những người dân nghèo, thợ thuyền và người bán hàng rong, khung cảnh một thương cảng tấp nập từ nhiều thế kỷ trước. 

Giống như Macau, Bảo tàng Lịch sử Hong Kong - một tòa nhà lớn song hành với Bảo tàng Khoa học - cũng tập trung tái hiện đời sống nhiều mặt của một đô thị. Nó đưa người xem hào hứng đi suốt từ cuộc chiến tranh nha phiến đã trao Hong Kong cho người Anh sang quá trình “châu về hợp phố”, Hong Kong trở về với Trung Quốc năm 1997.

Ở một bảo tàng lịch sử, người ta có thể trở về và khám phá nguồn cội của một cộng đồng dân cư hay chủng tộc một cách nhanh nhất và ấn tượng nhất. Đó là một cuộc hành trình vừa thiêng liêng vừa hấp dẫn về cả kiến thức và tình cảm, vốn đòi hỏi một cách làm bảo tàng không chỉ giàu có về nội dung mà còn phải phong phú, sáng tạo về cách trưng bày và tái hiện lịch sử.

Những hành trình như thế đương nhiên đòi hỏi nhiều chi phí. Song trước hết vẫn phải là những ý tưởng rộng mở, những mơ ước bay bổng, những cách quản trị hiệu quả, độc đáo và táo bạo. Và hơn cả là con người và những nguồn lực lớn lao, không phân biệt nhà nước hay tư nhân.


Một số “vũ khí chiến đấu” của cá voi - Ảnh: Picasaweb

Bảo tàng “của quý” động vật ở Húsavik (Iceland)

Người sáng lập bảo tàng, ông Sigurdur Hjartarson, bắt đầu thực hiện bộ sưu tập có một không hai của mình khi nhận được một cái pín bò phơi khô vào năm 1974, sau đó là một dương vật của cá voi. Ngày nay bảo tàng trưng bày 273 mẫu “của quý” của 92 loài động vật, lớn nhất là của cá voi đực, nhỏ nhất là của chuột đồng. 

Ngoài ra còn có những tư liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của công cụ giao phối ấy trong lịch sử, nghệ thuật, tâm lý học và văn chương!


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận