Điều ba ẩn sĩ thời COVID dạy ta

THỦY TIÊN 23/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Khi chúng ta đều nếm trải nỗi cô đơn của thời buổi phong tỏa cách ly nghiêm ngặt này, nếm trải cảm giác mắc kẹt bế tắc đầy tức giận có thể còn kéo dài vài tuần hay vài tháng nữa, ta có thể nghĩ về những gì các ẩn sĩ cảm thấy.

 
 Panta Petrovic. Ảnh: france24.com

Ông ẩn sĩ thứ nhất

20 năm trước, Panta Petrovic bước vào lối sống “giãn cách xã hội”. Ông tìm đến một hang động nhỏ trên ngọn núi Stara Planina, miền nam Serbia để sống, lánh xa một xã hội ồn ào.

Nhưng năm ngoái, trong một lần xuống núi về thị trấn, người đàn ông 70 tuổi với bộ râu dài này phát hiện ra đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Khi thị trấn bắt đầu việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, ông vén tay áo lên nhận một mũi tiêm rồi kêu gọi mọi người cũng làm như vậy. “Con virus ấy không kén chọn đâu, nó sẽ vào tận tới hang của tôi” – ông nói với hãng tin AFP.

Chỉ có thể vào được cái hang của ông Petrovic bằng cách leo lên một vách đá dựng đứng. Trong hang có một cái bồn tắm cũ gỉ mà ông dùng làm khu vệ sinh, vài cái ghế dài và một đống cỏ khô làm giường.

Petrovic vốn là dân của thị trấn Pirot gần đó. Trước khi vào hang, ông đi làm thuê, ra nước ngoài sống đôi phen, tái hôn vài lần trong một kiểu sống mà ông gọi là “tất bật”. Nhưng ông cũng là một người rất yêu thiên nhiên. Rồi tình yêu ấy dẫn ông tới một khám phá bất ngờ về tự do - thứ tự do mà chỉ khi “giãn cách xã hội” triệt để, vào hang sống, ông mới lần đầu nếm trải. “Tôi không được yên thân khi ở trong thành phố. Ở đó, lúc nào cũng có ai đó ngáng đường bạn, bạn cãi nhau với vợ, với hàng xóm hoặc cảnh sát” – ông vừa nói vừa lột vỏ rau củ nấu bữa trưa - “Ở đây không ai phiền tôi cả”.

Petrovic chủ yếu ăn nấm và cá bắt từ một con lạch nhỏ gần đó, thỉnh thoảng ông đi bộ rất lâu để về thành phố, tìm thức ăn thừa đâu đó. Bầu bạn chí cốt của ông gồm vài con dê, một đàn gà, quãng ba chục con chó mèo và con thú cưng nhất của ông: một cô lợn rừng tên là Mara. Petrovic tìm thấy Mara cách đây 8 năm – một con lợn nhỏ bơ vơ kẹt trong bụi rậm, cho nó bú bình và chăm sóc nó. Giờ đây Mara, nặng 200 cân, chơi đùa trên những mỏm đá và ăn táo từ tay ông.

Petrovic nói rằng ông "không hiểu nổi sự ồn ào" mà những người hoài nghi vaccine tuôn ra. Ông nhắc đi nhắc lại niềm tin của ông về những tiến bộ và nỗ lực nhằm loại bỏ bệnh tật. "Tôi muốn tiêm cả ba liều ấy chứ, bao gồm cả liều bổ sung. Tôi kêu gọi mọi người dân hãy đi tiêm chủng, từng mũi một".

Trước khi lên núi lánh đời, Petrovic đã quyên góp tất cả số tiền tiết kiệm của ông cho cộng đồng để xây dựng ba cây cầu nhỏ trong thị trấn. "Tiền bạc là lời nguyền rủa, nó làm mục ruỗng con người. Tôi nghĩ không có thứ gì có thể làm hư hỏng con người như tiền bạc" - ông đúc kết.

Ông ẩn sĩ thứ hai

Ông tên là Christopher Knight. Quãng năm 1986, không lâu sau khi tốt nghiệp trung học, Knight đi đến một quyết định: sống chung với loài người thế là đủ rồi. Anh lái xe đi sâu nhất có thể vào một khu rừng ở Maine. Rồi đơn giản là biến mất sâu trong rừng rậm.  

27 năm sau, nhà chức trách địa phương mới phát hiện ra Knight và bắt giữ ông ta vì tội đột nhập nhà dân ăn trộm vặt vài vụ. Họ biết được rằng Knight sống trong một khu trại nhỏ tự dựng trong rừng. Và suốt hơn ¼ thế kỷ, anh ta sống sót bằng cách ăn trộm thức ăn và lấy đồ lặt vặt từ những khu nhà vốn chỉ có khách là dân thành phố về cắm trại hè vài tháng trong năm. Anh sống hoàn toàn cô độc, với vài cuốn sách và tạp chí trộm được. 

Suốt ngần ấy thời gian làm ẩn sĩ, anh chỉ chạm trán một lần duy nhất với một người khác – một người đi bộ đường dài đơn độc trong rừng – vào năm 1990. Họ đi ngang qua nhau và sau nhiều năm đơn độc, Knight ấp úng duy nhất một âm tiết: “Chào!”. Một lời chào không thể tránh khỏi.

Knight sống trong một căn lều trong suốt những mùa đông khi nhiệt độ thường xuyên xuống dưới O. Anh chưa bao giờ đốt lửa vì sợ khói sẽ tiết lộ chỗ trú ẩn của mình. Những đêm lạnh nhất, anh thức giấc sau nửa đêm, đi đi lại lại cho tới rạng sáng để khỏi chết cóng.   Anh ăn những loại thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng coi là ác mộng: thịt hộp, bột mì, snack… trộm được. Nhưng trong 27 năm ròng, anh chưa từng bị ốm. Ngay cả một cơn cảm lạnh cũng không.

Điều ấy cho thấy, một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn thảm hại không gây ra tai vạ lớn cho sức khỏe con người. Nói cách khác, các mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nhất trong lịch sử thường không xuất phát từ chế độ ăn uống nghèo nàn. Chúng không đến từ cái lạnh cực độ hay những con vi khuẩn đầy rẫy trong một khu cắm trại bùn lầy. Chúng đến qua đồng loại của chúng ta. Bạn bè, gia đình và người quen của ta truyền cho ta virus gây cảm lạnh, cúm và các bệnh truyền nhiễm khác. Những con virus ấy bám được vào ta qua các cơn ho và hắt hơi, qua bắt tay và ôm hôn. Cái giá của sự hòa đồng đôi khi chính là sức khỏe của chúng ta. 

Knight đã tự cách ly mình khỏi loài người và do đó tránh được những hiểm họa sinh học của con người. Và nói cách khác, vì chúng ta không thể làm được như Knight, chui sâu vào trong rừng sống ẩn dật một mình và xơi bất kỳ thứ gì kiếm được chăng hay chớ, chúng ta sẽ chịu đựng đại dịch này cùng nhau.

Và bởi thế, khi chúng ta đều nếm trải nỗi cô đơn của thời buổi phong tỏa cách ly nghiêm ngặt này, nếm trải cảm giác mắc kẹt bế tắc đầy tức giận có thể còn kéo dài vài tuần hay vài tháng nữa, ta hãy nghĩ về những gì Knight từng cảm thấy. 

Ẩn mình trong góc rừng đầy muỗi, anh ta sống qua mọi mùa, mọi kiểu thời tiết. Rồi thức ăn cạn đi, sách báo cũng chẳng còn nữa mà đọc, mỗi mùa đông giá đều có thể sẽ mang anh ta xuống mồ, Knight vẫn chưa từng hối hận về lựa chọn cô độc của mình.

Anh cũng chưa một lần cảm thấy buồn chán. “Những ham muốn của tôi giảm đi. Tôi không mong cầu gì cả” - Knight bảo -  "Nói một cách lãng mạn, tôi hoàn toàn tự do".

 
 Mauro Morandi. Ảnh: National Geographic

Ông ẩn sĩ thứ ba

Trong hơn 30 năm, Mauro Morandi là cư dân duy nhất của Budelii, một hòn đảo ở Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Sardinia. Vị cựu giáo viên này tới đây từ Ý, đem lòng yêu vùng đất này và quyết định ở lại. Nay, ở tuổi 81, ông được coi là một Robinson Crusoe của Ý. Bạn bè của ông là những bụi cây, vách đá, lũ chim. 

Khi đại dịch tới, cung ứng thực phẩm ra đây bị gián đoạn, khách du lịch không tới được, ông dành cả ngày để ngắm biển, nhặt củi, chụp ảnh động vật hoang dã và phong cảnh, đăng lên Instagram. Mùa đông, ông ngồi yên trong nhà nhiều tháng liền. Ông nói gì về cách chúng ta có thể vượt qua nỗi cô đơn?

"Tôi chỉ nghĩ về gia đình và bạn bè tôi ở Modena (miền bắc nước Ý, một trong những khu vực bị nhiễm virus nhiều nhất). Họ đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn"- Ông nói với CNN Travel - “Một vài tuần cô độc là cơ hội để thực hành tìm kiếm tâm hồn mình. Tôi đọc rất nhiều và suy nghĩ. Tôi nghĩ nhiều người sợ đọc sách bởi vì nếu họ làm vậy, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ về mọi thứ, điều đó có thể nguy hiểm. Nếu bạn bắt đầu nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng khác và chỉ trích, bạn có thể sẽ thấy mình đang sống một cuộc sống khốn khổ, rằng bạn là một người tồi tệ như thế nào hoặc nhớ về những điều tồi tệ bạn đã làm".

Nhưng Morandi nói rằng sự xem xét nội tâm này, sau rốt, mang lại lợi ích. "Hành trình đẹp nhất, mạo hiểm và đáng hài lòng nhất là hành trình bên trong chính bạn, cho dù bạn đang ngồi trong phòng khách hay dưới tán cây ở Budelli này. Cuộc khủng hoảng hiện tại là cơ hội để đánh giá lại những giá trị cuộc sống của chính bạn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận