Không có thời gian cho ba mẹ...

DÂN HÙNG - MINH ÁN 05/10/2011 19:10 GMT+7

TTCT - Nhiều người đặt câu hỏi tại sao ngày xưa không có học thêm, dạy thêm nhiều như hiện nay, có chăng là chỉ phụ đạo một số học sinh học kém thôi. Hầu như học sinh đi học một buổi, còn một buổi thì đi làm giúp gia đình, tối về mới học, đấy là chưa kể tham gia các phong trào Đoàn, Đội khác... Thế mà chất lượng học tập đâu có kém như hiện nay.

Đừng vội đổ lỗi cho các thầy cô giáo “ép” học sinh học thêm để kiếm tiền, mà thật ra do nhu cầu học thêm của học sinh ngày một lớn vì có quá nhiều áp lực buộc phải học. Những áp lực đó bắt nguồn từ đâu?

Phóng to

Bố mẹ tìm cách giúp con định hướng sẵn con đường tương lai không hẳn là quan niệm yêu thương được chia sẻ - Ảnh: Baidu

Có nhiều lý do, nhưng trước hết đó là chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông quá nặng. Tôi có cảm giác dường như chúng ta dạy theo kiểu “nhồi nhét” kiến thức, và thích “đánh đố” học sinh bằng những đề bài kiểm tra, thi cử rất khó...

Thật là khó cho một đứa trẻ 10, 11 tuổi, mới học lớp 4 mà phải hiểu cho được những câu đại loại như: “Kỹ thuật chế tạo nỏ bắn được nhiều mũi tên và việc xây dựng thành Cổ Loa là những thành tựu đặc sắc về quốc phòng của nhân dân Âu Lạc...”.

Làm sao mà tự tìm ra năm từ láy có vần “ươn”, người lớn còn “vò đầu bứt tai” huống chi là đứa trẻ còn nói ngọng và... tè dầm. Các em học sinh nam, từ lớp 4 đến lớp 7, lứa tuổi còn ham chạy nhảy nhưng đã phải làm mấy môn thủ công dạng như thêu thùa, may vá. Con gái còn khó khăn huống gì là con trai. Thế là tất cả sản phẩm nộp cho cô phần lớn có công của... mẹ, của chị!

Chương trình nặng, đề ra khó, đòi hỏi học sinh phải cố gắng hết sức mới theo kịp. Tôi công tác xa nhà, thi thoảng mới có ngày nghỉ để về thăm gia đình, nhưng càng ngày tôi càng ít được tâm sự, nói chuyện với con vì cháu học nhiều quá: sáng thứ bảy học tại trường, chiều thứ bảy học thêm văn, sáng chủ nhật học thêm ngoại ngữ, chiều chủ nhật học thêm toán, sau khi học toán lại đi học thêm hóa, lý...

Nhìn chúng “quay cuồng” với đèn sách mà thương biết bao, nhưng không học thì lại sợ con mình không theo kịp các bạn! Ai cũng biết trí tuệ là tài nguyên không thể thiếu ở mỗi quốc gia, nhưng đào tạo kiểu này liệu có làm tăng thêm “tài nguyên” cho đất nước?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận