Mật mã Da Vinci trong bức tranh 'Quý cô và con chồn'

MAI HƯƠNG 01/10/2019 17:10 GMT+7

TTCT - Như mọi tác phẩm của danh họa người Ý Leonardo da Vinci, bức tranh ẩn chứa nhiều mật mã, và được coi là bức chân dung hiện đại đầu tiên...

Bức tranh Quý cô và con chồn
Bức tranh Quý cô và con chồn

Quý cô và con chồn (Lady with Ermine) là một trong bốn bức tranh chân dung phụ nữ do Leonardo vẽ được lưu giữ đến ngày nay. Ba bức còn lại là bức Mona Lisa nổi tiếng, bức chân dung Ginevra de' Benci (đều đang được trưng bày ở Bảo tàng Louvre) và bức chân dung La belle ferronnière (hiện ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia - National Gallery of Art, Washington DC, Mỹ).

Chân dung hiện đại đầu tiên

Quý cô và con chồn được vẽ vào khoảng năm 1489-1490, trước bức Mona Lisa hơn 10 năm. Bức tranh (54,8cm x 40,3cm) này còn được biết đến với cái tên Chân dung Cecilia Gallerani.

Tác phẩm vẽ người đẹp thành Siena như một nhân vật đức hạnh với làn da trắng như sứ, tóc và phục trang tiết giản mà thanh tao với một áo choàng sbernia màu xanh dương trên vai trái che phủ bớt phần váy áo màu đỏ bên dưới, một dải lụa màu sẫm vấn quanh đầu, giữ một tấm voan phủ tóc có viền vàng tinh tế, cùng chuỗi hạt màu đen càng làm cho nhân vật thêm phần khiêm nhường.

Hai trích đoạn tranh
Trích đoạn tranh

Tư thế của nàng Cecilia trong tranh khác biệt với tư thế nhân vật trong các bức chân dung thường thấy thời đó. Nàng ngồi nghiêng về bên phải, khuôn mặt lại ngoảnh về bên trái, mắt không hướng về phía người xem tranh theo cách thông thường mà nhìn về một "bên thứ ba" nào đó ở cánh phải phía ngoài khung tranh.

Tư thế này là một đột phá trong kỹ thuật của Leonardo so với hội họa đương thời, vốn thường vẽ chân dung theo hướng trực diện. Nhà thơ Ý Bernardo Bellincioni (1452-1492) là người đã gợi ý Cecilia nên có tư thế ngồi như thế, như thể nàng đang lắng nghe một người nào đó nói.

Nụ cười mỉm trên vành môi Cecilia luôn khiến người xem cảm thấy như có điều gì đó đang chất chứa hoặc đang được giữ kín. Con chồn trắng mà nàng ôm trên tay có nhiều nét tương đồng với chủ nhân - bộ lông màu trắng, mắt màu sẫm và cũng nhìn về bên phải - là một chi tiết nhiều ẩn ý.

Với công bút phi thường, Leonardo vẽ bàn tay của Cecelia đặt trên con chồn với những đường nét thể hiện sinh động từng móng tay dài, từng nếp da quanh khớp đốt tay, cả những đường gân căng theo một ngón tay cong.

Ánh sáng chiếu vào từ bên trái nàng cũng được họa sĩ mô tả tinh tế trên khuôn mặt và những ngón tay của nhân vật, trong từng nếp gấp trên áo choàng sbernia, cả trên bộ lông trắng muốt của con chồn, tạo nên hiệu ứng nổi ba chiều và làm tác phẩm trở nên sống động.

Với chất liệu sơn dầu mới chỉ được giới thiệu ở Ý vào năm 1470, trên mặt phẳng của tấm gỗ óc chó, danh họa người Ý đã vẽ được một hình ảnh có chuyển động, thể hiện được cả tính cách và tâm lý của nhân vật thông qua dáng điệu, cử chỉ. Một bức chân dung mà John Pope-Hennessy, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nổi tiếng, cho rằng có tính cách mạng về hình tượng và tạo dáng, là "bức chân dung hiện đại đầu tiên".

Mật mã trong con chồn trắng

Các phân tích kỹ thuật sau này xác định được rằng bên dưới bức chân dung Quý cô và con chồn là hai bản tranh khác Leonardo vẽ Cecilia ở cùng tư thế nhưng một bức không có con chồn, bức khác trang phục màu đỏ lộng lẫy không bị áo choàng xanh che phủ.

Chân dung đã được sửa lại dường như là theo ý của người đã đặt Leonardo vẽ tranh, Ludovico Maria Sforza - công tước Milan, người rất am hiểu về nghệ thuật và sau này đã đặt Leonardo vẽ bức Bữa tiệc ly (The last supper).

Đó cũng là người đã nhìn thấu nhan sắc của Cecilia Gallerani (1473-1536) và bị thu hút bởi cả tài năng của nàng. Con gái của một gia đình trung lưu có học thức có cha là một nhà ngoại giao và mẹ là một giáo sư luật, Cecilia biết làm thơ, diễn thuyết, viết văn bằng tiếng Latin và là người tình của vị công tước từ năm 16 tuổi.

Ôm trên tay con chồn trắng, nàng không chỉ đơn thuần ôm một loại thú cưng phổ biến của giới quý tộc mà giữ trong đó nhiều bí mật của nàng và của người tình. Với bộ lông trắng, con chồn trong bức tranh là một hình tượng của sự trong sáng tương đồng với vẻ thanh tú của quý cô. Chính Leonardo sau này từng chú giải trong các bản viết tay rằng con chồn lông trắng để giữ sự sạch sẽ của mình “sẽ thà để bị thợ săn tóm hơn là trốn trong hang đất dơ bẩn”.

Trích
Trích đoạn tranh

Khi vẽ bức chân dung có phần kém tươi cho nữ quý tộc vùng Florence, bà Ginevra de Benci, vào khoảng năm 1474-1478, Leonardo đã vẽ cây bách xù ở hậu cảnh để hàm chứa trong đó tên của chủ thể bức tranh. Và mười năm sau, thủ pháp tương tự cũng được họa sĩ sử dụng khi vẽ bức chân dung Cecilia Gallerani với một cách thể hiện sinh động và tinh tế hơn trong màu sắc và ánh sáng.

Cuối cùng, con chồn trên tay nàng Cecilia cũng có thể hàm chứa một tầng ý nghĩa khác: Nó là biểu tượng của sự mang thai trong văn hóa Phục Hưng Ý và nó, với những đường cơ cuộn lên trên chân rất nam tính có thể ẩn chứa một câu chuyện khác, rằng bức chân dung được hoàn thành vào năm 1490, và Cecilia sinh con trai cho công tước vào năm 1491, khi nàng vừa 18 tuổi.

Báu vật lưu lạc trăm năm

Hoàng tử Adam Jerzy Czartoryski đã mua bức tranh này ở Ý vào năm 1798, bổ sung vào bộ sưu tập của gia đình tại Puławy năm 1800. Cho dù chưa có một văn bản nào đương thời hay trước đó đề cập đến sự tồn tại của tác phẩm và không có hồ sơ sở hữu của các đời chủ trước, Czartoryski vẫn biết bức tranh là của Leonardo vì thấy người trong tranh rất giống với nhân vật trong bức chân dung có tên La belle ferronnière của Leonardo.

Bức tranh La belle ferronnière

Trong các cuộc biến động và chiến tranh diễn ra từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, bức tranh đã theo gia đình Czartoryski lưu vong ở Pháp rồi lại trở về Ba Lan, sau đó di tản đến thành phố Dresden (Đức) trong Thế chiến 1, trước khi trở lại Ba Lan năm 1920. Bị phát xít Đức tịch thu năm 1939 và đem về Berlin, bức tranh chỉ được đưa về Ba Lan để trả lại cho gia đình Czartoryski vào năm 1946. Tháng 5-2017, Quý cô và con chồn được tặng cho Bảo tàng Quốc gia ở Kraków và được xem là bảo vật quốc gia của Ba Lan.

Được vẽ trên một tấm gỗ mỏng 4-5mm với một lớp lót gesso màu trắng và một lớp sơn lót nâu nhạt (oil on board), bức chân dung Cecilia Gallerani hầu như vẫn giữ được tình trạng tốt với khổ tranh không hề bị thay đổi, vẫn còn những phần vóc không phủ sơn quanh bốn lề.

Ban đầu có nền màu xám xanh nhưng có lẽ khi phần góc tranh phía trên bên trái bị hỏng, phần nền đã được phủ thêm một lớp sơn mỏng màu đen không pha vào khoảng những năm 1830-1870.

Dòng chữ in hoa La Bele Feroniere. Leonard D'awinci ghi ở góc trên bên trái được xác định là không thuộc về nguyên bản vì tên của Leonardo được ghi theo phiên âm Ba Lan, có thể được thêm vào khi phủ thêm lớp sơn đen.

Tranh có một số chỗ bị mòn trong những lần lau bụi sau này, một vài vết cọ mảnh màu đỏ trên phần bàn tay của nhân vật và những nét viền màu hoàng thổ trên tấm voan mỏng cũng là do hậu thế can thiệp. Nhưng hầu hết các màu sơn của tranh đều do Leonardo thực hiện, một dấu vân tay được tìm thấy trên chất sơn từ thế kỷ 15 của bức tranh khiến người ta suy đoán rằng có thể ông đã dùng cả ngón tay để xử lý các nét cọ tinh tế.

Beatrice d'Este (1475-1497) được hứa gả cho công tước Ludovico Sforza từ năm 5 tuổi và cưới ông lúc tròn 16 tuổi, đúng vào năm 1491- năm Cecilia sinh con trai cho công tước. Vì vậy, mối trăng hoa nọ bị buộc phải chấm dứt, Cecilia được sắp xếp cho cưới một bá tước cũng tên là Ludovico nhưng họ là De' Brambilla. Nàng có thêm 4 đứa con với người chồng bá tước và có cuộc sống êm ấm.

Nhưng khoảng 10 năm sau khi bức chân dung được hoàn thành, cũng là quãng thời gian rời xa công tước, trong bức thư gửi một người bạn, Cecilia đã viết rằng bức chân dung nàng là “một thoáng lộng lẫy của thời đã mất”, rằng “Tôi đã hoàn toàn thay đổi từ đó, nhiều đến nỗi nếu nhìn bức tranh thì sẽ không ai nhận ra tôi là người trong đó”.

Chính Leonardo với những nét cọ tài tình đã biến một thoáng lộng lẫy đó thành vĩnh cửu và mã hóa trong đó một câu chuyện tình.■

(Tổng hợp từ các nguồn: Sotheby's, StudioInternational.com, Culture.pl)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận