Vấn nạn rác thải nhựa: Giới tâm lý học nhảy vào cuộc

CHIÊU VĂN 15/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Các biện pháp hành chính, đánh vào động cơ kinh tế, và cả các tiến bộ công nghệ, cho tới nay đã không chứng minh được hiệu quả thực sự trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đó là lúc giới tâm lý học nhảy vào cuộc.

Ảnh: sustainability-soapbox.com
Ảnh: sustainability-soapbox.com

Câu hỏi chính yếu “Tại sao người ta sử dụng đồ nhựa dùng một lần?” chỉ có thể được giải đáp thỏa đáng nhất bằng tâm lý học: vì nó tiện dụng (nó cũng rẻ tiền nữa, nhưng tiện dụng mới là điều quyết định, một khi đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quá rẻ). 

Trả lời câu hỏi đó chính là tìm ra giải pháp cho việc hạn chế hoặc ngưng dùng đồ nhựa: Nếu việc ngưng dùng đồ nhựa hay chấp nhận tái chế thường xuyên không thật tiện dụng, dễ dàng, người ta đơn giản sẽ không làm!

Những hành vi cần thay đổi

“Quyết định sống thân thiện với môi trường là một hành vi” - Brian Iacoviello, bác sĩ tâm lý học ở Trường Y Icahn, thuộc Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York, Mỹ, nói với The Huffington Post. “Rất giống việc tập thể dục hay ăn uống lành mạnh, người ta thường thực hiện những hành vi đó ít hơn hẳn so với họ lẽ ra nên thế”.

Một thăm dò của Ipsos năm 2011 cho thấy chỉ 1/2 những người trưởng thành ở Mỹ tái chế rác mỗi ngày và 13% thừa nhận họ không bao giờ tái chế rác.

Vì phần thưởng của việc không dùng rác thải nhựa (bảo vệ môi trường) và sự trừng phạt của việc cứ quăng túi nilông, ống hút, ly nhựa bừa bãi (môi trường ô nhiễm) không phải là tức thì, thật khó để người tiêu dùng gắn kết thói quen hằng ngày của họ với những hậu quả của thói quen đó.

“Đấy là một nghịch lý thực sự - Jessica Nolan, giáo sư tâm lý học ở Đại học Scranton (Mỹ), phân tích - Hành vi cá nhân quan trọng nhưng không để lại hậu quả tức thì”.

Nolan, từng làm nhiều nghiên cứu tâm lý học để khuyến khích hành vi thân thiện với môi trường cho các chính quyền địa phương ở Mỹ, cho rằng xác định những rào cản của cộng đồng với việc ngưng sử dụng đồ nhựa là bước quan trọng trước tiên để tăng sự tham gia.

Các cộng đồng và nhóm nhân khẩu học khác nhau có những rào cản khác nhau, nhưng từ cách tiếp cận tâm lý học hành vi, những lý do chính yếu khiến họ vẫn dùng đồ nhựa một lần bao gồm:

Đầu tiên, việc tái chế không tiện lợi, mất thời gian, hay quá tốn kém. “Rõ ràng nếu không có cơ sở hạ tầng cho việc ngưng dùng hoặc ít ra là tái chế đồ nhựa, ta không thể trông đợi mọi người tham gia vào một chương trình không tồn tại - Nolan nói - Chúng tôi biết qua các nghiên cứu rằng sự thuận tiện là chỉ dấu dự báo mạnh nhất với việc một người có tham gia việc tái chế và hạn chế dùng đồ nhựa hay không”.

Trong khi phí tổn (thời gian, tiền bạc, công sức) của việc không dùng đồ nhựa một lần là ngay lập tức, thì tác hại với môi trường lại không rõ ràng như thế, điều càng ảnh hưởng mạnh lên hành vi. Nolan đề nghị các giải pháp mang tính cấu trúc cho vấn đề này.

Lấy ví dụ, các đô thị có thể miễn phí hoặc thậm chí trả tiền cho việc thu gom rác tái chế được, lập các điểm chuyên thu gom rác tái chế, và bù đắp cho thâm hụt đó bằng cách thu thêm tiền các loại rác không phân loại sẵn, không tái chế được.

Rắc rối thứ hai, đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, là việc người tiêu dùng không ý thức nhiều về tái chế rác, đặc biệt là đồ nhựa, không rõ thứ gì là tái chế được, thứ gì không, không chắc chắn lợi ích của việc ngưng sử dụng đồ nhựa một lần là gì.

Với vấn đề này, Nolan đề nghị các biện pháp tăng cường nhận thức trong cộng đồng. Việc ấn định các khoản phạt, không cần quá lớn, với việc xả rác và không chịu tái chế rác cũng rất hiệu quả, với mục tiêu chính không phải là để tăng thu ngân sách hay trừng phạt người dân, mà là để nâng cao nhận thức.

Ở Mỹ, thành phố San Francisco đã nâng cao ý thức dân chúng rất nhiều sau khi khiến việc tái chế rác là bắt buộc, đồng thời phạt các cư dân, chủ tòa nhà hay doanh nghiệp không chịu phân loại rác, tái chế đồ nhựa và các chất liệu tổng hợp.

Ngày nay, San Francisco là thành phố có tỉ lệ tái chế từ bãi rác cao nhất nước Mỹ: gần 80% rác thải của thành phố được tái sử dụng, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn rác thải vào năm 2020.

Cuối cùng, không ít người tin rằng việc ngưng sử dụng đồ nhựa một lần hay tái chế không tạo ra được sự khác biệt, không quan trọng, hay có ưu tiên thấp. Bất chấp các bằng chứng khoa học cho thấy rác thải nhựa đang bóp nghẹt môi trường sống, vẫn có những người nghĩ khác, điều cho thấy có sự chênh lệch không nhỏ giữa tuyên truyền bảo vệ môi trường và đời sống thực.

“Người ta đơn giản là “quên” không tái chế, vì họ không nhận được đủ thông tin, và do đó coi hành vi dùng đồ nhựa một lần là vô hại, không để lại hậu quả gì” - Suparna Rajaram, giáo sư tâm lý học và giám đốc phòng thí nghiệm tâm lý ở Đại học Stony Brook (Mỹ), nói.

Rajaram cho rằng điều quan trọng không chỉ là tuyên truyền cách thức tái chế và hạn chế rác thải nhựa, mà còn là thông tin về việc các nỗ lực đó tác động trực tiếp lên cộng đồng họ sống ra sao.

Một vài ví dụ

Úc, một quốc gia 4 mặt là đại dương và mỗi năm thải ra hơn 13.000 tấn rác thải nhựa, đã cho thấy quyết tâm của họ chấm dứt vấn nạn này. Tháng 6-2018, chính quyền công bố một nghiên cứu về ngành rác thải và tái chế ở Úc, trong đó có một khuyến nghị là nước này sẽ chấm dứt hẳn việc dùng đồ nhựa một lần vào năm 2023.

Điều này đồng nghĩa với sự chuyển đổi mạnh mẽ về mặt xã hội, vì cho tới giờ, việc dùng đồ nhựa là hết sức phổ biến ở Úc. Ban đầu, các giải pháp công nghệ đã được tính tới, từ việc dùng các sản phẩm “nhựa thân thiện môi trường” làm từ thực vật, cải thiện công nghệ tái chế, cho tới sử dụng một loại sâu ăn đồ nhựa.

Nhưng các giải pháp đó đều chậm và đắt đỏ, chưa kể những tác dụng phụ với môi trường. Trên thực tế, hiện đã có rất nhiều phương án thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, thách thức là ở chỗ làm sao thay đổi hành vi của người sử dụng.

Nghiên cứu năm 2018 của Kim Borg, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm lý học hành vi tại Viện phát triển bền vững Monash, Đại học Monash, Melbourne, cho thấy việc đơn giản cung cấp thông tin qua các chiến dịch nâng cao nhận thức khó có khả năng thay đổi hành vi. Truyền thông và các chiến dịch tuyên truyền có thể nâng cao độ dễ thấy của vấn đề nhưng không thể trực tiếp tác động lên hành vi.

Để thay đổi hành vi, Borg đề nghị phải trao quyền thật sự cho các cá nhân, tạo ra cảm giác rằng sự thay đổi hành vi của mỗi người sẽ thực sự làm thay đổi vấn nạn rác thải nhựa. Một đề xuất của Borg là tạo động lực cho tái chế bằng những khoản khuyến khích tài chính nhỏ hợp tác công - tư: nhiều quán cà phê ở Ireland chẳng hạn, giảm giá chút ít cho khách hàng mang theo cốc sử dụng nhiều lần.

Việc khuyến khích các hãng bán lẻ thay đổi tình thế “sự đã rồi” hiện nay - túi nilông khắp nơi - cũng rất quan trọng. Ở đây, có thể thấy một động thái mang tính tâm lý học hành vi rất rõ ràng tại Nhật Bản: Tỉ lệ từ chối túi nhựa ở nước này tăng lên 40% chỉ 6 tháng sau khi những người tính tiền đơn giản là hỏi người mua có muốn lấy túi nhựa không, thay vì nghiễm nhiên đưa cho họ như trước.

Kiểu thay đổi hành vi này có thể áp dụng cho nhiều việc khác. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng đồ uống của bạn sẽ không có ống hút trừ khi bạn yêu cầu (vẫn miễn phí). Lợi ích của sự điều chỉnh tinh tế này là nó làm giảm rác thải nhựa, trong khi đồng thời tránh được những hậu quả không mong đợi của việc cấm một sản phẩm bằng biện pháp hành chính.

Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia thay đổi hành vi người dùng. Ở Freiburg, Đức, một công ty chuyên sản xuất ly cà phê nhựa, hợp tác với 100 cửa hàng đồ uống mở một chương trình rất thông minh: Với 1 euro thế chân, khách hàng có thể mang ly nhựa của họ đi như bình thường, sau đó trả lại ở một tiệm cà phê tham gia chương trình thuận tiện nhất với họ, và nhận lại 1 euro của mình.

Tiệm cà phê sau đó sẽ rửa sạch ly để dùng lại. Bằng cách đó, những ly nhựa này có thể được dùng đi dùng lại tới 400 lần.

Một chương trình tương tự với tên gọi rất dễ thương, “Boomerang Bags” (túi đựng hàng boomerang), được triển khai ở Úc, nay đã lan ra toàn thế giới. Chương trình cho phép các cộng đồng khắp nơi chia sẻ những túi đựng hàng siêu thị dùng nhiều lần khi ở các siêu thị thường xảy ra tình trạng người nhớ kẻ quên mang theo túi.

Dự án này tới nay đã thu hút được 860 cộng đồng tham gia trên toàn thế giới, ước tính giúp giảm bớt 62.000kg rác thải nhựa, theo trang chủ boomerangbags.org.

Những chiếc túi đi chợ, đựng hàng siêu thị nhiều lần trong chương trình Boomerang bags.

Tất nhiên, sẽ không có một giải pháp nào là phù hợp cho mọi tình huống, nhưng cuộc chiến chống rác thải nhựa đã tới lúc phải chuyển từ giai đoạn tuyên truyền sang hành động thật sự, và những giải pháp đã nêu, dựa trên tâm lý học hành vi tiêu dùng, đều có tính gợi mở rất tốt với mọi quốc gia và hoàn cảnh.■

Trái đất hiện có khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa; trong đó, 6,3 tỉ - tức gần 80% - là rác thải. Rác thải nhựa không được tái chế ở các bãi rác mỗi năm trên toàn cầu có trị giá ước tính 80-120 tỉ USD. 

Ngoài nỗ lực từ chính quyền, doanh nghiệp và từng cá nhân, cũng đã có những lời kêu gọi các lãnh đạo tôn giáo nhập cuộc.

Lấy ví dụ, nếu trong kỳ hành hương tới Mecca hằng năm, 2,3 triệu tín đồ Hồi giáo không sử dụng đồ nhựa, tác động sẽ là cực kỳ lớn. Tương tự là với tháng chay Ramadan. 

Nhưng còn quan trọng hơn việc giảm rác thải là hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng Hồi giáo, hiện chiếm 1/4 dân số thế giới.

Ở Ấn Độ, nơi có hơn 1 tỉ người theo Ấn giáo, nhiều đền thờ trên cả nước đã tham gia chương trình không còn rác thải nhựa trong khuôn viên thờ tự. 

Riêng trọng lễ Kumbh Mela của Ấn giáo, vốn thu hút hơn 100 triệu tín đồ ở Allahabad trong một giai đoạn kéo dài 2 tháng, nếu đồ nhựa không được sử dụng, 100 triệu chai nhựa, tương đương 1.300 tấn rác thải, sẽ không cần đưa tới bãi rác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận