Camping - cách trở về thiên nhiên

HỒNG VÂN 23/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Xu hướng camping/glaming (cắm trại và cắm trại sang chảnh) rộ lên ở khắp Việt Nam. Người người, nhà nhà khoe ảnh cắm trại trong vườn điều, cắm trại trên đồi thông... và tận hưởng thú vui với thiên nhiên.

Gia đình anh Đào Nguyên Dũng đi cắm trại ở bãi Toyanosawa nằm trong khu Doshimachi, tỉnh Yamanashi mùa thu năm 2021. Ảnh: Nhà Sakura

 

Glamping là từ kết hợp giữa hai từ tiếng Anh là “Glamorous” - “sang chảnh” và “Camping”. Glamping loại bỏ hết những bất tiện, thiếu thốn của việc đi cắm trại thuần túy. 

Lều glamping đẹp, rộng, cao như một ngôi nhà nhỏ với giường nệm êm ái. Người đi glamping có thể tận hưởng những bữa ăn sang chảnh và thoải mái, nếu muốn, có cả bít tết, rượu vang với dao nĩa, ly đúng điệu. 

“Tôi không sao kê đâu”

Nguyễn Quốc Thắng (sinh 1983) cho biết anh bắt đầu thích cắm trại và kiểu sinh hoạt lều trại từ năm học lớp 8 nhờ những dịp cắm trại mừng ngày 26-3 hằng năm ở trường. Năm 2005, từ Nha Trang anh vào TP.HCM, tìm mua chiếc lều đầu tiên với kế hoạch gây bất ngờ cho bạn gái.

“Cái lều giá 370.000 đồng. Họ chỉ có duy nhất một chiếc nên tôi không có sự lựa chọn nào cả. Nay thì thị trường đồ cắm trại rất phong phú, từ đơn giản, rẻ tiền đến sang xịn, đồ cũ bán lại” - Thắng cho biết.

Thắng đang nâng cấp các thiết bị cắm trại, gồm bếp than, lều, bạt, bàn, ghế, nệm trải, đèn… đủ để đưa hơn chục người đi cắm trại. 

Anh tuyên bố trên Facebook: “Tôi không... sao kê đâu” nhưng cũng liệt kê sơ giá cả của những món chính, tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Ban đầu anh đưa gia đình đi picnic nên chỉ mua bàn, ghế, bếp nấu, tarp (tăng) che nắng. Khi có nhu cầu ở lại qua đêm, anh mua lều, nệm, gối, đèn sưởi.

“Cái ghế mua 250.000 đồng nhưng thuê 50.000 đồng/lần, cái lều giá 1,5 triệu nhưng thuê 300.000 đồng/lần. Do đi thường xuyên nên tôi quyết định mua” - Thắng nói.

Nhiều bạn bè nhờ Thắng tổ chức cho mình và gia đình trải nghiệm. Sau khi các hạn chế về dịch COVID-19 nới lỏng ở TP.HCM, hầu như tuần nào anh cũng dắt bạn bè đi cắm trại. 

Họ muốn anh lấy phí để còn đi những lần sau nên Thắng bắt đầu thu tiền với ý định mua thêm và nâng cấp trang thiết bị. Với Thắng, đi cắm trại cho anh năng lượng. 

Gia đình anh Nguyễn Quốc Thắng ăn trưa ngoài trời. -Ảnh: Q.T.

 

Dù loay hoay dựng lều, trại, nhóm lửa, bố trí bàn, ghế, nướng thịt, nấu ăn cả ngày cho cả hơn chục người anh vẫn thấy không mệt. Anh muốn đưa vợ, con ra thiên nhiên để cả nhà được cân bằng sau một tuần đi làm, đi học. 

“Camping dạy con tôi tháo vát hơn, biết làm nhiều thứ, quan sát môi trường xung quanh. Khi đi cắm trại, con cho tôi vào thế giới của con vì khi đó, con nói nhiều về những suy nghĩ, quan sát của mình” - anh nói.

Hiện có nhiều đơn vị tư nhân nhận tổ chức các tour camping và glamping ở bãi cắm riêng cho du khách. Thắng cho rằng phong trào cắm trại sẽ còn phát triển, đặc biệt ở Đà Lạt với khí hậu mát mẻ, thích hợp. 

Các camper thực sự có nhu cầu về một bãi cắm an toàn, vệ sinh. Hiện các gia đình hoặc ngủ cầm chừng hoặc cử một người thức canh bảo vệ tài sản. 

Sau một đêm ngon giấc ở đồi Cỏ Hồng (thung lũng Vàng, thị trấn Lạc Dương) về lại Đà Lạt, chúng tôi nghe tin một nhóm đi cắm trại bị rạch lều lấy mất 4 điện thoại iPhone. 

Thắng cho biết hiện tượng rạch lều ăn trộm hay vài thanh niên nhậu say ra “xin đểu” mỗi lều 100.000 đồng không phải là không có. “Tự phát thì không tránh khỏi những chuyện làm mất vui như vậy” - anh nói.

Cắm trại ở Nhật Bản

Đào Nguyên Dũng cho biết anh bắt đầu quan tâm đến việc đi cắm trại từ năm 2015 sau khi trải nghiệm một đêm ngủ trong khu trại dịch vụ ở giữa khu công viên quốc gia bên bờ tây nước Mỹ. Về lại Nhật, Dũng tìm hiểu về cắm trại qua đêm và yêu thích môn này.

Anh Nguyễn Quốc Thắng (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn các bé nướng gà ăn tối. Ảnh: HỒNG VÂN

 

Mùa thu 2021, nhà Dũng tới một khu cắm trại nằm trong rừng lá vàng ở Nhật. Cả gia đình độc chiếm cả khu rừng trong cả 24h, mở cửa lều ra là thấy rừng lá đỏ, thiên nhiên chưa bao giờ gần như thế. 

Cả gia đình được gần nhau, giao tiếp với nhau nhiều hơn, bố mẹ có dịp thấy con cái trưởng thành khi cùng tham gia đốt bếp, rửa rau, nấu cơm. Họ có dịp sống chậm lại, có dịp quên đi điện thoại, Internet. Sau cả ngày vận động, buổi tối bên bếp lửa hồng là khoảng thời gian vô giá.

Dũng cho rằng cắm trại Việt Nam còn mới nên còn thiếu cơ sở hạ tầng. Để cắm trại trở thành lối sống, rất cần những khu trại có quy hoạch, thu phí và quản lý có bài bản.

 Phong trào cắm trại bên Nhật nổi nên những năm 1960, đến nay đã có đến hơn 3.000 bãi trại được quản lý trên cả nước, theo trang japan.travel, phần lớn được tổ chức và quản lý bài bản. Những bãi trại này có các điều kiện cơ bản như nước, khu nhà vệ sinh, khu bán đồ và người quản lý (ngày và đêm). 

Những bãi trại có quản lý sẽ đảm bảo an toàn và vệ sinh cho những người cắm trại, góp phần bảo vệ thiên nhiên, cho phép hoạt động cắm trại tồn tại được lâu dài.

Về chỗ ngủ, những camper chịu khó đầu tư lều tốt, có màn chống muỗi, rộng rãi đủ để nhét đệm ngủ cho cả gia đình mà vẫn còn đủ chỗ để nhiều thứ đồ khác. 

Ở xứ lạnh, có lều ngăn được hơi nước, cắm được cả trong trời tuyết mà bên trong vẫn ấm áp, dĩ nhiên, các camper mang theo đèn sưởi.

Do được quản lý, các bãi cắm trại ở Nhật có thu phí để cung cấp các tiện ích cơ bản cho các gia đình. Những chỗ cắm, bãi cắm tốt có thể phải đặt trước vài tháng hoặc phải đến chờ từ đêm trước để chọn bãi cắm đẹp. 

Hầu hết các khu trại ở Nhật có 4 thứ cơ bản: chỗ dựng trại, nhà vệ sinh, khu rửa và nhà tắm, những bãi tốt có thể có bồn tắm nước nóng, nước khoáng....

Tùy theo khu trại mà bãi đất được chia ranh giới cho từng lều/gia đình hoặc để không gian tự do cho người dùng chọn. Các khu trại có chỗ bỏ rác, quầy bán củi lửa và những đồ cơ bản phục vụ việc cắm trại. Có khu trại còn có nguồn điện (thu phí) để người cắm trại dùng chăn điện vào mùa đông hay quạt mùa hè.

Bãi cắm tốt có khu cắm trại sạch sẽ, rộng rãi, tiện ích đầy đủ, có chỗ cho trẻ em chơi và cảnh đẹp thì giá đắt, khoảng hơn 7.000 yen/đêm (60 USD/đêm). 

Lều tốt, loại chuyên dụng cho mùa đông có thể thoải mái cắm trại ngủ đêm trên tuyết, bên ngoài -10 độ mà bên trong vẫn ấm. Ảnh: Nhà Sakura

 

Bãi cắm cơ bản giá rẻ hơn, khoảng 5.000-6.000 yen/đêm (từ 40-50 USD/đêm), tiện ích vừa đủ, có thể không có nước nóng và không có nguồn điện, chỗ chơi cho trẻ con cũng đơn giản. 

Một số bãi cắm có xu hướng dân dã dành cho những người muốn thật sự gần với thiên nhiên nhưng những nơi này vẫn đảm bảo các tiện ích tối thiểu như nhà vệ sinh, chỗ rửa bát, không thích hợp để dắt trẻ em đi, giá tầm 2.000-4.000 yen/đêm (17-40 USD/đêm). 

Ưu điểm là cảnh đẹp, hoang vắng, tuyệt đối yên tĩnh. Mỗi bãi trại có cách tính tiền khác nhau: tính tổng cộng cho cả người và xe, tính tiền trại, tiền xe, tiền người riêng hoặc tính theo số lều, theo số người.

Nhiều người nghĩ cắm trại việc ăn, ngủ sẽ khổ nhưng không phải thế. Thắng khá cầu kỳ trong ăn uống. Anh quan niệm đã mất công đến nơi có cảnh thiên nhiên đẹp thì phải ăn ngon mới đáng nên nghĩ ra một danh sách nhiều món ăn thích hợp với không khí cắm trại, chủ yếu là đồ nướng. 

“Tôi đã phải hi sinh rất nhiều con gà sống rồi nên bây giờ có đủ kinh nghiệm để nướng gà, nướng sườn giữa rừng mà thịt chín từ trong ra ngoài” - Thắng tự hào. ■

Một nhóm bạn bè cắm trại ở đồi Cỏ Hồng, thị trấn Lạc Dương. -Ảnh: HỒNG VÂN

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết loại hình du lịch cắm trại dã ngoại đang được du khách, đặc biệt là giới trẻ rất ưa chuộng khi đến Lâm Đồng, chủ yếu tại các các bãi đất trống ven hồ, đồi cỏ, rừng thông, bên cạnh các khu cắm trại do điểm du lịch đang quản lý. 

Tỉnh chưa thể làm như các quốc gia Nhật, Mỹ - nơi có phong trà du lịch cắm trại phát triển mạnh mẽ - nhưng sẽ quan tâm quy hoạch phát triển mô hình du lịch này để thu hút du khách. Trong đó, điều đầu tiên là các điểm cắm trại này cơ bản phải đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận