Một “hồi ký” gây bối rối: Di sản - của ai?

LÊ QUANG 10/11/2014 21:11 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 10, 100.000 ấn bản Di sản - Biên bản Kohl được cho là “hồi ký” của cựu thủ tướng Helmut Kohl do Heribert Schwan chấp bút, đã được Nhà xuất bản Heyne cho phát hành.

Heribert Schwan và quyển “hồi ký” Di sản - Biên bản Kohl
Heribert Schwan và quyển “hồi ký” Di sản - Biên bản Kohl - Ảnh: RPonline

Ngay lập tức Di sản gây tranh cãi. Không chỉ về những thông tin nó tiết lộ, mà còn về nhân vật chính của hồi ký - vị thủ tướng thống nhất nước Đức Helmut Kohl, và người chấp bút Heribert Schwan!

Lúc đầu, dư luận xì xào về những phát ngôn không mấy nhã nhặn của ông Kohl trong “hồi ký” đối với những người đồng hành trong đảng.

Ông gọi tổng thống (tương lai) Christian Wulff là “tên phản bội tệ hại”, đánh giá trưởng nhóm nghị sĩ liên đảng CDU/CSU Friedrich Merz là “thằng nhóc học làm chính trị”, thậm chí còn nhỏ nhen nhận xét bà Thủ tướng đương nhiệm Merkel - mà ở sơ giao, khi Kohl còn nói về Merkel như “cô bé” - là vụng về “không biết ăn bằng dao nĩa”, “ngả ngớn trong những bữa tiệc ngoại giao”, “không hiểu biết gì về chính trị”...

Không chỉ thế, ông còn chỉ trích không ít lãnh đạo nước ngoài, như Bill Clinton là người “nổi tiếng nhờ cái quần lót” (ám chỉ vụ xìcăngđan với cô thực tập sinh Monica Lewinsky - TTCT), hay thành công duy nhất của Goorbachev, người mà trong cuộc trò chuyện bị Kohl gọi là “kẻ thất bại”, là “kết thúc chế độ cộng sản - nhưng là đi ngược với ý muốn cá nhân ông ta, khi ông ta hiểu ra không đủ tiền để duy trì chế độ này!”. 

Nhưng sau thì câu chuyện không còn là những gì Kohl nói nữa, mà là cách thức những nội dung trò chuyện rất riêng tư, nhiều điều đã được Kohl dặn là không được in đó, xuất hiện hẳn hoi trong một quyển sách có tính tư liệu hồi ký.

Có lẽ phải lui lại từ khi Kohl rời chính trường.

Những nhân vật chính trong bi kịch nhiều hồi

Ở kỳ bầu cử năm 1998, một thế hệ chính trị gia sinh sau Thế chiến II đã chiếm thế thượng phong và đẩy Helmut Kohl khỏi ghế thủ tướng sau bốn nhiệm kỳ ít nhiều hào quang.

Như thể chưa đủ đắng cay, Đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của ông còn bị sa vào một vụ bê bối nữa khi không vào sổ, tức không đóng thuế cho số tiền hỗ trợ tranh cử 1 triệu mark Đức từ một tay buôn vũ khí.

Theo kết quả điều tra, Kohl là người lập nhiều quỹ đen cho hoạt động của CDU nhưng lại không chịu khai tên người quyên góp như luật định. Quan lộ của ông tuột dốc, đồng thời cũng tạo bệ phóng cho người kế nhiệm sau này: Angela Merkel. 

Như hầu hết mọi chính trị gia về hưu, Helmut Kohl lui về nhà riêng ở Oggersheim và bắt tay vào viết hồi ký, hay đúng hơn là nhờ một nhà báo chấp bút. Tác giả Heribert Schwan ở thời điểm đó đã có tên tuổi nhất định sau khi viết tiểu sử cho một loạt tổng thống và chính khách cao cấp Đức.

Ngôi sao chiếu mệnh của Schwan tỏa sáng nhất khi hoàn tất bộ hồi ký ba tập của Helmut Kohl, ghi lại thời đoạn 1930-1994. Trong hai năm 2001-2002, Schwan phỏng vấn Kohl 630 giờ, ghi âm kết quả vào 200 cuộn băng như ông xác nhận hôm 27-10 với báo mạng RP-online.

Tập cuối ghi chép bốn năm cuối của Kohl ở phủ thủ tướng và về lý thuyết sẽ phải đề cập đến vụ quyên tiền bê bối nói trên, nay vẫn chưa được gỡ băng. 

Đôi bạn vong niên Kohl và Schwan thoạt tiên rất hiểu nhau, vì họ cùng thuộc về thế hệ may mắn nhờ sinh sau đẻ muộn mà tay không ám mùi thuốc súng của chế độ phát xít. Trong khoảng thời gian hai người trò chuyện, phu nhân Hannelore Kohl tự sát khi lâm bệnh hiểm nghèo. Helmut Kohl thành hôn lần nữa với người vợ mới - bà Maike Kohl-Richter.

Vấn đề dường như xuất hiện từ đây!

Theo thỏa thuận với Schwan và Nhà xuất bản Droemer là nơi dự tính phát hành cuốn hồi ký, Kohl có quyền kiểm tra tiến trình và toàn văn cuốn hồi ký vào bất kỳ thời điểm nào. Mọi việc tiến hành suôn sẻ cho đến khi Schwan có ý cho in một cuốn sách nhỏ đi kèm bộ phim tài liệu về Kohl trên màn ảnh nhỏ.

Bà Maike Kohl-Richter liên tục can thiệp vào câu chữ và xích mích trầm trọng với Schwan, khiến tác giả phải tới gặp Kohl để phàn nàn, không ngờ Kohl tuyên bố chấm dứt hợp tác với Schwan với lý do ông này viết một số chi tiết không trung thực về gia đình Kohl!

Mâu thuẫn leo thang khi bà Kohl-Richter thúc chồng đòi lại các cuộn băng ghi âm đang trong tay Schwan. Tòa án bắt Schwan nộp lại các cuốn băng, vì “chỉ có ông Kohl mới có quyền quyết định về ký ức của mình”. 

Schwan kháng án không thành và phải trao lại 200 băng ghi âm cho tòa án (dĩ nhiên chẳng ai không nghi ông ta đã chép lại toàn bộ nội dung ghi trên đó). Còn một lý do nữa để thấy những cuộn băng nói trên có giá trị lớn.

Năm 2008 Kohl bị tai nạn ở cầu thang và từ đó không phát âm được rõ chữ. Đối với các nhà sử học, đây là tài liệu hiếm hoi để hiểu lối tư duy và cách điều hành chính phủ của Kohl.

Thay cho tập 4?

Để rút ngắn câu chuyện và tránh kết luận tối hậu rằng trong vụ này lòng tự ái bị tổn thương hay quyền tự do ngôn luận hiến định nặng cân hơn: Heribert Schwan lấy chính bản thảo đó viết thành sách và đem bán cho Nhà xuất bản Heyne dưới đầu đề Di sản.

Nghe đồn gia đình Kohl xin tòa ngăn phát hành sách nhưng lại rút đơn ở phút cuối, vì không muốn vô tình quảng cáo thêm cho cuốn sách hoặc cũng nhận ra nguy cơ thất bại cao. Cho đến tuần đầu tháng 10 là ngày sách ra sạp, chưa thấy tòa án nào quyết định ngừng phát tán cuốn đó.

Về nguyên tắc, Kohl còn một bậc tòa án liên bang để theo đuổi vụ kiện, nhưng khi hơn 100.000 ấn bản được bán ra khắp thế giới trong tuần đầu thì mọi sự đã quá muộn. Và nói cho cùng, lạm dụng lòng tin có thể bị coi là kém đạo đức, nhưng không phải là một tội danh theo luật hình sự lẫn dân sự.

Schwan cho biết ông không hề ký một thỏa thuận nào buộc ông phải im lặng. Ông cũng ám chỉ bà Maike Kohl-Richter chứ không phải chồng bà muốn cắt đứt quan hệ với ông, vì khi còn “cơm lành canh ngọt” Kohl đã tin tưởng cho ông đọc 130 tập tài liệu do Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức lập ra về ông cũng như một số tài liệu từng bị đóng dấu “tối mật” suốt 30 năm ròng.

Người trong cuộc nên hiểu: Di sản không chỉ là nỗ lực thế chỗ cho hồi ký tập 4 của Helmut Kohl, nó là tác phẩm để đời của một cây bút chuyên làm việc trong bóng đêm và nay muốn ra ánh sáng. Hơn thế nữa, nó còn mở đầu cho sự đe dọa lơ lửng: Schwan còn có thể khai thác nhiều biên bản chưa được giải mật về các cuộc điện đàm của Kohl với nhiều nguyên thủ quốc gia khác.

Và cuối cùng là cú ấn vào tuyến lệ của những độc giả ưa tình hơn lý: “Tôi đã bỏ ra tám năm đời tôi để làm việc này”. Dường như ngài cựu thủ tướng không được sáng suốt lắm khi tống một hiểm họa tiềm năng như thế ra cửa. 

Ai còn tiếp chuyện?

Thậm chí tờ Tấm Gương, được coi là tuần báo chính trị nghiêm túc có tầm cỡ nhất khu vực Đức ngữ và cũng là tờ được đăng trước một số chương trong Di sản, cũng không kìm được nhận xét: “Không nghi ngờ gì, Schwan đã phản bội thân chủ của mình”. 

Trước tiên hãy nghe từ một phía, phía Schwan. Lúc chấp bút cho Kohl, Schwan còn làm việc cho kênh truyền hình WDR đến khi về hưu năm 2009.

Ba cuốn nặng trĩu tư liệu lịch sử, mỗi cuốn ngót 1.000 trang, đều được viết trong thời gian rảnh, chưa kể những giờ vất vả cày xới văn khố - hình như khía cạnh đó chưa thấy được chú trọng. Ít nhất thì nó cũng là một lý do biện minh cho hành vi trả đũa của Schwan.

Cho đến nay chưa thấy Helmut Kohl phủ định bất cứ thông tin nào trong Di sản. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Cuộc tâm sự giữa Kohl và Schwan diễn ra trong bầu không khí thoải mái giữa hai người bạn, dưới tầng hầm nhà Kohl, nơi Kohl từng tiếp Goorbachev trong bộ đồ xộc xệch ở nhà.

Ở khung cảnh đó, ngay cả một chính trị gia cáo già và người của công chúng cũng lơ là cảnh giác, vả lại trong băng ghi âm rất nhiều chỗ nghe tiếng Kohl dặn: “Chi tiết này đừng viết ra”. 

Nước Đức hôm nay đã tái hợp được 25 năm, không có nghĩa là mọi vết thương đã kín miệng, đặc biệt ở miền Đông Đức cũ. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, Helmut Kohl đi nói chuyện khắp nơi với đồng bào bên kia giới tuyến cũ của mình và hứa hẹn một quang cảnh thiên đường mà ai cũng biết là không thể có.

Tình thế lúc đó không cho ông phát ngôn khác, nhưng người dân phần nào xóa lỗi cho vị thủ tướng có công thúc đẩy hợp nhất tiền tệ và đưa ra chính sách hỗ trợ miền Đông còn kéo dài đến hôm nay. 

Với tất cả sự đồng cảm với một tay bút lão luyện bị (vô cớ) sa thải, đừng quên cuốn sách nay đã tồn tại và cùng với nó là một bia miệng bền hơn trăm nghìn bia đá, hệ quả ít nhiều mang tính bi kịch với nhân vật lịch sử Helmut Kohl. Nó khiến người ta phải động não nhiều hơn về trách nhiệm xã hội của người làm truyền thông.

Các ghi chép của Schwan rắc muối vào vết thương chưa lành. Trái với động cơ hành vi và hàm lượng thông tin từ WikiLeaks, Di sản là một tác phẩm nhẹ cân vì không có gì thật mới, chỉ đưa lại một số chuyện bới móc cá nhân. 

Cuộc tranh cãi xung quanh Di sản còn để lại một dư vị nữa, như tờ Die Welt số 30-10-2014 kết luận: “Sau vụ bê bối Kohl - Schwan, mỗi chính khách đương nhiệm hay đã rời ghế sẽ là một thằng ngốc nếu còn cởi mở tiếp chuyện một nhà báo hay nhà sử học”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận