Di sản của những ngày cách ly

TRÚC ANH 02/05/2020 17:05 GMT+7

TTCT - Nếu bộ mặt của đại dịch là khẩu trang, mua sắm hoảng loạn, những chuỗi ngày ở yên trong nhà thì di sản của nó sẽ là gì?

Ảnh: Vox
Ảnh: Vox

CoKhi gần như không có lĩnh vực nào của đời sống không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cuộc sống hậu đại dịch, có thể tính từ khi các biện pháp chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội được gỡ bỏ, chắc chắn sẽ rất khác so với trước đó. Sau khi học cách xoay xở trong đại dịch, giờ ta lại phải làm quen với sự bình thường mới và không thể nói trước được điều gì, bởi hành tung của virus là bất đoán định.

Với nhiều người sống trong vùng bị phong tỏa hay có yêu cầu hạn chế ra ngoài, họ đã mong chờ đến ngày được “sổ lồng”. Nhưng vấn đề là khi đã quen với việc ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, không dễ để vượt qua tâm lý này khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ. “Chứng FOMO (fear of missing out, sợ bị bỏ lỡ) nay đã chuyển thành FOGO (fear of going out, sợ phải ra ngoài)” - bác sĩ tâm thần Steven Taylor nói với tạp chí Atlantic.

Một thăm dò của Hãng nghiên cứu thị trường E-Poll Market Research cho thấy người Mỹ đã quen với việc nhiều tuần liền chỉ chủ yếu ở nhà, xem phim qua mạng vì giãn cách xã hội, nên sẽ tiếp tục thói quen này cùng với tập thể dục và nấu nướng tại nhà, ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường. Những người trả lời thăm dò cho biết họ sẽ đi xem phim, xem hát và dự các sự kiện thể thao ít thường xuyên hơn so với khi chưa có dịch bệnh.

Nói với trang Vox, David Spiegel, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi Đại học Stanford, chỉ ra điều tệ hơn: virus corona sẽ làm các cử chỉ thân tình trở nên “tội lỗi” bởi tính chất lây từ người sang người của dịch bệnh, mà người có virus chưa chắc thể hiện triệu chứng gì để người khác biết mà đề phòng. Theo ông Spiegel, ta khó có thể cư xử thoải mái với người khác, từ thợ cắt tóc đến người pha chế ở quán bar, nếu trong mắt ta họ chính là nguồn lây nhiễm tiềm tàng.

Susan Michie và Robert West, giáo sư tâm lý học sức khỏe Đại học London, cũng cho rằng cú sốc COVID-19 đã khiến chúng ta phải suy xét lại cả những điều đơn giản bình thường nhất như bắt tay, ôm và hôn. Những điều cấm kỵ mới trong vệ sinh cá nhân đã xuất hiện trong thời dịch bệnh: ho hay hắt hơi vào không khí hoặc lòng bàn tay, chạm vào mắt, mũi miệng, từ đó dẫn đến những thói quen giữ vệ sinh mới. Michie và West cho rằng những điều cấm kỵ sẽ tồn tại trong thế giới hậu đại dịch và “người ta sẽ rửa tay thường xuyên hơn, tránh chạm vào các vật dụng công cộng nhiều hơn và các kiểu chào nhau mà không phải bắt tay sẽ trở nên phổ biến”.

Sam Blum, nhà báo ở New York, cho rằng COVID-19 đã làm thay đổi quan niệm về khẩu trang của chính phủ và công dân các nước phương Tây, và vật dụng này “có thể sẽ trở thành thứ gắn liền với thế giới hậu đại dịch của chúng ta”.

Còn với Việt Nam hay các nước châu Á khác, khẩu trang vốn là vật quen thuộc thì nay sẽ thành thứ không thể thiếu. Đã quen với việc đeo khẩu trang và quán xá đóng cửa, những ngày đầu được đi ăn tiệm trở lại, bước vào không gian máy lạnh mà “thấy rõ mặt người” vì khẩu trang được tháo, bỗng thấy hơi bất an. Đó cũng là một kiểu “di sản của đại dịch” như cách gọi của Vox.

Di sản mà virus corona để lại cho thế giới hậu đại dịch không chỉ ở những thói quen, hành vi mới thay cho những điều bỗng trở thành cấm kỵ, mà còn ở nhận thức. Có những thứ mà chỉ có sống chậm khi khủng hoảng xảy ra ta mới thấy và biết quý, như áp lực của những người không có đặc quyền làm việc ở nhà hay giãn cách xã hội, gian lao vất vả của nhân viên y tế.

Để sớm thích nghi với cuộc sống thời hậu đại dịch, Sheva Rajaee, nhà sáng lập Trung tâm điều trị lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở Irvine (California), cho rằng trước hết phải vượt qua được “trạng thái tâm lý cách ly”, sợ ra ngoài, ngại gặp người.

Theo giáo sư tâm thần học Spiegel, càng né tránh thì nỗi sợ càng lớn, vì thế điều quan trọng của quá trình “hồi phục” là tiếp xúc với môi trường bên ngoài, thay vì tiếp tục “tự cách ly” cả thể chất lẫn tinh thần.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận