Vào phố

DẠ NGÂN 25/07/2012 18:07 GMT+7

TTCT - Thanh niên lửng hùng hổ vướng vào gióng gánh chị hàng rong làm các thứ trên hai cái mẹt văng ra. Thanh niên vẫn ngang nhiên đi tiếp. Chị hàng rong tức tối gọi giật:

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

- Em em! Này, em...

Không thấy thanh niên ngoảnh nhìn. Chị xoắn theo ba bốn bước, một tay cầm đòn gánh, tay kia túm được áo gã thanh niên.

- Mụ nhà quê, thả ra!

Mặt thanh niên nhiều sát khí quá. Chị thả lưng áo hắn. Dăm ba người xúm lại, rồi xúm đen xúm đỏ hơn. Thanh niên lửng xốc sửa vạt áo, lầm lì đi thẳng làm như đã đe dọa được đối phương. Lập tức chị chạy giật theo. Thanh niên xoay hẳn bộ mặt thách thức về phía chị. Chị không sợ, chị quyết không sợ cái ngữ búng ra sữa này:

- Không xin lỗi, không đền, cũng không tử tế được một chút hay sao?

Thanh niên lửng hẳn là cũng sợ đám đông. Được thế, chị chống nạnh lên, quyết liệt tập trung xô đổ cái sự mất dạy, chai lì kia. Thanh niên lửng làm già, gạt mạnh tay đòn gánh:

- Đồ nhà quê mà dám làm nhục ông, hử?

Hắn xông nắm đấm. Chị né được, xoay nhanh cái đòn gánh trong tay như đi một đường quyền. Một số người vỗ tay. Thanh niên lửng bỏ chạy. Rồi tiếng vỗ tay cũng dứt, một mình chị đứng lặng với đống hàng vừa bị tung tóe thành rác bẩn.

***

Chị tên Tuyết nhưng nước da thì ngược lại. Nước da màu đất đỏ cao nguyên khỏe khoắn, đôi mắt tròn như một loại lá nào đó luôn sóng sánh xanh tươi, nhìn vào gương mặt, nước da, đôi mắt ấy, người ta dễ có cảm tình ngay, cũng sẽ muốn mua hàng cho chị. Một gánh hàng quê, khi đôi ba thứ này, khi đôi ba thứ kia, chị đã định bỏ, nhưng vì cảnh khó khăn nên kiên trì theo bám.

Chị trở về góc ở. Nát hàng, buồn, gặp cảnh ngộ như thế càng buồn nhiều hơn. Một lần tránh mưa, chị cũng bị vấp ngã, khoai sắn văng tứ tung, chị nhặt cả mưa. Ai lại không nhặt, không nhặt nó sẽ thành rác bẩn, không nhặt, chị thấy mình rẻ bạc với những gì đã nuôi cả nhà chị.

Rồi chị cặm cụi làm hàng, sửa soạn, sắp xếp. Hai nồi giá chị bán hai hôm là hết. Người ta biết giá đỗ của chị là “giá sạch” cây gầy, rễ nhiều, đích xác là loại đủ ngày đủ tháng, đúng quy trình, đắt gần gấp đôi giá chợ. Nó cũng đáng với công lênh của chị lắm chứ. Hết hoa chuối với giá đỗ, chị chuyển sang vài hôm khoai sắn luộc, đợi hàng xuống tiếp. Hàng sống hàng chín, củ quả đều có hết. Có thứ người ta yêu cầu chị gọt, thái, làm sạch giao tận cổng.

Khi nào chị cũng lui cui, lục cục đến khuya rồi mới ngả lưng. Thường thường đi ngủ, mẹ con chị vẫn nói dăm câu ba điều, hôm nay thấy con vẫn cắm cúi học nên chị lặng lẽ đi nằm.

Chuyện ngoài phố hôm nay chị kể không biết có làm đầu óc nó lộn xộn gì không? Câu chuyện trong những bữa cơm của hai mẹ con thường là nhẹ nhàng, cũng có chuyện nghịch cảnh đau lòng nghe chỗ nọ chỗ kia. Có nhiều chuyện không tin nổi. Chị ngẫm thấy bọn trẻ bây giờ sống với mạng mẹo, biết lắm thứ linh tinh, biết nhiều quá không biết còn đầu óc mà tập trung cho việc học không nữa. May con chị ngoan, giỏi, nó sớm biết những gì cần quan tâm.

Bốn giờ sáng chị ra bến xe đón hàng. Những hôm có hàng, chị vui, nghĩ tới đứa em gái vắt ve đầu đêm cuối buổi, đặt người này, hỏi người kia, thôn này xóm khác, lùng sục gom hàng, có gì mua nấy, chị có gì bán nấy, nhận hàng quê em gái gửi, có hôm thì của chồng gửi. Đi, một tháng chỉ về ít hôm, về là lao vào quét dọn, phơi giặt, nhà cửa nó mới có hơi ấm. Con bé đã giúp bố cơm nước được, chị cũng thanh thản hơn.

Chồng chị muốn sửa, vá víu lại mấy chỗ trong nhà, ngoài sân. Cái sân tráng lớp xi mỏng bị thủng, nứt mấy chỗ, bậc thềm ngày trước làm dối vì ít tiền nên cũng sụt lở, cái gian ngủ của vợ chồng chị nước dột, thấm, tường vằn vện đen đỏ, đập ngay vào mắt mỗi khi mở mắt, thì để vậy cũng không sao, chịu được cả, ướt nó lại khô, tránh nghĩ, bớt nhìn đến nó đi rồi thì qua hết.

Độ vài tháng nay cái vốn buôn thúng bán mẹt của chị mới đẻ lời, chưa đủ để sửa sang, vá víu gì được, góp phòng khi có chuyện về người, lo việc con ăn học. Chuyện nhà cửa hư hại nứt thủng đành tạm quên đi đã.

Một tuần nay chị về thăm nhà. Về dăm ba hôm lo bao việc tất bật nhưng hạnh phúc, rồi lại lèn bao thứ đi, mua gốc, bán ngọn, góp nhặt, tính toán theo cách của chị, chị biết làm cho mấy thứ hàng quê giá trị thêm khi vào phố.

Chồng phàn nàn được đôi đồng bạc nhưng bố con lắm lúc buồn hoe hoắt. Ông bà nói không có sai: đói thì đầu gối phải bò thôi. Khốn khó nên lần hồi, biết là khổ này đẻ ra khổ kia, nhưng công lênh mò mẫm lâu nay, bây giờ mới có thể kiếm được chút tiền ở phố.

Chị biết chồng đang nén vào lòng tất cả mọi sự. Vợ chồng chị còn mặn nồng ân ái. Thương yêu, khát thèm gần gũi hôm sớm làm cho người ta buồn nhớ. Làm thân đàn ông bức bí, bực bõ trước cảnh nhà chia đôi, để vợ ngược xuôi lo lắng. Chị không nề hà chi, chị sợ anh tủi thân, buồn chán. Chị thủ thỉ, tâm tình. Bây giờ nhiều nhà vậy chứ riêng gì mình. Nhiều gia đình đành để nhà cửa hoang phế cả năm đi kiếm sống. Nhà quê mà đất đai không đủ thì phải tìm cách này cách khác bươn chải kiếm sống chứ biết sao.

***

Đi. Chị lại quang gánh, hàng quê vào phố. Những người quen mua mong những thức đồ hàng quê của chị. Người ta khát hàng “sạch” lắm, nên chị không bán những gì không phải hàng quê như chị muốn, không bán những thứ chị không rõ, kể cả những thứ an toàn nhưng không thuộc khả năng nắm đầu mối của chị. Đã có thêm mớ này mớ kia, nhưng vẫn là hàng quê em gái gửi xuống. Giá đỗ thì em gái tự ủ lấy, nó phải được làm bằng nước giếng quê kia. Mỗi bận chỉ nhận được có hai nồi giá vì không có nước giếng đất để nuôi nó, hoa chuối cũng có hôm hiếm, ít.

Có hôm, một nhà mua hết gánh hàng của chị. Họ mua cả nồi giá đỗ, cả hoa chuối đã thái rồi lẫn những bắp còn nguyên. Họ muốn làm món nộm. Hôm đó hết hàng sớm, quang gióng nhẹ tênh trở về, chị vừa nghe khỏe nhẹ, vừa thấy cảm giác nhàn nhạt, thấy vẩn vơ, thừa thãi, cho đến khi lo làm hàng mới.

Người phụ nữ trong truyện không phải đi Đài Loan hay đi Hàn Quốc, chỉ phải lên thành phố thôi, để bôn ba chống chèo kiếm sống. Nhưng đã đi là đã xa, xa con và cả xa chồng...

Người viết như thể tình cờ nhặt được một câu chuyện như cuộn chỉ rối bên đường, rồi gỡ nó ra, từ tốn, khéo léo và run rẩy. Một câu chuyện dung dị hình thành, càng về cuối càng sâu sắc và lan tỏa.

Từng cùng với Ngô Phan Lưu đồng giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2006-2007, cô giáo Hồ Thị Ngọc Hoài vẫn khiến người đọc nhớ đến Thung Lam. Từ khi chuyển vào định cư hẳn ở Sài Gòn, Hoài viết nhiều lên và đây là một trong những truyện ngắn đáng đọc của nhà văn còn rất trẻ này.

Cuối tháng rồi. Chị lại khấp khởi trở về nhà. Trên quãng đường trở về nhà, bao giờ chị cũng thấy mọi thứ thật đẹp, lòng chị sáng trong, rạng rỡ ra. Sáng nay đã ra chợ mua và kho cho con trai nồi thức ăn. Nó bận học, còn bảo rằng thức ăn mẹ nấu nó mới ăn được nhiều cơm. Chị thèm ngày thằng anh ra trường và có việc làm đâu vào đó.

Chồng sững người, bối rối khi trông thấy chị, rồi nói:

- Mình về đó à?

- Sao hôm nay trông thấy em, mình có vẻ khác thường vậy?

- Mình thấy vậy à?

Rồi tất cả vẫn vậy. Đêm vợ chồng lâu ngày căng đầy ân ái. Đến chiều hôm sau chị mới nghe rò rỉ câu chuyện cách đây mấy ngày: chồng chị có đem cho ai đó một đứa bé. Chuyện là thế này. Có tiếng trẻ khóc ngoài sân lúc mờ sáng, chồng chị ra, rồi kêu mọi người bảo ai nuôi mang về mà nuôi, không ai nuôi, chồng chị đành bế đi xa hơn, ai muốn nuôi thì cho.

Người đời nghĩ ra đủ đường. Chị cũng thế, chị nghĩ ra những gì sau sự việc.

Chồng không nói gì nhiều. Chị cũng không nói gì nhiều. Xem ra cái dáng vẻ của chồng không như của một người chịu oan, phải làm việc bất đắc dĩ. Cái vẻ bối rối, ánh mắt đăm chiêu, tư lự... mặc dù đã cố làm như không. Người ta bảo “lấy thúng úp voi” là thế đấy.

Chị im lặng. Nuốt cục đau nghẹn cổ, nghẹn lòng. Con chị nó cũng nói người ta bỏ đứa bé trước nhà. Ngần ấy tuổi nó làm sao hiểu được chuyện người lớn!?

Thế mà mọi người ở nhà không ai nói với chị. Mà chuyện như thế nói cũng được gì, biết sớm hay muộn cũng thế thôi. Không biết ngày nào là vui vẻ ngày đó. Nước mắt chị lã chã thâu đêm.

Trời ửng sáng. Chị phải đi rồi. Chị làm mọi việc để quên hết, dặn em gái hãy tiếp tục gom hàng. Mua được hoa chuối càng nhiều càng tốt, hoa chuối để được lâu, bán có lời.

Tối đó chị cho hàng lên xe khách về phố. Trong lòng chị khác lắm. Chị quyết lần này đi sẽ lâu. Chị đã dặn con bé út chừng nghỉ hè mẹ sẽ đón xuống phố. Nước mắt chị dầm dề trên xe đêm. Chị nghĩ khóc cho hết nước mắt đi, cho hết phiền muộn đi, mai sẽ không để cho thằng anh biết chuyện gì. Ngày mai, trước con trai chị quyết sẽ cứng cỏi.

Nhưng chị bơ phờ, nhiều lúc thẫn thờ, thất sắc như mất hồn. Khi thì quên thối tiền, khi quên trả lời người ta. Ai mua hàng cũng hỏi chị hôm nay ốm ư. Chị có bị làm sao không? Một bà cụ hay mua hàng của chị, quen người, biết tính đã lâu nay, thấy chị như vậy đồng cảm mà nói:

- Chị đang có điều khổ tâm lắm. Bình thường tôi thấy chị là người vững vàng, nhưng nay trông chị vậy nghĩa là cái tâm đang động lắm.

- Dạ, con cũng có chút chuyện buồn.

- Đàn bà bản lĩnh giỏi giang không dễ tiều tụy, phạc phờ, nhưng một khi như vậy thì hẳn là có chuyện mất, hoặc sắp mất cái gì đó lớn...

- Dạ, bà thật là thông hiểu.

Chị yếu hẳn, suy nhược, mắt sâu, má tóp, nhưng nằm thuốc thang mấy hôm rồi cũng gượng dậy gióng gánh, lo cơm nước cho con. Ốm o một trận, bây giờ thấy tinh thần đỡ đau đớn, như là đã qua cơn nguy kịch. Chị ngồi bóc vỏ mấy cái hoa chuối, ngoài nó héo nhưng bên trong vẫn nõn nà, cứng đó, mềm mại đó.

Chị mở nồi giá đỗ. Nó tốt quá, gầy quá. Hình như chị hết duyên rồi hay sao mà đi mãi không thấy ai mua. Chắc người ta nhìn thấy những cây giá dài ngoẵng, mỗi lúc một xanh tốt thêm hai cái lá mầm mà lúc mới dỡ nó chỉ bằng hai hạt lúa.

Chị thấy mệt, ngồi xuống một chỗ có thể ngồi. Ngồi rồi mà mặt mày xây xẩm, hoa mắt, chóng mặt, lảo đảo.

“Quê em nhiều chuối rừng lắm, cả chuối nhà nữa, những bắp hoa chuối nho nhỏ nở đẻ ra cả buồng chuối to dài, đến khi không nở đẻ nữa, hái vô thái mỏng làm rau ghém, làm nhút, làm nộm, lành lắm, phụ nữ mới sinh ăn nó nhiều sữa”...

Chị nhớ chị đã nói như thế để khách vui, chị thấy thích nói về hoa chuối. Chị hay cười, hay nói, thường là nói quê em thế này, quê em thế kia, có núi, có ruộng, có nhiều thứ, nhưng không hiểu sao mà vẫn khổ... đại ý thế. Khách của chị có những người ham hiểu biết, tinh tế, hỏi cái này một chút, cái kia một chút, những người như thế tỏ ra quý mến chị.

Đang phải nhắm nghiền mắt ngồi nghỉ trên vỉa hè, chờ qua cơn mệt thì tiếng còi làm chị giật bắn mình. Như đâm vào giữa mắt là điểm tròn của một cái gậy, nó dữ dằn, thẳng cứng chĩa vào mặt chị, và hồi còi nữa toét lên. Cái âm thanh đã mấy lần khiến chị thon thót, bây giờ càng vậy. Người ta đang đuổi chị đi đấy, liệu liệu mau lên, đó đâu phải nơi chị đặt gióng gánh để ngồi ngủ gật. Chị đã đặt gánh lên vai và chầm chậm bước. Đúng rồi, chị mệt quá và đành ngồi xuống nghỉ một chút, nhưng rõ ràng hình ảnh của chị như thế là không nên, không hay một tí nào.

Chị nhẩm bài hát cũ, gọi là bài hát chứ kỳ thực là chị nhặt được mấy câu này ở đâu đó, rồi tự chị ngâm nga lên vì thấy nó có cũng đúng, cũng hay:

Con người ơi con người
thật thà và gian dối
yêu thương và hận thù
và biết bao trái ngược
thêu thùa nên cuộc đời.

Chị hát lâm râm, khi to khi nhỏ theo những bước đi trên hè phố, những lúc hát nó lên lòng chị quên mất nỗi lo ế hàng. Bận khách, gánh nặng, không buồn rảnh để hát, nhưng chị vẫn nhớ tới nó.

Lâu lắm rồi, nay chị thèm hát nó lên, chị thấy mình ở đó rõ hơn mọi dạo. Bài hát cũ làm chị quên xung quanh, không rõ là đã về gần chỗ trọ, không rõ là chị về tới cửa, mà mớ hàng vẫn chưa hết.

Chị chỉ định nằm xuống một chút cho khỏe nhưng nỗi buồn, sự mệt nhọc đã khiến cho chị không gượng dậy được như chị muốn.

***

Chị nhắm mắt, cảm nhận được bóng người trước cửa. Con đi học về ư? Suy nghĩ đến nhanh hơn việc chị mở mắt và nhận ra ai. Bật ngồi dậy, chị thấy rõ cái mặt và hình dáng của cái con người hơn hai mươi năm cận kề, và giờ đang là sự cơ khổ, chết chóc của chị.

Hai kẻ ngồi như chết, bơ phờ mệt mỏi. Chị mong cho đừng ai thấy cái cảnh này. Nửa năm trời rồi, kể từ hôm áp chị lên phố, đây là lần tiếp theo chồng chị trở lên nơi này.

Con nó cũng sắp nghỉ hè, đang hỏi việc làm thêm. Nó trưởng thành, cứng cỏi chừng nào thì chị thấy như mình đang già yếu đi và đang được nó đưa gậy cho mà chống. Nó vẫn chưa biết vì sao chị bỗng sinh ra thế này. Dù sao chị cũng thương con mà đã cố sống cho nó mạnh.

Chồng ngồi như đúc ra đó, không biết là đang nghĩ gì, còn chị thì miên man, thờ thẫn. Chị đưa mắt ra ngoài cửa, nhìn vào chỗ cành cây vượt tường sà sang bên này, và nở hoa vàng. Mấy ai không thích hoa, nhưng chị không có thời gian mà để ý, chỉ thỉnh thoảng đập mắt vào, thấy lòng dịu nhẹ. Chị nhìn cành cây đung đưa, một góc xanh tươi trong nắng, còn chị lại héo tàn. Chị nhìn xuống cánh tay thấy đường gân loằng ngoằng rất rõ. Bất chợt chồng cầm bàn tay chị.

Người ta đang thấy gì trên da thịt, xương gân của chị? Thấy nó đang khô nhúm? Họ nghe thấy gì trong mạch máu chị? Thấy máu đang đỏ, hay đang tím ứ?

- Tôi không hề phụ mình. Tôi...

Cuối cùng thì chị cũng được nghe một điều gì đó. Không chỉ là lời nói, mà là cái nghĩa trăm năm. Sự tươi tỉnh sống dậy từ sâu thẳm lòng chị.

Xung quanh chị là những đồ vật quen thuộc hiện ra sau ái ân ập đến nhanh như một cơn mưa gió, chị cảm thấy thế, nó rửa xả cho chị những bụi bẩn, mang lại sự xanh mát. Đôi mắt của chị lại xôn xao bao điều, nó ẩn chứa sự nhẹ nhõm, mặn mà, ẩn chứa những ngày sau của chị. Ngày sau không riêng vì chị, mà vì sự sống của nhiều người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận