“Thiên đường du lịch” có còn đó?

XUÂN TÙNG 26/03/2022 17:10 GMT+7

TTCT - Giữa lúc các quốc gia Đông Nam Á và châu Đại Dương đang dỡ dần những hàng rào nhập cảnh cuối cùng với khách du lịch, cơ hội trở lại với những kỳ nghỉ miền nhiệt đới đang ở gần du khách phương Tây hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với cả du khách lẫn người làm du lịch, khôi phục lại cảnh sôi động ở những “thiên đường nhiệt đới” từng có trước thời COVID vẫn còn rất xa.

 
 Khách du lịch trên bãi biển Canggu (Bali, Indonesia) ngày 12-3-2022. Ảnh: Getty Images

Sau hai năm chôn chân ở nhà, cặp vợ chồng người Anh Brian Lamberty và Paola Laird hạ quyết tâm trở lại đảo Phuket - địa điểm nghỉ mát nổi tiếng của Thái Lan, nơi ông bà đã ghé thăm tổng cộng 16 lần trước dịch - vào tháng 2 vừa rồi, ngay khi các quy định cách ly dài ngày với du khách nước ngoài được gỡ bỏ.

Nhưng lần này, đó là một hành trình có nhiều điểm rất khác: Những chuyến bay đắt đỏ và tốn thời gian hơn, bãi biển từng một thời nô nức nay vắng lặng hơn, các địa điểm xét nghiệm COVID-19 mọc lên thế chỗ những nhà hàng thân quen của họ. Không còn những buổi đêm náo nhiệt bên bờ biển, họ chọn cách đi thăm bạn bè và dành nhiều thời gian ở khách sạn quen bên bờ biển Andaman. “Chúng tôi chỉ nhớ mang máng những gì nơi đây từng có, nhưng lúc này thì ai trong chúng ta cũng phải thỏa hiệp. Được ở đây đã là điều quý giá, bạn cần lòng can đảm và quyết tâm đi” - Laird nói với tờ The New York Times.

Từng bước hồi sinh

Ngày này hai năm về trước, không ai tưởng tượng một chuyến đi tới Đông Nam Á lại khó khăn đến vậy. Vào thời điểm trước dịch, khu vực này chứng tỏ sức hút lớn với du khách quốc tế với lượng khách đạt mức kỷ lục 139 triệu vào năm 2019, tăng 8% so với năm 2018, theo số liệu của Tổ chức Du Lịch thế giới.

Cú sốc COVID-19 khiến những bãi biển Hội An, Đà Nẵng, phố phường Luala Lumpur, hay đường phố Phuket từng một thời nhộn nhịp bỗng tiêu điều khi vắng bóng khách Tây. Rồi thì cũng đến lúc hồi sinh. Sau giai đoạn chật vật xoay xở với sự lây lan của chủng virus Delta và tốc độ phủ vắc xin chậm hơn kỳ vọng, các quốc gia Đông Nam Á đang dần lấy lại thăng bằng trên bình diện kiểm soát dịch. Cuộc chạy đua mở cửa du lịch, vốn đã nhen nhóm từ hè 2021, bắt đầu sôi động trở lại với các quyết định nới lỏng của các quốc gia.

Việt Nam vừa quyết định mở cửa đón du khách quốc tế, khôi phục chính sách miễn visa cho công dân một số nước. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 15-3, người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi xuất cảnh, khi nhập cảnh chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly. Philippines đã công bố miễn cách ly cho người nhập cảnh từ ngày 10-2. Một số hãng hàng không đang rục rịch vận hành lại đường bay quốc tế, giúp nối lại con đường tới với Đông Nam Á cho du khách tại các thị trường tiềm năng.

Thái Lan, cùng với Campuchia, là những nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiến hành phương án mở cửa cho du khách nước ngoài vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình lây lan mất kiểm soát của dịch Omicron đã buộc chương trình “Test & Go” - cho phép du khách tiêm đủ liều đi lại thoải mái sau khi xét nghiệm âm tính trong 24 giờ đầu nhập cảnh - của Chính phủ Thái Lan phải hoãn lại đến ngày 1-2 năm nay.

Thủ tục rườm rà

Du khách đã trở lại, song phần lớn doanh nghiệp du lịch trong khu vực đều không trông đợi một sự chuyển mình thần kỳ giúp ngành công nghiệp trở về mức trước đại dịch chỉ sau một đêm. Mọi thứ “sẽ cần ít nhất hai năm” - Lê Tuấn Kiệt, quản lý chuỗi du thuyền Đông Dương tại vịnh Hạ Long, nói với The New York Times. 

Thông tin mở cửa của các quốc gia Đông Nam Á nhận được phản hồi dè chừng của nhiều du khách. Họ nhanh chóng nhận được bài học từ một số người đi tiên phong, như Laird và Lamberty, khi thủ tục rườm rà trở thành cản trở lớn nhất trong suốt chuyến hành trình trở lại miền nhiệt đới.

Trước chuyến đi, bà Laird phải đã dành hơn ba tiếng để đăng tải các giấy tờ cần thiết, gồm giấy chứng nhận tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính, đặt phòng khách sạn, cũng như giấy chứng nhận bảo hiểm, để được cấp Thailand Pass - hệ thống thẻ thông hành cần có cho khách du lịch quốc đến Thái Lan. “Đây là một vấn đề lớn với những người không rành máy tính như tôi”, bà Laird chia sẻ.

Cũng do giấy tờ nhiêu khê, phóng viên người Úc Lucas Baird gặp không ít rắc rối trên chuyến bay đến Bali (Indonesia) của anh đầu tháng này. Hòn đảo du lịch này vừa công bố bỏ hoàn toàn yêu cầu cách ly cho khách đủ điều kiện (thay vì phải cách ly 3 - 7 ngày sau nhập cảnh như trước đó) hồi đầu tháng 3. Baird thuật lại trải nghiệm của mình trên tờ Australia Financial Review: Một hàng dài hành khách ùn ứ trước quầy check-in tại sân bay Melbourne do chưa cài đặt app kiểm soát Bali Covid, hoặc chưa điền sẵn bản tờ khai. “Nhân viên tại quầy ngày hôm đó cho tôi biết anh ấy đã xử lý thủ tục cho 5 người, nhưng không một ai có thể đi qua một cách dễ dàng do quên một bước nào đó” - anh kể.

Baird là người thứ 6. Dù đã chuẩn bị đủ cả hai, Baird vẫn bị tắc lại ở các bước kế tiếp: Chứng minh hộ chiếu vắc xin quốc tế, thông tin đặt phòng tại Bali, cũng như chứng nhận mua bảo hiểm COVID-19.

Cước di chuyển tăng cũng là một trở ngại không nhỏ khác: Vé máy bay hai chiều từ Mỹ đến Đông Nam Á và ngược lại đã tăng gần 30%, lên mức trung bình 1.150 USD/chuyến do số chuyến bay thương mại còn hạn chế, theo khảo sát của trang đặt vé Hopper.

Và đi cùng với đó là sự cạnh tranh từ các nước lân cận, trong đó có khu vực châu Đại Dương. Sau 18 tháng duy trì các quy định “cấm biên” hà khắc, Úc đã mở cửa hoàn toàn cho du khách có chứng nhận miễn dịch vào cuối tháng 2 năm nay. Đảo quốc Fiji xinh đẹp, với 38% GDP phụ thuộc vào ngành du lịch, đã sốt sắng chuẩn bị các cơ chế an toàn với thủ tục ít rườm rà hơn để đón khách du lịch trở lại vào đầu tháng 12 năm vừa rồi.

So với các quốc gia Đông Nam Á, vốn có tiếng thích “lật” quy định bất ngờ khiến khách nước ngoài rơi vào thế bị động ngay giữa kỳ nghỉ, Fiji có được lợi thế rõ ràng. “Những quy chế mang nặng tính thủ tục trước chuyến bay [đến Indonesia] không khỏi làm tôi suy nghĩ về số du khách đã bỏ qua bãi biển Bali để tìm đến trải nghiệm thoải mái, ít quan liêu kiểu Fiji” - Lucas Baird trăn trở.

Tự cứu lấy mình

Đứng trước tình hình tranh tối tranh sáng như hiện nay, các đơn vị làm du lịch còn sống sót đã quen với việc tự lo lấy thân mình. Một ví dụ cụ thể là doanh nghiệp Đông Dương tại Hạ Long: Từng chạy 16 du thuyền hạng sang nhắm đến khách quốc tế, Đông Dương nay chỉ giữ hai chiếc hoạt động với công suất hạn chế, đồng thời thiết kế lại tour trải nghiệm để phù hợp với tập khách nội địa. Thay cho các trải nghiệm 5 sao như spa và bạn nhạc sống, Đông Dương đã trang bị các dịch vụ “bình dân” như dàn karaoke, đồng thời đưa ra mức giá dễ chịu hơn cho khách trong nước.

Sớm đón du khách quốc tế trở lại rõ ràng là nhu cầu vô cùng cấp bách, song việc chạy lại cả một ngành công nghiệp, bao gồm nhà hàng, khách sạn và công ty lữ hành sau hai năm ngủ đông cũng sẽ mất nhiều thời gian, theo Adam Platt-Hepworth, giám đốc Công ty tour xe đạp Grasshopper Adventures chuyên hoạt động tại châu Á. “Tôi nghĩ du lịch châu Á vẫn sẽ hết sức khó khăn trong vòng 12 tháng tới” - The New York Times dẫn lại lời Adam.

Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán “thay đổi hay là chết”. Một số, trong đó có Grasshopper, tìm vào các thị trường ngách và tận dụng sức mạnh công nghệ để tiếp tục tồn tại. Chỉ với đội ngũ 7 người, doanh nghiệp của Adam đã xây dựng hệ thống dẫn tour từ xa, với một app điện thoại thu thập gợi ý nhà hàng khách sạn, podcast giới thiệu hành trình ngày tiếp theo, cũng như tin nhắn tư vấn trực tiếp.

Trên thực tế, hầu hết các xu hướng như tour tự dẫn đã xuất hiện từ trước đại dịch - cú chao đảo mang tên COVID-19 chỉ giúp các giải pháp này nổi lên nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn không còn như xưa của thị trường du lịch. Du khách quốc tế, với mức chịu chi nhất định sau hai năm “đói” trải nghiệm - đang tìm đường trở lại Đông Nam Á với khẩu vị khác xưa. Liệu họ có được thỏa mãn hay không còn tùy thuộc vào độ nhạy và khả năng tùy biến theo thời cuộc của ngành du lịch các nước trong khu vực.

Bóng đen phủ dài hai năm ròng của đại dịch cũng đã khiến phần lớn lao động trong ngành du lịch phải tìm con đường khác kiếm sống. Grasshopper Adventures từ một đội ngũ 140 người sau đại dịch chỉ còn 7; Đông Dương cũng chỉ giữ một số ít trong hàng ngũ 250 người để hoạt động cầm chừng. Tại Philippines, tổng số giờ làm việc trong toàn ngành du lịch đã giảm 30% trong năm vừa qua, theo Tổ chức Lao động quốc tế. Dù vậy, sự phục hồi trong vài tháng trở lại đây của ngành du lịch cũng khiến cho thị trường lao động náo nhiệt trở lại: Kết quả khảo sát của nền tảng tuyển dụng JobsGo cho thấy hầu hết người lao động trong ngành du lịch tại Việt Nam đang cân nhắc quay trở lại làm việc (91,3%), trong đó có 74,8% cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận