Hi vọng gối đầu

PHẠM VĂN TRUNG 03/11/2013 23:11 GMT+7

TTCT - Tuần rồi, từ Sài Gòn, Việt gọi điện về cho tôi. Việt nói: “Khoảng hai tuần nữa em thi cao học anh à. Mấy tháng qua, em sống rất vất vả nhưng phải cố gắng vì đời em chẳng còn hi vọng nào ngoài đậu thạc sĩ”.

Phóng to

Việt học sau tôi hai khóa. Nhà nghèo nên suốt thời sinh viên Việt phải bươn chải đủ thứ nghề để có thể đi học.

Năm thứ nhất, trong một lần bị côn đồ vây đánh, Việt lỡ tay đâm một tên trọng thương. Ngồi trên xe về trụ sở công an, Việt nghĩ đời mình coi như đã kết thúc bởi quy định của trường sẽ đuổi học những sinh viên có tính côn đồ như Việt. Càng khổ hơn khi chẳng đứa bạn chung nhà trọ nào chịu ra làm chứng Việt đánh người trong thế bị động. Việt vẫn hi vọng. May nhờ thầy cô ở bộ môn bảo lãnh, Việt không phải xa rời giảng đường.

Ra trường, không tìm được chỗ làm, Việt nuôi ý định học thạc sĩ. Không có tiền đi ôn thi, Việt xin làm ở một xưởng gia công giày để ăn cơm và có chỗ ở rồi đi luyện thi “chui”. Tài sản quý giá nhất Việt mang từ Cần Thơ lên Sài Gòn cũng chỉ có... hi vọng thi đậu. Dù sau khi thi đậu, Việt chẳng biết lấy tiền đâu đóng học phí, làm gì để mưu sinh ở Sài Gòn. Và có lẽ một thời điểm nào đó, Việt sẽ lại nói với tôi: “Em hi vọng...”.

Nhìn lại gia cảnh và cuộc đời Việt, tôi thấy Việt dường như gắn liền với những hi vọng tiếp nối: hi vọng được đi học, hi vọng đậu thạc sĩ và xa hơn là hi vọng được làm một ông thầy dạy sử trong tương lai. Và tôi nghĩ nếu không có những hi vọng đó có lẽ cuộc đời Việt đã đi về một hướng khác. Không ai dám nghĩ từ cậu bé chăn bò ở một huyện miền núi tỉnh An Giang, từng định nghỉ học hồi cấp I vì nhà nghèo, Việt đang chuẩn bị thi thạc sĩ.

Việt kể có những thời điểm Việt gặp nhiều khó khăn khi bạn bè xa lánh vì cái quá khứ mang tên “côn đồ”, ám ảnh về cơn say lè nhè của ba và sự nghèo túng của gia đình. Vậy mà Việt vẫn hi vọng về những chân trời mới. Những hi vọng làm Việt bớt đi cơn đói, bớt đi nỗi nhục vì sự khinh bỉ của người đời. Những hi vọng ở một thời điểm nào đó ngay bản thân Việt cũng chẳng tin có thể trở thành hiện thực lại chính là chỗ Việt bám víu tinh thần.

Có bao nhiêu bạn trẻ có thể mãi kiên trì hết hi vọng này tới hi vọng khác khi rơi vào hoàn cảnh của Việt? Có bao nhiêu người vẫn đủ lạc quan nghĩ rằng sẽ có cánh cửa nào đó mở ra khi đời ta tưởng như bế tắc...

Từ khi biết chuyện đời Việt, tôi càng thấy hi vọng quan trọng biết dường nào. Tôi cũng luôn gieo cho mình những hi vọng, y như người ta trồng rau cải gối đầu vậy. Hi vọng này lụi tàn thì có hi vọng khác nhen nhóm lên thay. Có những mùa, hi vọng trên cánh đồng nhà tôi chết chẳng còn một mống. Tôi lại cày lại xới, lại gieo thêm không mệt mỏi. Bởi tôi biết nếu một ngày tôi không còn đủ sức gieo hi vọng trên cánh đồng nhà mình thì mọi người sẽ phải gieo hi vọng cho cuộc đời tôi...

Hôm qua, một nhỏ em bà con dưới quê điện lên bảo với tôi: “Anh ơi, đề thi năm nay dễ quá nhưng em thi rớt đại học rồi”. Nói xong nó khóc nức nở. Tôi động viên, thấy nao nao lòng như cái ngày mình thi rớt. Tôi không biết có bao nhiêu bạn trẻ đang đối mặt với nỗi trầm cảm sau kết quả thi bết bát? Bao nhiêu bạn đang có ý định “chết quách cho rồi” vì nỗi ám ảnh mọi người cười chê?

Cũng như tôi, tám năm trước từng có những ý nghĩ điên rồ là tìm đến cái chết. Nhưng tôi kịp nhận ra đời có những cơ hội mới và người ta phải tự cho mình cơ hội bằng những hi vọng.

Việt cũng đang hi vọng mình đậu thạc sĩ. Việt bảo nếu thi rớt thì chẳng biết đi về đâu. Tâm trạng của Việt chẳng khác gì những thí sinh đã biết kết quả thi đại học. Nó chỉ khác về thời điểm. Mặc dù vậy, tôi vẫn biết một điều là Việt vẫn tham sống và tràn đầy hi vọng. Hết lần này tới lần khác.

Bởi có lần Việt nói thật mà tôi nghe cứ tưởng như đang “chém gió”: “Em sống ở đời chẳng được mấy ai tin tưởng. Ở nhà cha mẹ không tin em. Ở trường thầy cô không tin em thì em phải tin vào bản thân chứ. Em không có gì nên em phải sống bằng những hi vọng gối đầu...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận