Từ đạo đức kinh doanh đến xã hội đùm bọc

KHÁNH NAM 13/05/2013 22:05 GMT+7

TTCT - Hai mươi năm trước, khi Ba Lan bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì bên cạnh các cải tổ về luật pháp, hệ thống giáo dục phải nhận thêm một nhiệm vụ là nhanh chóng cung cấp cho xã hội những kiến thức cần thiết nhất về kinh tế, trong đó có đạo đức kinh doanh.

Phóng to
Những du khách nước ngoài được chào đón nồng nhiệt ngay tại sân bay vào những ngày đầu năm mới, nhưng như thế vẫn chưa đủ - Ảnh: Lê Nam

Để có thể hợp tác với các định chế quốc tế, các ngân hàng lớn của Ba Lan cũng phải nhanh chóng tái đào tạo nhân viên nhiều kỹ năng, trong đó có môn đạo đức kinh doanh.

Đây là một điểm khá ngộ nhưng cứ nhìn vào sự biến đổi của một xã hội khi chuyển sang cơ chế thị trường thì ta hoàn toàn thấy đó là điều cần thiết. Cũng sau hai mươi năm chuyển sang kinh tế thị trường như Ba Lan, khát vọng kiếm tiền bằng mọi giá khiến “nảy nòi” ra đầy những quán cơm “tù” trên các quốc lộ một thời, các cơ sở kinh doanh “chặt chém” hiện nay ở Việt Nam, mới đây nhất là vụ tài xế taxi Hà Nội thu tiền của người nước ngoài nhiều gấp 10 lần đồng hồ tính tiền, hay trước đó vụ tiếp tân khách sạn lừa khách du lịch khiến tổng cục trưởng du lịch phải đích thân xin lỗi và bồi thường.

Phải chăng đã đến lúc tất cả các công ty trước khi được cấp phép làm dịch vụ phục vụ khách hàng cần phải thi qua chứng chỉ về đạo đức kinh doanh, thì mới mong nhanh chóng khắc phục tệ nạn đã trở thành vết đen cho hình ảnh Việt Nam trên các trang mạng cho du khách nước ngoài?

Đơn giản

Những giải pháp cho đạo đức kinh doanh thật ra khá đơn giản và ai cũng có thể áp dụng được. Trước hết, mỗi công ty có một bộ luật giao tiếp quy định rõ nhân viên phải ứng xử như thế nào trong những hoàn cảnh cụ thể và họ phải thuộc nằm lòng những nguyên tắc giao tiếp cụ thể như một phần của trách nhiệm công việc. Việt Nam không thiếu những quy định đã trở thành khẩu hiệu như “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” hay “khách hàng là thượng đế”. Vấn đề là điều này có trở thành nguyên tắc trong công ty và nếu vi phạm có bị đuổi việc hay không.

Ở Sài Gòn hiện nay, khách hàng đã bắt đầu quen với lời chào đồng thanh rất lớn của toàn thể nhân viên cửa hàng dành cho họ khi vừa mở cửa bước vào, hay lời cảm ơn của người bán ngoài chợ dù mình chỉ ghé mua vài ngàn đồng hành lá hay gia vị.

Nhưng những hành vi văn hóa ấy chưa đủ độ lan tỏa để tạo ra một nền nếp kinh doanh chung, nên cái nạn “chặt chém” ở Vũng Tàu hay ngay chính các bãi giữ xe ở các khu vui chơi vẫn nở rộ. Điều này khiến cần phải áp dụng song song giải pháp thứ hai là công luận, hay “sunshine test” - tức là để ánh sáng mặt trời chiếu vào vụ việc.

Tâm lý học chỉ ra rằng ngay cả những kẻ lừa đảo cũng vẫn có một không gian lương tâm, như dân gian thường nói kẻ cướp không hoạt động trong khu mình ở hay gái mại dâm “chừa một phương để lấy chồng”... Khi toàn bộ xã hội biết được về lương tâm tối thiểu của nhau và đồng thuận về mức đó để sống thì sẽ đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong quy trình sản xuất, mà khi nâng được mức lương tâm xã hội lên thì sẽ còn tiết kiệm thêm nhiều nữa.

Ví dụ như một số siêu thị ở Anh để khách tự tính tiền, nhờ vậy giảm thiểu tối đa chi phí bán hàng so với siêu thị ở Việt Nam - nơi không chỉ cần người tính tiền, người đứng kiểm tra hóa đơn sau đó mà còn cả lực lượng bảo vệ hùng hậu lúc nào cũng canh me khách hàng, đến mức gây ra đánh nhau và kiện cáo vì bị xúc phạm…

Nếu người dân tự giác cao như ở Đức thì mỗi người tự tìm chỗ dập vé chứ không cần phải có thêm một người bán vé như xe buýt Sài Gòn, và lại phải có thêm người kiểm tra để người bán vé đó không ăn bớt tiền vào túi riêng. Cùng một sự việc “chặt chém” khách nước ngoài có thể giải quyết bằng cách gia tăng lực lượng cảnh sát du lịch đi kiểm tra, nhưng đồng thời cũng có thể sẽ kéo theo thái độ nhũng nhiễu doanh nghiệp và cơ hội tham nhũng, trong khi vấn nạn thì vẫn còn đó.

Thay vì vậy ta có thể để “ánh sáng mặt trời” chiếu vào những chỗ xấu xa khuất tất để mỗi cá nhân xấu tự sửa chữa dưới áp lực xã hội.

Đấy không hề là những giải pháp cao siêu mới lạ gì, mà là những điểm cô đọng và đơn giản nhất về đạo đức kinh doanh đang được ứng dụng nhuần nhuyễn tại nhiều quốc gia.

Hành động, đừng nói nữa

Ở sân bay quốc tế tại Warsaw từng xảy ra tình trạng taxi “chặt chém” mà cũng không dễ gì đối phó vì cả công an lẫn thanh tra giao thông đều bất lực. Thế nhưng, khi một biện pháp đơn giản là phát vài tờ rơi cảnh báo cho du khách trước khi ra cửa, cung cấp số điện thoại các hãng taxi đàng hoàng và chỉ dẫn cách nhận biết xe của hãng là số lượng khách hàng bị lừa giảm hẳn.

Giải pháp không nằm ở chỗ các lời tuyên bố hay quyền lực của một cơ quan chức năng nào đó, mà đơn giản xuất phát từ ý thức đạo đức kinh doanh - phục vụ của các lãnh đạo sân bay và tinh thần công dân của người dân Ba Lan trên chuyên trang mạng dành cho sân bay Chopin. Chính từ nơi đó mà vấn đề được đặt ra, bên cạnh vô số ý kiến chỉ trích có một vài giải pháp khả thi và nhanh chóng được thực hiện.

Mặt bằng đạo đức kinh doanh chính là điều kiện cơ bản nhất để phát triển kinh tế. Nếu chúng ta để ý thì “tín dụng” chính là “lòng tin” và cho vay (qua thẻ tín dụng) chính là lòng tin được thể hiện qua tiền bạc. Khả năng chi trả được ngân hàng trao cho người chủ chiếc thẻ tín dụng chính là lòng tin của ngân hàng đối với người này, hay nói cách khác là giá trị đạo đức của người này qua thước đo đồng tiền.

Vốn xã hội của một quốc gia chính là định giá đạo đức trong các hoạt động kinh doanh ở nước đó, và nâng cao đạo đức kinh doanh thật ra chính là tăng vốn chiến lược cho nền kinh tế để phát triển.

Mỗi chúng ta trong xã hội Việt Nam, nhất là những người kinh doanh, cần phải tự cứu mình bằng hai giải pháp ứng xử (code of conduct) và dư luận (sunshine test) như vừa trình bày. Các diễn đàn công luận sẽ là nơi để tiếng nói của người dân phát huy uy lực hoán cải đạo đức xã hội, hướng người Việt vào con đường chia sẻ theo nguyên tắc cùng làm cùng hưởng chứ không phải cướp bóc của nhau như thời tư bản sơ khai.

Chỉ cần một tiếng nói lương tri là có thêm một liều thuốc chế ngự bớt chứng vô cảm trước cái xấu trong một xã hội mà suy thoái đạo đức vốn là hiệu ứng phụ do kinh tế phát triển quá nóng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận