Những truyện ngắn đầu của Nguyễn Huy Thiệp trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật

NGUYỄN TRỌNG CHỨC 28/03/2021 01:00 GMT+7

TTCT - Năm 1987, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) là tờ báo đầu tiên ở phía Nam giới thiệu nhiều truyện ngắn mới của Nguyễn Huy Thiệp.

 
 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại nhà riêng ở làng Cò (Ảnh tư liệu của nhà báo Nguyễn Trọng Chức)

 Sau khi truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp được in trên tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số ra ngày 20-6-1987, biết được nhu cầu của nhiều bạn đọc phía Nam chưa được đọc tác phẩm đang gây chấn động ấy, tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) đã nhanh chóng in lại Tướng về hưu trong số báo 42 ra ngày 25-10-1987 (phần 1) và số 43 ra ngày 1-11-1987 (phần 2). 

 
 Truyện ngắn Tướng về hưu đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1987 (Ảnh tư liệu)

 Sau đó, Tuổi Trẻ Chủ Nhật (TTCN) là tờ báo đầu tiên ở phía Nam giới thiệu nhiều truyện ngắn mới của Nguyễn Huy Thiệp.

Giữa tháng 8-1987, được sự đồng ý của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, tôi bay ra Hà Nội chỉ để được gặp ông Thiệp, mời ông cộng tác với báo. Tôi liên hệ với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhờ ông giúp dàn xếp một cuộc gặp, do tôi đã đọc lời tựa tập truyện ngắn Tướng về hưu (NXB Trẻ, 1987) của giáo sư và đã có duyên may quen thân ông từ trước. Điểm hẹn là Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi. 

Đúng giờ, ông Thiệp đạp chiếc xe cà tàng đến, hai bàn tay đen nhẻm vì xe luôn tuột xích (sên), phải dừng lắp lại. Tôi không bao giờ quên hình ảnh người đàn ông đang gây chấn động làng văn lúc đó: ông mặc chiếc áo bộ đội cũ, quần vải đen một bên xắn đến bắp chân để không bị vướng vào sên xe, chân đi dép lốp, đội nón tre rộng vành, trông đặc sệt nông dân lam lũ.

Chúng tôi uống nước chè ở một hàng nước trên phố, chuyện trò khá lâu về việc báo mong muốn được đăng truyện ngắn của ông. Sau một cuộc hẹn nữa tại nhà Nguyễn Huy Thiệp ở làng Cò, trở về Sài Gòn, tôi mang theo bản thảo hai truyện ngắn Chảy đi sông ơiTrương Chi (sau lần lượt đăng trên TTCN các số 46 ngày 22-11-1987 và số 02 ngày 11-1-1990)...

 
 Truyện ngắn Chảy đi sông ơi đăng trên TTCT năm 1987.

 Không lâu sau, ông Thiệp gửi tiếp vào các truyện Những bài hátNhững người thợ xẻ, chúng tôi đăng trên các số TTCN số 24 ngày 18-6-1989 và số 10 ngày 12-3-1989...

 Nhận được nhuận bút hay gửi bài mới, ông Thiệp luôn viết thư rất cẩn thận. Thư từ và bản thảo tác phẩm của ông tôi lưu giữ gần như đầy đủ.

Thư từ và bản thảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi báo Tuổi Trẻ (ảnh tư liệu của nhà báo Nguyễn Trọng Chức)

 

 
 Truyện ngắn Trương Chi của -Nguyễn Huy Thiệp đăng trên TTCN năm 1990.

 Có lần tôi nhận được một xấp bản thảo đánh máy, dày đến 80 trang, kịch bản phim Tướng về hưu do chính ông viết (ông từng công khai bày tỏ không đồng tình với cách bộ phim đã thực hiện và công chiếu, cả kịch bản lẫn dàn dựng). 

Tiếc là không thể in được, không chỉ với kịch bản Tướng về hưu mà còn với nhiều truyện ngắn, bài viết khác của ông (có thể kể các tiểu luận Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn?, Văn học là cuộc sống, kịch nói Nhà tiên tri...) vào một giai đoạn nghiệt ngã mà ngay cả tên ông cũng phải... gạch bỏ trong một cái tin vắn văn hóa văn nghệ trên báo.

 
 Truyện ngắn Những người thợ xẻ -đăng trên TTCN năm 1989.

 Dẫu sao thì “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Phúc Âm), tài năng và bản lĩnh của một nhà văn lớn mãi mãi sống trong lòng người đọc. Điều đó được thấy rất rõ trong những ngày qua sau khi Nguyễn Huy Thiệp ra đi mãi mãi, thể hiện trong các bài viết ca ngợi và tôn vinh ông tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Với TTCN và với cá nhân tôi, thật vinh dự khi được ông tin cậy gửi gắm nhiều điều. ■

Truyện ngắn Những bài hát đăng trên TTCN năm 1989.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận