Nghệ thuật hiện thời đang là trò chơi tiền bạc

HIỀN HÒA (THỰC HIỆN) 08/10/2017 16:10 GMT+7

TTCT- Ngày 30-9 và 1-10-2017, tại Sotheby’s Hong Kong có mấy phiên đấu giá liên quan đến nghệ thuật/mỹ thuật Việt. Bên cạnh sự rộn ràng, hi vọng là sự hồ nghi, lo lắng về vấn đề thật giả, về nguồn gốc và cả lòng tin từ người mua.

Tác phẩm Provincial village (Vùng ven, sơn mài trên vóc, 93,5 cm x 201 cm, khoảng năm 1940) dù bị nhiều họa sĩ và chuyên gia tại Việt Nam nghi ngờ về độ chân thật của nó, nhưng đã được Sotheby’s Hong Kong bán với giá 658.126 USD ngày 1-10-2017. Nếu đúng tác phẩm này của Nguyễn Gia Trí, thì đây là phiên giao dịch quốc tế đắt giá bậc nhất của danh họa này.
Tác phẩm Provincial village (Vùng ven, sơn mài trên vóc, 93,5 cm x 201 cm, khoảng năm 1940) dù bị nhiều họa sĩ và chuyên gia tại Việt Nam nghi ngờ về độ chân thật của nó, nhưng đã được Sotheby’s Hong Kong bán với giá 658.126 USD ngày 1-10-2017. Nếu đúng tác phẩm này của Nguyễn Gia Trí, thì đây là phiên giao dịch quốc tế đắt giá bậc nhất của danh họa này.

 Sự lo lắng về thật giả không chỉ đến từ lý do cụ thể của việc mua bán một tác phẩm, mà còn đến từ góc độ... mỹ học thần kinh.

Giả dụ nếu có chuyện thật giả lùm xùm xảy ra với các tác phẩm nghệ thuật từ Việt Nam, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, ở chỗ có nguy cơ mối quan tâm tới các tác phẩm từ Việt Nam sẽ bị rớt và tính thanh khoản của nó sẽ đương nhiên dừng lại, hay vô cùng hạn chế” - giám tuyển độc lập Nguyễn Như Huy chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về vấn đề được xem là nhạy cảm này.

Giám tuyển độc lập Nguyễn Như Huy tại triển lãm quốc tế Documenta 14 (Kassel, CHLB Đức) tháng 6-2017, trong chuyến tham quan theo lời mời của Viện Goethe châu Á
Giám tuyển độc lập Nguyễn Như Huy tại triển lãm quốc tế Documenta 14 (Kassel, CHLB Đức) tháng 6-2017, trong chuyến tham quan theo lời mời của Viện Goethe châu Á

 “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”

Anh vừa nói đến khái niệm “mỹ học thần kinh”, vậy nó là gì và liên quan thế nào đến hiện trạng tranh thật - tranh giả mà chúng ta đang lưu tâm?

- Các nhà nghiên cứu về mỹ học thần kinh (neuro-aesthetics) khảo sát về sự tác động của vật thể nghệ thuật trên não người, đã khám phá ra rằng một số vùng não, đặc biệt là vùng vỏ não trán ổ mắt (orbitofrontal cortex) luôn nhạy cảm đối với “địa vị cao thấp, hoặc tình trạng thật giả” của tác phẩm hơn là đối với các nội dung mỹ học và cảm giác của nó.

Điều này dẫn đến hệ quả nhãn tiền rằng với những công chúng nghệ thuật, thông tin về tình trạng thật giả, hay sự đánh giá xếp hạng của xã hội về tác phẩm nào đó chắc chắn sẽ tác động tới phản ứng của họ về tác phẩm ấy.

Đây chính là trường hợp xảy ra với tác phẩm của họa sĩ Rembrandt. Khi các xìcăngđan thật - giả liên tiếp xảy ra với tác phẩm của ông, không chỉ giá tranh của ông đã bị rớt, mà chính công chúng bảo tàng cũng dần hết quan tâm đến các tác phẩm của ông.

Tình trạng này theo tôi ở Việt Nam có vẻ tương đồng với các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, khi có câu chuyện khôi hài trong giới là, sau khi Bùi Xuân Phái qua đời, thậm chí ông còn “sáng tác” mạnh mẽ hơn.

Tác phẩm Gia đình nai ở bìa rừng (sơn mài trên vóc, 100cm x 279cm) được cho là của Phạm Hậu, bán với giá 192.060 USD tại Sotheby’s Hong Kong ngày 30-9-2017. Trên mạng xã hội, các chuyên gia Việt Nam đưa ra một số bức có bố cục khá giống với bức này.
Tác phẩm Gia đình nai ở bìa rừng (sơn mài trên vóc, 100cm x 279cm) được cho là của Phạm Hậu, bán với giá 192.060 USD tại Sotheby’s Hong Kong ngày 30-9-2017. Trên mạng xã hội, các chuyên gia Việt Nam đưa ra một số bức có bố cục khá giống với bức này.

 Về mấy phiên đấu giá ngày 30-9 và 1-10-2017 tại Sotheby’s Hong Kong, giới chuyên môn đang không tin tưởng chất lượng thật của một số lô hàng, đặc biệt là tác phẩm của Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí.

Dĩ nhiên, các nghi vấn này mới chỉ dừng ở mức các cuộc bàn thảo trong nội bộ và ở các không gian truyền thông hạn chế, song chúng vẫn có các giá trị tham chiếu và tham khảo nhất định bởi những người đưa ra các nhận xét ấy chính là các connoisseurs - những người sành thạo về chuyên môn.

Cần phải biết là trong quá trình xác định thật - giả của một tác phẩm, cùng với sự truy nguyên nguồn gốc của tác phẩm (provenance), các hiểu biết sành thạo về chuyên môn (connoisseurship) luôn được coi là yếu tố vô cùng quan trọng.

Vì lẽ đó, khi giới chuyên môn đặt vấn đề về tính khả tín của một tác phẩm đem ra mua bán, thì theo tôi, đó không phải chuyện đơn giản.

Như anh vừa nói, rõ ràng về cấu trúc chuyên môn cho một “cây thư mục” của thị trường nghệ thuật thì Việt Nam còn thiếu rất nhiều “hạng mục”. Trong bối cảnh như vậy, anh có nghĩ lòng tin sẽ giúp bổ túc, giúp vượt qua những khiếm khuyết trong cấu trúc đó?

- Tôi vừa tham dự một hội thảo chuyên đề về bảo tàng trong thế kỷ 21 tại Singapore với các chuyên gia từ Đức và châu Á. Trong dịp này, chúng tôi được tham quan Trung tâm Bảo tồn di sản quốc gia Singapore (Heritage Conservation Center).

Có thể nói trong tầm khu vực, đây là một trung tâm vô cùng hiện đại dành cho việc bảo quản, phục chế và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật do Chính phủ Singapore mua về.

Trung tâm có đầy đủ các phòng thí nghiệm, các kỹ thuật hiện đại, các hệ thống phân loại và lưu trữ mà bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á, thậm chí châu Á cũng đều phải mơ ước.

Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề với ông giám đốc trung tâm về việc mở thêm bộ phận xác định thật - giả, ông đã trả lời rằng đây là điều bất khả, bởi cùng lắm trung tâm chỉ có thể cung cấp các bằng cớ vô cùng gián tiếp về kỹ thuật cho tác phẩm nào đó. Việc xác định thật - giả vẫn phải dựa trên một quyết định thiên về lòng tin là chính, và có tính may rủi cao.

Chẳng hạn ở Úc, có phương pháp gọi là “hot tubbing”, nghĩa đen là “tắm công cộng”. Khi có sự nghi vấn về thật - giả, các chuyên gia từ các khu vực khác nhau (kỹ thuật, phong cách hoặc nguồn gốc...) phải đứng trước quan tòa và đưa ra các bằng cớ của mình.

Quyết định cuối cùng sẽ tuân theo sự phán quyết đặt trên cuộc “tắm công cộng” này, và dĩ nhiên nó vẫn không thể chính xác 100% như các công thức trong khoa học tự nhiên. Vì sao lại vậy?

Thực tế là “đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Từng có trường hợp không chỉ một tác phẩm bị làm giả, mà cả một bộ sưu tập.

Kẻ làm giả chui được vào hệ thống lưu trữ nguồn gốc tác phẩm để thêm toàn bộ lý lịch giả của bộ sưu tập đó, như trường hợp John Drewe đã xâm nhập được vào cơ sở dữ liệu của Bảo tàng Tate, Học viện nghệ thuật đương đại và Bảo tàng Victoria và Albert.

Sau khi thay đổi các dữ liệu, John Drewe phối hợp với họa sĩ John Myatt tạo ra vô số bức tranh giả.

Cần nhớ, Trung tâm dữ liệu trộm cắp nghệ thuật (Art Loss Register) - một cơ sở dữ liệu lớn của quốc tế về các tác phẩm bị mất cắp - cho biết rằng riêng thị trường nghệ thuật nước Anh, có năm thiệt hại lên tới 310 triệu USD.

Tác phẩm Con dê vàng (The Golden Calf) của Damien Hirst đã được làm giá để bán với giá 18,6 triệu USD tại Sotheby’s London năm 2008.
Tác phẩm Con dê vàng (The Golden Calf) của Damien Hirst đã được làm giá để bán với giá 18,6 triệu USD tại Sotheby’s London năm 2008.

 "Càng trong thời buổi công nghiệp hóa nghệ thuật, nhu cầu về nghệ thuật đích thực càng hiện diện. Con người càng chìm vào sự u mê, nhu cầu thức tỉnh càng lộ rõ" 

Nguyễn Như Huy

 Mượn nghệ thuật để rửa tiền

Lịch sử nghệ thuật thì rất lâu dài, nhưng lịch sử mua bán như một thị trường và đấu giá chuyên nghiệp thì mới phổ biến vài trăm năm trở lại đây. Vậy thì tại sao xã hội hiện đại lại thích mua bán nghệ thuật? Nó thuộc về vấn đề tiền hay giá trị?

- Cần phải hiểu rằng việc mua bán nghệ thuật xảy ra từ thời Phục hưng và cùng với nó, dĩ nhiên là việc làm giả tác phẩm. Bản thân Michelangelo từng lấy tượng của mình làm cũ cho giống tượng cổ với mục đích bán giá cao hơn.

Tuy nhiên, với xã hội hiện đại, cụ thể là xã hội tư bản, việc mua bán này được đẩy lên một tầm mức vô tiền khoáng hậu.

Có nhiều lý do lịch sử và xã hội, tuy nhiên lý do cao nhất vẫn là tính thương mại và kinh tế. Tác phẩm nghệ thuật có nhiều giá trị, song trong đó có hai giá trị quan trọng nhất, đó là tính dễ vận chuyển (portable) và tính dễ mua bán trao tay (liquidity).

 "Chính tính dễ thanh khoản, dễ vận chuyển, và các khả năng ngầm ẩn cho các mục tiêu phi nghệ thuật (rửa tiền chẳng hạn) đã làm cho thị trường nghệ thuật trở nên quan trọng, sôi động trong thế kỷ 20 và 21"

Nguyễn Như Huy

Xin nhắc một thực tế là, thậm chí trong những tháng ngày đen tối nhất của thị trường tài chính thế giới - thứ hai ngày 15-9-2008 - khi ngân hàng lớn bậc nhất nước Mỹ là Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản với số nợ lên tới 615 tỉ USD (một sự kiện được so sánh với cuộc đại suy thoái năm 1929 của nước Mỹ) thì phiên đấu giá các tác phẩm của Damien Hirst tại Sotheby’s London (cũng tháng 9-2008) vẫn đạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Hai đặc tính này là tiền đề cho nhiều giá trị ngầm ẩn phục vụ cho nền kinh tế hiện đại, mà ở đó, rửa tiền cũng là một nhu cầu quan trọng.

Sau hai ngày, tổng số tiền thu về là 201 triệu USD, với hơn 1/4 các lô bán giá trên 1 triệu USD, và 3/4 còn lại đều được bán với giá cao hơn khá nhiều so với dự kiến. Điều này thể hiện tính độc lập của thị trường nghệ thuật trước các thị trường truyền thống như tài chính, ngân hàng...

Tác phẩm Gia đình (mực và gouache trên lụa bồi giấy, 63x46cm, khoảng 1938-1940) với giá bán 535.207 USD tại Sotheby’s Hong Kong ngày 30-9-2017, theo nhiều họa sĩ và chuyên gia Việt Nam thì đây không phải tranh do Lê Phổ vẽ.
Tác phẩm Gia đình (mực và gouache trên lụa bồi giấy, 63x46cm, khoảng 1938-1940) với giá bán 535.207 USD tại Sotheby’s Hong Kong ngày 30-9-2017, theo nhiều họa sĩ và chuyên gia Việt Nam thì đây không phải tranh do Lê Phổ vẽ.

 Một điểm đáng lưu ý nữa, phần lớn người mua đến từ các thị trường đang lên như Nga, Trung Đông, Trung Quốc... Chắc chắn nghệ thuật của thế kỷ này, phần lớn là trò chơi tiền bạc.

Và dĩ nhiên khi được coi là trò chơi tiền bạc, nó có đầy đủ các mánh khóe bên trong để tác động đến mối quan hệ giữa giá trị và giá tiền.

Ngay với trường hợp của Damien Hirst, thông tin sau này lộ rõ rằng chính các đại diện của Hirst cũng đã sắm vai trò quan trọng trong phiên đấu, nhằm thúc đẩy giá cho hai lô hàng được bán giá rất cao, đó là lô The Golden Calf lên đến 19 triệu USD và lô The Kingdom lên 17,6 triệu USD.

Tóm lại, chính tính dễ thanh khoản, dễ vận chuyển và các khả năng ngầm ẩn cho các mục tiêu phi nghệ thuật (rửa tiền chẳng hạn) đã làm cho thị trường nghệ thuật trở nên quan trọng, sôi động trong thế kỷ 20 và 21.

Rõ ràng khi muốn bán hàng - dù là mỹ thuật/nghệ thuật - thì cũng cần nhiều chiêu thức để nâng giá, để bán chạy. Theo anh thì chất lượng nghệ thuật hiện nay nói chung là đáng hi vọng, hay nó đang bị giảm sút và bị đánh bóng như món hàng quảng cáo thời thượng?

- Phiên đấu giá nghệ thuật đương đại Trung Quốc tại Sotheby’s Hong Kong hồi tháng 4-2008 - dưới danh nghĩa bộ sưu tập của Estella - là một ví dụ về đường bay cho tác phẩm nghệ thuật từ vô danh tới mức giá... ngất xỉu.

Phiên đấu giá này có hai góc độ vô cùng quan trọng. Thứ nhất, nó lần đầu giới thiệu vào thị trường đấu giá thế giới các tác phẩm của Zhang Xiaogang (Trương Hiểu Cương), Cai Guo-Qiang (Thái Quốc Cường), Zeng Fanzhi (Tăng Phạm Chí), Ai Weiwei (Ngải Vị Vị), Xu Bing (Từ Băng)...

Thứ hai, nó cũng đạt kỷ lục doanh thu thuần (sau thuế và các chi phí khác) cho một khu vực nghệ thuật mới toanh vào lúc đó: 18 triệu USD.

Thực tế đường bay của cú áp phe ngoạn mục này là thế nào? Bộ sưu tập Estella thực chất được Michael Goedhuis, một nhà đại diện New York thu gom lại từ năm 2004 - chỉ bốn năm trước của phiên đấu.

Hầu hết các tác phẩm này đều được mua từ các phòng tranh, hoặc xưởng nghệ sĩ ở Trung Quốc với giá rất rẻ, kèm sự giảm giá rất nhiều từ nghệ sĩ.

Chỉ trong vòng ba năm, trên dưới 200 tác phẩm đã được thu mua và tạo ra tin đồn rằng đây sẽ là một phần của một bộ sưu tập vô cùng quan trọng, tức điều sẽ tạo ra một nghiên cứu quan trọng về nghệ thuật.

Đồng thời, rất nhiều tác phẩm được mua sẽ được cung hiến cho các bảo tàng quan trọng khắp thế giới (và đây chính là lý do nhiều tác phẩm được mua với giá rẻ và có giảm giá nhiều).

Toàn bộ tác phẩm trong bộ sưu tập này đều thể hiện sự căng thẳng về không khí chính trị của Trung Quốc lúc đó, tức điều có lẽ phần nào được đo ni đóng giày cho các khách hàng phương Tây thèm khẩu vị lạ.

Từ tháng 3 đến tháng 8-2007, toàn bộ sưu tập đã được trưng bày trong một triển lãm ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Lusiana ở Humlebaek, Đan Mạch, có tên là Sản xuất tại Trung Quốc: Bộ sưu tập của Estella.

Triển lãm thứ hai của bộ sưu tập này được tổ chức tại Bảo tàng Do Thái, Jerusalem, từ tháng 9-2007 đến tháng 3-2008 - chỉ một tháng trước phiên đấu giá tại Hong Kong. Điều thú vị là, ngay tại triển lãm ở Đan Mạch, Sotheby’s đã tuyên bố bộ sưu tập này sẽ được bán đấu giá vào năm sau.

Chính giám tuyển của triển lãm là Anders Kold đã rất ngạc nhiên, còn bảo tàng thì tuyên bố nếu họ biết bộ sưu tập này sẽ được mang đấu giá, họ đã không bao giờ cho tổ chức triển lãm này.

Tuyên bố của Sotheby’s cũng dẫn đến việc lộ ra rằng Goedhuis không hề là đại diện của bộ sưu tập như ông ta khẳng định, mà phía sau nó là cả một liên minh các đầu tư do hai nhà tài phiệt ở New York là Ray Debbane và Sacha Lainovic dẫn đầu.

Thông tin còn lộ ra rằng hai phiên đấu giá của Sotheby’s tại Hong Kong vào tháng 4-2008 và tại New York tháng 11 cùng năm hoàn toàn không phải do Goedhuis và các đồng sự nói trên đề nghị, mà là dự án cộng tác của Sotheby’s và William Acquavella, một nhà môi giới nghệ thuật sống tại New York. Thực tế là tất cả các tác phẩm này đều đã được Sotheby’s mua từ các nhà đầu tư vào năm 2007.

Câu chuyện này cho thấy Sotheby’s là một tay chơi ngầm ẩn đang tận dụng các cơ chế của thế giới và thị trường nghệ thuật để tạo lợi nhuận.

Thực tế là bằng một chiến thuật khéo léo, đi từ việc mua các tác phẩm tận gốc với giá rẻ, thậm chí có giảm giá, đặt chúng vào các “trạm” tạo uy tín như các bảo tàng quốc gia, trước khi chào bán chúng tại nhà bán đấu giá với giá tận ngọn.

Đây là một cú áp phe ngoạn mục, cho thấy sự phức tạp giữa giá trị và giá tiền trong nghệ thuật. Trong thời buổi này, có lẽ cái gọi là giá trị nghệ thuật, nhiều phần chỉ còn là kết quả của sự phù phép của các tay chơi lớn, mà mục đích chính là tạo ra lợi nhuận thật cao.

Tại Việt Nam cũng đang manh nha vài bộ sưu tập và một vài động thái giống như đường đi của bộ sưu tập Estella.

Tác phẩm Huyết thống: Đại gia đình số 3 (Bloodline: Big Family No.3) của Zhang Xiaogang (Trương Hiểu Cương) đã được áp phe để được bán với giá tương đương 12,1 triệu USD tại Sotheby’s Hong Kong năm 2008.
Tác phẩm Huyết thống: Đại gia đình số 3 (Bloodline: Big Family No.3) của Zhang Xiaogang (Trương Hiểu Cương) đã được áp phe để được bán với giá tương đương 12,1 triệu USD tại Sotheby’s Hong Kong năm 2008.

 Xã hội hiện tại đang chịu sự tác động, chi phối lớn lao của truyền thông, quảng cáo, tinh thần đại chúng, mạng xã hội..., vậy thì ngoài một món hàng có tính xa xỉ, nghệ thuật còn có vai trò, tác động gì trong xã hội đó?

- Dẫu có một cái nhìn không nhiều lạc quan về cách thế giới hoặc thị trường nghệ thuật vận hành ở các ví dụ trên, bản thân tôi vẫn có một niềm tin vào nghệ thuật.

Tuy nhiên, cách tôi hiểu về chữ “nghệ thuật” là theo cách người Hi Lạp cổ đại quan niệm chứ không theo cách xã hội hiện đại cắt nghĩa.

Người Hi Lạp cổ quan niệm nghệ thuật là Techne - tức một thực hành làm cho điều gì trước đó còn bị che giấu được hiển lộ. Hiểu theo cách này, nghệ sĩ hay giám tuyển đích thực phải là người giúp làm hiển lộ, giúp trình bày ra điều gì trước đó chưa ai thấy, hay trước đó bị hiểu lầm.

Chính ở đây, nghệ thuật sẽ có liên quan đến sự khai minh, khai sáng, đến sự làm con người thức tỉnh, chứ không chỉ là công việc sản xuất ra các vật thể hoặc sự kiện hào nhoáng song rỗng tuếch.

Và cũng nhìn theo cách nhìn này, càng trong thời buổi công nghiệp hóa nghệ thuật, nhu cầu về nghệ thuật đích thực càng hiện diện. Con người càng chìm vào sự u mê, nhu cầu thức tỉnh càng lộ rõ. Đó là hai mặt biện chứng của vấn đề.

Thật sự, tôi tin rằng dạng nghệ thuật và nghệ sĩ đích thực luôn cần phải duy trì được tình trạng nhỏ và vừa, cả về hoạt động, cả về truyền thông. Sự thật đích thực, tác động đích thực luôn tránh xa các kích cỡ lớn, dòng chính lưu và các sắc màu hào nhoáng.

Câu hỏi ở đây là nếu tránh xa các thứ đó, liệu nghệ sĩ có thể tồn tại được chăng? Câu trả lời của tôi là: Được! Tuy nhiên cần phải có sự khôn ngoan và nhiều may mắn nữa. Dĩ nhiên nghệ sĩ đích thực và nghệ thuật đích thực phải ít thôi, làm sao nhiều được. Có phải không ạ?

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.■

Một nhà hoạt động nghệ thuật đa năng

Ngoài vai trò giám tuyển các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam và quốc tế, Nguyễn Như Huy còn là một nghệ sĩ thị giác, nhà thơ, người viết ca khúc. Trong địa hạt nghệ thuật và lý thuyết, Nguyễn Như Huy đã dịch, viết nhiều bài nghiên cứu, phê bình tại Việt Nam và quốc tế, cũng như là khách mời của nhiều hội thảo quan trọng về nghệ thuật trên thế giới.

Anh là đồng biên tập và tác giả của tổng tập đầu tiên về nghệ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam do Bảo tàng nghệ thuật Singapore xuất bản năm 2009 (Essays on Modern and Contemporary Vietnamese Art).

Anh là dịch giả tiếng Việt của các cuốn sách hướng dẫn nghệ thuật nổi tiếng như Thế mà là nghệ thuật ư? (Cynthia Freeland), Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật (Sarah Thornton), Những cách thấy (John Berger)...

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận