Xóm bà cậu

LÊ QUANG TRẠNG 26/10/2020 20:10 GMT+7

TTCT - Xóm Bà Cậu là vậy, như lục bình trên sông, lâu lâu lại trổ hoa tím...

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Mấy năm trước, đứng ở bờ nhìn ra “xóm Bà Cậu” phía giữa sông, vẫn thấy một dãy xuồng bè san sát nhau như chợ nổi. Xóm có hơn chục nóc nhà, thực ra là nóc ghe, chuyên sống bằng nghề “Bà Cậu”. Cái nghề quanh năm không khô áo, bởi trót theo nghiệp thợ lặn, khô áo nghĩa là khô túi tiền.

Mấy năm trước, chú thợ lặn của xóm vừa nốc cạn chén nước mắm, vừa nói “uống vầy thì lặn đến chiều cũng không bị lạnh”. Tôi nghe trong bụng sôi lên vị mặn mòi xót dạ. Sau một hơi lặn dài, chú kéo lên một khúc gỗ, một miếng sắt mục, có khi cái nồi bằng gang đầy đất hay một pho tượng đá gãy đầu. Chú nói, “cũng qua được một ngày cơm”. 

Đó là những ngày bình thường, còn những ngày “trúng vụ”, người ta thuê lặn mò tìm ghe chìm hay xác chết trôi. Món này thì hên xui, bởi xóm có lời thề, lấy ghe gặp nạn hay xác chết thì không ra giá tiền nong, ai cho bao nhiêu thì cho. Có khi được mấy triệu, nhưng cũng lắm lúc không có đồng nào. “Phần nhiều nhà nghèo thì mới chết trôi” - chú nói bình thản.

Xóm Bà Cậu là vậy, như lục bình trên sông, lâu lâu lại trổ hoa tím. Tôi cứ nhớ hoài hình ảnh đứa trẻ chừng lên mười, bồng nách đứa em chưa biết nói đi từ nhà này sang nhà khác bằng hai sợi dây. Một sợi nằm nước lâu năm rêu đóng xanh, một sợi giăng cao như dây sào, thành chiếc cầu nối giữa những ngôi nhà lênh đênh mang tên xóm Bà Cậu.

Người xóm không nhớ rõ gốc gác mình ở đâu, chỉ biết từ lâu, rất lâu, nhiều đời trước, dòng họ đã có “máu me” lang bạt kỳ hồ. Tránh đi chữ “nghèo”, người xóm tự hào rằng ông bà vì mê cảnh sông nước hữu tình nên sắm ghe, dọc theo Mê Kông mà rày đây mai đó. Vậy mà cũng “trôi” đến năm, sáu đời rồi. Người xóm cũng không kể về những đợt thảm sát “cáp duồn” ở xứ Biển Hồ. Họ bình thản kể rằng, một bữa vì nhớ quê quá, nên ông bà cắt dây neo, thả trôi theo dòng nước đổ về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Chỗ chôn nhau rốn họ nói, năm nẵm có lẽ còn là một cù lao rộng cả cây số vuông, nhưng dòng chảy đã ngoạm mất từ lâu, cuống rốn dòng họ chắc cũng đã hòa vào dòng phù sa sông mẹ. 

Vậy nên cả xóm mới neo lại nơi này, thà lênh đênh trên ghe nhưng vẫn không thôi rời đi nơi sinh quán. Những chiếc ghe mang danh ngôi nhà, rộng chừng hơn chục mét vuông, loay hoay đụng nồi niêu xoong chảo, những món đồ cũ kỹ chất đầy, những chỗ chắp vá bằng dầu chai, những mảnh gỗ trông thật mong manh mà nuôi sống cả một gia đình ba thế hệ. Những cây hành, cây ngò trồng trong cái nồi đất mẻ miệng để trước mũi ghe, đất rắn cọc còi, gió sông thổi ngả nghiêng tứ phía mà cây vẫn cứ xanh.

Hỏi những cụ già, sao không lên bờ mà sống, nghe tiếng cười: “Lên bờ tui sống không quen”. Mấy năm sau, lớp trẻ mới lại ra đời, mỗi lần đến là xóm Bà Cậu như đông đúc hơn nữa; những đứa trẻ lênh đênh không có tờ giấy lận lưng, đến tuổi đi học không cách nào đến lớp.

Một hôm, người ta di dời xóm Bà Cậu vào khu tái định cư, cho họ bớt khổ. Những ngôi nhà tình thương khang trang, rộng rãi; tụi trẻ được đến trường, người ta thấy an lòng. Nhưng ở đây không thể sống bằng nghề sông nước, nên những chuyến xe rời quê lên phố làm công nhân. Không có con chữ bẻ đôi nên thu nhập cũng bị bẻ đôi theo đó. Những người già ở nhà trông cháu, ngồi ngó ra đường chờ tiếng xe, đếm ngày cuối tháng để nhận tiền gửi từ phố về. Những mùa “giáp hạt” lại quanh quẩn, bởi cứ sắp tới “ba mươi” là hũ gạo lại cạn đáy.
Một bữa có cụ già dắt đám cháu rời bỏ ngôi nhà tường mới để về sông. Người già thiếu tiếng sóng ru đêm đêm, khắc khoải mất ngủ. Lủ khủ đồ đạc ra đến bến sông, nhìn những chiếc ghe năm nào là nhà, giờ nằm khô bụng trên bến, mà rớ tới đâu cũng nghe sự mục rã bời rời. Ngó về phía nhà thì đau đáu nhớ sông, mà ngó về phía sông thì mắt lại cay nồng nỗi niềm cơm áo. Đứng khựng lại hồi lâu, đám trẻ vọc nước đã đời, cụ hớp một ngụm nước sông rồi lại lủ khủ đi về. Dáng người còng queo như mớ ký ức lênh đênh bị hong khô lại. Về nhà mà sao nghe lòng nằng nặng, thấy như mình vừa mang từ sông về một nỗi hi vọng lớn lao dúi vào những con chữ i tờ mà đứa cháu vừa mang từ lớp học về gieo khắp ngôi nhà….

 

 

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận