Bên ngoài

ETGAR KERET 19/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Ba ngày sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, rõ là chẳng có ai có ý định ra khỏi nhà. Vì những lý do không rõ, người ta thích ở nhà hơn, một mình hoặc với gia đình, có khi đơn giản là sung sướng được tránh xa mọi người khác. Ở nhà quá lâu, người ta đã quen với nó

 
 

 Ba ngày sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, rõ là chẳng có ai có ý định ra khỏi nhà. Vì những lý do không rõ, người ta thích ở nhà hơn, một mình hoặc với gia đình, có khi đơn giản là sung sướng được tránh xa mọi người khác. Ở nhà quá lâu, người ta đã quen với nó: không đi làm, không đi mua sắm, không gặp bạn bè hay uống cà phê, không nhận được một cái ôm bất ngờ và không mong muốn trên phố từ một người mà bạn từng học chung một lớp yoga.

Chính phủ cho thêm vài ngày để thích nghi, nhưng khi hiển nhiên là mọi thứ sẽ không thay đổi, họ không còn lựa chọn. Cảnh sát, quân đội bắt đầu gõ cửa và ra lệnh cho người dân ra ngoài.

***

Sau 120 ngày cô lập, không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhớ chính xác bạn đã từng làm gì để kiếm sống. Không phải là bạn không cố gắng nhớ. Nó chắc chắn là một công việc gì đó liên quan đến rất nhiều người phẫn nộ, những người gặp rắc rối với chính quyền. Một trường học, có lẽ? Hay một nhà tù? Bạn có một ký ức mơ hồ về một đứa trẻ gầy tong teo vừa mới mọc ria mép ném đá vào bạn. Hay bạn là nhân viên xã hội trong một nhà tập thể?

Bạn đứng trên vỉa hè bên ngoài tòa nhà bạn ở, và những người lính dắt bạn ra ngoài ra hiệu cho bạn bắt đầu di chuyển. Thế nên bạn di chuyển. Nhưng bạn không chắc chính xác là bạn đang đi đâu. Bạn lướt qua điện thoại tìm cái gì đó có thể giúp bạn sắp xếp được mọi chuyện. Các cuộc hẹn trước, các cuộc gọi nhỡ, những địa chỉ trong ghi chú. Mọi người lao qua bạn trên phố, một số người trông thực sự hoảng loạn. Họ cũng không thể nhớ nơi họ phải đi, và nếu có nhớ, họ cũng không còn biết làm thế nào để đến đó hoặc chính xác trên đường đi thì phải làm gì.

Bạn thèm thuốc đến chết nhưng để quên bao thuốc ở nhà. Khi những người lính xông vào và thốc bạn đi, bạn chỉ có vừa đủ thời gian để lấy chìa khóa và ví, quên luôn cả kính râm. Bạn có thể cố gắng quay vào, nhưng những người lính vẫn ở xung quanh và sốt ruột đập cửa hàng xóm. Nên bạn đi bộ đến cửa hàng góc phố và thấy mình chẳng có gì ngoài một đồng năm shekel trong ví. Cậu thanh niên cao lớn ở quầy thanh toán, người bốc mùi mồ hôi, giật lại bao thuốc vừa đưa cho bạn: “Tôi sẽ giữ cho anh”. Khi bạn hỏi bạn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng không, hắn cười toe toét như thể bạn vừa kể chuyện cười. Tay hắn chạm vào tay bạn khi lấy lại bao thuốc. Nó đầy lông, như chuột. Đã 120 ngày kể từ lần cuối có người chạm vào bạn.

Tim bạn đập mạnh, không khí rít qua phổi và bạn không chắc mình có vượt qua được hay không. Gần cây ATM có một người đàn ông mặc quần áo bẩn, bên cạnh đặt một chiếc cốc thiếc. Bạn vẫn nhớ bạn phải làm gì trong tình huống này. Bạn đi nhanh qua hắn và khi hắn thều thào bảo bạn rằng hai ngày nay hắn chưa ăn gì, bạn nhìn về hướng ngược lại và tránh giao tiếp bằng mắt như một người chuyên nghiệp. Chẳng có gì phải sợ. Nó giống như đi xe đạp: cơ thể ghi nhớ mọi thứ, và trái tim đã mềm đi khi bạn ở một mình sẽ cứng lại trong tức khắc. 

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Jessica Cohen)

Etgar Keret sinh năm 1967, ở Ramat Gan (Israel). Là người viết truyện ngắn, tác giả truyện tranh và nhà biên kịch, anh đã trở thành nhà văn tiếng Hebrew nổi bật nhất của thế hệ mình. 

Truyện của anh được xuất bản rộng rãi trên nhiều ấn phẩm quốc tế như The New York Times, Le Monde, The New Yorker và đã được chuyển thể thành hơn 40 phim ngắn, trong đó có một phim đoạt giải MTV. Phim Jellyfish do anh đạo diễn cùng vợ cũng đoạt giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2007. 

Anh sống ở Tel Aviv và giảng dạy tại Đại học Ben-Gurion, Negev.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận