Chó Pit bull, huyền thoại sai lạc và những trách nhiệm bị xao lãng

THỦY TIÊN 03/06/2021 03:05 GMT+7

TTCT - Vụ việc đau lòng xảy ra mới đây về vụ tấn công của một con chó giống Pit bull tại Long An khiến một người tử vong và người chủ chó bị thương nặng làm dấy lại những tranh cãi cũ và những đòi hỏi cũ. Nhiều người cho rằng cấm hẳn việc nuôi giống chó này sẽ chấm dứt mọi vụ việc tương tự. Có phải thế?

 
 Minh họa: John Cuneo

Cần nói ngay rằng những tranh cãi và đề xuất như vậy đã diễn ra trong nhiều cộng đồng dân cư ở nhiều nước, đặc biệt sau những vụ chó Pit bull tấn công người, nhất là trẻ em, được đưa tin. 

Sự nguy hiểm của những con chó giống Pit bull có cơ bắp chắc chắn và bộ hàm khỏe là có thật, bởi đây là loài chó được huấn luyện và sử dụng nhiều nhất trong các cuộc đấu chó tàn bạo hầu suốt chiều dài lịch sử loài người. 

Hiện tại, có ít nhất 12 quốc gia trên thế giới cấm nuôi loài chó này với lý do đảm bảo an toàn cho con người, nhất là trẻ em.

Nhưng những dữ liệu từ khoa học và thống kê cũng mang đến nhiều thông tin đáng để tâm. Một trong những chuyên gia về chó Pit bull, Bronwen Dickey - biên tập viên tạp chí The Oxford American và là tác giả của cuốn Pit bull: Trận chiến về biểu tượng của người Mỹ - đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao một giống chó từng được gọi là nanny dog (chó bảo mẫu) và là biểu tượng được yêu quý của nước Mỹ lại trở thành biểu tượng của sự hung dữ và giết chóc trong tâm trí xã hội? 

Cuộc tìm kiếm câu trả lời đó đã dẫn Dickey đi từ những sàn đấu chó ở thành phố New York thế kỷ 19 - nơi mà sự tàn khốc của nó đã dẫn đến việc thành lập ASPCA (Hiệp hội Phòng chống hành vi tàn ác đối với động vật của Mỹ) - đến một lịch sử gắn bó đầy yêu thương và thù hận của con người với loài chó này.

Sau một hành trình nghiên cứu tận tụy, với lòng nhân ái và sự hiểu biết khoa học chắc chắn, cuốn sách của Dickey cung cấp một chân dung rõ ràng về giống chó phi thường này, cùng cái nhìn sâu sắc về những tương tác và mối quan hệ của con người với chúng. 

“Có tới 4 giống chó Pit bull, trong đó, chỉ có 1 loài nguyên gốc là American Pit Bull Terrier được huấn luyện để đấu chó, ba loài khác bị xếp chung do diện mạo của chúng tương tự” - cô nói với National Geographic.

Vẫn theo Dickey, nghiên cứu về các trường hợp tử vong vì bị chó tấn công từ năm 2000 - 2009 trên tạp chí của Hiệp hội Y tế thú y Hoa Kỳ cho thấy trong hơn 80% số trường hợp, có ít nhất bốn yếu tố quan trọng liên quan đến trách nhiệm chăm sóc và kiểm soát con chó của người chủ. 

Nói cách khác, sự thiếu trách nhiệm của con người, thậm chí là sự tàn bạo, thiếu hiểu biết của chủ nhân các con chó, mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra tội tình. 

“Nhiều nước cấm nuôi chó Pit bull nhưng không có bằng chứng khoa học nào hỗ trợ quyết định cấm đó” - Dickey nói.

Trong thập niên 1970, khi ASPCA hợp tác với truyền thông để đưa những khía cạnh xấu xí nhất của nạn chọi chó lên trang nhất các báo nhằm xóa sổ nó, họ lại gây ra những suy đoán và đồn đại hoang đường về những con chó Pit bull (ví dụ chúng có lực cắn tới 5.000 pound, khoảng 2.268kg). Thực tế lực cắn của Pit bull là 106,5kg (của chó Rottweiler là 136kg, con người là 77kg).

Hiệp hội Thú y Hoa Kỳ (AVMA) năm 2014 đưa ra báo cáo dựa trên hàng chục nguồn nghiên cứu cho thấy đứng đầu bảng các vụ tấn công người là chó chăn cừu Đức, kế đó tới các giống chó lai, Pit bull đứng thứ ba. 

Sở dĩ Pit bull bị chú ý vì các vụ tấn công của nó thường gây thương tích nặng, một phần do đây là giống chó nuôi phổ biến, và báo cáo này nêu rõ “phần lớn do cách đối xử với con chó của chủ nhân của nó (chủ yếu nuôi để làm chó chiến đấu)”.

Lịch sử của việc đòi hỏi trách nhiệm của con người đối với thú vật là những tiến triển chậm chạp; tới cuối thế kỷ 19 mới có Luật chống ngược đãi động vật (ở Anh, ở Mỹ là năm 1966), Luật bảo đảm phúc lợi động vật, rồi mới tới các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ nuôi với con vật, cùng những trừng phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm. 

Nhưng giờ đây trong xã hội đã cùng đi tới một nhận thức chung rằng người chủ của con vật là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hành vi sai của con vật đó.

Quy hết trách nhiệm của một tai họa cho một con vật là điều rất dễ làm, nhưng nó tạo ra một lệch lạc nguy hiểm: nó gây lơi lỏng cảnh giác, miễn trừ hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm cho con người, trước tiên là chủ nhân của con vật, sau đó là nhà chức trách - những người chịu trách nhiệm cho việc luật phải được thực thi nghiêm túc và đầy đủ. 

Và quy hết trách nhiệm cho một giống chó cũng tạo nên một mối nguy tương đương: nó làm người ta quên mất rằng các con vật khác cũng có thể là mối nguy lớn và tiếp tục khinh suất.■

Ở Việt Nam, chủ chó phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 295 BLHS 2015 với vụ việc ở mức độ nghiêm trọng. Trong trường hợp chó cắn chết một người như ở Long An, chủ chó có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận