Tinh thần Olympic trong toàn cầu hóa

HẢI MINH 17/08/2016 05:08 GMT+7

TTCT- Thành tích Olympic phải là thành tựu của mỗi cá nhân, rồi sau đó là của cả loài người, trước khi là của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa.

Đoàn Tonga có người cầm cờ ấn tượng nhất trong lễ diễu hành khai mạc: Pita Nikolas Taufatofua -wsj.net
Đoàn Tonga có người cầm cờ ấn tượng nhất trong lễ diễu hành khai mạc: Pita Nikolas Taufatofua -wsj.net

Mỗi cá nhân là một biểu tượng

Ngày nay, các giải bóng đá lớn (World Cup hay Euro), đua xe F1... thường là những sự kiện thể thao được chú ý nhất, nhưng mỗi kỳ Olympic tới, tinh thần lại thay đổi hoàn toàn.

Ở mỗi kỳ Thế vận hội mùa hè, con người mới lại được trở về với đúng tinh thần thể thao nguyên thủy của họ, thể hiện trong câu khẩu hiệu “Citius, Altius, Fortius” - “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.

Cũng chính tinh thần đó mà tại Olympic, các nội dung “trên đường chạy và ngoài sân bãi” (track and field, mà chúng ta vẫn gọi là điền kinh), hay bơi tốc độ, luôn là số 1, ngay cả khi ngoài Thế vận hội, chúng không còn sức hút với khán giả lẫn các nhà tài trợ như những môn đông người theo dõi khác.

Không như những môn thể thao đối kháng (bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt...), khi có kẻ thắng ắt có người phải bại và như thế là nơi hình thành nên những mối kình địch, để gửi gắm tinh thần dân tộc, các môn điền kinh và bơi lội chỉ đơn giản là sự vượt qua chính mình của từng VĐV, rồi sau đó là thành tựu chung của con người.

Khát khao rút ngắn vài phần trăm giây của Usain Bolt trên đường chạy 100m , không chỉ là của đất nước Jamaica. Theo dõi những sải bước thần tốc của anh, có thể mọi người hâm mộ trên thế giới đều mong Bolt phá những kỷ lục thế giới nữa, dù chỉ tính bằng phần trăm giây.

Và không cần phải là Usain Bolt hay Michael Phelps làm nên kỳ tích.

Với mỗi VĐV trên những đường chạy, những bãi nhảy xa, nhảy cao, trong những hồ bơi và cả trường bắn, ra về có huy chương ở Olympic hay không đôi khi không quan trọng bằng việc họ có làm tốt hơn những gì mình đã làm được trước kia không (VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên của VN chẳng hạn, chỉ về thứ 9 ở vòng loại cuối cùng của nội dung 400m hỗn hợp nữ, nhưng đã làm tốt hơn so với khi cô giành HCB ở Giải vô địch bơi lội thế giới năm 2015 tại Nga - 4:36,85 so với 4:40,79).

Tính cá nhân cao độ đó của từng người khiến cho niềm tự hào về họ, nếu có, khác hẳn với sự tự hào chung chung cho những nội dung như bóng đá hay bóng chuyền.

Những VĐV trung lập

Trước khi Olympic Rio 2016 bắt đầu, vụ bê bối doping dẫn tới quyết định cấm toàn bộ các VĐV điền kinh Nga tranh giải từ Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF). Nhưng vẫn có hai người Nga sẽ tranh tài ở Rio với tư cách VĐV trung lập: Yuliya Stepanova (chạy cự ly dài), Darya Klishina (nhảy cao).

Ở phương Tây, Stepanova và Klishina là những VĐV đã dám lên tiếng tố cáo điền kinh Nga với chương trình doping quy mô và được nhà nước bảo trợ; nhưng ở Nga, họ là những kẻ phản bội . Nhưng chính bởi thế, họ trở thành những người tranh tài độc lập, đúng với tinh thần Olympic nguyên thủy.

Không chỉ có họ sẽ thi đấu dưới lá cờ Olympic, các VĐV của đoàn Kuwait, đang bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) treo giò, và một nhóm VĐV của đội Olypmic Những người tị nạn cũng tranh tài ở Rio lần này (với 10 VĐV, 5 người Nam Sudan, 2 người Syria, 2 người CHDC Congo và 1 người Ethiophia, bao gồm cô gái nổi tiếng đã bơi suốt 3km ở Địa Trung Hải để cứu mạng 20 người Yusra Mardini).

Trước đó, ở các kỳ Olympic đã có đoàn VĐV của các quốc gia mới thành lập, hay bị cấm vận không kịp đăng ký với IOC và thi đấu dưới màu cờ Thế vận hội: Macedonia, Nam Tư ở Olympic Barcelona 1992, hay Đông Timor ở Sydney 2000.

Các ranh giới chính trị còn bị xóa nhòa bởi truyền thông đại chúng và mạng xã hội: trong lễ khai mạc, chủ đề được bàn tán nhiều nhất không phải là mối kình địch Nga - Trung, Nga - Mỹ mà là đoàn nào có VĐV cầm cờ ấn tượng nhất.

Giải nhất không chính thức thuộc về Pita Nikolas Taufatofua, võ sĩ taekwondo với cơ thể đẹp như một vị thần, chỉ đóng chiếc khố truyền thống ta’ovala đại diện cho đảo quốc Tonga hơn 100.000 dân chơi vơi giữa Thái Bình Dương.

Bức ảnh khác cũng nhanh chóng gây sốt chụp chung giữa hai VĐV thể dục dụng cụ của CHDCND Triều Tiên là Hong Un Jong và Hàn Quốc là Lee Eun Ju. Cả hai đều xinh đẹp, cười rạng rỡ, bất chấp những quả tên lửa vẫn được bắn đi vu vơ trên bán đảo Triều Tiên ngay thời gian diễn ra Olympic.

Trong một dấu hiệu khác của tinh thần Thế vận hội, kình ngư huyền thoại người Mỹ Michael Phelps đã thi đấu cực kỳ ấn tượng ở nội dung đồng đội 4x100m, giành HCV thứ 19 trong sự nghiệp của anh, với cơ thể chằng chịt các vết giác hơi, một biện pháp trị liệu có nguồn gốc Trung Quốc mới chỉ du nhập vào giới VĐV đỉnh cao ở Mỹ gần đây.

Trong khi đó, đội bơi Trung Quốc, đã không lọt được vào lượt thi chung kết, thì không ai dùng biện pháp này!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận