Về quê

LƯU VĂN SAY 08/10/2016 22:10 GMT+7

TTCT - Sài Gòn mưa đã vào giữa mùa. Cái nóng hầm hập cuối mùa khô kéo dài sang đầu mùa mưa đã qua hẳn.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Đêm qua mất ngủ ở Sài Gòn. Sáng nay ra Hải Phòng sớm giỗ ông già. Trên đường từ sân bay về, tôi ghé qua nghĩa trang mua hương hoa ra mộ. Hoa cúc trắng ông già thích. Nhưng là hoa từ Đà Lạt về. Làng hoa quê tôi đang ngắc ngoải.

Mộ ông già cỏ mọc um tùm, tôi cắt xén gọn gàng, cắm hoa, thắp hương, vái ba cái rồi về nhà ăn giỗ. Buổi trưa trời khá nóng, tôi uống rượu với ông chú, anh trai, anh rể và thằng bạn hẩu từ hồi sinh viên.

Thằng này người tỉnh khác, ở lại lập nghiệp tại quê tôi. Tôi thì bỏ quê mà đi. Con người di chuyển như những con cờ. Nhưng cuộc đời nhẽ không giống cuộc cờ.

Cuộc cờ chỉ có hai bên chơi, quân tướng hai bên di chuyển phục vụ đại cuộc phe mình. Tướng, sĩ, tượng chỉ loanh quanh đất nhà, đám còn lại sai đâu đi đó, vào sâu đất địch mà chết cũng thường, xác quăng ra ngoài bàn cờ. Nhưng những con cờ - người di chuyển khắp nơi chẳng cần đại cuộc gì, chỉ mưu việc sinh tồn. Mỗi con chơi một ván đời mình, và chết là tàn cuộc.

Sinh thời, ông già tôi mê cờ tướng. Ông chơi không cao lắm, nhưng mã thượng. Ông cho đối phương hoãn thoải mái, lại thích thí quân tìm nước hay. Thua quân, hơn thế mà thắng, ông cười ha hả. Tôi lên năm, ông dạy tôi những nước đầu tiên trên bàn cờ tướng. Ngó cách chơi cờ, đôi khi cũng biết người sang kẻ tiện.

Ông già đã dứt ván cờ đời mình hai năm. Tính ông thích rong chơi. Cả đời ông là một cuộc rong chơi. Ông uống rượu, chơi cờ, đánh tổ tôm, gảy đàn bầu và hát nghêu ngao những bản của Văn Cao, Hồ Bắc, Văn Chung gì đó. Tôi không nhớ khi nào thấy ông lo âu, buồn bã vì cuộc sống. Với ông, sống là chơi. Không có thì nhịn, có là chơi, tới bến.

Ông đã chơi xong cuộc đời mình. Thắng hay thua, ông không bao giờ nói, và tôi không bao giờ biết. Từ khi ông mất, tôi thỉnh thoảng hốt nhiên nghe gió lùa lạnh sau lưng mình. Một sự liên kết nào đó đã đứt đoạn.

Có đêm ngắm các con ngủ, tôi hiểu thế nào là huyết thống, là cốt nhục, cái trước đây tôi chỉ mơ màng cảm thấy khi đọc Hermann Hesse. Có một dòng sông một bờ là cha mẹ và quê hương, bờ kia là con cái và cuộc sống riêng tư. Có kẻ nào trưởng thành mà chẳng vậy, ngụp lặn, mải mốt bơi qua lại giữa hai bờ.

Cho đến lúc cha mẹ mất, một bờ sụp đổ, quên lãng. Cho đến lúc con cái trưởng thành, một bờ đã dựng vách cao, không cần ta tới nữa. Giật mình, ngay giữa dòng, thấy mình già và không còn đích để bơi. Chỉ còn hai lựa chọn: nằm ngửa, bơi nhẹ xuôi dòng; hoặc tới chỗ nước nông, bấm chân xuống bùn, im lặng chờ rong rêu bám...

Đêm ở quê khó ngủ. Hai giờ sáng, trời ửng màu quả hồng chín phía đông. Bà già lục cục, lẩm bẩm một mình rồi lại ngủ thiếp. Bà nằm nghiêng, tóc bạc trắng, miệng móm sọm, mặt cơ man những nếp nhăn ngang dọc. Bà nằm đó, bóng tối vây quanh. Chập chờn thức ngủ, sáng dậy sớm tắm nước lạnh, tôi sai cháu đi mua bát bún cá - món mẹ thích.

Mẹ tôi giờ cần gì? Lòng hiếu thảo của con cái cuối cùng chính là một miếng ngon này chăng? Ông mất đã được hai năm, bà lủi thủi mấy gốc cây quanh vườn cả ngày. Đối tượng phải lo lắng, chăm sóc, ca cẩm, chì chiết và kể lể về cái sự khổ của mình giờ đã biến mất.

Bà hóa ra thất nghiệp. Bà ngẫm ra và đinh ninh rằng mình giờ không còn cần cho ai nữa, bà đã trở thành gánh nặng của con cháu. Bà buồn bã sống nốt.

Vườn nhà, hai cây ngọc lan trồng trước cửa hoa trắng như sữa, vẫn thơm mộng mị đêm sâu, nay lăn đùng ra chết. Tôi không dám tin, lại gần bẻ thử cành: gẫy ngay, giòn như củi. Hỏi ra mới biết các anh tôi vừa có sáng kiến dịch chuyển vị trí cây... cho đẹp. Đi tong hai kiếp cây xinh.

Mẹ thấy tôi buồn, bảo rồi tao mua hai cây khác trồng bù vào đấy. Tôi cười, không nói gì. Sai lầm, có cái “bù” được, có cái không...

Tôi ăn sáng xong, mở rộng cửa sổ trông ra vườn sau. Tiết thu, trời mát dịu và thơm. Hồng đang chín đỏ, táo thì đang đậu quả. Những bông hoa táo muộn, màu trắng bé tí, tỏa ngát thứ hương nồng và ngòn ngọt. Bầy ong mật bụng thây lẩy, vằn vàng, miệt mài làm việc.

Bọn nhặng to bóng, xanh đen cũng hối hả kiếm mật hoa táo. Bà già ra vườn thu hoạch quả hồng với dụng cụ là cây sào tre, đầu gắn cái ống bơ sữa bò.

Lom khom dưới gốc cây, cái đầu nghiêng ngó, đôi mắt già gần chín chục tuổi mà vẫn còn tinh, tìm mục tiêu là những quả hồng chín đỏ rực, chĩa cây sào thần thánh lên như Triệu Tử Long sử thương hỗn chiến giữa đám quân Ngụy, đưa đầu ống bơ lại gần, xoay nhẹ: quả hồng rụng cuống, nằm gọn trong lon. Cách duy nhất đúng để hái quả hồng chín là thế.

Tất cả các phương pháp khác đều vô dụng với loại trái cây thịt mềm mỏng vỏ này. Hoặc rách vỏ, lòi thịt đỏ, hoặc rơi bẹt xuống đất, nứt toác. Dĩ nhiên hồng vỡ nát vẫn là hồng thôi, ăn vẫn ngon, nhưng giập vỡ thì không mang ra chợ bán được, chả ai mua.

Sáng mai tôi về Sài Gòn. Về lại với các con tôi, với bon chen và toan lo cuộc sống. Bỏ lại vườn thiêng, tôi về lại cõi phàm. Bỏ lại bà già tuổi gần chín mươi quanh quẩn giữa cây, nhỏ thó trong chiếc áo cánh gụ nâu, tóc vờn như sương, tay múa cây thương oanh liệt đầu gắn ống bơ, bước liêu xiêu giữa những gốc táo, gốc hồng.

Sáng mai tôi sẽ đi mà không ngoảnh đầu lại. Don Quixote sẽ chống giáo nhìn tôi đi.

Này hiệp sĩ của con, đừng khóc!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận