Tranh thờ Ghent

ALEKSEI VARLAMOV 03/03/2017 02:03 GMT+7

TTCT -.... Nhưng giáo sư chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến tiền - ông uống mà không thể say và làm dịu được nỗi buồn cho cuộc đời què cụt của mình. Lara đã thay thế tất cả những gì trước đây ông thiếu....

Tranh thờ
Tranh thờ


Được sự cho phép của Aleksei Varlamov - nhà văn đương đại nổi tiếng Nga, hiệu trưởng Trường viết văn Gorki, TTCT giới thiệu một truyện ngắn của ông trích từ tuyển tập Tất cả mọi người đều biết bơi (NXB ACT, 2011).

Mikhail Petrovich Pozdorovkin, giáo sư lịch sử Nga cổ và Trung cổ học so sánh của Đại học Tổng hợp Leningrad, đi công tác nước ngoài lần đầu đúng vào đầu thời kỳ bất ổn. Cho đến lúc đó, không chỉ vì thiếu tin cậy chính trị mà còn do tính ngang ngạnh và quan hệ xấu với cấp trên, ông bị cấm xuất ngoại.

Sau phát biểu nổi tiếng của Goorbachev ở Reikyavik, Mikhail Petrovich được tha, nhưng viên chức phụ trách giấy tờ của trường đại học có một tiên kiến kỳ lạ là chuyến đi đó sẽ chẳng kết thúc tốt đẹp, bởi châu Âu văn minh chẳng có việc gì cho những kẻ hoang dã như Pozdorovkin cả.

Một người trí thức ở dưới bất cứ chính quyền nào cũng là trí thức, biết tìm ra tiếng nói chung với mọi người và không rơi vào chuyện ương dở; nhưng kẻ lỗ mãng...

Tuy vậy, đầu tiên mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp. Ở Brussels, Mikhail Petrovich rất thành công. Ông giảng cho sinh viên về lịch sử văn hóa Nga và tổ chức các hội thảo, hướng dẫn một số nghiên cứu sinh và tư vấn cho các đồng nghiệp - những nhà Slavơ học, nhưng dẫu sao lý do chính mà người ta gọi ông tới đây vẫn là các giờ đàm thoại.

Aleksei Varlamov -pravoslavie.ru
Aleksei Varlamov -pravoslavie.ru

Aleksei Varlamov - nhà văn đương đại nổi tiếng Nga, hiệu trưởng Trường viết văn Gorki từ tháng 4-2016 - từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá (giải thưởng cho truyện ngắn nước ngoài hay nhất của Câu lạc bộ văn học Leipzig “Lege Artis” năm 1995; giải thưởng quốc tế “Nhà văn thế kỷ 21” năm 2005; giải thưởng Anti-Booker (Nga); giải thưởng Solzhenhitsyn, giải thưởng văn học nhà nước Nga “Sách lớn” (2007); giải thưởng văn học của giáo trưởng Nga (2013)...). 

Các giờ học này có thể được bất cứ giáo viên nào không cần học hàm, thậm chí sinh viên, đứng lớp cũng được, nhưng rõ ràng ban quản trị trường cũng hởi lòng hởi dạ khi nó được một nhà khoa học tên tuổi, tác giả vài quyển sách về Trung cổ học so sánh, phụ trách.

Giáo sư cũng nhận ra điều này và tức giận, nhưng thư viện rộng lớn, căn hộ tiện nghi, lương cao, khả năng ngắm nhìn thế giới và cuối cùng là những tin tức mơ hồ ở đất nước đã dàn hòa ông với việc hạ thấp vị thế, điều chỉnh nỗi bất mãn thành sự tự mai mỉa và đùa cợt về chuyên môn mới của mình bằng cái tên man rợ “tiếng Nga như tiếng nước ngoài”.

Thêm vào đó, Pozdorovkin không phải nhọc công lắm với các giờ học. Khác với hồi ở Leningrad, nơi sinh viên đã gọi ông sau lưng là dã thú, ở Brussels, Mikhail Petrovich dễ dãi, không giày vò ai tại các hội thảo bằng những câu hỏi bất nhã hay làm họ mệt lử vì các chi tiết trong đời sống các vị thánh Nga, các tu sĩ, những nhà biên niên sử và những học giả, mà chỉ giới hạn bằng những thông tin chung nhất và tử tế gật đầu khi người ta nói với ông rằng Pashkin (một trong những nhà nữ Slavơ học trẻ đã gọi Pushkin như thế) bị giết trong cuộc đấu súng với Lermontov.

Những cô cậu cử ở đây với ông là những tạo vật trẻ con, mà do nhầm lẫn người ta nhận vào đại học chẳng cần thi cử gì, nên hỏi họ điều gì đó nghiêm túc đơn giản là vô nghĩa.

Giáo sư cùng những người Bỉ trẻ nghiên cứu “Cô tiểu thư - nông dân”, “Taman”, “Tu sĩ vận đồ đen” và trước yêu cầu của họ muốn làm quen với văn học hiện đại hơn, ông bảo không có khái niệm gì vì theo nhận định của ông, văn học Nga chấm dứt ở Chekhov, còn thì bắt đầu suy đồi từ Bunin cùng Nabokov.

Dẫu sao, mặc cho sự bảo thủ quá quắt, sinh viên vẫn rất khoái chí với Mikhail Petrovich, họ mời ông tới các tiệc tùng của mình và ông chẳng bao giờ từ chối, tới dự, trịch thượng quan sát cách họ chơi bời và gia ơn cho họ tiếp đón ông.

Dần dần dòng chảy êm ả của cuộc sống ở đây bằng cách kỳ lạ đã tác động đến nhà giáo đầy ấn tượng. Phải chăng do không khí gàn dở của châu Âu hay do tuổi tác mà một câu tục ngữ nổi tiếng đã chứng minh là đúng về tóc bạc và yêu quái, nhưng vị giáo sư càng sống ở đây lâu, ông càng tiếc cuộc đời đã sống dưới bức màn sắt.

Sự tiếc nuối của ông chẳng liên quan đến những hạn chế chính trị hay văn hóa vốn trên thực tế chẳng chút ảnh hưởng gì tới ông, mà hoàn toàn vì những thứ khác.

Mikhail Petrovich nhớ lại tuổi trẻ, nền giáo dục nghiêm khắc, sự ngượng ngùng và nỗi khổ sở nhục thể tuổi thanh niên. Ông nhớ những giờ mệt lử trong thư viện đại học khi hùng hục trên sách vở, và ngồi cạnh là cô bạn cùng khóa người Vologda trong chiếc áo thun bó sát, nhưng cậu sinh viên được học bổng Stalin ngay cả tơ tưởng đến những ham muốn tự nhiên này cũng chẳng dám.

Chuyện đó đã lâu rồi, giáo sư đã cưới vợ, sinh hai con gái, thành lập quanh mình đường hướng khoa học và, có lẽ, có thể xem là một cuộc đời thành công và hạnh phúc, nhưng chính bây giờ ông mới cảm nhận rõ rệt rằng đánh mất tuổi thanh xuân là một phạm trù không sao bù đắp được và không thành tựu cuộc đời tiếp theo nào có thể đền bồi.

Những suy nghĩ này chẳng tốt đẹp và xảo quyệt, giáo sư gạt phăng chúng đi, nhưng dù sao chung quanh vẫn là mới lạ, không vợ, không con, không học trò, và ông cảm thấy mình không phải là người cha của gia đình, không phải một giáo sư đáng kính, mà là một người đứng tuổi xem các kiểu kích dục, một tay sành sỏi về cái đẹp nữ giới, thường nhìn trộm các nữ sinh viên bằng con mắt chẳng ra nhà giáo.

Công bằng mà nói, rất thường gặp ở Bỉ các cô gái đẹp. Trong khi Mikhail Petrovich có một thị hiếu tuyệt vời, cho dù là nghệ thuật, thức ăn hay nhan sắc phụ nữ, nhưng các cô gái Flanders và Walloon lại chẳng khác nhau, họ đơn điệu, giống nhau, giữ kẻ, thạo việc và khô khan.

Nhưng trong lớp của ông có một gương mặt đặc biệt. Đó là một cô gái khá cao, tóc sáng với đôi mắt đen gợi cảm, khiến ông lập tức chú ý vừa do vẻ ngoài ấn tượng, vừa do cái tên của Pasternak - Lara. Cô là dân Czech mới tới Bỉ không lâu.

Lara có đoán ra sự chú ý của ông hay không, Mikhail Petrovich không biết. Nhưng dẫu sao ông cũng rất tỉnh táo, không tơ tưởng gì về việc tán tỉnh cô sinh viên và không cách nào để lộ thiện cảm của mình, nhưng đôi khi ông có cảm tưởng Lara cười kỳ lạ sao đó khi vào giờ đàm thoại trong thứ tự các câu hỏi hằng ngày đặt cho sinh viên về việc, thí dụ, họ sử dụng ngày nghỉ ra sao, ông đã hỏi cô.

Và trước nụ cười phụ nữ này, nhà Trung cổ học đáng thương lúng túng và đỏ mặt. Ở Lara còn một điều lạ nữa.

Là về tất cả các sinh viên Pozdorovkin đều biết họ đang sống ở đâu, với ai, kiếm sống bằng cách nào và thích làm gì, chỉ mỗi mình cô lảng tránh câu trả lời, mặc dù sống ở Bỉ mà không có cha mẹ, hẳn cô phải cần tiền nhiều hơn người khác.

Đôi mắt sâu đen lấp lánh bí ẩn, đôi môi gợi cảm nở nụ cười thách thức hé ra, dù không mong muốn, để nói vài lời chẳng ý nghĩa gì bằng thứ tiếng Nga khá tốt, rồi lại im bặt.

Lara chính xác là đã giữ mình, và ông có cảm tưởng trong số phận họ có điểm gì đó tương đồng - cả hai đều là người lạ ở thế giới này và phải đóng một vai trò không thích hợp để biện hộ cho sự hiện diện của mình ở đây.

Vào giữa mùa đông ẩm ướt và mù sương của Bỉ, Pozdorovkin được mời giảng bài ở thành phố nhỏ của vùng Flanders, Ghent.

Tận tâm cống hiến cho người nghe những thành tựu mới nhất của Trung cổ học và nhờ đó nhận được khoản thù lao bằng một tháng lương của ông trong nước, giáo sư đi tham quan thành phố. Mục tiêu chính của chuyến tham quan là tranh thờ Ghent nổi tiếng ở nhà thờ lớn trung tâm thành phố.

Từ lâu, Pozdorovkin đã có một mối liên hệ riêng tư với kiệt tác này của chủ nghĩa sơ lược Flanders. Thuở nào hồi còn rất trẻ trong cái thư viện ngột ngạt đó, ông đã viết bài khóa luận đầu tiên về tranh thờ Ghent, hình dung trước mặt mình một phiên bản lờ mờ và không biểu cảm.

Giờ tận mắt thấy tranh thờ, nhìn vào gương mặt các vị thánh, những người rước lễ, màu sắc và chi tiết, ông bắt gặp ở chính mình cảm giác kỳ lạ của sự phi hiện thực, cái cảm giác xuất hiện khi ta chờ đợi điều gì rất lâu và cuối cùng nó đã đến.

Ông sợ rời đi và đánh mất ấn tượng từ những sắc màu rực rỡ, sự hỗn loạn của những gương mặt, hình hài làm mủi lòng của chiên con, cảm thấy biết ơn số phận khi đã đưa ông ở tuổi già đến nơi này, rồi cùng lúc lại không tránh khỏi nỗi oán giận sâu sắc khi mọi thứ diễn ra quá muộn, khi ông bị đánh cắp vào những năm trẻ trung quý giá nhất.

Với cảm xúc lẫn lộn này, giáo sư bước ra đường, bắt đầu lang thang dọc con kênh, thăm pháo đài cũ và nơi người ta thiêu các phù thủy, quán cà phê nhỏ nhất châu Âu và khách sạn đầu tiên vốn làm Ghent nổi tiếng (mặc dù trong lòng mình, giáo sư ngờ rằng những danh thắng thế này bất kỳ thành phố châu Âu nào cũng có thể khoe khoang, và đây chẳng là gì khác hơn biểu hiện tự hào của một dân tộc nhỏ).

Thậm chí ông còn hơi tiếc là mình đã sống ở Brussels. Mọi thứ ở đây với ông dường như dễ cảm hơn, dễ thích nghi hơn, bổ sung cái khuyết thiếu của thủ đô nước Bỉ và nói chung phần Walloon của đất nước hào hiệp và bình dị.

Cứ thế ông đi, đắm chìm trong những suy nghĩ của mình và, bị cuốn hút bởi cuộc dạo chơi, không nhận ra là đã đi khỏi trung tâm khá xa và đang ở trên một quảng trường trước một tòa nhà hiện đại, xây bằng kính.

Quanh ông, trên giày patin và ván trượt, những cậu bé lao tới, lượn ziczac, suýt đâm sầm vào ông. Giáo sư lơ đễnh nhìn quanh các phía và thấy bên hông tòa nhà kính có một con phố nhỏ cháy sáng những ngọn đèn lồng nhiều màu sắc.

Ông đi về hướng những chiếc đèn lồng này rồi rẽ vào một ngõ hẹp có nhiều tủ kính lớn. Chỉ là trong các tủ kính không trưng bày những món hàng hạ giá của mùa giảm giá tháng giêng sau Giáng sinh, mà là những phụ nữ ngực trần ngồi trên ghế.

Sau lưng họ thấy rõ những căn phòng nhỏ và sâu bên trong là những chiếc giường rộng. Những người đàn bà này cười với giáo sư, ra dấu mời gọi. Pozdorovkin hiểu là đã rơi vào đâu, muốn quay trở ra ngay, nhưng nhu cầu cố hữu của giáo sư muốn tìm hiểu mọi đối tượng đến tận cùng đã đẩy ông đi thêm chút nữa dọc những góc ấm cúng này.

Khu phố không lớn và trong giờ chưa tối này khá vắng. Những nữ cư dân của nó mặc những bộ đồ tắm đủ màu, khiến người ta liên tưởng tới các nữ nghệ sĩ xiếc hơn là gái mại dâm. Đa số là người da đen, nhưng cũng có người da trắng.

Một số cửa kính còn đóng, có thể những người phụ nữ chưa tới chỗ làm, cũng có thể ngược lại họ đang tiếp khách. Nhưng dẫu thế này hay thế khác thì chốn mua vui này không có vẻ kinh tởm, xấu xa hay nguy hiểm.

Đúng hơn, nó tạo ấn tượng như một tụ điểm văn hóa đặc biệt. Pozdorovkin nghĩ những gì diễn ra ở đây, với người Nga, vừa hợp lý lại vừa hoang dã. Bàn thờ Ghent và khu phố mại dâm, chỉ cách ông vài bước, chẳng cản trở gì nhau, chẳng chống đối nhau cũng chẳng phủ nhận nhau, mà cùng chung sống hòa bình.

Và mọi thứ trong thành phố này cũng đời thường và bình dị: một số đi mua sắm trong những cửa hiệu nhỏ đắt tiền hay trong những cửa hiệu lớn rẻ tiền, những người khác ngồi trong các quán cà phê hay quán rượu và uống bia, nhóm thứ ba đi nhà thờ, nhóm thứ tư đi chơi gái, bầu trời không sụp đổ và mặt đất chẳng nứt ra, như điều có thể xảy ra, hay nói đúng hơn, đã xảy ra ở đất nước ông khi nó được trao cho tự do.

Chuyện đó tốt hay xấu, ông chẳng kịp nghĩ, bởi bất ngờ ông thấy Lara sau một trong những cửa sổ lớn. Cô nhìn ông cũng cười cười và thách thức như trong giờ học - không một chút bối rối nào thoáng qua trên gương mặt đẹp. Khác với những cô gái da đen, Lara mặc chiếc quần tất màu đen và áo thun ôm sát, qua đó lộ rõ bầu ngực đầy.

Mikhail Petrovich đứng sững, và sau không nhận ra rằng đang hành động như trong thời tuổi trẻ bị đánh cắp, đẩy cửa bước vào phòng. Tấm mành nhẹ rơi xuống cửa sổ, chia cách vị giáo sư và cô sinh viên khỏi toàn bộ thế giới.

Một giờ sau khi Pozdorovkin bước ra đường, để lại cho Lara toàn bộ thù lao giảng bài của mình, thành phố nhỏ Flemish bơ phờ trong chạng vạng với những nhà thờ, tòa tháp, kênh đào và tranh thờ nổi tiếng với ông chỉ còn đơn giản như chi tiết trang trí cho căn buồng này ở khu phố hồng.

Hay đúng hơn, căn phòng này đã trở thành, dù nghe báng bổ thế nào đi nữa, đối với ông, giáo sư Pozdorovkin, như một tranh thờ Ghent mà ông sẵn sàng dâng toàn bộ cuộc đời mình.

Từ hôm đó, mỗi tuần ông đều đến với Lara. Cô gái người Czech rất nhanh chóng cảm nhận được quyền lực của mình với vị giáo sư và mỗi lần lại tăng giá phục vụ, buộc phải trả tiền cả những chai rượu sâmbanh đã mở nhưng chưa uống.

Cô là một tạo vật lạnh lùng, tính toán, kiếm tiền để sống, học cũng thành thạo và khô khan chẳng khác nào đi rửa bát ở nhà hàng bên cạnh. Chỉ vì ở đây cô được trả nhiều tiền hơn. Cô đối với vị giáo sư đúng ra hơi khó chịu hơn là dửng dưng, bởi ông quá cuồng nhiệt dù đã già, và bởi vì ông là người Nga.

Một lần khi ông bắt chuyện về việc cô bỏ nghề này, cô gái Czech đã kêu một cái giá khiến Pozdorovkin giật mình. Và cứ thế tiền trong tài khoản của ông ở ngân hàng tên tuổi “General” bắt đầu tan chóng mặt.

Nhưng giáo sư chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến tiền - ông uống mà không thể say và làm dịu được nỗi buồn cho cuộc đời què cụt của mình. Lara đã thay thế tất cả những gì trước đây ông thiếu.

Ở đấy, trong căn phòng nhỏ đã diễn ra cực điểm, mà để đến được đó ông đã đi suốt một tuần. Bây giờ ông đọc Bunin và Nabokov với sinh viên, hỏi họ về tình yêu nhục thể, họ bối rối không biết trả lời sao, còn vị giáo sư nhìn quanh bằng đôi mắt dại cuồng, quên rằng trước mặt ông là sinh viên nước ngoài, đang ra dấu và khó nhọc thốt ra từ, thảo luận Eros tiếng Nga nghĩa là gì.

Trong phút ấy ông rất đẹp và trẻ trung, sinh viên lắng nghe ông say mê nhưng không hiểu, chỉ dõi theo giai điệu trong lời nói của ông. Riêng một mình Lara im lặng thờ ơ. Nhưng chỉ sự hiện diện của cô là đủ cho giáo sư - ông không rời mắt khỏi bầu ngực cao của cô - cô gái Czech đã khích lệ ông.

- Chuyện gì thế, Lara? - có lần ông hỏi với giọng nghiêm khắc.

Cô khinh bỉ lặng im.

- Nếu em tiếp tục bỏ giờ hội thảo, tôi sẽ báo em kiếm tiền ở đâu - ông giận dữ nói thêm.

- Còn tôi sẽ nói làm sao anh biết được chuyện đó. Muốn tôi đến, anh phải trả tiền.

- Vì sao? - ông ngạc nhiên.

- Vì tôi đã quen không làm cái gì miễn phí.

Đến mùa xuân, Pozdorovkin bỏ căn hộ và chuyển vào sống trong một chung cư khiêm tốn với bếp ăn, buồng tắm và nhà vệ sinh chung. Điều đó chẳng xứng với tiền lương lẫn vị thế của ông, nhưng giáo sư giải thích gia đình ông ở Nga cần tiền, và lời giải thích được chấp nhận.

Nhưng cơn mất trí không trôi qua mà còn tăng thêm, và dần dần quan hệ của ông với Lara trở thành một nghi thức phức tạp.

Ông đến Ghent - việc đó luôn diễn ra vào thứ bảy - cũng trên một chuyến tàu đó và từ nhà ga đi bộ xuyên thành phố, qua bảo tàng tranh của Bosch, qua trường đại học cũ, qua nhà thờ lớn St. Peter, qua các đường phố thương mại, băng qua các kênh đào và quảng trường, bằng cách đó ông đến với khu phố hồng.

Càng tới gần, sự phấn khích của ông càng tăng, và ông chẳng còn thấy gì chung quanh - tất cả những gương mặt trộn lẫn vào nhau, những tòa nhà và quảng trường cũng biến mất; ông chỉ còn bị ám ảnh bởi niềm đam mê. Giáo sư ở chỗ Lara khoảng một tiếng hay tiếng rưỡi, sau đó trấn tĩnh dạo chơi dọc Ghent.

Trong những giờ đó, ông nghĩ toàn bộ hoạt động nghề nghiệp của ông nhằm thực hiện một ý nghĩa sinh thực nào đó.

Hướng dẫn các nữ sinh viên và các nữ nghiên cứu sinh, tiến hành các giờ học và tư vấn, ông truyền thụ cho họ năng lượng trí tuệ của mình và từ đó chỉ còn một bước nữa là tới tình yêu thể xác.

Về thực chất, cả trường phái khoa học của ông như một hậu cung lớn, trong đó Lara là người thiếp được sủng ái, và qua cô ông chiếm lĩnh những phụ nữ còn lại.

Tuy nhiên, ông không bao giờ nghĩ về việc trước hay sau ông, trong phòng của Lara còn có những người đàn ông khác bước vào. Hoặc là ông bỏ qua, hoặc là ông xua ý nghĩ đó đi - trong bất cứ trường hợp nào, sự bất biến của ông đã bảo vệ cho cô gái Czech khỏi những cuộc chạm trán tình cờ. Cô biết giờ ông tới và vào những giờ này cô không đợi ai ngoài ông.

Nhưng một lần, khi tới gần căn phòng thiêng, ông thấy màn buông. Bụng giáo sư nhói lên buồn bã. Pozdorovkin đỏ mặt, lao tới cánh cửa và gõ. Không ai mở. Ông lui ra một phía, đợi.

Bao thời gian đã trôi qua, giáo sư không biết. Người ta lướt qua ông, những chiếc ôtô to đẹp chạy ngang, rất không hợp với những ngõ cụt chật hẹp của khu phố, những tấm rèm hạ xuống vén lên trong những căn phòng lân cận. Giáo sư có cảm tưởng ông đã đứng ở đây suốt vĩnh cửu.

Cuối cùng, cánh cửa phòng Lara bật mở, từ đó bước ra một tay nhỏ con, thấp, da sẫm với đôi môi dày đỏ, trên đó bóng nhoáng vết mỡ. Mất bình tĩnh, giáo sư chộp lấy hắn và thụi lên đôi môi láng bóng.

Những cô gái da đen sau cửa sổ thét lên, các thiếu niên người Thổ từ các phía đổ về, thở hổn hển, nhìn Pozdorovkin chằm chằm. Ai đó huýt sáo. Lara từ cửa sổ nhìn giáo sư của mình thờ ơ như manơcanh.

Tay đàn ông gào thét gì đó không rõ với Pozdorovkin và lấy tay che mặt khỏi trận đòn. Còn Mikhail Petrovich nổi điên không thể dừng lại, dồn vào những cú đấm tất cả sự căm thù đối với cái thế giới trật tự sạch sẽ này, đối với những giờ dạy đàm thoại của mình và tuổi trẻ bất bình - ông báo thù cho mình và chưa bao giờ cảm thấy khoái trá như trong những phút này.

Nhưng sự khoái trá chẳng được bao lâu - bỗng nhiên như từ dưới đất hiện lên một xe cảnh sát. Mikhail Petrovich bị trói và giải đến đồn cảnh sát.

Trong trường không ai có thể tin là vị giáo sư người Nga gây ẩu đả tại khu phố hồng ở Ghent, và họ chờ đợi việc hiểu lầm được làm sáng tỏ. Ban quản trị sẵn sàng chấp nhận bất kỳ giải thích quái gở nhất nào, chỉ cốt để bưng bít vụ tai tiếng.

Thế nhưng giáo sư không biện hộ gì cho mình, lại còn thêm rằng ông chẳng có bổn phận phải báo cáo ai về việc sử dụng thời gian rỗi ra sao.

Những người Bỉ lịch sự nhìn ông thắc mắc, còn Lara sợ ông tố cáo, nhìn ông cầu khẩn, các nam và nữ sinh viên khác thì đi lại lặng lẽ, khóc lóc, nhưng trên mặt của Mikhail Petrovich lại ghi rõ cảm xúc về phẩm giá riêng và sự khinh bỉ đối với những người chung quanh, rằng thậm chí bày tỏ sự đồng cảm với ông cũng không ai dám. Một tuần sau giáo sư bị gửi về Nga và ông không bao giờ rời đây nữa.

Phan Xuân Loan dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận