Chê trách trật chìa

TRƯỜNG HUY 17/12/2013 09:12 GMT+7

TTCT - Ba ngày trước lễ khai mạc SEA Games 27, đoàn thể thao của nước chủ nhà Myanmar chễm chệ dẫn đầu thành tích với hai HCV đầu tiên của đại hội đến từ môn chinlone. Đây là môn thể thao quốc hồn quốc túy của Myanmar nên việc họ đoạt HCV là đương nhiên.

Nhưng cũng từ đây, không ít người đã “mắng” nước chủ nhà tơi bời khi cho rằng chinlone là môn “củ chuối”, gần như cả Đông Nam Á chẳng ai biết.

Cái sự tệ của SEA Games là căn bệnh thành tích đã nói từ lâu, nhưng đem món chinlone ra để mắng thì hơi bất công!

Nên nhớ, theo thống nhất của các thành viên Hội đồng thể thao Đông Nam Á, mỗi kỳ SEA Games chủ nhà được quyền đưa môn thể thao quốc hồn quốc túy vào chương trình thi đấu chính thức. Cái này không đặt nặng về ý nghĩa thể thao mà mang yếu tố văn hóa, như một cách giới thiệu với bạn bè trong khối ASEAN món đặc sản thể thao của mình.

Vì vậy, khi SEA Games đến Philippines thì chúng ta biết võ gậy anis, đến Thái thì chiêm ngưỡng món muay, và đến Việt Nam thì thưởng thức vovinam...

Thậm chí khi vovinam xuất hiện tại SEA Games 2003 với cả chục bộ huy chương và chúng ta lấy gần hết, thì chinlone chỉ có 4 bộ huy chương (chủ nhà lấy một nửa, còn một nửa “tặng” Thái Lan). Nếu so như thế thì ta “máu” thành tích hơn Myanmar nhiều lần đấy chứ!

Chuyện đáng chê trách của SEA Games thật ra nằm ở chỗ khác chứ không phải mỗi kỳ đại hội xuất hiện một môn mới lạ của chủ nhà. Cái sự tệ của SEA Games là ở chỗ “tùy hứng” khi chủ mạnh môn nào thì giữ, yếu thì bỏ, rồi sử dụng quá nhiều chiêu trò để vơ vét huy chương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận