Viêm gan siêu vi C sẽ không được "bảo hiểm"?

QUỐC THANH - LAN ANH 03/06/2013 02:06 GMT+7

TTCT - Vì giá thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C quá đắt, những cơ quan có trách nhiệm với sức khỏe người dân đã trì hoãn lên phác đồ điều trị và tạm dừng chi trả. Thậm chí tính đến đưa loại thuốc này ra khỏi danh mục chi trả.

Phóng to
Bảo hiểm y tế thật sự là “cứu tinh” của rất nhiều người, đặc biệt là người nghèo. Cần có giải pháp chứ không thể đưa ra khỏi danh mục được bảo hiểm là xong - Ảnh: T.T.D.

Lý lẽ của nhà quản lý

Theo ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cả nước có khoảng 3 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C. Trong khi đó, điều trị một ca nhiễm siêu vi C với thuốc đặc trị tốn 200-300 triệu đồng. Theo thông tư 31 của Bộ Y tế về danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, thuốc điều trị viêm gan siêu vi C Interferon thuộc nhóm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nếu Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị. Nếu có phác đồ điều trị chính thức, bảo hiểm y tế phải chi 60.000 tỉ đồng/năm cho người có nhu cầu.

Theo phân tích của ông Sang, Quỹ bảo hiểm y tế VN thu được khoảng 35.000 tỉ đồng/năm, nghĩa là thu hai năm mới có thể đủ để trả chi phí cho thuốc mới điều trị viêm gan siêu vi C trong một năm.

Có lẽ chính vì lý do này, phác đồ điều trị viêm gan siêu vi C được Bộ Y tế khởi động đã mấy năm nhưng hiện vẫn trong quá trình xây dựng. Thuốc điều trị viêm gan siêu vi C Interferon dù có trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả nhưng đến nay vẫn nằm trong diện phải... chờ.

Tương tự, hormone tăng trưởng giúp tăng chiều cao cho trẻ em có vấn đề ở tuyến yên chi phí khoảng 35 triệu đồng/năm và sử dụng cho trẻ trước 12 tuổi. Nhưng theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN, hormone tăng trưởng cũng được tạm dừng để “tính toán thêm”.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, hormone tăng trưởng chỉ nên dùng ở trẻ dưới 12 tuổi, còn can xương và cần phải làm thêm hàng loạt xét nghiệm. Hiện đã có phác đồ sử dụng hormone tăng trưởng, có cơ sở điều trị, nhưng những người có thẻ bảo hiểm y tế và có nhu cầu vẫn chưa được dùng hormone tăng trưởng. Việc chậm trễ tính toán các điều kiện khiến nhiều em vượt quá tuổi 12 - giai đoạn vàng để can thiệp.

Chờ VN sản xuất được

Trao đổi với TTCT, một đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho hay đến nay mặc dù Bộ Y tế vẫn đang triển khai xây dựng phác đồ điều trị viêm gan siêu vi C, nhưng ý kiến của các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về tác dụng của Interferon với căn bệnh này. Giá thuốc quá đắt nên trong danh mục thuốc do bảo hiểm y tế thanh toán tới đây, thuốc này dự kiến bị loại khỏi nhóm thuốc được chi trả. “Quỹ chỉ có thể thanh toán nếu VN có quyền sản xuất thuốc điều trị giá rẻ như Ấn Độ” - vị đại diện này cho hay.

Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội VN đã tổ chức một hội thảo ở Hà Nội ngày 21-5 nhưng vẫn chưa có kết luận nào mới và tiếp tục chờ một hội thảo nữa tại TP.HCM trước khi tái khởi động chuyện thanh toán cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế và có chỉ định sử dụng.

Trên diễn đàn Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng với cùng điều kiện chi trả như VN, các nước phải chi 70-80 USD, trong khi thẻ bảo hiểm y tế ở VN mệnh giá chừng 30 USD. Tuy nhiên, từ hiện tượng kể trên cho thấy không phải sản phẩm nào trong danh mục cũng đến được với người bệnh cần thuốc.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết thống kê tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì 50% số ca điều trị là người có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, chiếm 45% chi phí điều trị đã chi trả. Đơn cử như bệnh ung thư gan, điều trị bằng một loại thuốc (Nexava) mà trước đây nằm ngoài danh mục và nếu người có thẻ bảo hiểm y tế liên tục 36 tháng mới được thanh toán 50%. Nay Bộ Y tế đưa thuốc này vào danh mục, chi phí khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Như vậy, theo ông Sang, một năm đóng bảo hiểm y tế tự nguyện 567.000 đồng, chỉ cần một tháng sau đó là được hưởng 48 triệu đồng (tức 80% của 60 triệu đồng, còn lại 20% người bệnh đồng chi trả).

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, bắt buộc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình với diện cận nghèo là nội dung được kiến nghị đưa vào khi sửa đổi Luật bảo hiểm y tế sắp tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận