Chiến tranh, hòa bình và lời nhắc từ vĩ tuyến lịch sử

LƯU VĨ LÂN 27/12/2016 22:12 GMT+7

TTCT - Hiện nay thương vong vì các xung đột toàn cầu cao nhất trong 25 năm qua, người tị nạn và mất nhà cửa vì chiến tranh cao nhất 60 năm qua.

Dấu tích thành cổ Quảng Trị -Đào Hoa Nữ
Dấu tích thành cổ Quảng Trị -Đào Hoa Nữ

 

 


Hơn mười năm qua, từ khi trận mưa lửa của đợt oanh kích mang tên “Shock and Awe” (Choáng váng và kinh hoàng) đổ xuống kinh thành Baghdad và quân đội Hoa Kỳ chính thức mở màn cuộc tập kích Iraq, hình ảnh máu lửa chiến tranh ở toàn Trung Đông bắt đầu tràn ngập màn hình tivi hằng đêm, thì cũng là lúc tôi phải nghe những tiếng thảng thốt xót xa của con mình: “Chiến tranh sao mà kinh khủng thế!”.

Nín nhịn mãi, cuối cùng tôi cũng phải nói với cháu: một cuộc chiến tàn khốc hơn thế từng diễn ra ngay tại đất nước này suốt 20 năm, và hầu như tất cả những gì chúng thấy trên tivi thì thế hệ chúng tôi đã nếm trải thật sự ở ngay tại đây.

Sinh ra, lớn lên và học hành ở “vùng 1 hỏa tuyến”, tức quanh Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, tôi sống dưới cái bóng của một vành đai lửa: vĩ tuyến 17, Khe Sanh, Hạ Lào, A Sầu, A Lưới, chiến trường khu 5..., trong một cuộc chiến mà người Mỹ đã đưa đến 500.000 quân (chứ không phải chỉ 120.000 như tại Iraq) và tiến hành một cuộc đối đầu kéo dài qua 5 đời tổng thống Mỹ.

Cái bóng của năm tháng ấy mãi ám ảnh tôi. Nên khi cuộc chiến kết thúc, khi mọi người rời chiến địa và tìm đường quay về nhà thì trong tôi bắt đầu lên kế hoạch trở về nơi chốn có những cái tên tưởng như hoang đường ấy.

Nơi đó là bình yên

Bởi những bộn bề của thời hậu chiến, phải mất 15 năm sau tôi mới đặt chân đến Khe Sanh. Và ấn tượng cho lần “hội ngộ” đầu tiên ấy trong một ngày thu của hơn 26 năm trước là cảm giác sững sờ, vì ngay khi rời quốc lộ 1 rẽ vào đường 9, đi trên địa bàn của vùng Cam Lộ tôi đã phải giật mình vì cái khí vị khác thường của “không - thời gian” nơi đây.

Ta cảm nhận rõ năng lượng mãnh liệt của rừng núi, sông ngòi, đất đá của chốn này. Năng lượng ấy càng nổi rõ hơn trong một sinh quyển tĩnh mịch, trầm thống pha chút u ẩn huyền bí đến lạnh người.

Đó không phải là cảm nhận của mỗi mình tôi, đó còn là cảm giác của người lính Mỹ khi đến đây tham gia chiến tranh được John Prados thuật lại trong tác phẩm The Siege of Khe Sanh: Valley of Decision (Cuộc vây hãm Khe Sanh: Thung lũng quyết định):

“Nhìn từ trên cao khi đổ bộ bằng trực thăng xuống vùng đất này, người lính thủy quân lục chiến đã trầm trồ vì vẻ đẹp kỳ diệu của nó, những ngọn đồi nhấp nhô trải dài đến tận chân trời, được bao trùm một màu xanh sắc tím của cánh rừng già bạt ngàn, réo rắt đây đó là những dòng suối, thi thoảng xuất hiện những vách đá kỳ vĩ treo bên sườn những ngọn núi cao, thậm chí có cả một ngọn thác cao gần căn cứ đóng quân của người Mỹ.

“Chúng tôi đang ở một nơi chốn có gắn kết với sự thiêng liêng và những nguồn năng lượng mạnh mẽ!”. Thiếu úy thủy quân lục chiến Ernest Spencer buột miệng: Tôi nghĩ mình đang ở một vương quốc huyền bí!”.

Tôi còn nhớ trên đường 9 đi dọc triền sông Cam Lộ, khác với các dòng sông của Việt Nam, thường phải băng qua đồi gò, đồng bằng, ruộng lúa để đổ về đô thành và đâm ra biển, Cam Lộ là một dòng sông chạy thẳng ra từ núi rừng huyền bí rồi đổ về thị tứ Đông Hà, nó như dòng truyền dẫn trực tiếp năng lượng của rừng về thẳng đồng bằng vậy.

Khi đường 9 quặt qua trái để tiếp cận một dòng sông khác mang tên Thạch Hãn, bạn lại gặp một con nước huyền bí lớn hơn nữa và cũng từ rừng đổ thẳng về huyện thị rồi tuôn ra biển theo hướng gần như song song với sông Cam Lộ và sông Bến Hải lịch sử.

Nói như vậy để thấy do bản chất của địa hình, rừng núi, đồi nối đồi chập chùng lấn sát vào các huyện thị ven biển, và những con sông rất ngắn nên dòng nước của nó gần như kết nối thẳng rừng già với phố thị, đã làm cho chất của đại ngàn xâm lấn, hòa quyện vào đời sống nơi đô hội của vùng đất lịch sử này.

Chưa hết, cũng rất ngắn sau đó trên cung đường số 9 này, sau khi vượt đèo Rào Quán, bạn như lập tức bước vào vùng cao nguyên Khe Sanh mát lạnh với sắt tím của đất đỏ bazan phủ trùm, bàng bạc lên trời đất. Không có chỗ nào trên lãnh thổ Việt mà bạn có thể tiếp cận đại ngàn Trường Sơn dễ và nhanh hơn thế.

Ngoài cảnh sắc, núi rừng kỳ vĩ, đây còn là vùng đất của hiền hòa, thiêng liêng và ân cần tiếp đón người phương xa. Ở thế kỷ 16, chúa Nguyễn vào Nam mở cõi cũng đã giong thuyền từ Thanh Hóa băng qua biển để cập vào Ái Tử, Quảng Trị và chọn đây làm điểm tiền tiêu tiến xuống phía Nam.

Thời các linh mục thừa sai đến truyền giáo cũng đã chọn vùng đất này và có những con người đã chọn Quảng Trị như quê hương thứ hai, mà nổi bật nhất là linh mục Cadière đã sống, tu hành, công bố những nghiên cứu quý giá về văn hóa Việt, trở thành một người Việt tại giáo xứ Di Loan gần biển Cửa Tùng.

Từ thời vua Tự Đức cũng đã chọn đất này làm thế ỷ dốc khi xây sơn phòng Tân Sở làm chỗ lùi cho kinh thành Huế, là nơi mà vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương chống Pháp.

Thời cận đại, phải nhắc đến là Eugene Poilane, một người Pháp đến Đông Dương từ năm 1909, năm 1922 làm việc ở cục nghiên cứu rừng và trong một lần băng rừng qua vùng Khe Sanh lúc chỉ có một ngôi nhà duy nhất của cơ quan lục lộ theo dõi việc xây dựng đường thuộc địa số 9, đã bị vùng đất này mê hoặc vì khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi và đất đỏ phì nhiêu giống như vùng Tuscany nước Ý.

Năm 1926, Poilane quay lại đây và xây dựng những đồn điền cao su, cà phê đầu tiên, từ đó hình thành làng Khe Sanh, và con đường từ đường 9 đi vào căn cứ chiến đấu Khe Sanh của người Mỹ sau này chính là đi trên vùng đất của đồn điền Poilane.

Pha cực đoan của lịch sử

Lịch sử diễn biến theo lực đẩy của những xung đột, những con sóng ngầm chiến tranh luôn chuyển động dưới một bề mặt đại dương tưởng như đang yên ả, hiền hòa.

Ở những thời điểm bước ngoặt, vì tình cờ nào đó, những cơn sóng ngầm ấy cộng hưởng với nhau đã tạo ra các con sóng dữ bật dậy và xuất hiện các cuộc chiến. Chiến tranh chính là những pha cực đoan của lịch sử.

Rủi thay, điểm cực đoan đó đã trùng khớp vị trí của vùng đất hiền hòa và thiên linh này vào giữa thập niên 1950. Bỗng nhiên vùng đất nhỏ nằm yên mình giữa đất nước lại trở thành vùng biên địa và người Mỹ hầu như đổ hết tâm huyết, hỏa lực, tiềm lực chiến tranh của họ vào đây. Hai sư đoàn tinh nhuệ số 1 và số 3 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tràn ngập vùng đất này.

Trên trời, chiến dịch “Sấm rền” (Rolling Thunder) với pháo đài bay B-52 ném bom rải thảm suốt dọc biên giới Quảng Trị và Lào. Ngoài biển, hạm đội 7 - nhiệm sở Yankee (Yankee Station) canh giữ vùng bắc Biển Đông từ Quảng Trị trở lên (vùng biển phía nam gọi là Dixie Station), liên tục pháo kích và gửi chiến đấu hỗ trợ bộ binh. Trong đất liền, các căn cứ hỏa lực nằm dọc vĩ tuyến 17 với các pháo hạng nặng 155mm và 175mm Howitzer...

Trong 10 năm, từ 1965-1975, hàng loạt chiến dịch quân sự đẫm máu đã diễn ra: xây hàng rào McNamara để ngăn chặn quân giải phóng, chiến dịch đường 9, bao vây Khe Sanh, Cồn Tiên, chuẩn bị cho tập kích Mậu Thân, chiến dịch Lam Sơn 719, Hạ Lào, chiến dịch hè 1972, chiến dịch xuân 1975...

Và cuộc chiến đó đã hằn dấu lên tâm hồn của con người vùng đất này.

Nếu sống ở Huế cuối những năm 1960 đầu 1970 bạn sẽ hiểu rất rõ chất hiện thực trong câu hát của Trịnh Công Sơn: “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình/Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng/...Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng/Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn...”.

Cũng trong một đêm như thế tại Huế trong mùa hè đỏ lửa 1972, tôi đã chứng kiến từng đoàn lính chiến lầm lũi tiến ra Quảng Trị trong chiến dịch “tái chiếm Cổ thành”, mà vài người lính đã lấy hết các lon đồ hộp phát cho chúng tôi vì biết là anh ta có thể không còn cơ hội để dùng nữa...

Ở phía ngược lại, hình ảnh đó tái hiện trong tôi khi đứng bên dòng Thạch Hãn, nơi nhà tưởng niệm của chiến sĩ Cổ thành Quảng Trị, chính nơi đây cũng những chiến sĩ trẻ trung của quân giải phóng hằng đêm vượt sông để tiến vào Cổ thành... Hàng vạn tấn bom đã rơi xuống đây trong cuộc chiến 81 ngày đêm và biết bao da thịt vàng đã tan hoang...

Khi bước lang thang trên bãi hoang địa vốn từng là căn cứ Khe Sanh hồi năm 1990 mà người hướng dẫn thường xuyên nhắc nhở đừng chệch khỏi đường mòn kẻo gặp phải mìn còn vương lại, tôi đã thầm cảm ơn rằng chiến tranh đã vĩnh viễn rời xa vùng đất này và thế giới lúc đó dường như đang tiến đến một pha đại kết, khi ranh giới phân chia Đông - Tây vừa bị xóa bỏ và không còn sự đối đầu nữa.

Vậy mà 26 năm sau, trong lần quay lại của năm 2016, cũng trên cùng một vị trí ấy giờ đã được nâng cấp khang trang thành một bảo tàng mới mẻ, tôi giật mình khi nhận được một thống kê: từ sau kết thúc chiến cuộc tại đây, tức từ 1975-1980, thế giới tiếp tục có 32 cuộc chiến tranh và xung đột diễn ra. Rồi một thập niên tiếp theo, từ 1980-1989, có tiếp 36 cuộc chiến nữa.

Oái oăm nhất là cái thời điểm đại kết của nhân loại tức sau năm 1990 khi đối đầu Đông - Tây kết thúc, ai cũng nghĩ hòa bình sẽ đến, thì ngược lại, từ 1990-2000, chiến tranh và xung đột tăng lên đến 54 cuộc trên toàn cầu (xem thống kê trên Wikipedia, List of Wars).

Sang thế kỷ 21 đến năm 2016 này thì bất an gần như diễn ra trên toàn cầu khi cuộc chiến Trung Đông lan rộng thành một cuộc thánh chiến thấm sâu vào cả những đất nước thanh bình nhất của châu Âu.

Mới đây, Viện Kinh tế và hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc trong báo cáo về hòa bình và xung đột toàn thế giới đã chỉ ra: hiện nay thương vong vì các xung đột toàn cầu cao nhất trong 25 năm qua, người tị nạn và mất nhà cửa vì chiến tranh cao nhất 60 năm qua.

Trước tiếng xuýt xoa sợ hãi của con tôi khi nhìn chiến cuộc Trung Đông trên truyền hình, tôi đã định không cho chúng biết nhiều về nỗi kinh hoàng của cuộc chiến Việt Nam, nhưng tôi cũng tự hỏi, nếu chúng không biết sợ chiến tranh thì làm sao chúng biết quý hòa bình.

Tôi đã quay lại vĩ tuyến 17 một lần nữa để tìm hiểu, hi vọng sẽ viết tiếp cuốn sách thứ hai về hòa bình sau cuốn thứ nhất về chiến tranh tôi đã viết về vùng đất này 23 năm trước, để cầu mong dân tộc này sẽ đủ khôn ngoan để tránh một pha cực đoan mới của lịch sử đang lấp ló ở phía chân trời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận