Vào rừng thăm trâu

VŨ ĐÌNH KHÁNH 14/08/2013 20:08 GMT+7

TTCT - Năm 2005, khi những cánh đồng ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, được chuyển đổi mục đích canh tác từ trồng lúa sang trồng cà phê, rau và hoa, đàn trâu của đồng bào người Lạch ở đây không còn cày kéo nữa mà được thả vào rừng.

Phóng to
Đàn trâu nhà Liêng Hop Ber

Ông Cil Kwuyên, 56 tuổi, ở xã Lát, Lạc Dương, gắn bó với sự thăng trầm của đàn trâu ở đây. Từ năm 1980-1985, ông đi mua trâu trong khu vực và chở xuống TP.HCM bán cho Công ty Lương thực miền Nam. Trâu vùng này có tiếng thịt ngon nên luôn được ưu tiên cho vào mổ trước.

Nức tiếng trâu Lạc Dương

Ông vẫn còn nhớ cảnh thương lái đến từ các vùng khác hậm hực với ông vì dù họ đến trước và phải xếp hàng chờ, nhưng xe chở trâu của ông vẫn được gọi vào mổ thịt trước. “Nếu so sánh hai con trâu cùng tuổi, dáng vẻ bên ngoài bằng hoặc trâu Lạc Dương có nhỏ hơn đi chăng nữa, khi lên cân trâu Lạc Dương bao giờ cũng nặng ký hơn. Thịt trâu ở các vùng khác khi để sẽ bị dĩnh nước ra nhiều, còn thịt trâu Lạc Dương thì lượng nước dĩnh ra không đáng kể” - Cil Kwuyên giải thích lý do trâu Lạc Dương luôn được ưu ái mổ thịt trước.

Cũng nhờ đi buôn trâu, Cil Kwuyên gom được một số vốn để gầy dựng đàn trâu của mình, từng có lúc lên đến gần 70 con. Trâu Lạc Dương không những thịt ngon mà cày cũng rất giỏi. Năm 2002, nhà ông có bảy cặp trâu cày cho khoảng 6 mẫu ruộng trong thời gian từ giữa tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. “Chúng có thể nghe theo hiệu lệnh mà đi các đường sát bờ, đường vuông góc rất chuẩn, thậm chí mình nói ba bước là nó bước ba bước, một bước là nó bước một bước” - ông kể.

Theo kinh nghiệm của người nuôi, trâu tốt cần đáp ứng nhiều yếu tố. Đầu tiên là các xoáy: hai xoáy đối xứng ở dưới vai, hai đùi và xoáy ở giữa sống lưng, nếu lệch thì không tốt. Trâu có xoáy ở cổ sẽ là con trâu uống nước nhiều, hay ăn vặt nên sẽ không cày tốt. Con trâu nếu hai chân thẳng hoặc khuỳnh ra thì sẽ cày khỏe, ngược lại nếu hai chân hóp vào hoặc di chuyển mà hai chân chạm nhau sẽ là con trâu yếu. Tuy nhiên, đó chỉ là cách chọn trâu trước đây khi trâu còn được sử dụng để lấy sức kéo. Bây giờ trâu ở vùng này chỉ nuôi lấy thịt.

Đến chân núi Lang Biang, hỏi nhà Krajan Hai, chúng tôi được dẫn vào một ngôi nhà gỗ theo nguyên mẫu nhà dài truyền thống của người Lạch. Ông năm nay đã hơn 70 tuổi mà vẫn nhanh nhẹn, hóm hỉnh. Người Lạch theo chế độ mẫu hệ, vì thế phụ nữ sẽ là người đi hỏi chồng, mà nói theo Krajan Hai là “mua ông chồng”, nhưng không phải mua bằng vàng bạc mà bằng trâu.

Thời của Krajan Hai, mỗi ông chồng được mua bằng một con trâu, nhưng Krajan Hai thì “được giá” tới năm con bởi ông viết được tiếng Kinh, nói được tiếng Pháp và tiếng Anh. Chính vì phải “mua ông chồng” bằng trâu nên nhà nào có con gái cũng phải lo nuôi và gầy dựng đàn trâu của mình càng nhiều càng tốt.

Năm 2000, một con trâu trưởng thành có giá trung bình 5-6 triệu đồng. Hồi đó Cil Kwuyên tích cóp được một số tiền và bán thêm 23 con trâu, được hơn trăm triệu đồng để cất ngôi nhà khang trang. Từ đó đến nay, hễ có chi tiêu lớn là ông lại bán trâu. Nay giá một con trâu cái loại A vào khoảng 25-30 triệu đồng, một con trâu đực 5 tuổi trên 30 triệu đồng. Chính vì giá cao nên chỉ những dịp lễ tết đặc biệt, người dân mới dám thịt trâu.

Phóng to
Cil Kwuyên, người gắn bó với sự thăng trầm của đàn trâu ở xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng

Tự sinh, tự dưỡng

Trâu Lạc Dương nổi tiếng, nhưng nổi tiếng hơn cả là trâu xã Lát vì đàn đông và thịt thơm ngon hơn hẳn: thịt mềm, da mỏng và hầu như không bèo nhèo. Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi theo chân Liêng Hop Ber vào rừng thăm đàn trâu. Kể từ năm 2005, trâu nhà Ber hợp với vài nhà trong xã được thả thành đàn trong rừng, cứ thế chúng tự sinh, tự dưỡng cho đến nay. “Trâu là trâu của mình, nhưng nuôi thì rừng nuôi” - Ber cười nói.

Khu rừng mà đàn trâu ở trải rộng từ thôn Măng Linh (P.7, TP Đà Lạt) đến thôn Đạ Nghịt, thôn Păng Tiên (xã Lát, Lạc Dương), cách nhà Ber hơn chục cây số. Gặp hôm trời mưa nên đàn trâu rút vào sâu trong rừng để tránh lạnh, chúng tôi phải lần theo dấu chân trâu mà tìm. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một bãi sình rộng chừng 20m2 ở ngay đỉnh đồi, Ber cho biết đây là nơi trâu về tắm. Trước nơi này chỉ là một hố nhỏ, nhưng đàn trâu tắm và cọ sừng nhiều nên bãi ngày càng rộng ra. Từ bãi này, chúng tôi men theo dấu chân trâu, chừng hơn một tiếng sau thì tìm được đàn trâu.

Đàn trâu có khoảng 30 con lớn nhỏ. Thấy động, chúng ngưng ăn, hướng mắt về phía người dè chừng. Sau một lúc “do thám” thái độ của người, đàn trâu quây thành vòng tròn, những con trưởng thành đứng ở vòng ngoài, con nhỏ bên trong. “Đó là cách chúng bảo vệ lẫn nhau khi thấy có sự nguy hiểm” - Ber nói.

Phóng to
Một phần cánh đồng của xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã được chuyển đổi mục đích sang trồng cà phê, rau, hoa từ năm 2005. Kể từ đó đàn trâu được thả vào rừng

Bí ẩn cỏ tơrñăng

Theo lời của Ber, trâu thả trong rừng lâu nên rất dữ, chúng tôi chỉ đứng ở xa quan sát. Trong làng có vài người “nói chuyện” được với trâu. Mỗi con đều được đặt tên. Khi đi thăm trâu, họ mang theo muối, gọi tên con đầu đàn, chúng sẽ nhớ tên, nhớ chủ mà bớt hung hãn rồi để người lại gần. Người thăm trâu sẽ vãi muối ra cỏ cho đàn trâu ăn, xoa đầu rồi “dặn dò” con đầu đàn phải ngoan ngoãn, hiền lành. Tuy nhiên, càng về sau thì đàn trâu càng hung hãn và khó gần hơn.

Người dân xã Lát cho rằng sở dĩ trâu ở đây dữ như vậy là do chúng ăn cỏ tơrñăng, một loại cỏ chỉ có ở vùng Măng Linh, Đạ Nghịt, Păng Tiên. Ber kể khi trâu đánh nhau, con bị thua sẽ rất nhát nhưng nếu cho ăn cỏ tơrñăng, nó có thể vùng lên đánh tiếp với con trâu thắng. Loại cỏ này cũng có thể là nguyên nhân giúp trâu ở đây to hơn và thịt ngon hơn hẳn các vùng khác.

Cil Kwuyên từng kiểm nghiệm điều này: ông mua hai con trâu từ vùng khác về nhập đàn, hai con trâu này nhỏ hơn những con khác trong đàn, nhưng khi chúng đẻ con, con chúng sinh trưởng ở đây thì to và khỏe hơn mẹ.

Để trâu bớt dữ, cứ tháng 2, tháng 3 hằng năm dân làng lùa đàn trâu về tiêm phòng và giữ lại chăm sóc một thời gian. Để lùa được một đàn trâu cần hơn chục người. Đàn trâu di chuyển liên tục để tìm những vùng cỏ mới nên có khi phải tìm cả mấy ngày trời mới thấy để lùa về.

Theo thống kê của xã Lát, hiện ở đây có khoảng 700 con trâu, chia thành nhiều đàn. Bệnh dịch đáng ngại nhất của trâu là bệnh tụ huyết trùng, mỗi khi bệnh này bùng phát là đàn trâu của xã lại sụt giảm đáng kể. Năm 1986, dịch bệnh này làm chết phân nửa đàn trâu. Nhà Cil Kwuyên có 60 con thì chết đến 30 con. Tháng 2-2012, cả xã có hơn 1.200 con nhưng phần vì dịch, phần vì dân làng bán bớt nên hiện còn 700 con.

Điều đặc biệt là dù thả rông trong rừng nhưng trâu hầu như không bị mất, cũng không có ai nhầm lẫn trâu nhà mình với trâu nhà khác. Cil Kwuyên lý giải: “Mỗi con trâu đều có một nét mặt riêng, màu lông, hình dáng sừng và đặc tính riêng, giống như người vậy, sao mà nhầm được”.

Quả đúng con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhờ đàn trâu mà người dân ở đây có cuộc sống khấm khá hơn. Trâu làm thịt trong những dịp lễ tết, mừng thọ; trâu giúp người làm nhà, mua xe, mua sắm tiện nghi trong gia đình; trâu giúp con cái học hành. Ngày cuối cùng của tháng 7, Liêng Hop Đuk, 39 tuổi, vui vẻ dẫn hai con ra Đà Lạt mua quần áo, sách vở, chuẩn bị cho năm học mới.

Năm nay đứa lớn lên lớp 9, đứa nhỏ vào lớp 2. Nhờ có đàn trâu mà việc ăn học của hai con được san sẻ phần nào. “Bán một con trâu là cũng đủ lo rồi, khỏe lắm” - Liêng Hop Đuk cười vui.

Theo Báo cáo kết quả phát hiện nguồn gen vật nuôi tiềm ẩn tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và phát triển cộng đồng, trong quá trình điều tra nhóm thực hiện đã phát hiện giống trâu do đồng bào dân tộc thiểu số đang nuôi trong vùng có những đặc điểm khác với các giống trâu đã có trong Atlat các giống vật nuôi ở Việt Nam. Cụ thể, trâu có tầm vóc lớn ngang với trâu Mura.

Theo người địa phương, đây là giống trâu Lang Biang, có tầm vóc rất lớn so với các giống trâu ở các địa phương khác. Trong đợt điều tra vào tháng 9-2008, có những cá thể cái nặng 874kg (vòng ngực 223cm, chiều cao thân 139cm). Trâu có đặc điểm cổ dài và nhỏ, sừng cong hình cánh cung và dài, chân to và ngắn, mông nở, có 2-3 vòng trắng dưới cổ rất dễ nhìn, mặt và mắt có nhiều điểm trắng.

Nhóm thực hiện cũng đã kiến nghị lập kế hoạch bảo tồn giống trâu Lang Biang theo hướng tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Tùng, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, cho biết nhu cầu bảo tồn đàn trâu là rất cao, nhưng địa phương vẫn đang kẹt ở khâu tìm nguồn vốn. Tính đến tháng 7-2013, đàn trâu của huyện có tổng số 3.140 con.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận