Chưa đến lúc “rửa hận người Thái”!

HUY ĐĂNG 29/12/2017 22:12 GMT+7

TTCT - “Rửa hận người Thái”, không ít người đã reo vui như thế sau chiến thắng 2-1 trước U-23 Thái Lan ở trận tranh hạng 3 giải đấu giao hữu M-150 Cup của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nhưng điều đó liệu có hợp lý?

“Messi Thái” Chanathip Songkrasin tung hoành ở J-League. -Ảnh: CONSADOLE SAPPORO
“Messi Thái” Chanathip Songkrasin tung hoành ở J-League. -Ảnh: CONSADOLE SAPPORO

 

Một chiến thắng giải trí

Nếu giới chuyên môn bóng đá Thái Lan biết được cơn hứng khởi của không ít người hâm mộ VN, họ có lẽ sẽ phải... phì cười. Chưa nói đến M-150 Cup hoàn toàn là một giải đấu giao hữu, trận tranh hạng 3 vốn được xem là trận đấu “vô nghĩa” nhất của bất kỳ giải đấu nào.

Louis Van Gaal, rồi Felipe Scolari cùng nhiều HLV đẳng cấp thế giới khác từng phản đối việc tổ chức các trận tranh hạng 3 vì sự vô nghĩa của trận đấu này.

Chiến thắng 2-1 trước Thái Lan vì thế có lẽ chỉ nên được đón nhận như một chút tín hiệu tích cực trong khoảng thời gian đầu triều đại của HLV Park Hang Seo. M-150 Cup chỉ là một giải đấu giao hữu và người Thái rõ ràng không dành toàn bộ sự tập trung ở sân chơi này, dù họ là chủ nhà. Trong đội ngũ 23 cái tên được HLV Zoran Jankovic triệu tập dự giải có bao nhiêu cầu thủ là thành viên tuyển quốc gia Thái Lan? Không một ai.

Bodin Phala (22 tuổi) hay Suriya Singmui (22 tuổi) đang là những tài năng trẻ trong tuyển Thái Lan, nhưng họ đã không được triệu tập đến M-150 Cup. Kevin Deeronram, cầu thủ U-23 từng khoác áo tuyển quốc gia khác, cũng không được gọi.

So với đội ngũ U-23 giành HCV SEA Games 2017, U-23 Thái Lan dự M-150 Cup còn thiếu vắng Nont Muangnam, Peerawat Akkaratum... Và báo chí Thái Lan cũng không hơi đâu bận tâm những quyết định nhân sự của ông Jankovic ở giải đấu này.

Thật ra, xuyên suốt giải M-150 Cup, giới truyền thông VN có lẽ là hào hứng nhất trong việc đưa tin về giải đấu. Còn lại, cánh báo chí chủ nhà không thực sự quan tâm. Bangkok Post, nhật báo tiếng Anh hàng đầu Thái Lan, cứ sau và trước mỗi trận đấu của đội nhà ở giải chỉ đăng đúng một mẩu tin ngắn.

Trội hơn toàn diện

Nhưng ngay cả khi U-23 VN có quật ngã Thái Lan ở VCK U-23 châu Á sắp tới, liệu đã có thể nhận định rằng bóng đá VN có cuộc phục thù thành công với người Thái?

Khi Thụy Điển quật ngã Ý để giành tấm vé play-off dự World Cup 2018, chẳng ai nói Thụy Điển đã “phục thù” người Ý (Thụy Điển đã thua Ý liên tục các cuộc đối đầu trước đó).

Bởi “phục thù” là khái niệm chỉ dành cho những nền bóng đá đồng đẳng cấp. Đội tuyển Bắc Âu thực sự đã khiến người hâm mộ Ý ôm hận nhưng xét toàn diện, đó cũng chỉ là một cú sốc. Chẳng ai cho rằng bóng đá Thụy Điển đang xếp trên người Ý.

Câu chuyện của bóng đá VN - Thái Lan cũng sẽ như vậy, nếu VN thắng được Thái Lan ở một đấu trường quan trọng.

Một nền bóng đá không chỉ được dựng nên từ thành tích nhất thời của đội tuyển quốc gia, mà nó còn bao gồm sự chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia, của mô hình các CLB, hệ thống đào tạo trẻ, cơ sở vật chất... Xét toàn diện, bóng đá VN hoàn toàn không có điểm nào để so với người Thái lúc này.

Footballdatabase.com - một trang web chuyên xếp hạng các CLB dựa trên những yếu tố thành tích, tính chuyên nghiệp, lượng CĐV, mô hình bền vững... - cho thấy sự chênh lệch giữa bóng đá Thái Lan và VN: Trong top 50 của châu Á (theo bảng xếp hạng tháng 12-2017), Thái Lan có đến 3 đại diện là Muang Thong United (hạng 14), Buriram (hạng 16) và Chonburi FC (hạng 36).

Còn đại diện số một của VN, Hà Nội T&T, xếp tận vị trí... 239. Xếp trên Hà Nội T&T có những 23 CLB Thái Lan, mà Thai Premier League, giải đấu hạng cao nhất của Thái Lan, chỉ có 18 đội. Tức các CLB V-League chỉ đủ tầm so với Giải hạng nhất trở xuống ở Thái.

Những năm gần đây, bóng đá VN tự tin vào công tác đào tạo trẻ với sự xuất hiện của Viettel, PVF hay HAGL. Nhưng chừng đó đã đủ để so sánh với Thái Lan? Có lẽ là đủ, nếu chỉ so với... một CLB của Thái. Muang Thong United, á quân Thai Premier League 2017, sở hữu 4 lò đào tạo, trong đó có một trường học là Assumption Thonburi.

Mô hình đào tạo trẻ của người Thái là như vậy. Những CLB lớn có ít nhất một lò đào tạo đặt ngay tại bản doanh của đội, thêm 1-2 “chân rết” ở các CLB cấp địa phương và cả những trường học. Công tác đào tạo trẻ của bóng đá Thái gắn liền với học đường, với rất nhiều trường tiểu học, trung học có sân bãi rộng lớn. Đó là điều chưa hề có với bóng đá Việt, dù đã nói rất nhiều và rất lâu.

Sớm nở, nhưng không chóng tàn

Trong đội ngũ U-23 VN được HLV Park Hang Seo triệu tập cho M-150 Cup có khoảng 10 cái tên được gọi lên tuyển trong trận gặp Afghanistan trước đó không lâu. Trong khi đó, đội tuyển của Thái Lan chỉ có 2-3 cầu thủ là dưới 23 tuổi. Như vậy, bóng đá VN đang có dàn cầu thủ trẻ ấn tượng hơn Thái? Không hẳn!

Cầu thủ Việt bấy lâu nay vốn có truyền thống “sớm nở chóng tàn”: lên tuyển từ những năm 20 tuổi và trở thành “lão tướng” ở tuổi... 27, 28.

Thái Lan thì ngược lại, các giai đoạn phát triển của cầu thủ Thái tương tự bóng đá châu Âu. Tức khoảng 24-29 tuổi mới là giai đoạn đỉnh cao nhất trong đời cầu thủ và nhiều người vẫn chạy tốt khi đã bước qua tuổi 30.

Datsakorn Thonglao - người đang mang băng đội trưởng tuyển Thái khi đã sắp ăn sinh nhật tuổi 34 - là một ví dụ. Trong khi đó, người cùng thời với anh là Lê Công Vinh đã giải nghệ từ năm 31 tuổi, mà Công Vinh vốn được xem như một trong những cầu thủ chuyên nghiệp nhất của bóng đá VN.

25 cầu thủ Thái Lan được triệu tập cho lần hội quân gần nhất của tuyển quốc gia có 5 người trên 30, 15 người trong giai đoạn 24-29 tuổi và 5 cầu thủ từ 23 trở xuống. Đó là một mô hình có sự dàn trải hợp lý về mặt tuổi tác.

Theo Transfermarkt - trang dữ liệu quy mô lớn về giá trị thị trường của cầu thủ, dàn tuyển thủ Thái Lan hiện có giá gần 6 triệu euro (khoảng 160 tỉ đồng). Con số này còn cao hơn cả tuyển Panama (5,7 triệu euro) được dự World Cup 2018.

Còn VN? Vỏn vẹn 300.000 euro (8 tỉ đồng). Cứ cho rằng những ngôi sao trẻ của bóng đá Thái ngang tài với VN thì họ vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi, trui rèn thêm nữa, bởi xếp trên họ là những đàn anh đã đạt đến đẳng cấp châu lục.

Sự chênh lệch đẳng cấp giữa Thái Lan và VN thể hiện rõ trong câu chuyện chọn HLV. Bóng đá Việt lao đao trong những sự lựa chọn vì sự quẫn bách ở các kỳ SEA Games. Còn người Thái, Kiatisak Senamuang thậm chí đã “không thèm” đến Singapore 2015, chỉ cử trợ lý Choketawee Promrut cũng đủ giành HCV năm đó.

Rồi Worrawoot Srimaka, người đã dẫn dắt Thái Lan bảo vệ thành công tấm HCV ở Malaysia 2017, cũng tự nguyện nhường ghế cho Zoran Jankovic.

Mà Jankovic là ai? Chỉ là trợ lý cho HLV tuyển Thái Lan đương nhiệm Milovan Rajevac. Ông Rajevac từng đưa Ghana vào đến tứ kết World Cup 2010. Và đó là lý do ông được chọn thay Kiatisak...

Thái Lan từ lâu đã không còn là đối thủ ngang tầm của VN.■

Câu chuyện về 2 “Messi”

Tương quan giữa bóng đá Thái và Việt có thể nhìn qua câu chuyện của 2 cầu thủ cùng mang biệt danh “Messi” - Chanathip Songkrasin và Công Phượng. Tiền vệ 24 tuổi người Thái Lan đang nổi đình nổi đám thời gian qua bởi những màn trình diễn ấn tượng ở Consadole Sapporo, CLB thuộc giải đấu hạng cao nhất Nhật Bản J-League. “Messi Thái” ra sân 16 lần, đá chính 15 trận và có phong độ rất ổn định.

Còn “Messi Việt” Công Phượng? Hoàn toàn là một cầu thủ trẻ đi học việc ở Mito Hollyhock, đội bóng của J-League 2, dưới Consadole một bậc. Nếu Chanathip Songkrasin được Transfermarkt định giá 600.000 euro (16 tỉ đồng) thì với Công Phượng, con số đó vỏn vẹn là 25.000 euro (670 triệu đồng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận