Đo thời thế qua một dòng phim

TƯỜNG ANH 09/07/2021 03:05 GMT+7

TTCT - Như nhiều người mê xem phim, “cày” liên miên các series phim cho qua mùa dịch, bạn nhận ra vài thông điệp thời thế của một dòng phim tạm gọi là “dòng phim địa chính trị”.

Sống trong một môi trường số, ta để lại “dấu vết mạng” thị hiếu của mình. Và từ đó là những bữa cỗ được dọn sẵn cho ta dựa trên dấu vết mạng đó. Trong một thế giới mà địa chính trị chao đảo dữ dội thời gian qua, những người thích loại phim có yếu tố trinh thám, hình sự pha thời sự quốc tế có thể dễ dàng nhận ra những bố già trong làng điện ảnh nghĩ gì về thời thế.

CHÂN TƯỚNG ĐẤU THỦ MỚI

Không nghi ngờ gì, đã xuất hiện trên trường chính trị thế giới một đấu thủ mới, với sức mạnh và độ thâm hiểm khó lường. Rất nhiều bộ phim mang hơi hướm địa chính trị đều nêu bật chủ đề này, khi ngai vị anh cả độc tôn của Hoa Kỳ bị lung lay bởi tay chơi Trung Quốc. Hơn thế, nhiều nhà làm phim hầu như cùng một thế giới quan và cái nhìn về đấu thủ mới này.

 
 Poster phim Mắc kẹt. Ảnh: Icelandic TV

Bộ phim Iceland Mắc kẹt (Trapped) do RVKStudios sản xuất, được chiếu trên truyền hình nước này từ năm 2015, sau được phát trên Netflix. 

Mắc kẹt kể lại công việc của viên cảnh sát trưởng Andri Olafsson (Ólafur Darri Ólafsson đóng) ở thị trấn hẻo lánh Siglufjörður của Iceland. Một ngày gió tuyết, khi một chiếc phà Đan Mạch chở cả trăm du khách cập cảng Siglufjörður, cũng là lúc dân địa phương vớt được một thi thể biến dạng. Đó là khởi điểm cho một câu chuyện ghê gớm về nạn buôn người qua hải trình trên bắc Đại Tây Dương và cuộc đấu đá giành vị thế chiến lược của các ông chủ lớn thế giới đã lan tới tận vùng đất giá băng lạnh lẽo này. 

Mắc kẹt ly kỳ và những gì nó đặt ra đều rất thời sự: sự câu kết giữa các thế lực chính trị và kinh doanh mang hơi hướm mafia của thế giới, nạn buôn người, vấn nạn môi trường, quan hệ cha mẹ và con cái...

Tọa độ của thị trấn Siglufjörður xuất hiện ngay từ đầu bộ phim là lời giải thích nhanh nhất cho việc vì sao Trung Quốc muốn xây bến cảng ở tận nửa kia của thế giới. Thị trưởng Siglufjörður Harfn chỉ ra trong Mắc kẹt: cảng Siglufjörður nói riêng và Iceland nói chung nằm ngay chính giữa trên tuyến hàng hải Đông Tây, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc - Mỹ. 

Trong khi “người Mỹ đã hết thời” thì Trung Quốc - nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - đã len lỏi tới tận Băng Đảo với đề nghị xây bến cảng trên thị trấn hẻo lánh này. Đổi lại, Trung Quốc phải được mua tất cả đất đai cần thiết thông qua một nghiệp đoàn địa phương mà “không một chủ đất nào được ngáng đường”, ít nhất trong vòng 25 năm.

Từ đây là cuộc chiến đổ máu giữa một bên là những chính khách và doanh nhân muốn thu lợi tối đa, bên kia là những chủ đất muốn giữ gìn đất đai và ngành nghề truyền thống của tổ tiên.

Mắc kẹt xuất hiện từ hồi năm 2015 nên lúc ấy, chân dung đấu thủ Trung Quốc mới như bóng ma lởn vởn quanh những câu chuyện giữa các doanh nhân hám lợi với các chính khách tha hóa, trong những cuộc tranh cãi giữa những người trẻ hoang mang và những ông bà già cố chấp. Nhưng trong Pine Gap thì đấu thủ Trung Quốc lộ rõ chân tướng.

 
 Doanh nhân Trung Quốc Chou ve vãn vợ mật vụ Mỹ trong phim Pine Gap. Ảnh: Netflix.com

Pine Gap là tên một cơ sở giám sát vệ tinh của Hoa Kỳ và Úc nằm gần thị trấn Alice Springs (Úc), công việc của nó là tuyệt mật. Nhưng chính sự tuyệt mật đó đã tạo điều kiện cho các đạo diễn Greg Haddrick và Jacqueline Packard thoải mái tưởng tượng về những biến cố có thể xảy ra, khi công nghệ mà các quốc gia tin tưởng bảo vệ an toàn cho họ lại bị hạ gục chỉ vì một phần mềm độc hại do ai đó có quyền truy cập lén cài cắm vào. Chờ ngày giờ thích hợp, kẻ giấu mặt ra tay khuynh đảo liên minh Mỹ - Úc, đến độ những người trẻ đa sắc tộc làm việc ở căn cứ này buộc phải “chọn phe”.

Sự xuất hiện của đấu thủ Trung Quốc trong Pine Gap như vòi bạch tuộc, chi phối mọi mặt của đời sống Alice Springs, qua nhân vật Chou - đại diện cho Công ty khai thác dầu mỏ Shonguran... 

Không phản diện một cách ngô nghê mà sắc sảo và nguy hiểm, doanh nhân Chou giỏi thể thao, lịch lãm, am hiểu nghệ thuật bản xứ. Người ta bắt gặp hắn khắp mọi nơi: cạnh các nhân viên hội đồng thành phố Alice Srpings, trong quán bar bù khú cùng các doanh nhân, là huấn luyện viên năng nổ trên sân bóng rổ, am hiểu thiên nhiên và nghệ thuật đủ để đốn tim cô vợ Bella đam mê hội họa của mật vụ cấp cao Mỹ Ethans... 

Chou tặng lồng ấp cho Bệnh viện Alice Springs, trao ván lát sàn cho thư viện địa phương, tài trợ hoạt động cho sân bóng rổ địa phương. Y “ném tiền khắp nơi” như chính ông chồng Ethans bị cắm sừng nhận thấy, hay như giám đốc người Úc của căn cứ Pine Gap Kath chỉ ra, Shonguran đầu tư 2 triệu đôla Úc/năm cho các khu công cộng để ve vãn, giành quyền đầu tư khai thác một mỏ dầu nằm cách căn cứ tối mật Pine Gap chỉ 20 dặm!

Vì lợi nhuận lớn, vì nhiều công việc sẽ được tạo ra trên bảng thành tích của chính quyền địa phương nên sức ép mà Chou gây nên đủ làm người Úc xiêu lòng và người Mỹ khốn đốn. Liên minh Mỹ - Úc rạn nứt khi Úc rơi vào thế bị “triệt buộc”, phải đàm phán hiệp ước trung lập với Bắc Kinh!

Có thể thấy việc bị buộc phải chọn phe không còn là vấn đề mới trong các bộ phim loại này. Một bộ phim Úc khác của các đạo diễn Emma Freeman, Tony Krawitz, Daniel Nettheim cũng nêu vấn đề liên minh Mỹ - Úc bị rạn nứt vì sự lớn mạnh đáng gờm của người thứ ba Bắc Kinh. Trong Thành phố bí mật (Secret city), sự chen chân của Bắc Kinh vào liên minh này hết sức tinh vi. Nó “leo cao” tới tận cấp bộ trưởng.

Đó là ván bài cao cơ giữa bà bộ trưởng tư pháp Catriona Bailey (Jacki Weaver đóng), người ngoài mặt cổ vũ một cách diều hâu cho liên minh Mỹ - Úc hóa ra lại là tay trong của Bắc Kinh, đấu nhau với bộ trưởng quốc phòng Malcom Paxton (Daniel Wyllie đóng), người ủng hộ đường lối tự chủ hơn của Canberra trong liên minh Mỹ - Úc.

Nó “luồn sâu” tới tận giường ngủ của Malcom Paxton, trong mối tình giữa ngài bộ trưởng quốc phòng với vợ đại sứ Trung Quốc ở Canberra Weng Meihui (diễn viên Mỹ gốc Hoa Eugenia Yan đóng). Dĩ nhiên, những “mối tình” không tránh khỏi việc nghe trộm, đọc lén điện thoại của nhau để đo lường đối thủ.

 
 Phim Secret city. Ảnh: Netflix

THẾ HỆ NÀO CŨNG VẬT LỘN

Cũng những bộ phim này cho thấy một vấn đề thời thế lớn thứ hai: sự thay đổi quan niệm về các giá trị giữa các thế hệ.

Ông già Gudmundur trong Mắc kẹt đã ngoài 80 tuổi nhưng mạnh mẽ, đủ sức phá tuyết lở, đi săn, rọc da, cắt phăng đầu tuần lộc, chỉ trích con trai yếu đuối khi thấy cảnh này đã “mặt trắng bệch”. Như nhiều nơi trên thế giới, những già làng mạnh mẽ, dày dạn kinh nghiệm và uy nghi dần biến mất ở miền đất hẻo lánh Siglufjörður, nhường chỗ cho thế hệ thứ hai, quen làm việc trong những phân xưởng công nghiệp hiện đại, khăng khít với máy móc và dần xa lạ với thiên nhiên, cuộn mình trong tiện nghi và “trở nên ẽo ợt” như cách ông già Gudmundur nhìn cậu con trai Sigurdur của mình.

Đến lượt mình, những ông bố trạc tuổi Sigurdur không sao hiểu nổi đám con, những đứa trẻ lớn lên cùng sự phát triển vũ bão của công nghệ, nói như nữ nhà báo Harriet trong Thành phố bí mật, là “thế hệ thà chết chứ không thể không dùng Snapchat”. Thế giới phẳng theo đường đi của công nghệ khiến chúng ảo tưởng mình toàn năng, nhưng vào môi trường hoang dã mới ngộ ra mình chỉ là những thú cưng công nghệ.

Những thiếu niên đó thật sự là cơn đau đầu cho các bậc cha mẹ thế hệ thứ hai. Như hai cô con gái của cảnh sát trưởng Andri Olafsson, vốn gắn kết gần gũi với cha mẹ khi nhỏ tuổi, bước vào tuổi thành niên “nổi loạn” xa cách với cha mẹ mình, dẫu đó là những bậc cha mẹ hết sức quan tâm tới con - như cảnh sát trưởng Andri Olafsson, hay từng mắc sai lầm trong quá khứ nhưng sẵn sàng cai nghiện để được sống với con gái như tay cảnh sát cộc cằn Trella (Andrzej Konopka đóng) trong phim Ba Lan Vết tích trên núi (tên nguyên bản: Znaki). 

Những đứa con - lớp thiếu niên của thời đại thế giới phẳng - đối xử với cha mẹ lạnh lùng đến nhẫn tâm, từ cô bé ngang bướng Thorhildur (Elva Birgisdotir đóng) trong Mắc kẹt, hay dịu dàng như Nina (Magdalena Zak đóng) trong Vết tích trên núi. Có thể thấy, những cá thể trẻ trở nên độc lập hơn, được bảo trợ bởi những chính sách phúc lợi quan tâm tới thanh thiếu niên đang dần ra khỏi thành lũy gia đình. Đó là lý giải cho thế giới chúng ta đang sống, nơi giới trẻ ngày càng độc lập hơn, tự do hơn, kèm theo đó là nguy cơ chìm đắm trong nạn nghiện ngập, bạo lực, nếu chỉ một giây đánh mất mình...

 
 Apphich của phim Ba Lan Znaki. Ảnh: biuroprasowe.orange.pl

Không chỉ những giá trị gia đình thay đổi, nhiều giá trị xã hội khác, theo thời gian cũng biến động không kém. Dòng phim châu Âu, cụ thể hơn là dòng phim Nordic Noir (thể loại tiểu thuyết hoặc phim nhìn từ quan điểm của cảnh sát, ở các nước Scandinavia, Bắc Âu) khắc họa những xã hội châu Âu mới trong thời điểm giao thoa. Thấp thoáng trong những bộ phim là những vấn đề gia đình (các cuộc hôn nhân tan vỡ dẫn tới những đứa con bất mãn và bất trị; những đôi vợ chồng căm thù nhau, nhưng vẫn phải khoác lớp mặt nạ hạnh phúc để theo đuổi những mục đích của mình), tình dục đồng giới...

Tất cả cho thấy sự thô ráp, có lẽ là ngày càng gia tăng, của thế giới thực mà chúng ta đang sống.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận