Chuyện đơn giản mà thành phức tạp 

GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ 12/12/2017 02:12 GMT+7

TTCT - Đối với khu vực nông thôn, đất đai có tầm quan trọng đặc biệt vì vừa là tài sản vừa là sinh kế.

Đất đai vừa là tài sản vừa là sinh kế của người dân nông thôn.-Ảnh: Chí Quốc
Đất đai vừa là tài sản vừa là sinh kế của người dân nông thôn.-Ảnh: Chí Quốc

 

Đất đai quan trọng là vậy, nhưng điều quan trọng hơn là các loại giấy tờ bảo đảm đất đai thực sự thuộc quyền của người nông dân. Vì vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gốc phát hành có màu đỏ, vẫn thường gọi nôm na là “sổ đỏ” đã trở thành điều thiêng liêng với nông dân.

Thuật ngữ “sổ đỏ” gần như mặc định là giấy khẳng định quyền đối với đất đai, mặc dù chính quyền đã nhiều lần thay màu đỏ bằng màu hồng, hay hiện hành là màu cánh sen.

Thiếu chuẩn tắc pháp luật về cộng đồng và hộ gia đình sử dụng đất

Đến nay, Quốc hội đã thông qua tới 4 Luật đất đai với nhiều đổi mới khác nhau, ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối với “tam nông”, Luật đất đai 1993 vẫn là luật quan trọng nhất, đã luật hóa được việc giao đất của hợp tác xã nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài, đồng thời quyết định Nhà nước cấp “sổ đỏ” cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Lúc này, khi thực hiện chính sách giao đất của Nhà nước, cá nhân không được coi là thể nhân mà được coi là hộ gia đình độc thân. Đây chính là tính nhất quán của chính sách giao đất, thể hiện quyết định thay đổi quan hệ sản xuất nông nghiệp từ hợp tác xã sang hộ gia đình.

Chính sách đất đai như vậy có ý nghĩa rất lớn lao vì đã tạo nên thắng lợi ban đầu của sự nghiệp Đổi mới, khẳng định giải pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề “tam nông”, kinh tế nông nghiệp lớn mạnh, xã hội nông thôn vui tươi, người nông dân sung túc.

Trong nhiều lý luận về phát triển xã hội từ cổ chí kim đã chỉ ra gia đình là một tế bào của xã hội và cộng đồng dân cư là một bộ phận của xã hội. Khi pháp luật của quốc gia chưa phát triển thì trật tự xã hội được bảo đảm bằng trật tự của cộng đồng dân cư và trật tự của gia đình.

Tục lệ là cơ sở để điều chỉnh các mối quan hệ của cộng đồng, gia phong là cơ sở để điều chỉnh các mối quan hệ của gia đình. Người đứng đầu cộng đồng gắn với một hội đồng của cộng đồng có quyền quyết định mọi việc, người chủ gia đình cũng có quyền quyết định mọi việc.

Mọi đất nước đang phát triển còn tồn tại được tới ngày nay cũng nhờ 2 cấu trúc mềm nhưng bền vững là cộng đồng dân cư thôn bản và hộ gia đình, kể cả những lúc triều đình phong kiến quốc gia đã rơi vào suy sụp.

Đến nay, xã hội hiện đại đã phát triển mạnh ở khu vực đô thị, nhưng 2 chủ thể mềm nói trên vẫn giữ được giá trị bền vững tại nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng cao, những nơi mà nghèo đói còn nhiều.

Đến nay, kể cả Bộ luật dân sự và Luật đất đai đều cứ 10 năm lại ban hành một luật sửa đổi, thực tế là một văn bản quy phạm pháp luật mới.

Tích cực xây dựng pháp luật là vậy, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một định nghĩa chính thức nào về cộng đồng dân cư, cũng như hộ gia đình. Hai chủ thể mềm này của xã hội vẫn được thừa nhận theo kiểu các tiên đề toán học, chấp nhận thụ động mà không chứng minh. Đã không có định nghĩa thì cũng không có quy định về người có quyền quyết định của hai chủ thể đó.

Pháp luật đất đai quy định là đất giao cho cộng đồng dân cư thì viết tên cộng đồng lên “sổ đỏ” và trao cho người đại diện của cộng đồng; đất giao cho hộ gia đình thì viết tên người đại diện của hộ gia đình lên “sổ đỏ”, khi có chính sách về bình đẳng giới thì có quy định thêm là phải viết cả tên vợ và tên chồng của người đại diện lên “sổ đỏ” khi quyền sử dụng đất là tài sản chung của hai vợ chồng.

Thứ nhất, pháp luật đất đai quy định chung chung là như vậy, nhưng không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác định người đại diện.

Thứ hai, vị trí pháp lý của người đại diện không hề được quy định, có được thay mặt cộng đồng hay hộ gia đình để quyết định về đất đai hay không cũng không có quy định. Thứ ba, lựa chọn người đại diện hay lựa chọn người đứng đầu là hợp lý là câu hỏi được đặt ra.

Người đại diện cho một chủ thể là tư duy pháp lý của một xã hội đô thị, do đa số các thành viên của chủ thể đồng ý trao quyền bằng văn bản. Người đứng đầu là người có quyền chiểu theo tục lệ của cộng đồng hoặc gia phong của gia đình.

Đương nhiên theo tục lệ và gia phong, người đứng đầu luôn được trao quyền quyết định về mọi việc, kể cả đất đai. Đây mới chính là bản chất của tư duy xã hội nông thôn trước kia và còn tồn tại tới nay.

Giấy tờ liên quan đến đất đai phải đảm bảo đất đai thực sự thuộc quyền của người dân.-Ảnh: Chí Quốc
Giấy tờ liên quan đến đất đai phải đảm bảo đất đai thực sự thuộc quyền của người dân.-Ảnh: Chí Quốc

 

Thực tế sử dụng đất của hộ gia đình ở nông thôn

Đến nay, việc giao đất cho cộng đồng mới chỉ bó hẹp trong đất tín ngưỡng và đất rừng có màu sắc tâm linh. Luật lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua có mở rộng hơn rất nhiều đối với việc giao rừng, đất rừng cho cộng đồng dân cư.

Mặc dù vậy, cả pháp luật đất đai và pháp luật lâm nghiệp đều chưa cho phép cộng đồng dân cư thực hiện các quyền giao dịch về đất đai. Vì vậy, việc xác định ai là người có quyền quyết định đối với đất do cộng đồng dân cư sử dụng chưa cần đặt ra lúc này.

Ngược lại, đối với đất do hộ gia đình sử dụng thì hộ gia đình có quyền giao dịch đất đai, tức là được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn đối với đất đai.

Lúc này, một vấn đề lớn còn là một khoảng trống pháp luật được đặt ra: ai là người có quyền quyết định về giao dịch đất đai của hộ gia đình.

Như trên đã nói, pháp luật đất đai hiện hành quy định: người được viết tên trên “sổ đỏ” là hai vợ chồng người đại diện cho hộ gia đình và không kèm theo bất cứ quy định nào về trình tự, thủ tục xác định người đại diện, cũng không quy định cụ thể về quyền của người đại diện.

Mặt khác, khái niệm hộ gia đình và người trong cùng sổ hộ tịch có trùng nhau hay không cũng không có quy định. Ở trên cũng đã bình luận rằng tư duy quản lý xã hội đô thị đang được áp vào xã hội nông thôn là nguồn gốc của khoảng trống pháp luật này.

Trên thực tế thời gian qua, hộ gia đình sử dụng đất được xuất hiện ở khá nhiều nguồn gốc. Thứ nhất là việc Nhà nước giao đất nông nghiệp của hợp tác xã cho hộ gia đình, kể cả giao cho cá nhân cũng coi là hộ gia đình độc thân.

Thứ hai là việc Nhà nước giao đất làm nhà ở trong khu đất giãn dân cho các gia đình mới hình thành ở nông thôn mà chưa có đất ở. Thứ ba là việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở thông qua việc cấp “sổ đỏ” cho đất ở do các hộ gia đình đang sử dụng gắn với nhà ở.

Trường hợp thứ ba này, có nơi cấp cho chủ hộ hoặc vợ chồng chủ hộ và cũng có nơi cấp cho hộ gia đình của chủ hộ hoặc vợ chồng chủ hộ. Thứ tư là việc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ hộ gia đình sang hộ gia đình. Khối lượng “sổ đỏ” cấp cho hộ gia đình cũng khá lớn tại khu vực nông thôn.

Trong giao dịch đất đai, thực hiện theo nguyên tắc người có tên trên “sổ đỏ” có quyền quyết định thực hiện các quyền giao dịch đó, và cũng chưa phát sinh bất kỳ xung đột nào. Nói chung, các con có xung đột lợi ích về đất đai với bố mẹ cũng chỉ là việc trong nhà, khiếu kiện chủ yếu vẫn chỉ trong phạm vi lợi ích từ thừa kế đất đai trong gia đình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận