Người Hàn Quốc ở Premier League

CHRIS FLANAGAN (FOURFOURTWO) 09/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Son Heung Min đang trên đường vượt qua những trở ngại lớn lao để trở thành cầu thủ châu Á vĩ đại nhất lịch sử...

 
 Ảnh: Reuters

Mùa xuân năm 2020, một gã trai đầu trọc bò toài với khẩu M16 trên tay ở Moseulpo, đảo Jeju. 70 năm trước, cha anh của anh đã rèn luyện tại chính căn cứ này, chuẩn bị cho trận chiến quan trọng nhất trong chiến tranh Triều Tiên.

Năm 1950, lực lượng Triều Tiên có lúc đã gần như chiếm chọn phần lãnh thổ bán đảo trong lục địa. Đảo núi lửa Jeju, cách Hàn Quốc khoảng 130km về phía nam, trở thành một trong những cứ địa cuối cùng của miền Nam. Từ đó, các quân đoàn Hàn Quốc tiến về tây Seoul, về Incheon, nơi họ phối hợp với các lực lượng Anh và Mỹ xoay chuyển cục diện cuộc chiến, đặt nền móng cho sự ra đời của đất nước Hàn Quốc hiện đại.

Chàng trai chúng ta đang nói tới tình cờ cũng là ngôi sao bóng đá lớn nhất Hàn Quốc hiện giờ. Theo đúng truyền thống, Son Heung Min đã cạo mái tóc thương hiệu, học bắn súng, hành quân một mạch 30km, và lăn xả giữa hơi cay trong một buổi tập về vũ khí hóa học.

Suốt nhiều năm, vấn đề nghĩa vụ quân sự của Son là một chủ đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc, nơi quân dịch là bắt buộc với toàn bộ nam giới, bất kể địa vị, tài sản, hay danh tiếng. Từng có lúc Son không chắc anh có phải đi nghĩa vụ không, và nếu có thì là bao lâu. Nếu theo đúng lệ, một khóa nghĩa vụ có thể kéo dài tới 21 tháng - quãng thời gian không hề ngắn với nghề bóng đá đỉnh cao vốn ngắn ngủi. Nó thậm chí đe dọa sẽ làm chệch hướng hoàn toàn sự nghiệp của Son.

Rồi huy chương vàng Asiad 2018 chính thức giúp anh được miễn nghĩa vụ quân sự, dù Son vẫn hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản của thủy quân lục chiến Hàn Quốc ở Jeju vào tháng 4 và 5-2020, xếp hạng 5/157 người tham gia huấn luyện đợt đó.

Không có gì lạ khi Son nổi bật. Anh đã được dạy phải nỗ lực đến cùng từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu với 4 tiếng đồng hồ tâng bóng theo lệnh người cha nghiêm khắc và nhiều tham vọng.

Cha và con

Son Woong Jung là cựu cầu thủ chuyên nghiệp, từng đá tiền đạo cho đội B của tuyển quốc gia Hàn Quốc, nhưng một chấn thương tai ác buộc ông phải giải nghệ năm mới 28 tuổi. 2 năm sau, Son Heung Min ra đời, ở thành phố Chuncheon, cách Seoul 80km về phía tây bắc. Son đã muốn trở thành cầu thủ từ khi còn nhỏ, và anh may mắn được bắt đầu với một người cha đòi hỏi khắt khe, thậm chí đến ám ảnh, cả trên sân tập lẫn sân đấu.

Son phải tập tâng bóng ba vòng quanh sân - bằng chân trái, chân phải, và cả hai chân. Nếu để rơi bóng, cha anh sẽ bắt anh làm lại từ đầu. Một lần khác, sau khi Son và anh trai cãi cọ, người cha ban ra một hình phạt đặc biệt. “Cha bắt chúng tôi tâng bóng suốt 4 tiếng liền” - Son kể. Hồi đó anh mới 4 tuổi. “Sau hai tiếng, bạn sẽ thấy sàn nhà như một tàu lượn siêu tốc - chỉ có một trái bóng mà bạn nhìn thấy tới ba trái”.

Những bài tập cực đoan đã mang lại hiệu quả: Son vào học viện bóng đá trẻ của FC Seoul và được gọi vào tuyển U15 Hàn Quốc. “Ở tuổi ấy, Son không được coi là cầu thủ hay nhất trên tuyển, nhưng ngay khi thấy các kỹ năng của cậu ấy trong buổi tập đầu tiên, tôi đã tự nhủ: Sao mình vẫn chưa biết thằng này nhỉ” - Won Chang Yeon, đồng đội của Son ở U15 Hàn Quốc, kể lại.

Năm 2008, Son được mời tham gia một dự án cho cầu thủ trẻ của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc đưa các cầu thủ 16 tuổi nhiều triển vọng sang Đức “du học” một năm. Son tới Hamburg, gây được ấn tượng, và ra mắt Bundesliga năm 2010. Anh trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho Hamburg ở giải đấu hạng cao nhất nước Đức, vào lưới FC Cologne. “Mọi cầu thủ Hàn Quốc đều cảm thấy đây là khởi đầu của một ngôi sao mới -Lee Sung Mo, cây viết bóng đá, nói - Khi Son ra mắt tại Hamburg, Park Ji Sung đã ở Manchester United được 5 năm và bắt đầu ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Người Hàn Quốc cần một ngôi sao mới tiếp bước. Son đã ghi bàn ra mắt ngoạn mục ở Bundesliga thật đúng thời điểm”.

Son được gọi vào đội tuyển quốc gia Hàn Quốc dự Giải vô địch châu Á 2011, dù chỉ ra sân vài phút ít ỏi. Nhưng sự nghiệp của anh còn rất dài, và châu Âu mới là nơi Son cần thể hiện nhất lúc này. Mùa 2011-2012, Son ghi 5 bàn và góp phần cứu Hamburg khỏi xuống hạng. Mùa tiếp theo, anh ghi 12 bàn trong 34 trận và bắt đầu thu hút sự chú ý từ khắp châu Âu. Nhưng Son quyết định ở tuổi 20, anh còn muốn ở lại Đức. Hai lựa chọn “nâng cấp” của anh là Borussia Dortmund hoặc Bayer Leverkusen. “Tôi muốn ở lại Bundesliga, nhưng tôi cảm thấy Dortmund sẽ xoay tua tôi nhiều hơn nên tôi đã chọn Leverkusen” - Son giải thích.

 
 Son Heung Min ở Leverkusen

Mùa bóng khó khăn và những giọt nước mắt

Sau 21 bàn và 2 mùa thành công ở Leverkusen, ở tuổi 23, Son Heung Min thấy mình đã sẵn sàng cho những sân chơi lớn hơn. Màn gia nhập Tottenham của anh kéo theo một đoàn các nhà báo Hàn Quốc. “Có ít nhất 5 người như tôi ở mỗi trận đấu của Tottenham, đôi khi là 10 người - Lee Sung Mo nói - Chúng tôi sẽ phỏng vấn cậu ấy sau gần như mọi trận đấu. Nhất cử nhất động của cậu ấy đều được quan tâm ở Hàn Quốc”.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Premier League được coi là giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Bước đường châu Âu của Son cho tới giờ khá suôn sẻ. Mùa đầu tiên của anh ở Tottenham cũng có những điểm sáng: cú đúp vào lưới Qarabag ở Europa League hay bàn ấn định chiến thắng trước Crystal Palace chẳng hạn. Nhưng Son chỉ đá chính 13 trận ở Ngoại hạng Anh và ghi được 4 bàn.

“Tôi còn nhớ vào tháng 1-2 gì đó, cậu ấy ít được ra sân -nhà báo Lee Sung Mo nói - Tôi thấy lo cho cậu ấy, nên sau một trận đấu đã đợi Son, không phải để phỏng vấn, mà chỉ để nói vài lời động viên, người Hàn Quốc với nhau. Khi cậu ấy đi qua, tôi nói: “Cậu ổn chứ?”. Cậu ấy cười và nói: “Đừng lo, tôi ổn”. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, cậu ấy vẫn rất tự tin… Son là kiểu người khép kín, âm thầm ngoài sân cỏ, nhưng luôn có lòng tin vào bản thân”.

Sự tự tin đó bị thử thách nghiêm trọng vào ngày cuối cùng mùa giải, khi Tottenham thua Newcastle 1-5 và Son bị thay ra sau hiệp 1. Anh đã nghiêm túc xem xét việc rời Anh mùa hè đó. Wolfsburg đang đánh tiếng đưa Son về lại Đức. Nhưng một buổi trải lòng với HLV Tottenham lúc bấy giờ là Mauricio Pochettino đã thuyết phục anh ở lại White Hart Lane.

Trước khi trở lại cho mùa thứ hai, Son ngồi thất thần giữa sân ở Belo Horizonte, nước mắt nhòa trên mặt. Trên sân đấu mà Brazil đã thua Đức 1-7 hai năm trước, Hàn Quốc bị Honduras đánh bại 0-1 trong trận tứ kết Olympic Rio 2016.

Tottenham miễn cưỡng cho phép ngôi sao người Hàn Quốc của họ vắng mặt đầu mùa giải 2016-2017 để tham gia Olympic với vai trò cầu thủ quá tuổi. 2 năm trước, Son đã không thể giúp Hàn Quốc vượt qua vòng bảng World Cup 2014, nhưng đội Olympic Hàn Quốc được đánh giá là có cơ hội cạnh tranh huy chương ở Rio: họ từng giành HCĐ Olympic London 2012.

Thất bại ở Olympic còn có một ngụ ý khác. Giới hạn chót để nhập ngũ là 28 tuổi. Năm 2016, Son đã 24, và thành công bóng đá là con đường duy nhất để anh được đặc cách và cứu vãn sự nghiệp. Park Ji Sung từng được rút ngắn thời gian quân dịch nhờ giúp đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002, tương tự là Ki Sung Yueng với HCĐ Olympic 2012. Những người như Park Chu Young, cựu tiền đạo Arsenal, tìm cách lách nghĩa vụ quân sự với tư cách thường trú nhân Monaco, lập tức bị tẩy chay và lên án gay gắt ở Hàn Quốc.

Son từng hi vọng giải quyết được tình thế cam go của anh bằng cách nhắm vào HCV Asiad 2014, nhưng năm đó Leverkusen từ chối nhả người. Son biết anh không thể để mất 2 năm sự nghiệp, nhưng cũng khôn ngoan tránh nói tới đề tài tranh cãi này trước công chúng. Tuy nhiên, nỗi thất vọng của Son ở Brazil không phải là do anh không né được nghĩa vụ. Đó không phải lần đầu anh khóc cho một thất bại, và hẳn cũng không phải lần cuối. Son từng khóc sau khi thua Nhật ở Giải vô địch châu Á 2011 trên chấm luân lưu, bị loại khỏi World Cup 2014, hay ở World Cup 2018, khi tổng thống Hàn Quốc tới thăm phòng thay đồ.

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In an ủi Son Heung Min trong phòng thay đồ sau khi Son bật khóc vì Hàn Quốc bị loại khỏi World Cup 2018. Ảnh: Korea Herald

Vẫn chuyện màu da

Ngày 1-5, Manchester United đã tuyên bố cấm 6 CĐV của đội này vào sân sau khi họ có những lời lẽ phân biệt chủng tộc “đáng ghê tởm” nhắm vào Son Heung Min tháng trước, ngay trước khi các CLB Anh mở cuộc tẩy chay 3 ngày với nhiều mạng xã hội vì cho rằng những nền tảng này không có các biện pháp đủ mạnh với tình trạng xúc phạm người khác nhắm vào màu da lan tràn.

Trong chiến thắng 3-1 của Man United trước Tottenham ở Premier League ngày 11-4 vừa rồi, Son trở thành tâm điểm khi Man United bị từ chối một bàn thắng vì trọng tài, sau khi xem lại băng ghi hình, xác định Son đã bị phạm lỗi, trước khi chính Son ghi bàn mở tỉ số chỉ ít phút sau.

Sau trận đấu, HLV Man United Ole Gunnar Solskjaer đã chỉ trích Son vì tình huống ôm mặt lăn lộn khi bị phạm lỗi: “Nếu đó là con trai tôi… thì nó sẽ bị phạt nhịn ăn vì như vậy thật đáng hổ thẹn”. Các CĐV Man United sau đó tràn ngập trên mạng xã hội chỉ trích Son, với nhiều người thóa mạ anh bằng những từ ngữ khó nghe. Những bình luận đó bao gồm: “Đồ mắt hí ăn thịt chó ăn vạ khốn nạn”; “Ai có đĩa phần mềm lậu không? Muốn đổi thịt chó không”; “Son, đồ khỉ da vàng ăn gian”; “Son, oắt con khỉ da vàng, quyết định tồi tệ [của trọng tài]”. Có cả những bình luận đòi giết Son: “Ước gì khi thằng này đi lính có người bắn chết nó cho rồi”.

Tottenham Hotspur sau đó đã nói họ hoàn toàn ủng hộ cầu thủ của mình trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. “Lại một trận đấu nữa và lại là những thóa mạ đáng ghê tởm nhắm vào một cầu thủ của chúng tôi - tuyên bố của CLB viết - Chúng tôi từng báo cáo điều này với các nền tảng mạng xã hội và sẽ đánh giá toàn diện với Premier League để có hướng hành động tiếp theo. Chúng tôi ủng hộ anh hoàn toàn, Sonny”.

Son đã là mục tiêu quen thuộc với tệ phân biệt chủng tộc cả trên mạng lẫn trong các trận đấu từ khi anh tới Premier League vào năm 2015, theo CNN.

“Cậu ấy và BTS là những người nổi tiếng nhất Hàn Quốc”

Cảm xúc dữ dội của Son cũng là lý do khiến anh được người hâm mộ Hàn Quốc đặc biệt yêu mến. “Thái độ của người hâm mộ với Park Ji Sung và Son Heung Min khác nhau hoàn toàn - nhà báo Lee Sung Mo khẳng định - Tôi luôn nghĩ Park như một người anh cả, còn Son như một người em nhỏ... Đó là tinh thần quốc gia điển hình của Hàn Quốc, niềm tự hào về đất nước là rất quan trọng. Khi tới sân của Tottenham hay Wembley, bạn sẽ thấy rất nhiều cờ Hàn Quốc, vì Son là người mang tới niềm tự hào cho đất nước. Mỗi lần Son ghi bàn, người Hàn lại cảm thấy tự hào. Ngoài ra, cậu ấy cũng là một gã ưa nhìn và vui vẻ. Rất nhiều cô gái Hàn gọi cậu ấy là “chồng tương lai” dù cha cậu ấy đã khẳng định Son sẽ chỉ kết hôn sau khi kết thúc sự nghiệp. Cậu ấy và nhóm nhạc BTS là những người nổi tiếng nhất Hàn Quốc hiện tại”.

 
 Son Heung Min là một thần tượng lớn với người Hàn Quốc. Ảnh: The Telegraph

Danh tiếng của Son ngày một lớn sau những mùa giải thành công liên tiếp với Tottenham. Sau mùa đầu tiên khó khăn, anh luôn ghi được xấp xỉ 20 bàn trên mọi mặt trận cho đội chủ sân Tottenham và giờ đã là một trụ cột gần như không thể thay thế của đội bóng áo trắng. Với đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, Son lần đầu tiên mang băng đội trưởng ở World Cup 2018, một vinh dự anh giữ tới giờ.

3 tháng sau sự kiện đó, Son dẫn dắt tuyển Hàn Quốc tới HCV Asiad 2018, thời khắc mà Son coi là quan trọng nhất sự nghiệp. Trận chung kết diễn ra ở Cibinong, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Son kiến tạo cả hai bàn giúp Hàn Quốc đánh bại Nhật Bản. Bục đăng quang đồng nghĩa Son chỉ phải phục vụ quân đội 3 tuần, thay vì 21 tháng.

Có lẽ được khích lệ bởi chiến tích đó, năm 2018-2019 trở thành mùa giải ấn tượng nhất của Son ở Tottenham. Mọi cầu thủ chơi bóng tại châu Âu sẽ chưa chứng tỏ được mình nếu chưa tỏa sáng ở giải đấu danh giá nhất hoàn cầu cấp CLB: Champions League. Những bàn thắng của Son mùa đó vào lưới các đối thủ rất mạnh như Borussia Dortmund và Manchester City đã đưa Tottenham lần đầu tiên vào tới bán kết giải đấu kể từ năm 1962. Bản thân Son trở thành cầu thủ châu Á ghi được nhiều bàn nhất ở Champions League. Spurs sẽ còn vào tới trận chung kết Champions League đầu tiên trong lịch sử, dù Son một lần nữa phải khóc với thất bại trước Liverpool ở Madrid. Năm đó, Son được đề cử Quả bóng vàng thế giới và đứng thứ 22, thứ hạng cao nhất trong lịch sử với một cầu thủ châu Á.

Premier League mùa này, Son và Tottenham đang đứng trước nhiều thử thách. Sau những biến cố lớn ở CLB, bao gồm việc sa thải HLV nhiều tranh cãi Jose Mourinho vào giữa tháng 4, Tottenham đang hụt hơi trong cuộc đua giành vé dự Champions League mùa sau. Việc thua trận chung kết League Cup dưới tay Man City hôm 25-4 vừa rồi đồng nghĩa Son chưa giành được một danh hiệu lớn nào ở cấp CLB. Quá ít ỏi với cầu thủ có lẽ là xuất sắc nhất của châu Á mọi thời đại.■

NGUYỂN DUY KHÁNH lược dịch.

Ở Hàn Quốc luôn có một cuộc tranh cãi bất tận về việc ai là danh thủ xuất sắc nhất mọi thời, với 3 lựa chọn là Park Ji Sung, Son Heung Min, và Cha Bum Kun. Cha, một danh thủ của những năm 1970 và 1980, từng giành cúp UEFA 2 lần, với Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen. Bảng thành tích của Park còn hoành tráng hơn: 2 lần vô địch Hà Lan (với PSV Eindhoven), 4 chức vô địch Premier League và cả Champions League (đều với Man United). Nhưng nếu xét về tầm ảnh hưởng với đội bóng và tài năng cá nhân, Son có lẽ đã vượt qua hai người tiền bối.

 
 Park Ji Sung là cầu thủ châu Á đầu tiên ra sân ở trận chung kết và giành chức vô địch Champions League. Ảnh: Getty Images

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận