Chơi khỏe, học tốt, rồi tính sau

LÊ TẤN 20/08/2013 09:08 GMT+7

TTCT - Cho con chơi thể thao để khỏe khoắn là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh. Nhưng khi con họ đã chơi tốt, thậm chí có thành tích, thì vấn đề đặt ra khác đi và buộc họ phải có sự lựa chọn.

Phóng to
Bảo Linh giao lưu với ngôi sao Cibulkova tại giải biểu diễn Heineken Star tháng 9-2012 ở TP.HCM - Ảnh gia đình cung cấp

Phan Bảo Linh, hạng nhì Giải quần vợt U-11 toàn quốc năm 2012, hiện đang theo học Trường quốc tế Á Châu. Được ông bố mê quần vợt cho ra sân từ năm lên 7, nay Bảo Linh đã có thể tranh các giải thành phố và quốc gia ở lứa tuổi của mình dù em không gia nhập tuyến năng khiếu nào của TP.HCM.

Học vấn vẫn ưu tiên

“Vào năng khiếu thì được tập luyện miễn phí, nhưng phải chấp nhận thay đổi chuyện học hoặc chuyển đổi thời gian học rất bất tiện, trong khi tôi vẫn muốn con gái đầu lòng có nền tảng học vấn tốt” - anh Phan Trí Cường giải thích. Đưa Bảo Linh đến tập quần vợt tại Nhà văn hóa Thanh niên, anh Cường chỉ muốn con mình chơi thể thao để khỏe và năng động. Khi HLV Trần Trọng Anh Tú nhận xét Bảo Linh có những tố chất tốt, anh Cường bắt đầu tìm hiểu các điều kiện để phát triển khả năng của con mình.

Qua tư vấn của các HLV, trong đó có HLV trưởng Trương Hoàng Vũ của quần vợt Hà Nội, anh Cường quyết định đầu tư cho con chơi thể thao một cách tự nhiên theo kiểu “vừa học vừa chơi”. Từ một năm rưỡi nay, sau giờ học Bảo Linh tập ngoài giờ ở CLB Phú Thọ với học phí 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, em còn theo cha đến sân khác vào các ngày chẵn.

Tuy nhiên, anh Cường vẫn muốn con tiếp tục học tốt, xem quần vợt là một lựa chọn thể thao như nhiều người và phần thưởng nếu có sẽ là đi tập huấn hai tuần ở Thái Lan để tăng niềm hứng khởi.

“Không tính vé máy bay, một tuần vừa học vừa chơi ở Chiangmai tốn khoảng 750 USD” - anh Cường cho biết. Mức phí này chưa phải là quá cao so với khả năng của không ít phụ huynh, nhưng công sức họ bỏ ra cho con chơi quần vợt và tham dự các giải đấu là không thể tính được, với hi vọng thành tích thi đấu có thể mở ra cánh cửa học bổng du học mà không ít tay vợt trẻ nữ đã tận dụng.

Phóng to
Vinh Quang thi đấu ở Giải U-14 châu Á đầu năm 2013 tại CLB Phú Thọ - Ảnh: Tấn Phúc

Chỉ vào năng khiếu nếu…

Đam mê quần vợt thường có gen gia đình như trường hợp anh Nguyễn Mậu Vinh, phụ huynh của Nguyễn Mậu Vinh Quang. Là tay vợt phong trào thuộc hạng khá, anh Vinh tạo điều kiện cho con trai út chơi thể thao từ nhỏ: bơi lội và quần vợt.

Cầm vợt từ năm 11 tuổi, Vinh Quang chưa mê lắm môn thể thao này. Chỉ đến “cú hích tự ái” từ Giải quần vợt toàn thành 2012 (thua Bảo Hoàng) mà Vinh Quang mới say mê lao vào tập luyện. Cũng trong năm đó, Vinh Quang thua ở tất cả các giải, “thậm chí thua trận rồi mà không biết vì chưa quen đếm tỉ số” - anh Vinh kể.

Kể từ năm 2013, thành tích dồn dập đến với cậu bé 14 tuổi cao 1,82m và nặng 72kg này, “một thể hình quá lý tưởng ở độ tuổi vẫn còn phát triển, đặc biệt là phần vai rất cơ bắp của em” - theo đánh giá của HLV Đoàn Lê Minh. Vinh Quang lần lượt đăng quang các giải U-14 toàn thành, toàn quốc, rồi năng khiếu toàn quốc và mới đây là giải các tay vợt thanh thiếu niên xuất sắc toàn quốc tại Huế.

“Tôi thấy con mình tiến bộ nhanh chỉ sau một năm tập luyện tập trung mà chuyện học không bị ảnh hưởng nên chấp thuận cho con theo đuổi đam mê của mình” - anh Vinh nhấn mạnh trong lúc đang quan sát con đánh trả bóng đều với Đỗ Minh Quân, nhà vô địch quốc gia vừa có chuyến du học từ Mỹ về, trên sân tập lúc 17g thứ hai 12-8.

“Đây là ngày đầu tiên cháu được tập với Quân nên phấn khích lắm. Đó cũng là nhờ có thỏa thuận mới đây giữa chúng tôi và Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TP.HCM (tên gọi Trường Nghiệp vụ thể thao trước đây)” - anh nói thêm.

Năm ngoái, Vinh Quang đã được đặt vấn đề gia nhập tuyến năng khiếu TP.HCM để có điều kiện tập luyện tốt hơn nhưng gia đình không đồng ý vì vẫn ưu tiên chuyện học. Theo thỏa thuận sắp được ký, Vinh Quang hưởng chế độ năng khiếu với thời gian tập từ 16g-19g. Khoảng thời gian này rất thích hợp vì em đang học lớp 9 Trường Quốc tế Mỹ từ 8g-15g, trường và nhà rất gần sân tập, trong bán kính chỉ vài kilômet nên đi lại rất thuận tiện.

“Quần vợt còn là môn chơi bằng cái đầu. Nếu không học tốt thì chẳng làm được gì cả”. Lời khuyên của một HLV người Sri Lanka trong chuyến du đấu do Liên đoàn Quần vợt quốc tế tổ chức hồi đầu năm nay (VN có bốn tay vợt nam và nữ tham gia, trong đó có Vinh Quang) được anh Vinh ghi nhớ. “Tôi ủng hộ con chơi quần vợt đến 30 tuổi nhưng phải học hành tốt đã. Cháu đã chọn ngành công nghệ thông tin” - anh khẳng định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận