Sóng ở phía sông Bình Than

LỘC VỪNG 12/12/2015 21:12 GMT+7

TTCT - Đêm cuối tháng 10 âm lịch này khi lửa rực lên hàng trăm mét vàng mã, không rõ sóng có nổi ở đáy sông Bình Than?

“Binh lính” và “thuyền chiến” trải khắp sông Bình Than -L.V.
“Binh lính” và “thuyền chiến” trải khắp sông Bình Than -L.V.

Một chiều cuối tháng 10 âm lịch, đến đền Kiếp Bạc (Hải Dương) mà tôi có cảm giác như bất chợt lạc chân vào “hội nghị Diên Hồng”: dù đã qua ngày giỗ Hưng Đạo Vương từ lâu nhưng các vị tướng lĩnh, thuyền binh, kiệu và nhà cửa, voi và ngựa tràn kín cả sân trước, sân sau đền.

Một vị “cò” xuất hiện, đeo bám mời vào nơi sắm sính lễ; một “cò” khác khuyên nên đi ra thầy tướng số, đoán trúng trăm phần trăm số cô ngày mai ra sao? Một “cò” khác lại khuyên nên cúng sao giải hạn. Lý do: “Hôm nay vua quan tề tựu, linh ứng liền.

Tiền cúng tùy tâm, ba ban đặt ba lễ, giá 300.000 đồng, tiền sớ chữ nho, dâng các ngài hết cả thảy 500.000 đồng chứ mấy, chỉ bằng một bữa quý cô ra ăn hàng hiệu”!

Có lễ ắt có hội. Người dân bản địa hóng tin nơi cửa sông Lục Đầu Giang này nhanh như tên bắn: nghe nói một chủ nhân vừa lên chức sẽ đến lễ tạ vua và quần thần hôm nay.

Đêm nay cả vệt sông Bình Than này rực lửa “hội nghị Diên Hồng” toàn bằng vàng mã, bởi vì hơn 1.000 ngựa voi, cọc Bạch Đằng, tướng lĩnh sẽ được hóa ở bến sông Bình Than này.

Có thần dân ước số vàng mã này khoảng vài trăm triệu, lại có kẻ cò mồi, cong môi tính toán vài trăm triệu đồng nhân với ba lần như thế. Dân buôn bán tính nhẩm rất nhanh.

Dù tiêu tốn ngót nghét hàng trăm triệu đồng tiền công cho người làm vàng mã, cho dâng cỗ mặn, cỗ chay, tốn kém lắm, “dưng” mà họ có tiền.

Vâng! Họ có tiền. Ít ra là vị quan vừa được thăng chức ấy rất biết đền đáp bậc tiền nhân, khiến dân Kiếp Bạc, huyện Chí Linh có dịp kéo nhau đi xem người lên chức chiêm bái Hưng Đạo Vương.

Phía trong ngôi đền, hoa phong lan ngát hương, đèn thắp sáng lóa. Rồi phía sân sau đền cũng xếp ngựa đứng chờ. Những chiếc xe kéo và thuyền.

Thương hiệu vàng mã chưa bao giờ lên ngôi như ở đền Kiếp Bạc hôm nay. Phải nói rằng thời nay con người rất sáng tạo: họ dâng cho Trần Hưng Đạo cả ôtô Mercedes, BMW, điện thoại G6, tivi màn hình phẳng... Thời sản phẩm công nghệ có gì thì vua và quan dưới âm ti đều có. Ôtô để bên cạnh cả cọc Bạch Đằng giang.

Sân sau đền Kiếp Bạc -L.V.
Sân sau đền Kiếp Bạc -L.V.

Sức sáng tạo thật tuyệt vời khi người trên dương gian nghĩ ra và có thể bắt người xưa dùng; có bà cụ ăn trầu đã 85 tuổi kêu ở đây đất linh thiêng đến xin “các vị cho tôi sức khỏe và đủ ăn là được rồi”, bà chép miệng bảo: “Cứ kiểu đốt vàng mã hào hiệp thế này thì dưới âm phủ, đường cho ngựa và ôtô đi cùng dễ tắc, xảy ra tai nạn lắm".

Bên cửa đền, dịch vụ ăn theo ngài Hưng Đạo Vương quá nhiều. Từ việc viết sớ chữ nho 10.000 đồng, chữ tiếng Việt 5.000 đồng đến bói tay, sắm lễ, kêu cầu hộ giá 50.000 đồng/lần (kêu cầu thì chao ơi nào là lắm tiền nhiều của, chồng không bồ bịch, con không nghiện hút... và vái như bổ củi).

Còn dịch vụ sắm lễ chay, lễ mặn ngọt cũng với giá “chặt chém”. 70.000 đồng với đinh tiền lễ tạ, một phẩm oản, gói bánh gia công, chai rượu tí hon cũng gia công. Hưng Đạo Vương có linh, xin người phải phạt nặng những kẻ ăn theo này mới phải, những kẻ làm nhếch nhác rác ở chốn linh thiêng.

Tôi đã đến vùng Gio Linh, Quảng Trị, đền chùa ở đó tuyệt nhiên không bán quán hương hoa, vàng mã. Mà con người đến với Phật tự tâm. Đền chùa sạch sẽ và chay tịnh mang đến cho ta một cảm giác thanh thản lắm. Cũng là dân Việt cả mà sao cách ứng xử với thần thánh, phật pháp khác nhau đến thế ở mỗi nơi, mỗi tỉnh...

Đêm cuối tháng 10 âm lịch này khi lửa rực lên hàng trăm mét vàng mã, không rõ sóng có nổi ở đáy sông Bình Than?

Đêm đó tôi không sao chợp mắt vì nhớ những cái thìa sắt chụm lại bên bát mèn mén không có gì, đồng bào ta ở núi cao hay đồng bằng vẫn còn khổ lắm kia!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận