Giáng sinh năm COVID thứ nhất ở Đức

JULIAN HUESMANN 21/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Giáng sinh đã tới gần, chỉ còn không đầy một tuần nữa. Nhưng bởi những diễn tiến đáng lo ngại của dịch COVID-19 ở Đức, nỗi sợ đang ngày càng lớn rằng Giáng sinh năm nay sẽ trở nên đầy thách thức với nhiều người Đức đang hi vọng sẽ trải qua những ngày yên bình với gia đình mình.


Ảnh: NBC News

Ở Đức, Giáng sinh đồng nghĩa với việc nghỉ ngơi vài ngày, trở về quê nhà, đoàn tụ với gia đình và người thân. Nó có nghĩa là ăn uống thỏa thuê, cả những đồ ngon lành hay sôcôla ngọt ngào ít ra là cho tới tuần sau. Nó có nghĩa là trang hoàng và ngắm nghía những cây thông sáng lấp lánh. Với nhiều người Đức, gia đình tôi cũng vậy, Giáng sinh còn là dịp đi dự một thánh lễ đặc biệt ở nhà thờ, đông đúc khác thường, điều hiếm thấy với những thánh lễ bình thường. Những năm gần đây, gia đình tôi cũng thường cùng nhau đi nhà thờ để ngắm nhìn và nghe ca đoàn hãnh diện hát những bài cantata Giáng sinh (tiếng Đức là “Weihnachtsoratorium”) của nhà soạn nhạc Đức huyền thoại Johann Sebastian Bach. Là độc nhất vô nhị, những bản nhạc của Bach nắm bắt tinh thần Giáng sinh giống như khi ta thắp nên một ngọn nến trong đêm tối, để mang về sự lạc quan và hi vọng, mà với tôi, hay đến nỗi khó nói nên lời.

Từ thời cổ đại, đức tin Kitô rời vùng Trung Đông và lan tỏa ở lục địa châu Âu, rồi một nghìn năm sau tìm thấy một quê hương mới. Kể từ đấy, Giáng sinh đã hòa trộn với những tín ngưỡng và nghi lễ châu Âu bản địa mừng ngày đông chí để trở thành một ngọn nến nhỏ bé nhưng sáng tỏ tượng trưng cho hi vọng của con người trong đêm tối và giá lạnh của mùa đông. Với tất cả tính biểu tượng tôn giáo của nó, với hầu hết người Đức, Giáng sinh không còn là một dịp lễ thuần túy của đức tin nữa, mà còn là một sự kiện xã hội, dịp quan trọng nhất trong năm để tề tựu với gia đình. Tuy nhiên, năm nay COVID-19 đã hạ gục kế hoạch về những lễ Giáng sinh đầm ấm.

Tháng 11-2019, người ta phát hiện ca đầu tiên nhiễm một loại virus mới ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đến giờ, trong khi nhiều nước ở châu Âu đang phải vất vả đối phó đại dịch, Vũ Hán vừa tổ chức lễ hội bia lớn và người dân đã tiệc tùng trong quán bar, như chưa hề có đại dịch hay phong tỏa.

Còn tại châu Âu, hai tuần trước Giáng sinh - ngày lễ cũng quan trọng như Tết Nguyên đán của người Việt - diễn biến COVID-19 đang ngày càng nghiêm trọng. Mấy tháng trước, tình hình ở Đức ổn hơn so với các nước láng giềng như Czech, Bỉ, Pháp... Nhưng đến nay, dù các bang và Chính phủ Đức lại đã quyết định “phong tỏa mức độ thấp” toàn quốc, tình hình có vẻ không khá hơn. Đến cuối tháng 11, tổng số ca nhiễm ở Đức đã là hơn 1 triệu.

Mới vài tuần trước, các chính quyền tiểu bang và liên bang còn hứa với người dân sẽ tạm thời giảm bớt các biện pháp phong tỏa, để trong giai đoạn Giáng sinh và năm mới (tiếng Đức là “Silvester”), mọi người sẽ được về thăm gia đình, ông bà cha mẹ, và tụ tập tối đa 10 người nếu thuộc hai hộ gia đình khác nhau. Nhưng rồi, đối mặt với số người nhiễm virus và ca tử vong tăng kỷ lục, các tiểu bang và đô thị đặc biệt đầu tiên, gồm Bayern, Sachsen và Berlin, đã ấn định các biện pháp tương đương phong tỏa toàn bộ, trong khi chính quyền liên bang cân nhắc phong tỏa toàn bộ trước Giáng sinh.

Khi thời gian trôi và chúng ta cứ sống cuộc đời thường nhật của mình, chúng ta thường quên mất những nguy cơ của đại dịch với mạng sống con người. Tôi đã lại phải đi tới kết luận này lần nữa sau khi nhận được một tin tức đau buồn. Tôi sống ở thành phố Hamburg, gần quận mà ca sĩ rap và nhân vật mạng xã hội người Đức gốc Việt Brittanya Karma (Nguyễn Trần Phương Linh) sinh sống. Tin tức về việc cô qua đời vì COVID-19 đã gây sốc cho nhiều người Việt Nam ở Đức cũng như ở Việt Nam. Karma ra đi vào sáng sớm ngày 30-11 trong một bệnh viện ở Hamburg. Cô mới 29 tuổi.

Hầu hết người Đức đã bắt đầu lên kế hoạch cho Giáng sinh và các trung tâm mua sắm đã chuẩn bị cho mùa làm ăn quan trọng này. Mấy ngày trước khi tôi cần mua mấy thứ ở siêu thị, tôi đã thấy cảnh những đám đông rất lớn chờ đợi trước lối vào một trung tâm mua sắm, trong khi cảnh sát gác cửa và thiết lập quy định với việc bao nhiêu người được phép vào trong. Tôi chắc chắn rằng số ca nhiễm tăng lên một phần bởi người ta đổ xô đi mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh.

Những con số đó mỗi ngày lại tệ hơn. Hôm 9-12, số ca nhiễm mới trong 24 tiếng là 20.815, nhiều hơn 3.500 ca so với tuần trước, và 590 người đã tử vong trong một ngày, một kỷ lục mới đau buồn. Cũng ngày hôm đó diễn ra cuộc tranh luận ở Reichstag, Quốc hội Đức. Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng đầy xúc động với những chính trị gia khác và với người dân Đức.

“Dù hết sức khó khăn, và tôi biết tình yêu của chúng ta [cho những truyền thống Giáng sinh] lớn tới mức nào, khi những gian hàng bán rượu vang nóng (Glühwein) và bánh nướng được dựng lên - bà nói - Nhưng làm như vậy là không đúng với thỏa thuận của chúng ta là chỉ cho phép ra ngoài để mua nhu yếu phẩm. Tôi rất đau lòng, tôi thật sự đau lòng từ tâm can của mình, nhưng nếu cái giá mà chúng ta phải trả cho những điều đó là 590 người chết một ngày, thì theo tôi, cái giá đó là không thể chấp nhận. Và khi khoa học đang trực tiếp nài nỉ chúng ta hãy có một tuần giảm bớt tiếp xúc trước Giáng sinh, trước khi chúng ta gặp lại ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình mình, thì chúng ta phải cân nhắc xem sao... Tôi chỉ muốn nói rằng nếu giờ đây trước Giáng sinh, chúng ta tiếp xúc với quá nhiều người để rồi hóa ra đó là Giáng sinh cuối cùng của ông bà chúng ta, thì chúng ta đã thất bại”.

Việc nhà lãnh đạo quốc gia vốn thường rất điềm tĩnh đưa ra lời kêu gọi đầy cảm xúc như vậy đã gây nhiều chú ý. Giống như tôi, nhiều người Đức có thể cân nhắc lại việc trở về quê nhà để gặp gỡ ông bà cha mẹ, và tốt hơn là cứ ở nguyên chỗ mình và thử chia sẻ Giáng sinh với gia đình qua các cuộc gọi video.

Một ngày sau bài nói chuyện của Merkel, những dấu hiệu cho thấy cần một cuộc phong tỏa toàn diện trở nên rõ ràng hơn: số ca nhiễm mới và tử vong trong một ngày lại tăng kỷ lục, lần lượt là 29.875 và 598. Những tiếng nói từ giới khoa học và chính trị ủng hộ phong tỏa càng mạnh mẽ hơn. Bởi các chuyên gia dịch tễ học và bệnh viện hàng đầu đều hối thúc chính quyền phải hành động và cảnh báo về nguy cơ quá tải với các trung tâm chăm sóc đặc biệt và nhân sự y tế, Thủ tướng Merkel và thủ hiến 16 tiểu bang ở Đức đã họp khẩn cấp và công bố kết quả vào trưa chủ nhật, 13-12: từ thứ tư, 16-12, phong tỏa toàn quốc sẽ được áp đặt cho tới ít nhất là ngày 10-1 sang năm. Người dân được phép tụ tập tối đa 5 người từ hai hộ gia đình khác nhau trong thời kỳ Giáng sinh chính lễ, từ 24 tới 26-12. Dù đây không phải là một lệnh cấm Giáng sinh, tình hình sẽ trở nên khó khăn đáng kể với nhiều người. Mọi cửa hàng, trung tâm thương mại, cơ sở văn hóa (rạp phim, nhà hát...), trường học và nhà trẻ sẽ đóng cửa. Các cơ sở dịch vụ thiết yếu như cửa hàng tạp hóa và nhà thuốc tây vẫn mở cửa. Người ta cũng dự kiến phong tỏa sẽ được kéo dài nếu mục tiêu giảm mạnh số ca nhiễm mới không đạt được.

Với Giáng sinh thì như thế có nghĩa gì? Và những người như tôi, vốn định về thăm nhà vào ngày nghỉ lễ, sẽ còn những lựa chọn thế nào? Riêng việc đi lại cũng đã là một vấn đề lớn. Nếu xe lửa và xe buýt đông đúc như mọi năm trước và sau Giáng sinh, cũng như tết ở Việt Nam, thì khả năng tôi sẽ dính virus rồi sau đó lây cho mẹ tôi, cha tôi, hay cả ông bà tôi, là thế nào? Giáng sinh ở đất nước này, trong khi đã trở thành một sự kiện tôn sùng vật chất đến điên rồ, cũng quá thường xuyên thiếu vắng sự quan tâm thực sự tới những con người đồng loại. Thêm nữa, dù một cuộc đoàn tụ gia đình trên thuận dưới hòa nói chung vẫn là một lý tưởng được lãng mạn hóa hơn là thực tế, vốn thường đầy những tranh cãi vụn vặt vô nghĩa, đấy vẫn là một biểu tượng cho hi vọng trong mùa đông đen tối và lạnh lẽo ở Đức.

Cá nhân tôi năm nay đã quyết định sẽ ở lại Hamburg (quê tôi ở Münster, cách Hamburg hơn 260km), dù điều đó đồng nghĩa Giáng sinh này tôi sẽ chỉ có một mình. Nhưng tôi vẫn sẽ trò chuyện, ăn uống ngon lành, và có lẽ nâng cốc với mẹ tôi qua video. Bởi lẽ còn ý nghĩa gì nếu ta về thăm gia đình kèm theo những rủi ro chết người, theo đúng nghĩa đen. Tôi muốn nói lời xin lỗi mẹ, nhưng năm nay ta hãy ăn Giáng sinh ở nhà, hãy vẫn cứ trang trí cây thông như mọi năm để tôi nhìn thấy qua video, để tôi vẫn được trầm trồ từ xa. Nhưng lần này chúng tôi cần phải nghe theo lý lẽ và lương tâm, để vẫn còn nhiều Giáng sinh nữa trong tương lai. Ngay cả những ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ qua, như lời thi sĩ Đức Bertolt Brecht:

Trong những thời tăm tối,

Liệu có còn tiếng hát?

Có chứ, tiếng hát vẫn còn.

Về những thời tối tăm”.

“In den finsteren Zeitein

Wird da auch gesungen werden?

Da wird auch gesungen werden.

Von den finsteren Zeiten”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận