Elton John: Ngôi sao khác thường trong một nền công nghiệp âm nhạc chẳng ra gì

BILL WYMAN 15/03/2019 22:03 GMT+7

Ngay từ đầu sự nghiệp của Elton John, một sự kiện diễn ra như nhắc nhở chúng ta rằng sự nghiệp ấy mới đặc biệt làm sao.


Đĩa than Your song của Elton John phát hành tại thị trường Tây Ban Nha năm 1971. 

Bản hit đích thực đầu tiên của John có lẽ là Your Song, vốn chỉ là một track bỏ đi trong album thứ hai, Elton John. Bản nhạc được “phát hiện” một cách khá lạ lùng. Cuối năm 1970, một số DJ trên vô tuyến khám phá mặt B của single Pilot. Vào lúc ấy đây là một thói lạ.

Bản nhạc ở mặt B là một track nhạc chủ đạo piano, có âm hưởng cô độc. Những từ ngữ bắt đầu bản nhạc như sau: “It’s a little bit funny/ This feeling inside...”. Vài tháng sau, đầu năm 1971, gần một năm sau khi album Elton John phát hành, bản nhạc ở mặt B đã trở thành bản hit top-ten ở hai bờ Đại Tây Dương.

Một thế giới bị Elton John phù phép

Your Song giờ đây là một bản nhạc phổ thông, sau gần 50 năm; là một trong những single được mở nhiều nhất trên vô tuyến mọi thời đại, và đã được vô số nghệ sĩ trình bày lại. Theo một căn cốt nào đó, Your Song là một bản nhạc khác thường. 

Giai điệu của nó đương nhiên đậm đà và phần điệp khúc đáng yêu hơn bao giờ hết, nhưng có chút gì đó trong cách bản nhạc được thể hiện - tiếng nhạc cụ dây dìu dặt, tiếng bass nổi trội, tài tình, những đoạn piano tạo nền tinh tế nhẹ nhàng nhưng đều đặn - khiến nó không bắt tai lắm. Có lẽ chỉ là vì nó vẫn chưa đủ hay.

Phần ca từ cũng chẳng có gì lý thú hay nổi trội cả, nếu có gì thì là bài hát thành thật thái quá. Tôi cho rằng vào năm 1970, những người lần đầu tiếp xúc với bản nhạc không thể giải thích nổi sự xuất sắc tài tình của nó như chúng ta ngày hôm nay, bởi vì họ chưa từng nghe một bản nhạc nào khác giống như vậy tính tới thời điểm đó. Ngày nay, bản nhạc ấy quen thuộc với chúng ta, bởi lẽ chúng ta đang sống trong một thế giới mà Elton John đã phù phép thành của mình.

Thực vậy, với nhiều người, John bây giờ là một cái tên quá đỗi hiển nhiên: một ngôi sao pop rock ai ai cũng yêu thích, một kẻ tri kỷ của hoàng tộc, một biểu tượng đồng tính thích đội tóc giả đang chín muồi với thời gian. 

Nhưng cái vẻ ngoài dễ chịu ấy lúc nào cũng che khuất điều gì đó không bao giờ khoan nhượng và lạ kỳ bên trong. Ông là một nhân vật bí ẩn đặt trong chủ nghĩa trí tuệ kiểu Joni Mitchell, hay những tác phẩm nghiễm nhiên thách thức kiểu Lou Reed, David Bowie, và nhiều nghệ sĩ khác nữa.

Ngay từ ban đầu, và cả khi ông được đón nhận nhiều hơn, Elton John tìm thấy con đường riêng của mình giữa bối cảnh tận thế của nhạc pop hậu Beatles tan rã - và mời chào với chúng ta những kết cấu nhạc pop tham vọng hơn bao giờ hết, hun đúc từ một kiệt tác có phần lạ lùng, Goodbye Yellow Brick Road, và rồi một chùm sáng tác tự sự Captain FantasticBrown Dirt Cowboy, ở đó người nghệ sĩ nhìn lại để khảo nghiệm cuộc đời mình và những tháng năm đầy âu lo trước khi trở thành một ngôi sao.

Đó là thành tựu nghệ thuật của ông. Thành tựu thương mại thậm chí còn lớn hơn. Giờ đây David Bowie là một cái bóng bao trùm lịch sử nhạc rock, nhưng ở Mỹ, vào đầu những năm 1970, Bowie chẳng hề giống một ngôi sao. 

John đã nổi danh vì đưa quần áo diêm dúa của mình lên mức độ gần như trang phục nữ giới, nhưng lại được đón nhận bằng sự tò mò, và chưa bao giờ bị quy là phản cảm.

Ông đã có 7 album xếp hạng nhất liên tục ở Mỹ. Chỉ trong ba năm rưỡi, ông đã có tổng cộng 39 tuần ở vị trí số 1, gần 1/4 quãng thời gian đó. Theo xếp hạng của Billboard, ông là nghệ sĩ bán album nhiều nhất thập niên 1970 (bất chấp việc Elton John không có một album top ten nào từ năm 1976 trở đi). Ông cũng là nghệ sĩ bán được nhiều single nhất thập kỷ, và là nghệ sĩ bán nhiều single nhất thứ ba mọi thời đại theo bảng xếp hạng của tạp chí, với 9 single và 27 bản hit top ten, tức là rất nhiều. Nói chung, ông đã bán hơn 150 triệu album và 100 triệu single.

Sau 50 năm sự nghiệp, John đã khởi đầu cho tour diễn được cho là lời-giã-biệt-sau-cùng, tôi-về-hưu, tôi-cam-đoan-là-vậy. Lần đầu tiên ông công bố sô diễn cuối cùng ấy, với những ai còn nhớ, chính là vào năm 1976. “Ai mà muốn trở thành một nghệ sĩ giải trí 45 tuổi ở Las Vegas như Elvis chứ!” - lúc ấy ông khẳng định. (Ông đã trình diễn hai sô ở Las Vegas thứ 449 và 450, cũng dự là cuối cùng, tháng 5-2018, ở tuổi 71). Chuyến lưu diễn mới bắt đầu tại Allentown và Philadelphia và Madison Square Garden vào tháng 10 và 11-2018, sau đó tour diễn Farewell Yellow Brick Road cho suốt năm 2019.

Poster cuộc lưu diễn chia tay đậm chất Elton John. Ảnh: Best Classic Bands
Poster cuộc lưu diễn chia tay đậm chất Elton John. Ảnh: Best Classic Bands

Không bao giờ dễ đoán

Thế nhưng cần phải nhớ rằng, nếu có điều gì mà John không phải, thì đó là ông không bao giờ dễ đoán. Ông không tự viết ca từ, những gì ông nói với chúng ta, nếu có, là qua ngòi bút những người viết ca từ khác, chủ yếu là Bernie Taupin - người mà ông đã hình thành một mối quan hệ sáng tác từ năm 1967 rồi kéo dài suốt những năm tháng kinh điển của Elton.

Qua nhiều thập kỷ, những chủ đề trong ca từ của Taupin đã ngấm vào tính cách của người nghệ sĩ, cho dù chúng ta không hề có lý do gì để nghĩ rằng chúng đại diện chân xác cho tính cách ấy. Cả hai không (và vẫn không) làm việc cùng với nhau, thay vào đó John sử dụng những ghi chép thô của Taupin và tạo ra những bản nhạc mà ông muốn, với một tốc độ và sự tập trung khó ngờ. (Các thành viên trong ban nhạc và nhà sản xuất đã khẳng định rằng khâu sáng tác một số tác phẩm trứ danh nhất của ông diễn ra chỉ trong 15 hay 20 phút). 

Trên thực tế, lúc nào ông cũng biến cải để những ca từ của Taupin mang ý nghĩa mà mình muốn, tự giao cho mình cái không gian để đồng nhất hoặc tách lìa với chúng tùy thích. Nói cách khác, nếu bạn nghĩ mình biết về Elton John thông qua những bài hát của ông - bạn đã sai.

Ông được cha mẹ, ông bà Sheila và Stanley Dwight, đặt tên khai sinh là Reginald, được nuôi lớn ở khu ngoại ô vùng cực tây bắc Pinner của London. Cha ông rời bỏ gia đình sau một sự cố có liên quan tới những bất thường về tình dục, John vẫn rất thân thiết với mẹ và được mẹ cùng bố dượng nuôi nấng.

Ông gần như là một thần đồng âm nhạc, nhận học bổng gia nhập Học viện Âm nhạc hoàng gia ở tuổi 11. Ông biết mình là một nghệ sĩ âm nhạc từ bé, và theo chính những lời ông kể, chẳng mấy chốc ông đã nhận biết (a) ông có thể trở nên nổi tiếng và (b) ông rất háo hức muốn chuyện đó xảy ra. 

Ông bỏ học năm 17 tuổi và vất vả kiếm sống trong 5-6 năm sau đó ở London, rồi gia nhập một ban nhạc tên là Bluesology. Ông là một trong hàng trăm nghệ sĩ chơi nhạc vô danh ở London muốn phát huy tài năng và danh tiếng trong một thế giới mới sau thành công của Beatles và Rolling Stones - do đó mới có cái tên Bluesology - với thượng vàng hạ cám lố lăng.

Theo lời chính John, ông vẫn cảm thấy lạc lõng theo nhiều nghĩa. Tự ông và tất cả những ai quen biết đều nói về sự bất xứng của John so với vai trò ông khao khát. Đứng giữa những cậu chàng thanh tú, điển trai, quả tình ông có hơi béo. Ông ăn diện để xuất hiện trong các pô ảnh, nhưng video quay từ giai đoạn này cho thấy ông là một người hơi lập dị và chỉ loáng thoáng nét duyên. 

Khi ấy, và lúc nào cũng thế, mái tóc của ông là một thảm họa, và chẳng bao giờ ông tiệm cận với mẫu hình điển trai kiểu siêu sao nhạc rock. Tính khí của ông - phiên bản âm nhạc của một kẻ mọt sách, lệ thuộc vào mẹ, lánh đời - không khiến tình hình khá hơn. 

Nhưng một ngày nọ, ông trả lời mẩu đăng tuyển trên báo của công ty thu âm Liberty, và nhờ động thái tốt lành này, ông được tiếp xúc với một người đang muốn sáng tác phần ca từ.

Taupin, như đã thể hiện trong nhiều sáng tác, là một chàng trai vùng quê cổ điển, một anh chàng thẹn thùng quê ở Lincolnshire thôn dã. Taupin không mơ ước trở thành ngôi sao, nhưng lại mơ về nước Mỹ, ông viết ra những lời vừa nhàm chán vừa cuốn hút ghi lại hình dung của ông về nước Mỹ, cụ thể là miền Tây, trên giường ngủ trong căn phòng ở nhà bố mẹ. Khi ấy, ông mới 17 tuổi. 

Cặp đôi được giới thiệu cho nhau, hợp nhau tức thì, và chẳng bao lâu đã sống cùng nhau - trong ngôi nhà mẹ của John ở Pinner. “Chúng tôi cùng ngụp dưới đáy sâu và đều cần một ai đó để bám víu”, về sau Taupin kể lại như thế. (Tuy nhiên, Taupin không phải là người đồng tính).

Nhạc cụ dây luôn là một phần trong nhạc pop thời kỳ Beatles, và cũng trong nhạc pop-schlock thập niên 60 nữa. Nhà sản xuất của Elton John, Gus Dudgeon, cùng chỉ huy dàn dây, Paul Buckmaster, đã ở cùng John suốt 5-6 ấn phẩm âm nhạc, mở rộng âm thanh của âm nhạc ở từng lần phát hành về sau. 

Không vấp phải mấy cạnh tranh, cả hai đã thành tựu được những cấu trúc nhạc pop tinh vi nhất thời đại ấy. Your Song là một ví dụ hết sức tiêu biểu, với phần piano đều đặn dẫn dắt tiếng đàn dây dọc suốt hành trình cảm xúc.

Một năm sau, bộ sậu tiếp tục giúp John đạt được một ý đồ sáng tác giàu tham vọng với ca khúc tiêu đề album thứ 4, Madman Across the Water. Tên bản nhạc thật ngốc nghếch, nhưng nó lại có một bầu âm thanh xuất sắc, liên tục đắp bồi bằng những âm thanh dàn giao hưởng nổi trội. 

Dàn dây còn thống trị các sáng tác Tiny Dancer và Levon trong Madman nữa; có lẽ dàn nhạc dây hẳn đã làm giảm đi sức hút thương mại của hai ca khúc vào thời điểm đó, nhưng cả hai đều là những bản nhạc chuẩn mực vô tuyến ngày nay (Madman là đĩa hát kém thành công nhất của John giai đoạn đầu).

Theo đó, John càng lúc càng hướng về những sáng tác ngắn hơn và pop hơn, càng lúc càng dễ dàng hơn: Honky Cat, phiên bản lộn trái của một bản rag New Orleans; Rocket Man, một track nhạc bi ai về du hành không gian và tình trạng suy đồi thời hiện đại với nền nhạc mộc phản kháng; Daniel, một bản classic rock có cốt truyện bí ẩn; và Crocodile Rock, một bản tái tạo điệu nhảy sock hop. 

Tất cả những yếu tố ấy ních đầy trong Goodbye Yellow Brick Road, từng có lúc trở thành bộ đĩa đôi tổng hợp các bản pop thành công nhất từ sau The White Album (của The Beatles).

Còn với album Captain Fantastic, đó là một chùm sáng tác tự sự về mối lương duyên viết nhạc không ngờ, khi ngọt ngào khi chua chát, nhưng mang một vẻ ngoài ngập nắng như chính địa điểm nơi cả hai chấp bút các ca khúc.

Ca khúc thứ 5 Someone Saved My Life Tonight dựa trên một thực tế - John và Taupin từng có quãng thời gian ở chung nhà với một phụ nữ mà John đã vâng lời đính ước. Ông đã hủy hôn vào giờ chót. Ca khúc có đôi chỗ thật đành hanh đối với một người phụ nữ mà ngoài đời thật không đáng phải chịu như thế. 

Tuy nhiên, kể cả hiện nay, ca khúc vẫn là một cơn bão lòng; và suốt tháng năm John, kể cả vào những lúc yếu mềm nhất, vẫn tìm thấy rất nhiều sức mạnh từ nó.

Elton John đã luôn là một nghệ sĩ trình diễn lớn, trước khi là một nhạc sĩ, ca sĩ. Ảnh: ABC News
Elton John đã luôn là một nghệ sĩ trình diễn lớn, trước khi là một nhạc sĩ, ca sĩ. Ảnh: ABC News

Mãi là một nghệ sĩ lớn

John có kỹ năng âm nhạc. Ông là một nghệ sĩ dương cầm tuyệt vời, toàn thể các sáng tác của ông dường như là một dòng chảy khôn ngớt những ngón đàn phức tạp, đầy đặn, với những phản giai điệu hạ xuống dần xuyên suốt gần như mọi ca khúc. Chỉ riêng sức trình diễn của ông cũng đã vô cùng thuyết phục.

Khi tôi chứng kiến hai sô diễn của ông tại Vegas, John đã 71 tuổi, và tôi ở gần sân khấu đủ để chứng kiến cách John dướn những nốt cao trên phím đàn chỉ bằng tay phải. Về sau, tôi thử di chuyển tay theo chuyển động tương tự và đã khá mỏi sau chừng 45 giây. John trình diễn như thế suốt hơn 90 phút. (Mỉa mai thay, tôi còn cảm giác rằng những sô diễn từ giã sự nghiệp mới đây hơn - trình diễn tại những sân khấu hoành tráng quy mô hơn rất nhiều - hóa ra lại chẳng đòi hỏi nhiều thể lực của ông như trước).

Trong nhiều điều ông mang lại cho sân khấu, John đã hồi sinh phong cách trình diễn piano mãnh liệt của Jerry Lee Lewis và Little Richard sau một thập kỷ bị bỏ bê, nhưng ông cũng mang cây dương cầm của mình đến những biểu cảm âm thanh rộng rãi hơn (và luôn đầy giai điệu). 

Phần lớn thời gian ông sử dụng những tài năng trên vào những hiệu ứng tài tình và thẩm mỹ, dù đó là các câu riff thập niên 50 ở Crocodile Rock, khắc họa chấm phá phong cảnh hoang vu trong Madman Across the River, xây đắp những đoạn cường độ âm thanh tăng tiến dần trong Tiny Dancer, hay chỉ đơn thuần là tạo ra không gian điện ảnh quyến rũ chỉ bằng một hợp âm duy nhất trong 12 giây đầu của Bennie and the Jets.

Tour diễn từ giã Farewell Yellow Brick Road - một sự kiện gồm toàn những bản greatest hits, với dàn dựng hoàn toàn mới - vô cùng thú vị. Ước sao ông đừng gằn giọng. Nghe những Your Song được thì thầm, Candle in the Wind khẽ khàng hơn một chút hẳn sẽ hay hơn. 

Và chẳng phải các video người đóng giả diễn viên Marilyn Monroe khỏa thân theo kèm phiên bản Candle đang khai thác thái quá tính dục của nữ diễn viên hệt như cách mà bài hát chỉ trích?

Candle in the wind đã trở thành một trong những ca khúc biểu tượng của thế kỷ 20. 
Ảnh: Popmasters.pl
Candle in the wind đã trở thành một trong những ca khúc biểu tượng của thế kỷ 20. Ảnh: Popmasters.pl

Cho đoạn kết, màn hình video khổng lồ đặt trên sân khấu tự hào chiếu nên những hình ảnh John hồi còn trẻ, ngồi cạnh keyboard, niềm tự hào và hạnh phúc của bất cứ bà mẹ nào - và các tấm ảnh chụp với hôn phu David Furnish, cùng hai người con nuôi của họ. Và còn nhiều, rất nhiều ảnh chụp John trong những trang phục quá thể của mình trong tư cách một chàng trai đồng tính, từ kính hoa và váy Technicolor đến bộ áo con vịt tai tiếng ở Central Park.

Khá hay ho khi một số ca khúc, những sáng tác mà ông lắm khi loại đi ý nghĩa, giờ dường như có ý nghĩa riêng mới. Ông trao một lời cảm ơn chi tiết đến tất cả mọi người đã ủng hộ ông suốt tháng năm qua, từ những người mua các băng nhạc 8 bài, những single đĩa than, cho tới những người tham dự buổi hòa nhạc của ông. “Cảm ơn các bạn, từ tận đáy lòng, vì tất cả những gì đã trao tặng tôi”, người đàn ông phốp pháp tuổi 71 chia sẻ.

Vào thời khắc ấy, 50 năm của sự chân thành và tôn trọng như đang bay giữa ngôi sao và người hâm mộ, và không một ai ở đó không đứng lên để trao cho ông một tràng pháo tay kính cẩn, đơn giản nhưng kéo dài, bởi những năm tháng của âm nhạc, và cũng bởi ông vẫn là một ngôi sao khác thường, một người tầm truy những bản nhạc tuyệt vời, đến cuối cùng, trong một nền công nghiệp âm nhạc chẳng ra gì.

Du Lê (lược dịch từ Vulture)

Trong ca khúc Someone Saved My Life Tonight và trong nhiều cách thức khác, John luôn sống một cuộc đời kép: là một con người nhút nhát với những bộ trang phục lòe loẹt; là một chàng trai đồng tính nam hát những bản nhạc dành cho phụ nữ; là một ngôi sao xoàng đang sáng tác nhạc với một vận tốc cương quyết sau hậu trường. 

Ngoài lưu diễn, mật độ sáng tác của John tương đương với một năm hai album. Về cuối thập kỷ, bị một người tình ép phải trị liệu, John thú nhận mình nghiện gần như tất cả mọi thứ - thuốc, các loại chất kích thích, rượu, tình dục và thức ăn. Và ở cuối giai đoạn sáng tác thương mại, ông nom thật xấu xí, trung niên khi hãy còn chưa đủ tuổi; âm nhạc của ông đã mất hầu hết niềm vui và cá tính tinh quái. “Cậu ấy sớm nở tối tàn với tất cả chúng ta”, một người bạn độc địa bình phẩm. John mất hết một năm để trở lại cuộc sống bình thường, nhưng rốt cuộc vẫn dật dờ lướt qua thập niên 80 trước khi có thể hoàn toàn bình tâm trở lại vào đầu thập niên 90.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận