Một kho tư liệu về "xứ An Nam"

QUẾ VIÊN 25/12/2013 08:12 GMT+7

TTCT - “Cô Bê rét đi mang liễn sữa, kê đệm bông ở giữa đỉnh đầu, chắc rằng Kẻ chợ xa đâu, nhẹ nhàng thoăn thoắt chẳng âu ngại gì...”.

Ngày còn nhỏ tôi được chị tôi dạy đọc thuộc lòng truyện ngụ ngôn về cô hàng sữa của La Fontaine. Lớn lên thì đọc truyện Mèo đi hia của Perrault, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Miếng da lừa của Honoré de Balzac... do nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt.

Nhưng mới đây, khi cầm trên tay quyển Lời người Man di hiện đại, tập 1 - Phong tục và thiết chế của người An-nam (*) mới nhận ra rằng những gì mình biết về ông chưa bằng phần nổi của một băng sơn.

Đây là tập đầu trong bộ sách 15 tập, gồm những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) trên báo L’Annam Nouveau năm 1931, mà ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút, do các dịch giả Dương Tường, Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong dịch ra tiếng Việt.

Tôi không biết mình sẽ có cơ hội đọc trọn bộ sách này hay không (do bộ sách chỉ được in mỗi năm một cuốn vì nhiều lý do khách quan) nhưng mới nhìn vào bản liệt kê chủ đề của các tập đã giật mình: từ giáo dục, hệ thống các trường từ mầm non đến trung học, vai trò và ảnh hưởng của nền báo chí tự do, công tác chuẩn hóa tiếng Việt, tập quán, phong tục và tôn giáo của người An-nam... tới chính sách cải cách nông thôn, vai trò của phụ nữ trong xã hội, các vấn đề về cuộc sống cộng đồng, y tế, thể thao và du lịch...

Đối với những kẻ hậu sinh thì những bài viết của ông, như trong tập 1, là kho tư liệu vô giá về “xứ An-nam” và người Việt thời Pháp thuộc, thí dụ như sự khác biệt giữa những cánh “đồng chiêm” (đồng trũng bị ngập úng) và “đồng mùa” (trên những vùng đất cao) cùng ảnh hưởng của địa hình trên tính cách của dân cư, cơ chế làng xã tại Bắc bộ và những vấn đề của nó.

Hẳn mục đích của Nguyễn Văn Vĩnh khi viết những bài báo này là để cho người Pháp hiểu thêm về văn hóa, nếp sống của những người dân xứ thuộc địa, và qua đó bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của một người thuộc tầng lớp có tiếp thu văn hóa phương Tây trước những vấn đề của người nông dân chân lấm tay bùn.

Đáng ngạc nhiên là nhiều vấn đề mà ông đặt ra, tới nay, sau 82 năm, vẫn còn nguyên tính thời sự, chỉ khác về quy mô của sự việc và tên gọi.

Thí dụ như vấn đề minh bạch trong ngân sách làng xã, chi phí cho việc trang hoàng, tổ chức... mỗi khi có “ông lớn” nào đó đi qua làng, khiến người đọc dễ dàng liên tưởng tới tình trạng lãng phí của công hiện nay, thói quen chè chén, “giả nợ miệng” ở làng xã, những chuyện hỉ, nộ, ái, ố quanh những cuộc “trao đổi” đánh chén này - có lẽ là tiền thân của những hợp đồng quanh bàn nhậu hiện nay.

Quyền lợi của nhà nông cũng là vấn đề Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm. Theo ông thì “Người dân cày An-nam là kẻ duy nhất trên thế giới này thuận tình làm việc vừa đủ để khỏi chết đói, chấp nhận một cách có ý thức những khoản vay mà tiền lãi ngốn hết mọi lợi ích, rồi trông chờ vào vận may bất ngờ để trả nợ” (tình cảnh này có lẽ cũng không khác mấy với những nhà nông hiện nay, chịu một nắng hai sương làm ra hạt lúa, may rủi tùy thuộc vào thời tiết, còn lợi nhuận thì hầu hết chui vào túi các đơn vị trung gian, những công ty xuất khẩu).

Ông đề xuất việc cải thiện phương thức tồn trữ thóc để giảm thiệt hại cho nông dân, giới thiệu những món ăn chế biến từ gạo, một “thực đơn Đông Dương” với người châu Âu... nhằm quảng bá cho “các loại gạo ngon đích thực của An-nam”.

Như lời của Nguyễn Văn Vĩnh, loạt bài về làng xã An-nam, vấn đề lúa gạo của ông trên L’Annam Nouveau nhằm nêu ra những biện pháp khắc phục để cải thiện cuộc sống của người nông dân, tạo điều kiện cho sự phát triển “nhằm thích ứng với các nhu cầu cần thiết của sự tiến bộ”.

Nói cách khác, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ phản ánh thực tế mà còn dùng các bài viết của mình như một công cụ để đấu tranh cho quyền lợi của những người dân thấp cổ bé miệng.

Khi nhắc tới Nguyễn Văn Vĩnh, nhiều người nhớ đến ông như một người có nhiều công lao trong việc quảng bá và phổ cập chữ quốc ngữ “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ“ (**). Nhưng có lẽ chính thái độ của một người cầm bút đã khiến ông được suy tôn là “ông tổ nghề báo Việt Nam” khi đột ngột qua đời ở tuổi 46, cho dù chúng ta đã có tờ báo đầu tiên, Gia Định Báo của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, từ tháng 4-1865.

Chỉ mong sao những tập kế tiếp của Lời người Man di hiện đại sẽ được lần lượt xuất bản, không chỉ như một kho tư liệu quý báu mà còn giúp người đọc hiểu thêm về “cái tâm” của một nhà báo trong một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử, và cũng để hậu thế có sự đánh giá chính xác hơn, khách quan hơn về Nguyễn Văn Vĩnh.

(*): Lời người Man di hiện đại, chủ biên: Nguyễn Lân Bình, Nguyễn Lân Thắng, NXB Tri Thức, quý 3-2013(**): Lời của Nguyễn Văn Vĩnh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận