Những khoảnh khắc của Trường Sơn

TẤN PHÚC 23/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - Cuối tuần qua, Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Elo 2613) đã lần đầu tiên đăng quang ngôi vô địch Giải cờ vua quốc tế HDBank 2014 diễn ra tại TP.HCM. Trong hành trình chinh phục của anh có những thời khắc đáng nhớ.

Trường Sơn đang nỗ lực thử nghiệm nhiều thế cờ mới

Có thể nói Trường Sơn đã làm đảo lộn mọi dự đoán của giới chuyên môn khi sáu năm qua anh luôn bị chìm dưới cái bóng quá lớn của Lê Quang Liêm. Dù là hạt giống số 3 của giải nhưng kỳ thủ 24 tuổi này không được đánh giá cao bởi lối đánh “hòa nhiều hơn thắng”, và cũng vì hơn năm năm qua anh chưa từng vô địch giải đấu mở nào.

Những lần “thoát hiểm”

“Trường Sơn đã thi đấu rất tốt ở giải đấu này nên đăng quang hoàn toàn xứng đáng. Tôi nhận thấy Trường Sơn cải thiện đáng kể trong khai cuộc, giúp ván cờ của anh ấy biến hóa hơn. Tuy nhiên, Trường Sơn vẫn cần thêm thời gian để khẳng định mình”.

Lê Quang Liêm

“Chính tôi cũng bất ngờ với chức vô địch này. Đây là giải đấu đầu tiên tôi chấp nhận mạo hiểm để thử nghiệm nhiều thế cờ mới. Công bằng mà nói, tôi đăng quang với sự giúp sức không ít của “thần may mắn” và không dưới ba lần thoát hiểm ngoạn mục” - Trường Sơn chia sẻ.

Đầu tiên phải kể đến cuộc đối đầu thú vị với kỳ thủ 13 tuổi người Singapore Liu Xiangyi (Elo 2159). Ít ai nghĩ hạt giống số 3 Trường Sơn lại vất vả cả khi được cầm quân trắng (đi tiên). Sự chủ quan đã đẩy Trường Sơn vào thế “kèo dưới” suốt gần ván đấu, anh phải căng não chống đỡ những đợt tấn công của cậu bé 13 tuổi Liu Xiangyi đến tàn cuộc.

May cho Trường Sơn là Liu Xiangyi còn non kinh nghiệm nên không khai thác được lợi thế, đành chấp nhận hòa sau 80 nước đấu trí trong cái thở phào nhẹ nhõm của Trường Sơn.

Ở ván 6 gặp đương kim vô địch Lê Quang Liêm, Trường Sơn phải cầm quân đen chống đỡ vất vả những đợt tấn công đa dạng của đối thủ. Nhưng trong cái rủi có cái may, Quang Liêm mạo hiểm tấn công quyết liệt để tìm chiến thắng vì không chấp nhận kết quả hòa. Trong lúc nóng vội, kỳ thủ số 1 Việt Nam này đã để sót nước cờ, Trường Sơn lập tức chụp lấy cơ hội để giành chiến thắng ngoạn mục.

Ván thứ 8 áp chót, thế cờ của Trường Sơn cũng chẳng nhỉnh hơn Nguyễn Đức Hòa. Khi người hâm mộ bắt đầu nghĩ đến một kết quả hòa, bất ngờ Đức Hòa “tự sát” với những sai lầm liên tục từ nước thứ 57 dưới áp lực thời gian gần cạn và phải chấp nhận thất bại sau đó bốn nước. Chiến thắng này mở toang cánh cửa cho Trường Sơn trở lại nhóm dẫn đầu.

Ở ván cuối, Trường Sơn hòa chóng vánh với hạt giống số 2 người Trung Quốc Ni Hua. Sau gần hai giờ chờ đợi, Trường Sơn mới thở phào khi Quang Liêm đánh bại Nguyễn Văn Huy để đưa anh chính thức lên ngôi vô địch.

Chung cuộc có ba kỳ thủ cùng 7 điểm là Trường Sơn, Quang Liêm và Zhang Zhong, nhưng Trường Sơn vô địch nhờ hiệu số đối đầu trực tiếp: Trường Sơn được 1,5 điểm nhờ thắng Quang Liêm, hòa Zhang Zhong; Zhang Zhong được 1 điểm nhờ hòa Quang Liêm và Trường Sơn; Quang Liêm được 0,5 điểm vì thua Trường Sơn và hòa Zhang Zhong.

“Tôi cần phải cải thiện nhiều”

Có phần may mắn nhưng Trường Sơn cũng phải có “nội lực” thật sự mới có thể lên ngôi ở giải đấu khắc nghiệt nhất VN. Đáng mừng nhất là Trường Sơn đã cho thấy sự trở lại mạnh mẽ với lối chơi biến hóa hơn.

“Tại giải, tôi đã thử nghiệm nhiều thế khai cuộc mới tìm hiểu được. Đã thử nghiệm thì phải chấp nhận mạo hiểm, dễ mắc sai lầm và một số kết quả không được như ý. May mắn là tôi đăng quang. Chức vô địch này sẽ là động lực để tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân mình” - Trường Sơn nói.

Sau một thời gian chựng lại về chuyên môn, Trường Sơn đang nỗ lực sửa chữa những lỗ hổng lý thuyết của mình suốt hai năm qua. “Lý ra tôi phải hoàn thiện phần lý thuyết từ nhỏ. Nhưng vì áp lực thành tích, tôi không chú trọng lý thuyết, lâu dần lối đánh dễ bị đối phương bắt bài. Trong những tình huống gay cấn, tôi thiếu “vũ khí” lợi hại để kết liễu đối thủ hoặc tự giải vây trong lúc bị ép” - anh giải thích.

Tuy nhiên, Trường Sơn vẫn còn những khó khăn cần khắc phục, trong đó có sự tự tin. Anh cũng muốn được thi đấu nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm. Hiện mỗi năm Trường Sơn chỉ thi đấu 5-6 giải, quá ít so với những kỳ thủ có Elo trên 2600. Trong hai năm qua, Quang Liêm thi đấu gần 300 ván, trong khi Trường Sơn chưa đến 140 ván.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận