Diễn viên quần chúng

DƯƠNG KHINH TRỮ 28/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn của nhà văn Trung Quốc Dương Khinh Trữ.

Minh họa

Lưu Nhị sáng sớm đã bị đánh cho một trận.

Lý do là anh ta dậy mà không nấu cơm, khiến bà vợ Trần Tam Hoa và con gái không có cơm để ăn. Con gái đi học mà không được ăn sáng, bụng đói, vừa đi vừa khóc ỉ ôi. Trần Tam Hoa tức giận, cầm chổi lên nện Lưu Nhị một trận.

Cũng không phải chỉ vì mỗi việc Lưu Nhị không nấu cơm bỏ đói con gái, thật ra Trầm Tam Hoa bực Lưu Nhị từ tối hôm qua. Anh ta suốt đêm không ngủ thì thôi mà còn gây sự, cứ lặp đi lặp lại lời thoại chỉ có hai từ: “Á! Anh...”.

Chỉ mỗi hai từ này mà anh ta học suốt cả đêm. Nửa đêm anh vẫn mải miết học thoại dưới ánh đèn, vừa đọc thoại vừa hoa tay múa chân, lỡ tay làm vỡ chiếc gương tròn nhỏ là của hồi môn của vợ.

Lưu Nhị hầu như không chợp mắt chút nào, anh ta không ngủ mà còn làm vợ con giật mình, ngủ không ngon giấc. Nên việc bà vợ sáng dậy cho anh ta một trận cũng phải thôi.

Lưu Nhị mặc dù bị vợ đuổi đánh chạy khắp sân nhưng anh vẫn không giấu nổi sự háo hức, vừa la oai oải, vừa nói với vợ: Anh nhất định sẽ diễn, nhất định!

Lưu Nhị là một diễn viên quần chúng. Một diễn viên quần chúng được diễn có đáng vui đến vậy sao?

Thật ra mọi việc không đơn giản như chúng ta nghĩ, buổi diễn hôm nay do “Ở trển” chỉ định, quan trọng là “Ở trển” còn đến xem. “Ở trển” còn nói, mỗi diễn viên, cho dù diễn vai gì cũng phải diễn cho nghiêm túc, phải diễn như mình là kép chính vậy. Mọi người đều là kép chính! “Đây chính là dịp đánh giá chất lượng vở diễn, cũng là cơ hội xem xét thái độ của mọi người đối với cấp trên” - “Ở trển” nhấn mạnh.

Lưu Nhị tin rằng mọi người đều nghiêm túc chấp hành chỉ đạo. Hôm qua trong đoàn họp cả ngày, mọi người hăng hái đóng góp ý kiến, tất cả thành viên đều rất vui, ai nấy mặt mày đều tươi rói. Lưu Nhị cũng bày tỏ quan điểm, anh cũng phấn khởi như mọi người vỗ ngực hạ quyết tâm.

Lưu Nhị bị vợ đánh sưng cả mặt, nhưng không hề ảnh hưởng đến tâm trạng của anh. Khi đến rạp, anh nhìn thấy trong rạp giăng đèn kết hoa nhộn nhịp y như tết. Đèn trên sân khấu được thay mới toàn bộ, rèm cũng được thay, sàn sân khấu được lót mới ngay trong đêm. Ngay cả cuốn kịch bản cũng được in mới, mỗi người được phát một quyển.

- Nhất định phải cho “Ở trển” thấy chúng ta rất chú trọng vở diễn hôm nay, mọi người hiểu chưa? Đó là vấn đề thái độ! - trưởng đoàn nói.

Lưu Nhị có thể hiểu được tâm trạng của trưởng đoàn, có điều anh thấy lạ là, chẳng phải nói đoàn không còn tiền để phát lương nữa sao? Giờ lấy đâu ra tiền thay đồ mới?

- Lưu Nhị, anh chẳng hiểu gì hết, đoàn kịch có nghèo đến mấy cũng phải chi bằng được khoản này. Đây chính là phải biết chi cho đúng chỗ, anh hiểu chưa? - có người giải thích cho Lưu Nhị.

Lưu Nhị vẫn không hiểu. Nhưng anh rất vui, hôm nay “Ở trển” sẽ đến xem kịch, đây là cơ hội ngàn năm có một.

Nhưng chẳng mấy chốc Lưu Nhị lại gây chuyện. Lưu Nhị vì vui quá mà mặc lộn áo của kép chính. Kép chính Đại Lão Vương vào không tìm thấy trang phục của mình đâu, la toáng lên, quay lại thì thấy trang phục của mình đang trên người Lưu Nhị. Lão Vương điên tiết, chẳng nói chẳng rằng tóm cổ Lưu Nhị đẩy vào tường nện cho một trận. Lão Vương không phải Trần Tam Hoa, nắm đấm nặng như sắt, nếu không phải mọi người can ngăn, cái đầu của Lưu Nhị đã nát như dưa hấu.

Mặc dù bị đánh nhưng Lưu Nhị không hề buồn bã. Mọi người đều là kép chính, “Ở trển” nói mà. “Nhất định phải diễn tốt vai diễn của mình!” - Lưu Nhị tự động viên mình.

- Á, anh...

Lúc bị Lão Vương đánh, Lưu Nhị vẫn đang ôn lời thoại của mình.

Đến chiều, “Ở trển” đến rạp, mọi người xếp hàng dài đứng đón ngay cổng, ai nấy hân hoan vui mừng ra mặt. Trước hết, “Ở trển” đi một vòng quanh rạp kiểm tra, có vẻ rất hài lòng, Lưu Nhị nhìn nét mặt “Ở trển” có thể đoán ra. Nhất là khi “Ở trển” vô tình quay đầu liếc nhìn Lưu Nhị một cái, Lưu Nhị cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong lồng ngực, ngay cả cái đầu bị sưng cũng thấy bớt đau hẳn.

Chiều hôm đó, Lưu Nhị diễn rất tốt, diễn rất hay, thậm chí có vẻ diễn hơi quá. Từ “Á” bật ra khỏi lồng ngực Lưu Nhị làm mọi người giật thót cả mình, còn từ “Anh” Lưu Nhị cố ý kéo dài mấy nhịp, như sợi mì do vợ anh làm, sợi tròn đều, mập mạp và nhai nhai. Lưu Nhị rất hài lòng với diễn xuất của mình.

Sau khi nói xong lời thoại, Lưu Nhị cố hướng ánh mắt về phía chỗ ngồi của “Ở trển” dưới sân khấu. Đương nhiên, do ánh sáng chói mắt, Lưu Nhị không nhìn thấy khuôn mặt “Ở trển”. Nhưng Lưu Nhị tin rằng “Ở trển” nhìn rất rõ mình, vì ánh mắt của anh hướng về vị trí của “Ở trển” đang ngồi.

Lưu Nhị rất hài lòng với mình, nhưng tự nhiên anh lại có cảm giác khó chịu, vì anh phát hiện thực ra những đồng nghiệp khác đều diễn rất hăng say, cho dù là hát hay thoại đều được cất lên với giọng cao hơn bình thường. Lưu Nhị buồn rầu phát hiện ánh hào quang của mình đã bị lu mờ bởi những đồng nghiệp khác.

Lưu Nhị nằm trên sân khấu vốn không được động đậy, anh chỉ là một cái xác chết, làm sao mà động đậy được cơ chứ? Nhưng Lưu Nhị càng nghĩ càng bực, các đồng nghiệp hà cớ gì được nói nhiều thoại, các đồng nghiệp diễn còn hay hơn tôi, đồng nghiệp có giọng cao lảnh lót hơn cả tôi? Lưu Nhị càng nghĩ càng thấy mọi người có lỗi với mình, nhất là Lão Vương, cái giọng sang sảng, hoàn toàn át đi phần biểu diễn của mình trước đó. Nghĩ đến đó, Lưu Nhị nóng máu, cũng chẳng biết có phải bị ma ám hay không, khi Lão Vương đi ngang chân Lưu Nhị, anh cố tình duỗi thẳng chân đang co ra.

Lần này Lưu Nhị bị nhân viên của cả đoàn kịch đánh cho tơi tả.

Về sau, có người kể lại, “Ở trển” không quở trách gì nhiều về sự cố vở diễn, mà còn khen tinh thần biểu diễn nghiêm túc, chỉ là đến đoạn cuối lại nhíu mày nói với trưởng đoàn: “Cái xác đó, chỉ là một diễn viên quần chúng, vậy mà cứ tưởng mình là kép chính không bằng. Trong lòng mọi người phải hiểu rõ điều đó chứ...”.

- Dạ dạ dạ! Trong lòng nhất định phải hiểu rõ, chúng tôi... chúng tôi cũng chỉ là diễn viên quần chúng, diễn viên quần chúng... - trưởng đoàn gật đầu lia lịa như gà mổ thóc.

“Ở trển” gật đầu mỉm cười.

Xảy ra sự cố lớn, Lưu Nhị tưởng mình sẽ bị đuổi việc, hóa ra không phải. Ngoài việc bị đánh một trận nằm liệt giường nửa tháng, mọi việc khác vẫn diễn ra như cũ. Lưu Nhị cũng hay tự trách mình mỗi khi nhắc lại sự cố đó, còn nói không trách mọi người nặng tay với mình, ai bảo mình nằm trên sân khấu mà còn bị ma xui quỷ khiến.

- Bộ anh tưởng mọi người đánh anh là vì anh gây ra sự cố sao? - có người nhìn anh hồi lâu rồi bảo.

- Không phải sao? - Lưu Nhị tròn xoe mắt.

- Ai bảo anh diễn còn hay hơn tất cả mọi người... - người đó lại nhìn anh hồi lâu rồi bảo.

Câu nói khiến anh suy nghĩ suốt cả đêm. ■

(Cảnh Chánh 

dịch từ bài gốc trên nguyệt san Tiểu Tiểu Thuyết kỳ số 8 năm 2020)

Nhà văn Dương Khinh Trữ sinh năm 1969, ông là hội viên Hiệp hội nhà văn Tứ Xuyên - Trung Quốc, phó chủ tịch Hội Tiểu tiểu thuyết Tứ Xuyên, từng có nhiều tác phẩm đăng tải trên Văn học Tứ Xuyên, Tác giả văn trích. Tác phẩm Nghe đá bóng của ông được đưa vào sách giáo khoa lớp 9; tác phẩm Lão Thị từng đoạt giải II cuộc thi Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc; được bình chọn là 100 tiểu thuyết gia đương đại Trung Quốc.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận