Tính thế nào để người dùng… dễ thở

TTCT - Trên thế giới, hiện nay có hai cách tính giá điện. Một là bậc thang lũy tiến. Hai là theo một giá. Cách tính theo một giá chỉ khi thị trường điện đã có sự cạnh tranh thật sự, như vậy giá sẽ do thị trường quyết định.

Còn ở VN, trong bối cảnh ngành điện vẫn độc quyền, Nhà nước vẫn quản lý giá điện, chọn cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến là phù hợp. Vì điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống của người dân nên cách tính giá làm sao để đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn vẫn có điện để sử dụng. Mặt khác, điện là mặt hàng được sản xuất từ tài nguyên không tái tạo được nên cách tính giá cũng phải đảm bảo người tiêu dùng tiết kiệm điện chứ không thể lãng phí.

Để đảm bảo mục tiêu trên, điều quan trọng cần bàn là thang tính giá điện gồm mấy bậc, khoảng cách giữa các bậc như thế nào và giá điện mỗi bậc so với giá điện bình quân là bao nhiêu? Việc chia ra các bậc thang và mức giá tương ứng mỗi bậc phải đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu của giá điện bậc đó nhân với sản lượng tiêu thụ tương ứng không được cao hơn mức giá điện bình quân nhân với tổng sản lượng điện.

Theo tôi, thang điện nên gồm năm bậc thay vì sáu bậc hiện nay. Khoảng cách giữa các bậc nên giãn ra 150kWh thay vì chỉ 100kWh. Cụ thể, bậc 1 từ 0-100kWh với mức giá điện thấp hơn mức giá điện bình quân. Ở bậc 1 đảm bảo không ảnh hưởng đến người nghèo, cận nghèo nói chung là những hộ khó khăn, thu nhập thấp...

Bậc 2 từ kWh thứ 101 đến 150kWh. Giá điện ở bậc này bằng hoặc nếu cao cũng chỉ nên nhỉnh hơn một chút so với giá điện bình quân. Mức giá ở bậc này không tác động lớn đến người dùng mỗi khi có sử dụng điện tăng lên một chút.

Bậc 3 từ kWh thứ 151 đến 300; bậc 4 từ kWh thứ 301 đến 450, bậc 5 từ kWh thứ 451 trở lên. Bậc càng cao thì mức giá càng tăng vì theo cách tính lũy tiến. Thông thường, những hộ sử dụng trên 300 số điện mỗi tháng là những hộ có khả năng chi tiêu cao hơn. Chẳng hạn những hộ ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, Đà Nẵng... dùng nhiều điện cho các sinh hoạt gia đình.

Về vấn đề giá điện ở mỗi bậc, EVN nên xem xét mức giá điện ở mỗi bậc so với giá điện bình quân như thế nào để người sử dụng còn thở được. Cách tính giá phải đảm bảo nguyên tắc tổng doanh thu từ cách tính theo bậc thang lũy tiến không được cao hơn giá điện bình quân nhân với tổng sản lượng điện. Như hiện nay, giá điện bậc 6 - bậc cuối cùng - là 2.587 đồng/kWh, tăng 48% so với giá điện bình quân là quá lớn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận