“Quyền có nước”

NGUYỄN THỊ THỦY 15/09/2015 17:09 GMT+7

TTCT- Chuyện người dân giữa lòng Hà Nội đang phải “chạy nạn” cúp nước, đi hứng từng xô nước phục vụ nhu cầu sử dụng tối thiểu của gia đình trong những ngày hè nóng bức gợi mở một câu chuyện lớn hơn về một quyền căn bản của con người - “quyền có nước”.

Trẻ em là đối tượng bị tổn thương trước hết khi thiếu nước sạch    -HỮU KHOA
Trẻ em là đối tượng bị tổn thương trước hết khi thiếu nước sạch -HỮU KHOA

Khác biệt giữa thống kê và thực tế

“Quyền có nước” được hiểu là quyền được tiếp cận nước sạch của mọi người. Theo cách hiểu truyền thống, “quyền có nước” đương nhiên nằm trong các giá trị nhân quyền phổ quát trên toàn cầu.

Tức là nó được bao hàm trong các quyền cơ bản của con người về mức sống khả quan, được bảo đảm các điều kiện tối thiểu về thức ăn, chỗ ở, quần áo và chăm sóc y tế, điều kiện vệ sinh, như trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các cam kết thỏa thuận quốc tế khác.

Nhưng trong thực tiễn hành pháp cho thấy nhiều chính quyền không thật sự dành ưu tiên cao nhất để bảo đảm quyền này, khiến việc thực hiện các quyền khác về sức khỏe, đời sống tối thiểu không thể tiến triển được.

Nhiều tổ chức trên thế giới đang tích cực vận động đưa “quyền có nước” thành một quyền con người riêng biệt, được diễn đạt rõ ràng, trực tiếp, chứ không chỉ mang ý bao hàm trong các quyền khác. Điều này hi vọng sẽ giúp người dân có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu nhà nước phải bảo đảm cung cấp nước sạch cho mọi người dân, ít nhất ở mức tối thiểu.

Theo đó, người dân sẽ được bảo trợ để thực hiện quyền tố tụng đối với một thực thể (có thể là cơ quan nhà nước hay tư nhân) chịu trách nhiệm cấp nước sạch. Người dân có thể đòi được đền bù thiệt hại nếu thực thể đó không đáp ứng được yêu cầu cấp nước tối thiểu hoặc làm sai, thiếu trách nhiệm trong hoạt động của mình.

Cũng bằng việc cung cấp một khung pháp lý xác đáng về “quyền có nước” cho người dân, chính quyền sẽ chứng tỏ rõ ràng hơn cam kết của mình trong việc bảo đảm quyền sống căn bản của con người và nâng cao phúc lợi xã hội. Ngoài ra, nó sẽ tạo ra nền tảng pháp luật để buộc các cá nhân trong xã hội bảo vệ nguồn nước như là một nghĩa vụ công dân.

Năm 2015 là mốc mục tiêu về cấp nước sạch cho sinh hoạt ở Việt Nam. Đối với khoảng 20 triệu người sống ở khu vực nội thị, tỉ lệ được cấp nước sạch đặt ra là 100%. Những người hiện đang “chạy nạn” nước ở Hà Nội nằm trong số này. Đối với hơn 60 triệu người đang sống ở khu vực nông thôn, “Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015” đặt mục tiêu 85% sẽ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Con số 85% đi cùng với chất lượng nước “hợp vệ sinh”, tức là chưa đạt quy chuẩn (QCVN 02-BYT), chỉ ở mức “chấp nhận được” về cảm quan. Ngoài ra, con số 45% cũng mới chỉ thể hiện tham vọng, chẳng hạn như đến giữa năm nay thủ đô Hà Nội mới chỉ thực hiện được hơn 30%.

Khi nước “vào” hiến pháp

Trong bối cảnh khan hiếm nước ngọt ở nhiều vùng trên thế giới, khủng hoảng về thiếu nước được nhận diện là một khủng hoảng về quản trị, chứ không thể đơn thuần đổ lỗi do sự khan hiếm tài nguyên nước.

Nam Phi là một trong số khoảng 20 quốc gia có nguồn nước hạn chế nhất toàn cầu, cũng là nước tiên phong về việc công nhận “quyền có nước” của công dân như một quyền hiến định, ghi rõ trong hiến pháp nước này năm 1996.

Theo đó, luật và hệ thống pháp lý kèm theo quy định rõ: chính quyền trung ương và địa phương, chứ không phải thực thể nào khác, phải chịu trách nhiệm bảo đảm dịch vụ cấp nước cho người dân, ít nhất ở mức tối thiểu, đủ dùng cho sinh hoạt hằng ngày, ở mức giá có thể chấp nhận được.

Cơ sở pháp lý này cho phép người dân hay các tổ chức dân sự có thể khởi kiện chính quyền nếu họ không bảo đảm việc cung cấp mà không có lý do hợp lý. Điều này không nghiễm nhiên mang đến cho người dân Nam Phi dịch vụ cấp nước hoàn hảo. Đất nước này vẫn phải đối mặt với cuộc chiến thiếu nước trầm trọng do thiên nhiên quá khắc nghiệt.

Việt Nam tuy không phải quá giàu có về tài nguyên nước ngọt, nhưng đủ may mắn chưa phải đối mặt với sự khan hiếm phổ rộng. Xin mượn lời của nhà khoa học “cha đẻ” thuyết tiến hóa Charles Darwin: “Nếu bi kịch khốn cùng của chúng ta không phải do quy luật của thiên nhiên, mà là do chính hệ thống của mình thì tội lỗi của chúng ta thật lớn”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận